ĐỀ THI THỬ THPTQG NĂM 2019
CHUẨN CẤU TRÚC CỦA BỘ GIÁO DỤC – ĐỀ 2
Môn thi: NGỮ VĂN
Thời gian làm bài: 120 phút, không kể thời gian phát đề
Họ, tên thí sinh: .......................................................................
Số báo danh: ............................................................................
I. ĐỌC - HIỂU (3,0 điểm)
Đọc đoạn trích sau và trả lời các câu hỏi từ Câu 1 đến Câu 4:
Chúng tôi có một kế hoạch kinh tế rất lớn. Chúng ta sẽ tăng gấp đôi tốc độ tăng trưởng hiện tại và trở thành nền kinh tế mạnh nhất thế giới. Đồng thời chúng ta sẽ đi cùng với những quốc gia sẵn sàng ủng hộ chúng ta. Chúng ta sẽ có được những mối quan hệ tuyệt vời. Không có ước mơ nào là quá lớn, không có thử thách nào là quá khó. Không có gì thuộc về tương lai chúng ta muốn chạm tới mà chúng ta không thể thực hiện được.
Nước Mĩ sẽ không chấp nhận những gì mà không phải là tốt nhất. Chúng ta phải đòi lại số phận của nước ta và có những ước mơ lớn, táo bạo và liều lĩnh. Chúng ta phải làm điều đó. Một lần nữa, chúng ta sẽ mơ về những điều đẹp đẽ, thành công cho đất nước.
(Trích Bài phát biểu nhận chức Tổng thống Mĩ của Donal Trum, 09 – 11 – 2016)
Câu 1: Xác định phương thức biểu đạt chính của văn bản trên?
Câu 2: Lời phát biểu của Donal Trum đã đặt ra những mục tiêu gì cho nước Mĩ trong tương lai?
Câu 3: Nêu nội dung chính của lời phát biểu trên?
Câu 4: Anh (chị) hiểu như thế nào về câu nói: “Không có ước mơ nào là quá lớn, không có thử thách nào là quá khó?
II. LÀM VĂN (7,0 điểm)
Câu 1 (2,0 điểm): Anh (chị) hãy viết một đoạn văn (khoảng 200 chữ) bàn luận về vấn đề nêu ra trong đoạn trích: “Không có gì thuộc về tương lai chúng ta muốn chạm tới mà chúng ta không thể thực hiện được”.
Câu 2 (5,0 điểm): Viết về cảm xúc trong thơ, nhà phê bình Hoài Thanh từng có ý kiến:
“Dòng cảm xúc quá chừng sôi nổi khiến cho câu chữ không thể đi theo những đường viền có sẵn, ý thơ xô đẩy làm cho khuôn khổ câu thơ cũng phải lung lay”.
Bằng việc cảm nhận bài thơ Sóng của Xuân Quỳnh, anh (chị) hãy bình luận ý kiến trên. Từ đó liên hệ với bài thơ Tự tình (bài II) (Ngữ văn 11, Tập một, NXB Giáo dục Việt Nam) của Hồ Xuân Hương và đoạn trích Trao duyên (Ngữ văn 10, Tập hai, NXB Giáo dục Việt Nam) để nhận xét về quan niệm tình yêu.
-------------------- HẾT --------------------
HƯỚNG DẪN GIẢI CHI TIẾT
I. ĐỌC-HIỂU (3,0 điểm)
Câu 1: - Phương thức biểu đạt chính là nghị luận.
Câu 2: - Mục tiêu là đưa nước Mĩ trở thành nền kinh tế mạnh nhất trên thế giới.
Câu 3: Nội dung chính:- Thể hiện khát vọng và nỗ lực thực hiện khát vọng của nước Mĩ.
Câu 4: - Khẳng định ý chí, nghị lực của con người khi thực hiện ước mơ và mục tiêu đã đặt ra.
II. LÀM VĂN (7,0 điểm):
Câu 1: (2,0 điểm)
A. Về kĩ năng
- Biết viết một văn bản nghị luận xã hội với độ dài đúng quy định.
- Bài viết có bố cục chặt chẽ; lập ý sáng tạo; vận dụng linh hoạt các thao tác lập luận: giải thích, phân tích, chứng minh, bình luận..., hành văn mạch lạc, trôi chảy, có cảm xúc; không mắc lỗi dùng từ, chính tả.
B. Về kiến thức
Bài làm có thể trình bày theo nhiều cách khác nhau nhưng cần đảm bảo các ý sau:
1. Giải thích
- Từ “tương lai” là mơ ước, dự định, mục đích, là cái đích của ước mơ, là thành công mà con người đang hướng tới. Khái quát lại vấn đề qua câu nói: Khẳng định con người có thể hoàn toàn đạt được ước mơ, mục đích nếu kiên trì, nỗ lực.
2. Phân tích
- Tầm quan trọng của ước mơ đối với sự thành công của mỗi con người trong cuộc sống.
- Cần phải làm gì để thực hiện ước mơ. (HS lấy dẫn chứng).
- Ước mơ phải đúng đắn, phù hợp với khả năng, phải có hành động đúng mới có ý nghĩa.
- Không nên ước mơ viển vông xa với thực tế.
3. Bài học nhận thức
- Mỗi người cần biết xây dựng cho mình những ước mơ phù hợp, cao đẹp và biết hành động đúng đắn để biến ước mơ thành hiện thực.
Câu 2: (5,0 điểm)
1. Mở bài
- Giới thiệu vấn đề nghị luận
+ Lãng khách cất bước ra đi trên con đường mịt mù gió bụi... Đôi chân nàng phiêu du như làn gió, đôi tay nàng ôm trọn hồn nước mây và đôi mắt nàng rực rỡ như muôn vì tinh tú quyện hòa. “Cũng là một nữ hoàng thơ ca, một khách nữ tài hoa nhưng hồn hậu, chân thành và đằm thắm trong đời thường” (Nguyễn Thành Huân), Xuân Quỳnh tựa như một lãng khách dừng bước chân trên con đường thi ca Việt Nam. Ghé lại nghỉ ngơi, rồi yêu, rồi gắn bó với thi ca lúc nào mà không hay. Để rồi trong phút trải lòng trước con sóng vô tận của tự nhiên, một chân trời riêng, một biên cương riêng và một xúc cảm riêng nữ sĩ đã cho ra đời tuyệt phẩm Sóng.
- Dẫn ra vấn đề nghị luận
+ Hiện thực cuộc sống đã khơi nguồn cho thi ca để thi sĩ nên họa trên trang viết. Chính vì thế khi viết về cảm xúc trong thơ, nhà phê bình Hoài Thanh từng có ý kiến: “Dòng cảm xúc quá chừng sôi nổi khiến cho câu chữ không thể đi theo những đường viền có sẵn, ý thơ xô đẩy làm cho khuôn khổ câu thơ cũng phải lung lay”.
2. Thân bài
2.1. Vài nét về tác giả và tác phẩm
- Xuân Quỳnh thuộc thế hệ nhà thơ trẻ trưởng thành trong kháng chiến chống Mĩ. Thơ Xuân Quỳnh là tiếng lòng của một tâm hồn luôn luôn khao khát tình yêu, gắn bó hết mình với cuộc sống hằng ngày. Trong các nhà thơ nữ Việt Nam, Xuân Quỳnh xứng đáng được gọi là “nhà thơ của tình yêu”.
- Tác giả của những thi phẩm nổi tiếng: Hoa dọc chiến hào (1968), Tự hát (1984), Hoa cỏ may (1989)... Thơ Xuân Quỳnh in đậm vẻ đẹp nữ tính, là tiếng nói của một tâm hồn giàu trắc ẩn, hồn hậu, chân thực và luôn luôn da diết trong khát vọng về một hạnh phúc đời thường.
- Tác phẩm:
+ Sóng là bài thơ viết về tình yêu hạnh phúc, trích trong tập Hoa dọc chiến hào, viết năm 1967, tại biển Diêm Điền, Thái Bình.
+ Thơ năm chữ, có cấu tứ độc đáo - mượn sóng để nói đến khát vọng tình yêu.
2.2. Giải thích ý kiến của Hoài Thanh
- “Cảm xúc” là những rung động, là tình cảm - đây là yếu tố quan trọng nhất của thơ. Khởi nguồn của thơ là tiếng nói của tình cảm, cảm xúc.
- “Sôi nổi” chỉ mức độ của cảm xúc: nồng nàn, cháy bỏng, mãnh liệt dâng trào.
- “Những đường viền có sẵn, khuôn khổ câu thơ” là những quy định có sẵn từ trước, những hình thức có tính chất khuôn mẫu, ổn định.
- “Ý thơ xô đẩy, không đi theo, lung lay” đều chỉ sự bứt phá, vượt ra khỏi những quy định.
⇒ Khi cảm xúc, tình cảm trong thơ đến mức mãnh liệt nó sẽ phá vỡ những khuôn mẫu, những hình thức có tính chất ổn định. Từ đó cho thấy trong mối quan hệ giữa nội dung cảm xúc và hình thức nghệ thuật của thơ thì nội dung cảm xúc đóng vai trò chi phối.
2.3. Cảm nhận bài thơ “Sóng” của Xuân Quỳnh
a. Sóng là dòng cảm xúc quá chừng sôi nổi, là tiếng nói tình cảm mãnh liệt của một trái tim phụ nữ yêu chân thành, da diết
- Cái “tôi” trữ tình khi thì hóa thân vào “em”, khi thì soi mình vào “sóng”. “Sóng” và “em” cùng song song tồn tại để bộc lộ những cảm xúc của nhân vật trữ tình.
- Những trạng thái cảm xúc phong phú, phức tạp có lúc tưởng mâu thuẫn mà lại thống nhất trong tâm hồn người con gái đang yêu: “Dữ dội và dịu êm/ Ồn ào và lặng lẽ”.
- Khát vọng tự nhận thức, khát vọng tình yêu: “Sông không hiểu nổi mình/ Sóng tìm ra tận bể”.
- Nỗi nhớ cháy bỏng , da diết trong tình yêu: “Con sóng dưới lòng sâu... Cả trong mơ còn thức”.
- Tình cảm thủy chung khăng khít: “Dẫu xuôi về phương bắc... Hướng về anh - một phương”.
- Những dự cảm âu lo và niềm tin vào tình yêu chân chính: “Cuộc đời tuy dài thế... Mây vẫn bay về xa”.
- Khát vọng bất tử hóa tình yêu: “Làm sao được tan ra... Để ngàn năm còn vỗ”.
b. Ở Sóng có sự phá vỡ những hình thức, khuôn mẫu có tính chất ổn định (câu chữ không đi theo đường viền có sẵn, khuôn khổ câu thơ bị lung lay)
- Âm điệu của bài thơ:
+ Bài thơ có âm điệu của sóng.
+ Sóng biển đang vỗ ào ạt trên đại dương hay cũng chính là sóng lòng vỗ miên man của người con gái đang yêu?
+ Âm điệu đó được tạo nên do thể thơ (thể thơ năm chữ, gieo vần, ngắt nhịp, hài thanh linh hoạt); phương thức tổ chức ngôn từ và hình ảnh.
- Kết cấu của bài thơ độc đáo thể hiện “dòng cảm xúc quá chừng sôi nổi”:
+ Cả bài thơ có chín khổ. Bốn khổ đầu và bốn khổ cuối mỗi khổ đều có bốn câu, riêng khổ ... giữa (khổ năm) có sáu câu.
+ Kết cấu đặc biệt ở khổ thơ thứ năm khiến người ta liên tưởng tới hai hình ảnh: chân sóng và đỉnh sóng.
- Hình tượng thơ:
+ Có hai hình tượng song song tồn tại: “sóng” và “em”, lúc thì phân thân soi chiếu vào nhau, lúc lại đan hòa với nhau làm thành một thể thống nhất.
+ Sóng biển và sóng lòng hòa quyện trong nhau.
- Các biện pháp tu từ: ẩn dụ, so sánh, nhân hóa, điệp từ được sử dụng linh hoạt nhằm diễn tả những cảm xúc trong tâm hồn người con gái đang yêu.
- Ngôn ngữ thơ giản dị, tự nhiên như tiếng lòng chân thành của người phụ nữ, không màu mè, kiểu cách.
2.4. Bình luận ý kiến của Hoài Thanh
- Nội dung cảm xúc và hình thức nghệ thuật trong thơ phải có sự hài hòa, phù hợp với nhau. Tuy nhiên, trong mối tương quan giữa nội dung và hình thức thì nội dung là cái có trước và bao giờ cũng đóng vai trò chủ đạo. Thông qua ý thức năng động và tích cực chủ quan của người nghệ sĩ, nội dung cố gắng đi tìm một hình thức thể hiện phù hợp với nó, để bộc lộ một cách đầy đủ nhất, hấp dẫn nhất bản chất của nó. Khi tiếng nói cảm xúc, tình cảm trong thơ nồng nhiệt đến độ cao trào thì nó sẽ vượt ra khỏi khuôn khổ hình thức bình thường để rồi lại đi tìm một cách thể hiện khác phù hợp với nó. Đó chính là sự “phá vỡ những đường viền có sẵn”.
- Khi cảm xúc phá vỡ những giới hạn, những hình thức cũ thì sẽ có một hình thức mới ra đời. Đây cũng chính là hành trình đi tìm sự sáng tạo nghệ thuật của người nghệ sĩ. Nghệ thuật cũng vì thế mà luôn sáng tạo, luôn mới mẻ, hấp dẫn.
- Ý kiến của nhà phê bình Hoài Thanh là ý kiến xác đáng, đúng đắn, đầy biện chứng về mối quan hệ giữa nội dung và hình thức trong thơ. Tuy nhiên cũng cần phải thấy rằng: không phải cứ có cảm xúc mãnh liệt thì sẽ có sự phá cách và tạo nên cái mới trong nghệ thuật thơ ca. Việc sáng tạo nên những hình thức mới mẻ còn phải phụ thuộc vào cái tài của người nghệ sĩ. Cảm xúc chỉ là phần xương thịt”, là yếu tố khơi nguồn và thúc đẩy. Hơn nữa, không chỉ thơ mà đối với loại hình nghệ thuật nào cũng vậy nội dung cảm xúc, tư tưởng luôn đóng vai trò chủ đạo, quyết định đối với hình thức thể hiện.
2.5. Liên hệ
⇒ Cùng viết hình ảnh người phụ nữ trong xã hội phong kiến nữ sĩ Hồ Xuân Hương và Nguyễn Du cũng gặp nhau ở đề tài về tình yêu và nỗi nhớ.
a. Tự tình (bài II)
- Hồ Xuân Hương là một người phụ nữ xinh đẹp, giỏi giang nhưng lại có tình duyên lận đận. Một trong những tác phẩm đặc sắc của bà thể hiện đặc sắc thân phận người phụ nữ là Tự tình (bài II). Bài thơ nói lên tâm trạng của Hồ Xuân Hương thể hiện nỗi cô đơn, buồn bã trước cuộc đời.
- Hai câu đề: “Đêm khuya văng vẳng trống canh dồn/ Trơ cái hồng nhan với nước non”:
+ Thời gian trôi nhanh và rất dồn dập thể hiện qua “đêm khuya, trống canh dồn”.
+ Con người buồn bã, trơ với hồng nhan.
+ Thể hiện sự trơ trọi, lẻ loi của con người trước không gian bao la, rộng lớn.
- Hai câu thực: “Chén rượu hương đưa say lại tỉnh/ Vầng trăng bóng xế khuyết chưa tròn”: + Tác giả mượn rượu để giải sầu nhưng vẫn không tác dụng vì khi uống say rồi lại tỉnh.
+ Khi càng tỉnh lại càng buồn, càng chua xót cho cảnh đời. + Chuyện tình dở dang, muộn màng, không trọn vẹn.
+ Cả trăng và rượu vẫn không giúp được tác giả giải sầu.
- Hai câu luận: “Xiên ngang mặt đất, rêu từng đám/ Đâm toạc chân mây, đá mấy hòn”:
+ Thể hiện cảnh thiên nhiên sôi động, tươi đẹp.
+ Thể hiện sự kháng cự dữ dội, mãnh liệt của tác giả.
- Hai câu kết: “Ngán nỗi xuân đi xuân lại lại, Mảnh tình san sẻ tí con con!”:
+ Ngán ngẩm trước sự trở lại của mùa xuân, khi mùa xuân đến cũng là lúc tuổi xuân ra đi.
+ Chán chường trước sự chia sẻ tình yêu.
b. Đoạn trích Trao duyên
- Thúy Kiều nhờ em là Thúy Vân thay mình trả ân nghĩa cho Kim Trọng:
+ Một nỗi đau đến xé lòng khi đành phải hi sinh tình yêu của mình, hi sinh chính hạnh phúc cá nhân để cứu cha, cứu gia đình cho trọn chữ hiếu.
+ Cách xưng hô, dùng từ khác thường (cậy, chịu lời, lạy, thưa...) có ý nghĩa một phần là nhờ vả, một phần nài ép, Thúy Kiều coi đó là việc Thúy Vân cần làm “tình chỉ duyên em”.
+ Mối tình của Thúy Kiều với chàng Kim tuy rất mặn nồng, thắm thiết nhưng lại mong manh, nhanh tan vỡ.
+ Mâu thuẫn giữa hành động và lời nói, lí trí và tình cảm của Thúy Kiều trong cảnh trao duyên cho Thúy Vân. Lời trao duyên, trao kỉ vật nửa muốn trao, nửa muốn níu gữ.
- Tâm trạng của Kiều sau khi trao duyên:
+ Cuộc độc thoại nội tâm đầy đau đớn, Thúy Kiều hướng một lòng về tình yêu thương mong nhớ người mình yêu.
+ Mức độ của nỗi đau cao hơn, xót xa hơn khi Kiều chuyển sang tự nói với bản thân mình, từ đau đớn chuyển thành tiếng khóc, khóc cho mình, khóc cho mối tình đẹp phải chia li.
2.6. Nhận xét chung
- Nhìn chung cả hai bài thơ và một đoạn trích đều thể hiện rõ tâm trạng cũng như khao khát hạnh phúc của người phụ nữ.
- Tuy nhiên niềm khát khao hạnh phúc và nỗi niềm lo âu, khổ đau của mỗi người lại khác nhau:
+ Sóng của Xuân Quỳnh là lời bộc bạch chân thành về khát vọng tình yêu trong sự song hành của hình tượng sóng và em.
+ Tự tình là lời tự than, tự thương xót, buồn tủi cho duyên số, duyên phận hẩm hiu của mình. Càng thao thức cô đơn càng buồn tủi. Càng buồn tủi càng khao khát sống, sống trong hạnh phúc trọn vẹn, đầy đủ. Thực tại nặng nề, cay đắng như bủa vây, cái hồng nhan như “trơ” ra với nước non, với cuộc đời. Người đọc vô cùng cảm thông với nỗi lòng khao khát sống, khao khát hạnh phúc của nữ sĩ và người phụ nữ trong xã hội.
- Đoạn trích Trao duyên đã khái quát lên bi kịch đau khổ của Thúy Kiều đó là bi kịch về tình yêu tan vỡ và bi kịch cuộc đời mỏng manh. Qua đó tác giả đã làm bật lên được vẻ đẹp của Thúy Kiều: thủy chung da diết nhưng cũng sắc sảo mặn mà. Qua đoạn trích Trao duyên, chúng ta cảm nhận được một trái tim giàu lòng nhân ái, yêu đời, yêu người. Chính vì yêu đời, yêu người, Nguyễn Du mới có thể viết lên những dòng thơ đẫm máu và nước mắt đến như thế.
3. Kết bài
- Cả ba bài thơ và đoạn trích đều thể hiện niềm khao khát có một tình yêu bền chặt, nồng cháy. Tất cả những người phụ nữ ấy mong muốn có một tình yêu nồng thắm từ người bạn đời tri âm tri kỉ, đón những hương sắc của cuộc đời.
- Sinh ra từ tâm hồn và trái tim con người, thơ đã trở thành tri âm của nhân loại từ bao thế kỉ qua. Thơ là một phần của thế giới nội tâm, của đời sống tâm linh con người. M. Goor-ki đã từng quan niệm rằng: “Thơ chính là tâm hồn, thơ là một đỉnh cao của cảm xúc phát khởi từ lòng người, mang trong nó cái tình cảm, cảm xúc ngất ngây của thi nhân”. Bài thơ Sóng (Xuân Quỳnh), Tự tình (bài II) của Hồ Xuân Hương và đoạn trích Trao duyên (Nguyễn Du) giống như cuốn tự truyện mà các tác giả tự kể lại và miêu tả cuộc đời mình trong tác phẩm, khát vọng là những ước mơ, khát khao, mong muốn điều lớn lao, tốt đẹp về tình yêu đôi lứa, một xã hội công bằng.