ĐỀ THI THỬ THPTQG NĂM 2019
CHUẨN CẤU TRÚC CỦA BỘ GIÁO DỤC – ĐỀ 3
Môn thi: NGỮ VĂN
Thời gian làm bài: 120 phút, không kể thời gian phát đề
Họ, tên thí sinh: .......................................................................
Số báo danh: ............................................................................
I. ĐỌC - HIỂU (3,0 điểm)
Đọc đoạn trích sau và trả lời các câu hỏi từ Câu 1 đến Câu 4:
BỨC TRANH TUYỆT VỜI
Một họa sĩ suốt đời mơ ước vẽ một bức tranh đẹp nhất trần gian. Ông đến hỏi vị giáo sĩ để biết được điều gì đẹp nhất. Vị giáo sĩ trả lời: “Điều đẹp nhất trần gian là niềm tin, vì niềm tin nâng cao giá trị con người”.
Họa sĩ cũng đặt câu hỏi tương tự với cô gái và được trả lời: “Tình yêu là điều đẹp nhất trần gian, bởi tình yêu làm cho cay đắng trở nên ngọt ngào, mang đến nụ cười cho kẻ khóc than; làm cho điều bé nhỏ trở nên cao trọng, cuộc sống sẽ nhàm chán biết bao nếu không có tình yêu”.
Cuối cùng họa sĩ gặp một người lính mới từ trận mạc trở về. Được hỏi, người lính trả lời: “Hòa bình là cái đẹp nhất trần gian, ở đâu có hòa bình, ở đó có cái đẹp. Và họa sĩ đã tự hỏi mình: “Làm sao tôi có thể cùng lúc về niềm tin, hòa bình và tình yêu?”.
... Khi trở về nhà, ông nhận ra niềm tin trong ánh mắt của các con, tình yêu trong cái hôn của người vợ. Chính những điều đó làm tâm hồn ông dâng tràn hạnh phúc và bình an. Họa sĩ đã hiểu thế nào là điều đẹp nhất trần gian. Sau khi hoàn thành tác phẩm, ông đặt tên cho nó là “Gia đình”.
(Theo Phép nhiệm màu của đời, NXB Trẻ TP. Hồ Chí Minh, 2018, trang 87)
Câu 1: Xác định phương thức biểu đạt chính của văn bản.
Câu 2: Nêu nội dung chính của văn bản.
Câu 3: Chỉ ra biện pháp nghệ thuật có trong văn bản và nêu tác dụng.
Câu 4: Vì sao người họa sĩ đặt tên cho tác phẩm là “Gia đình”?
II. LÀM VĂN (7,0 điểm)
Câu 1 (2,0 điểm): Từ câu chuyện trong phần Đọc hiểu anh (chị) hãy viết một đoạn văn (khoảng 200 chữ) nêu suy nghĩ của mình về ý kiến: “Duy chỉ có gia đình, người ta mới tìm được chốn nương thân để chống lại những tai ương của số phận” (Euripides).
Câu 2 (5,0 điểm): Có ý kiến cho rằng: “Cơ sở pháp lí là nền tảng tạo sức thuyết phục cho bản Tuyên ngôn”.
Anh (chị) có đồng ý với ý kiến này không? Hãy phân tích đoạn trích của bản Tuyên ngôn Độc lập (Hồ Chí Minh) dưới đây để làm sáng tỏ ý kiến trên. Từ đó, so sánh với Nam quốc sơn hà (tương truyền của Lý Thường Kiệt) và Đại cáo bình Ngô (Nguyễn Trãi) để thấy được sự tương đồng và khác biệt ở cơ sở pháp lí của ba bản Tuyên ngôn:
"Hỡi đồng bào cả nước,
Tất cả mọi người đều sinh ra có quyền bình đẳng. Tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được; trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc”.
Lời bất hủ ấy ở trong bản Tuyên ngôn Độc lập năm 1776 của nước Mỹ. Suy rộng ra, câu ấy có ý nghĩa là: tất cả các dân tộc trên thế giới đều sinh ra bình đẳng, dân tộc nào cũng có quyền sống, quyền sung sướng và quyền tự do.
Bản Tuyên ngôn Nhân quyền và Dân quyền của Cách mạng Pháp năm 1791 cũng nói: “Người ta sinh ra tự do và bình đẳng về quyền lợi; và phải luôn luôn được tự do và bình đẳng về quyền lợi”. Đó là những lẽ phải không ai chối cãi được
(Trích Tuyên ngôn Độc lập, Hồ Chí Minh, dẫn theo Ngữ văn 12, NXB Giáo dục Việt Nam)
-------------------- HẾT --------------------
HƯỚNG DẪN GIẢI CHI TIẾT
I. ĐỌC-HIỂU (3,0 điểm)
Câu 1: - Phương thức biểu đạt chính của văn bản là tự sự.
Câu 2: Nội dung chính của văn bản:
- Người họa sĩ trăn trở vẽ một bức tranh đẹp nhất trần gian.
- Ông đã hỏi nhiều người và cuối cùng nhận ra điều đẹp nhất chính là gia đình..
Câu 3:
- Biện pháp nghệ thuật được sử dụng trong văn bản là liệt kê: Người họa sĩ hỏi giáo sĩ, hỏi cô gái và hỏi người lính.
- Tác dụng: Người họa sĩ mong muốn tư vấn để vẽ nên bức tranh đẹp nhất trên đời.
Câu 4:
- Người họa sĩ đặt tên tác phẩm của mình là “Gia đình”: vì khi trở về nhà, công nhận ra niềm tin trong ánh mắt của các con, tình yêu trong cái hôn của người vợ.
- Chính những điều đó làm tâm hồn ông tràn đầy hạnh phúc và bình an.
II. LÀM VĂN (7,0 điểm):
Câu 1: (2,0 điểm)
A. Về kĩ năng
- Biết viết một văn bản nghị luận xã hội với độ dài đúng quy định.
- Bài viết có bố cục chặt chẽ, lập ý sáng tạo; vận dụng linh hoạt các thao tác lập luận: giải thích, phân tích, chứng minh, bình luận...; hành văn mạch lạc, trôi chảy, có cảm xúc; không mắc lỗi dùng từ, chính tả.
B. Về kiến thức
Bài làm có thể trình bày theo nhiều cách khác nhau nhưng cần đảm bảo các ý sau:
1. Giải thích
- “Gia đình” là tổ ấm của mỗi con người, nơi mỗi con người được sinh ra, được nuôi dưỡng và lớn lên.
- “Chốn nương thân” là nơi che chở tin cậy, chỗ dựa vững chắc.
- “Tai ương của số phận” là những bất hạnh, rủi ro gặp phải trong cuộc đời.
- “Duy chỉ có... mới...” là nhấn mạnh tính duy nhất.
→ Câu nói khẳng định giá trị, tầm quan trọng của gia đình với mỗi người: là chỗ dựa, điểm tựa duy nhất để chống lại những bất hạnh, rủi ro gặp phải trên đường đời.
2. Phân tích và chứng minh
- Câu nói có ý nghĩa sâu sắc, là lời nhắc nhở thấm thía về ý nghĩa, giá trị to lớn của gia đình đối với mỗi người:
+ Bởi vì: Gia đình là cái nôi hạnh phúc của mỗi người.
+ Nơi đó ta được nuôi dưỡng, chở che, bao bọc, được đón nhận tình yêu thương thiêng liêng vô bờ bến của những người thân, những người ruột thịt.
- Truyền thống, lối sống và sự giáo dục của gia đình là môi trường hình thành nhân cách, phẩm chất cho mỗi con người - những hành trang cần thiết khi đối mặt với thử thách trên đường đời:
+ Gia đình còn là nền tảng, là bệ phóng cho mỗi con người đến với những thành công sau này (điều kiện kinh tế, mối quan hệ xã hội... của gia đình...).
+ Gia đình còn là hậu phương, là chỗ dựa tinh thần vững chắc: nâng đỡ khi chúng ta vấp ngã, tiếp thêm sức mạnh khi chúng ta gặp khó khăn, trở ngại, an ủi, chia sẻ khi chúng ta đau buồn.
+ Gia đình không chỉ có ý nghĩa to lớn đối với cuộc đời mỗi người mà còn có vai trò quan trọng góp phần tạo nên sự phát triển của xã hội (gia đình là tế bào của xã hội).
3. Bình luận (Bàn bạc, mở rộng vấn đề)
- Câu nói trên nhắc nhở con người cần biết quý trọng gia đình.
- Phê phán những người không biết yêu quý, trân trọng giá trị của gia đình (sống thờ ơ, vô cảm, không quan tâm đến những người thân, chà đạp lên những giá trị truyền thống của gia đình...).
- Ý kiến của Éuripides đã tuyệt đối hóa vai trò của gia đình đối với mỗi người, song trong thực tế:
+ Ngoài gia đình, mỗi người còn có những điểm tựa khác để vượt qua những khó khăn, thử thách như: bạn bè, đồng chí, đồng đội, đồng nghiệp.
+ Những người không có được điểm tựa gia đình vững chắc vẫn biết vươn lên, trưởng thành, trở thành người có ích.
4. Bài học nhận thức và hành động
- Yêu quý, trân trọng gia đình. Nhận thức được vai trò, ý nghĩa của gia đình đối với mỗi người và xã hội.
- Bằng những việc làm cụ thể góp phần xây dựng gia đình của mình hạnh phúc, bền vững, giàu mạnh. Vận động những người xung quanh cùng chung tay xây dựng gia đình vì một xã hội tốt đẹp.
Câu 2: (5,0 điểm)
1. Mở bài:
- Giới thiệu vấn đề nghị luận
Trong hành trình gian nan và vô tận, con người luôn tìm kiếm những hình mẫu có thật trong cuộc sống để tôn vinh và noi theo với mong muốn trở nên hoàn thiện hơn. Một trong những hình mẫu lí tưởng ấy là Bác Hồ kính yêu của chúng ta. “Bác Hồ, Người là niềm tin thiết tha nhất trong lòng dân và trong trái tim nhân loại. Suốt đời, Bác hi sinh cho độc lập, tự do”... Câu hát xúc động về Hồ Chủ tịch - vị lãnh tụ cách mạng vô sản kiệt xuất, nhà ngoại giao lỗi lạc, danh nhân văn hóa của thế giới. Với dân tộc Việt Nam, “Người là Cha, là Bác, là Anh. Quả tim lớn lọc trăm dòng máu nhỏ” (Theo chân Bác, Tố Hữu). Đất nước ta, dân tộc ta tự hào về Hồ Chủ tịch - con người giản dị và vĩ đại - tiêu biểu cho truyền thống bốn ngàn năm lịch sử vẻ vang.
- Dẫn ra vấn đề nghị luận
+ Mở đầu bản Tuyên ngôn Độc lập của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa Hồ Chí Minh viết:
“Hỡi đồng bào cả nước... Đó là những lẽ phải không ai chối cãi được”. Đoạn mở đầu bản tuyên ngôn trên đã góp phần làm nổi bật giá trị của bản tuyên ngôn bất hủ này. Chính vì vậy mà có ý kiến cho rằng: “Cơ sở pháp lí là nền tảng tạo sức thuyết phục cho bản tuyên ngôn”.
2. Thân bài
2.1. Khái quát chung
- Hồ Chí Minh coi văn nghệ là vũ khí đấu tranh đắc lực cho sự nghiệp cách mạng, còn người sáng tác là chiến sĩ trên mặt trận văn hóa. Người chú trọng tính chân thật và tính dân tộc của văn chương, khi cầm bút, Người luôn xác định đối tượng tiếp nhận (Viết cho ai?), mục đích viết (Viết để làm gì?) rồi mới quyết định nội dung (Viết cái gì?) và hình thức viết (Viết như thế nào?). Riêng những áng văn chính luận của Người đều ngắn gọn, súc tích, lập luận chặt chẽ, lí lẽ đanh thép, hùng hồn, bằng chứng giàu sức thuyết phục và tính chiến đấu.
- Chiến tranh thế giới thứ hai kết thúc. Phát xít Nhật đầu hàng Đồng minh vô điều kiện. Trên cả nước nhân dân đứng lên giành lại chính quyền. Ngày 26 - 8 - 1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh từ chiến khi cách mạng Việt Bắc về tới Hà Nội. Tại căn nhà số 48 phố Hàng Ngang, Người soạn thảo bản Tuyên ngôn Độc lập. Ngày 2 - 9- 1945, tại Quảng trường Ba Đình - Hà Nội, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thay mặt toàn thể nhân dân Việt Nam đọc bản Tuyên ngôn Độc lập, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nay là nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
2.2. Giải thích ý kiến
- Ý kiến này khẳng định vai trò nền tảng quan trọng của phần cơ sở pháp lý trong một bản Tuyên ngôn, mà cụ thể ở đây là bản Tuyên ngôn Độc lập của Hồ Chí Minh.
- Tôi hoàn hoàn đồng ý với ý kiến này.
2.3. Phân tích đoạn mở đầu để làm sáng tỏ ý kiến
⇒ Muốn lập luận chặt chẽ, thuyết phục, trước hết một bản tuyên ngôn cần có ba phần. Nhưng ba phần ấy cần đảm bảo: Cơ sở pháp lý của bản tuyên ngôn cần làm đòn bẩy cho cơ sở thực tiễn, để từ đó đi đến tuyên bố độc lập. Cho nên, cơ sở pháp lí là phần đóng vai trò quan trọng trong bản tuyên ngôn:
- Cơ sở pháp lí là cơ sở chân lí thời đại, những điều thuộc về lẽ phải và được mọi người thừa nhận. Đoạn văn khẳng định quyền bình đẳng, quyền sống, quyền sung sướng và quyền tự do của dân tộc ta cũng như các dân tộc khác trên thế giới. Hồ Chí Minh đồng tình với những tư tưởng tiến bộ của các bản Tuyên ngôn Độc lập của Mĩ năm 1776 và Bản Tuyên ngôn Nhân quyền và Dân quyền của Cách mạng Pháp năm 1791.
- Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đặt ngang hàng ba cuộc cách mạng, ba bản Tuyên ngôn của nước Việt Nam, Mỹ, Pháp nhằm quốc tế hóa vấn đề độc lập của dân tộc ta. Đoạn văn muốn gợi lại niềm tự hào cao cả của lịch sử dân tộc Việt Nam về các triều đại: Triệu, Đinh, Lý, Trần, cùng sánh vai với các triều đại Hán, Đường, Tống,Nguyên đã được Nguyễn Trãi ghi trong Đại cáo bình Ngô.
- Cơ sở pháp lí đóng vai trò đòn bẩy cho phần cơ sở thực tiễn. Với những lẽ phải Chủ tịch Hồ Chí Minh phê phán và kết tội thực dân Pháp đi ngược lại tư tưởng tiến bộ của tổ tiên họ trong suốt 80 năm qua trên đất nước ta ở các phương diện: chính trị, văn hóa, kinh tế, ngoại giao.
- Hồ Chí Minh đã dẫn chứng chính xác, từ ý tưởng lời văn hai bản Tuyên ngôn Độc lập của Mĩ và Pháp để tạo cơ sở pháp lí, dùng lời nói của đối phương để so sánh, phản bác âm mưu và hành động trái với công lí của chúng, dùng nghệ thuật “gậy ông đập lưng ông”.
→ Đoạn văn dùng lí lẽ đanh thép, tư duy lí luận sáng tạo “suy rộng ra”, đưa vấn đề độc lập của dân tộc Việt Nam thành vấn đề tiêu biểu cho phong trào giải phóng dân tộc trên thế giới. Lập luận của đoạn văn chặt chẽ bằng cách sử dụng nhiều câu văn khẳng định để phủ định những nội dung phản động của hai đế quốc Mĩ và Pháp. Lời văn mạnh mẽ, trong sáng dễ hiểu làm tăng thêm sức thuyết phục bằng lí lẽ của đoạn văn.
2.4. So sánh cơ sở pháp lí của bản Tuyên ngôn Độc lập với Nam quốc sơn hà, Đại cáo bình Ngô
- Cơ sở pháp lí của: Nam quốc sơn hà (tương truyền của Lý Thường Kiệt) khẳng định chủ quyền dựa trên sách trời (thiên thư) do ảnh hưởng bởi quan niệm Nho giáo: “Nam quốc sơn hà Nam đế cư/ Tiệt nhiên định phận tại thiên thư”. Nếu như trong Nam quốc sơn hà, Lí Thường Kiệt khẳng định chủ quyền của dân tộc bằng một niềm tin nhuốm màu huyền thoại - “định phận tại sách trời”, thì hơn ba thế kỉ sau Nguyễn Trãi đã chứng tỏ điều đó bằng những luận cứ khoa học và sự thật lịch sử đầy tính thuyết phục: nước ta đã có một nền văn hiến lâu đời, có bờ cõi riêng, có phong tục riêng, có các triều đại sánh ngang với phương Bắc, chân lí lịch sử dựa trên lập trường chính nghĩa: “Việc nhân nghĩa cốt ở yên dân/ Quân điếu phạt trước lo trừ bạo”. Với việc trích dẫn hai bản Tuyên ngôn của thế giới (Tuyên ngôn Độc lập của Mĩ năm 1776 của nước Mĩ: “Tất cả mọi người đều sinh ra có quyền bình đẳng. Tạo hóa những quyền không ai có thể xâm phạm được, trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc” và Tuyên ngôn Nhân quyền và Dân quyền của Cách mạng Pháp năm 1791: “Người ta sinh ra tự do và bình đẳng về quyền lợi, và phải luôn luôn được tự do và bình đẳng về quyền lợi”). Tuyên ngôn Độc lập đã đưa ra cơ sở pháp lí bằng việc nhấn mạnh quyền tự do cả quyền bình đẳng của con người.
- Nếu so về sự tiến bộ: Nam quốc sơn hà mới chỉ đưa ra cơ sở pháp lí để khẳng định chủ quyền dựa trên sách trời, chưa chú ý tới những nhân tố con người. Đại cáo bình Ngô phát triển hơn, cơ sở pháp lý của phần mở đầu dựa trên lập trường nhân nghĩa - chân lí lịch sử được chứng minh qua các triều đại. Còn Tuyên ngôn Độc lập khá đặc biệt với việc chọn trích dẫn hai câu nói nổi tiếng trong hai bản tuyên ngôn của Mĩ và Pháp. Điều đáng nói là chứa đựng chân lí đã được chứng minh qua lịch sử đấu tranh được các dân tộc trên thế giới biết đến và thừa nhận. Như vậy, bản Tuyên ngôn Độc lập không còn nằm phạm vi của một đất nước, một dân tộc nữa, mà nó còn đại diện cho tất cả các dân tộc trên thế giới, nhất là đối với các nước thuộc địa. Đồng thời bản tuyên ngôn đã nâng vị thế nước Việt Nam ngang hàng với hai nước lớn là Mĩ và Pháp.
2.5. Đánh giá chung
- Nhìn chung, qua việc phân tích và so sánh ở trên, chúng ta thấy được cơ sở pháp lí đóng vai trò hết sức quan trọng trong một bản tuyên ngôn nói chung và đối với bản Tuyên ngôn Độc lập nói riêng. Do vậy, ý kiến đánh giá: “Cơ sở pháp lí là nền tảng tạo sức thuyết phục cho bản tuyên ngôn” là hoàn toàn xác đáng.
- Đồng thời, ý kiến đánh giá này cũng đã phần nào giúp bạn đọc hiểu rõ vai trò của phần này trong một bản tuyên ngôn để từ đó định hướng tìm hiểu thể loại tuyên ngôn dễ dàng hơn.
3. Kết bài
- Khái quát lại vấn đề vừa nghị luận
+ Tuyên ngôn Độc lập ra đời là một trong những niềm xúc động, hạnh phúc lớn lao nhất trong cuộc đời hoạt động cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh như có lần Người từng tâm sự. Giây phút xúc động, thiêng liêng khi Bác đọc Tuyên ngôn Độc lập ta có thể thấy trong câu thơ của Tố Hữu:
Người đứng trên đài lặng phút giây
Trông đàn con đó vẫy hai tay
Cao cao vầng trán ngời đôi mắt
Độc lập bây giờ mới thấy đây.
- Bàn bạc và mở rộng vấn đề
+ Tấm lòng vĩ đại cũng như tài năng xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh qua Tuyên ngôn Độc lập không chỉ đem lại ánh sáng tự do, hòa bình cho dân tộc mà còn đóng góp những tài sản tinh thần vô giá cho lịch sử và văn học nước nhà.
+ Với mỗi cá nhân khi được sống trong thời bình phải luôn có những suy nghĩ và hành động trên tinh thần của công dân nước Việt Nam độc lập. Trong đời sống cá nhân, độc lập tự do có ý nghĩa hết sức lớn lao khi ta thực sự sống là chính mình.