Hướng dẫn

Với câu hỏi phân tích ý nghĩa nhan đề tác phẩm Chiếc thuyền ngoài xa, người làm bài cần xác định đó là chiếc thuyền lưới vó xuất hiện buổi sớm trên biển đầy sương hay chiếc thuyền trong bức ảnh mà Phùng chụp được về chính cái cảnh ấy. Xác định được điều này có vai trò quan trọng trong việc nắm bắt những gợi mở từ nhan đề của truyện. Phải giải thích ý nghĩa ù. hai từ “ngoài xa” trong ngữ cảnh này để hiểu chủ ý sâu kín mà tác giả muốn gửi gắm.

Bức ảnh là chi tiết có mặt ở cuối tác phẩm (treo trong phòng làm việc của Phùng, nhiều lần anh ngắm lại và có nhửrtg cảm nhận lạ). Để lí giải ý nghĩa của chi tiết này, cần liên hệ với bối cảnh chụp bức ảnh và trạng thái tâm lí của người nghệ sĩ trong giây phút sáng tạo đó.

Bài viết có thể triển khai các ý chính sau:

– Ý nghĩa nhan đề tác phẩm:

+ Sở dĩ truyện ngắn này của Nguyễn Minh Châu có tên là Chiếc thuyền ngoài xa trước hết bởi có hình ảnh chiếc thuyền xuất hiện trong khung cảnh mà truyện miêu tả. Đó là một buổi sáng tháng bảy ở một vùng biển miền Trung, trên làn sương mờ ảo, xuất hiện một chiếc thuyền lưới vó. Trong mắt của người nghệ sĩ nhiếp ảnh, đó là một cảnh như trong mơ, không mấy khi gặp được. “Ngoài xa” là từ chỉ khoảng cách. Có thể đó là khoảng cách từ người quan sát (Phùng) tới chiếc thuyền trên biển đầy sương kia. Cũng có thể đó là cảm giác xa xôi được tạo nên bởi vẻ đẹp huyền ảo, như thực như mơ.

+ Nhan đề Chiếc thuyền ngoài xa còn phát lộ ý nghĩa khi gắn với chi tiết bức ảnh ở cuối truyện. Trên tường của phòng làm việc, Phùng vẫn treo bức ảnh mà anh đã chụp được từ cảnh đẹp vừa nói trên đây. Dĩ nhiên, trong bức ảnh đó có hình ảnh chiếc thuyền, và có cảm giác chiếc thuyền ấy rất xa, không chỉ xa về khoảng cách vật lí mà còn xa về khoảng cách tâm lí. Gắn với chi tiết này, phải chăng nhan đề tác phẩm hàm chứa ý nghĩa: nghệ thuật và cuộc sống bao giờ cũng có khoảng cách. Đặc biệt với thứ nghệ thuật chỉ đi tái hiện cái vẻ đẹp bề ngoài, nghệ thuật thi vị hoá thực tại thì khoảng cách đó càng xa vời.

– Ý nghĩa của chi tiết bức ảnh:

+ Chi tiết bức hình xuất hiện ở cuối tác phẩm Chiếc thuyền ngoài xa, nhưng ý nghĩa của nó không tách rời bối cảnh mà nó ra đời. Nhận lệnh về vùng biển một tỉnh miền Trung chụp bức ảnh tháng bảy có sương cho một bộ ảnh lịch nghệ thuật, Phùng hăm hở lên đường. Dày công “phục kích” mấy ngày, Phùng đang thất vọng vì không có cảnh nào ưng ý thì bỗng một sáng tinh sương, trên nền sương mờ đục, xuất hiện “một chiếc thuyền lưới vó”, như chấm phá lên nền trời một “bức tranh mực tàu của một danh hoạ thòi cổ”. Cái cảnh rất “đắt” ấy đã phô ra vẻ đẹp tạo hình “đơn giản” mà “toàn bích”, “toàn thiện”. Nó khơi dậy ý niệm về đạo đức, về cái thiện trong vẻ đẹp nghệ thuật. Đoạn văn miêu tả niềm hạnh phúc của nghệ sĩ Phùng khi anh chụp được bức ảnh tuyệt đẹp là một đoạn văn giàu ý vị, thể hiện sự am hiểu của Nguyễn Minh Châu về một loại hình nghệ thuật. Quả là nghệ thuật nhiếp ảnh nhiều lúc nhờ sự “ăn may” như một cơ hội trời cho. Nhưng sự ăn may chỉ đến với ai nhạy cảm bởi sự trau dồi công phu và bản lĩnh nghệ thuật cao cường. Cái đẹp khách thể chỉ thực sự được phát hiện bởi người nghệ sĩ có “con mắt xanh”. Chi tiết này khiến ta nghĩ đến bức kí hoạ người lính thồ tranh – một tác phẩm để đời mà người hoạ sĩ bất ngờ có được trong truyện ngắn Bức tranh của chính tác giả.

+ Tuy nhiên, lồng trong câu chuyện về một gia đình làng chài khốn khổ, chi tiết bức ảnh khiến ta nghĩ về mối quan hệ giữa nghệ thuật và cuộc sống. Đây không phải là điều mới mẻ gì trong lí luận văn nghệ, nhưng luôn là nỗi day dứt đối với những nghệ sĩ chân chính. Nguyễn Minh Châu là một trong số đó. Ở ông, người đọc đã nhiều lần bắt gặp những suy tư về trách nhiệm của người cầm bút trước sự thật cuộc đời. Viết Chiếc thuyền ngoài xa, thêm một lần nữa nhà văn thể hiện tư tưởng của mình về vấn đề này. Bức ảnh ghi lại vẻ đẹp hài hoà đến mức lí tưởng của chiếc thuyền trong sương sớm và sự thức nhận của người nghệ sĩ về “cái chân lí của sự toàn thiện, khám phá thấy cái khoảnh khắc trong ngần của tâm hồn” bằng nghệ thuật, tương phản bất ngờ với sự tàn bạo, man rợ cũng như nỗi đau khổ tận cùng của những con người bước ra từ chính chiếc thuyền ấy, phải chăng đã nói lên cái khoảng cách muôn thuở giữa nghệ thuật và cuộc sống? Có phải bức ảnh kia đã biểu hiện cái giới hạn tất yếu của một thứ nghệ thuật? Hay cái đẹp cao cả của nghệ thuật có thể đánh thức những cảm xúc thánh thiện của tâm hồn, nhưng nó vẫn cứ xa cách và bất lực trước cái thực tế trụi trần, nham nhở của những kiếp nhân sinh? Hay nghệ thuật dù kì diệu đến đâu cũng khó mà ôm trùm được mọi khía cạnh phức tạp, đa chiều của muôn mặt cuộc đời? Tác phẩm khép lại với cảm xúc của người nghệ sĩ trước sản phẩm sáng tạo của mình, xác nhận sức sống lâu bền của một tác phẩm nghệ thuật có giá trị, đồng thời cũng xác nhận một sự thật cay đắng: những mảng tối của hiện thực, nỗi bất hạnh của những kiếp người đã vượt ra ngoài sức ôm chứa của mọi khuôn hình nghệ thuật. Sự thật này dĩ nhiên chỉ những nghệ sĩ thực sự dấn thân trong sáng tạo, trung thực, nghiêm khắc với bản thân, đặt cuộc sống cao hơn nghệ thuật, và nhất là luôn ý thức được giới hạn của nghệ thuật mới có thể thấm thìa sâu sắc.

Bài viết gợi ý: