Trong lời đề tựa cho vở kịch Vũ Như Tô, Nguyễn Huy Tưởng có viết: “Cầm bút chẳng qua cùng một bệnh với Đan Thiềm”. Bằng những hiểu biết của anh (chị) về vở kịch, hãy giải thích “bệnh Đan Thiềm”. Theo anh (chị), Đan Thiềm giống với một nhân vật nào trong số những truyện ngắn sáng tác trước năm 1945 mà anh (chị) đã được học? Giải thích sự tương đồng đó.
Trả lời
– Vài nét về tác giả – tác phẩm:
+ Nguyễn Huy Tưởng là gương mặt quan trọng của văn học Việt Nam hiện đại. Sự nghiệp sáng tác của ông kéo dài từ những năm bốn mươi đến những năm năm mươi của thế kỉ XX. Ông nổi tiểng là một nhà viết kịch và một tác giả tiểu thuyết chuyên viết về đề tài lịch sử. Đặc biệt, ông là một trong số không nhiều những tác giả kịch nói xuất sắc của văn học Việt Nam hiện đại.
+ Vũ Như Tô là vở bi kịch lịch sử xuất sắc nhất trong sự nghiệp sáng tác của Nguyễn Huy Tưởng và cũng là vở bi kịch xuất sắc nhất của nền kịch nói Việt Nam hiện đại. Tác phẩm được viết trước Cách mạng, được xây dựng từ nhiều yếu tố có thật trong lịch sử. Từ một câu chuyện chỉ xuất hiện thoáng qua trong chính sử, Nguyễn Huy Tưởng muốn khái quát hoá thành những vấn đề vô cùng lớn lao của con người nói chung: nghệ sĩ và nhân dân, cái đẹp vĩnh cửu, muôn đời, vĩ đại với những lợi ích thiết thực, trước mắt.
– Vẻ đẹp của nhân vật Đan Thiềm:
+ Đan Thiềm là một cung nữ của Lê Tương Dực. Bà là một cung nữ có nhân cách cao cả, khác hẳn với những cung nữ, phi tần khác của Lê Tương Dực. Điều đó thể hiện qua sự đối lập giữa Đan Thiềm và Kim Phượng. Kim Phượng sẵn sàng dùng nhan sắc mê hoặc quân nổi loạn chỉ để cầu được sống thì Đan Thiềm sẵn sàng đón nhận cái chết và giữ một tư thế đàng hoàng, đĩnh đạc trước quân nổi loạn. Bà chỉ cầu xin cho Vũ Như Tô được sống vì tiếc cho đất nước một tài năng.
+ Đan Thiềm là người sáng suốt. Trong đối thoại với Vũ Như Tô ở đoạn trích Vĩnh biệt Cửu Trùng Đài, Đan Thiềm là người hiểu thấu tình thế tuyệt vọng của Vũ Như Tô. Vũ Như Tô ngơ ngác không hiểu mình làm gì nên tội nhưng Đan Thiềm sáng suốt, hiểu thấu mọi sự, hiểu được sự mù quáng của dân chúng.
+ Mối quan hệ đặc biệt giữa Đan Thiềm và Vũ Như Tô, như chính Vũ Như Tô nói, đó là mối quan hệ giữa những người tri kỉ. Đan Thiềm hiểu thấu tài năng của Vũ Như Tô, trân trọng tài năng của ông, thấu hiểu cả sự cao cả trong mục đích muốn tô điểm cho đất nước của ông. Bà hiểu rõ tài năng ấy sẽ làm rạng danh cho đất nước. Bà là người duy nhất đồng cảm, thấu hiểu, trân trọng khát vọng sáng tạo chân chính của Vũ Như Tô. Nhưng cũng chính vì trân trọng tài năng của Vũ Như Tố, tiếc tài năng của Vũ Như Tô, đồng thời cũng vì hiểu rõ khát vọng sáng tạo của Vũ Như Tô khó có thể thực hiện được bằng những phương cách thông thường nên Đan Thiềm đã phạm phải một sai lạm là khuyên Vũ Như Tô chấp nhận xây Cửu Trùng Đài. Hành động đó xuất phát từ viếc bà lo sợ nếu Vũ Như Tô không chấp nhận xây Cửu Trùng Đài cho Lê Tương Dực, ông sẽ phải nhận án chém và đất nước mãi mãi sẽ mất đi một thiên tài. Động cơ của hành động đó là đúng đắn nhưng bản thân hành động đó là một sai lầm.
– “Bệnh” Đan Thiềm có lẽ là căn bệnh của những con người đối lập với hoàn cảnh, bị đẩy vào một hoàn cảnh đen tối, nhìn thấu lẽ đời, hiểu rõ cái xấu của thực tại và vì thế, liên tài, mê đắm người tài hoa, trân trọng tài năng. Hiểu rõ cuộc đời, hiểu rõ những mâu thuẫn của cuộc đời nhưng lại trân trọng tài năng nên người như Đan Thiềm dễ phạm phải sai lầm (điển hình là hành động khuyên Vũ Như Tô cộng tác với Lê Tương Dực). Đó là một hành động vô vọng bảo vệ một điều tốt đẹp không thể nào tồn tại được trong một thực tế đen tối. Người cầm bút phải chăng cũng cùng bệnh với Đan Thiềm là có con mắt sáng suốt lẽ đời, hiểu thấu cuộc đời, đồng thời lại nhìn thấy được những điều tốt đẹp, tiếc cho những điều tốt đẹp và vì thế nên có thể phạm phải những sai lầm như Đan Thiềm?
– Nhân vật Đan Thiềm có thể so sánh với nhân vật quản ngục trong Chữ người tử tù của Nguyễn Tuân. Đó đều là những nhân cách tốt đẹp, đối lập với hoàn cảnh, những con người có tấm lòng “biệt nhỡn liên tài”, sẵn sàng hi sinh cả tính mạng vì những giá trị tốt đẹp mà mình trân trọng.