CHƯƠNG 7: SỰ TIẾN HÓA CỦA ĐỘNG VẬT
A. Kiến thức trọng tâm
1. Tiến hóa về tổ chức cơ thể
- Một số hệ cơ quan của động vật
- Sự phức tạp hóa về tổ chức cơ thể:
Sự phức tạp hóa các hệ cơ quan như hô hấp, tuần hoàn, thần kinh, sinh dục,… thể hiện ở sự phức tạp hóa (sự phân hóa) trong tổ chức cơ thể. Sự phức tạp hóa một hệ cơ quan thành nhiều bộ phận khác nhau tiến tới hoàn chỉnh các bộ phận ấy (sự chuyên hóa), có tác dụng nâng cao chất lượng hoạt động của cơ thể thích nghi với điều kiện sống thay đổi trong quá trình tiến hóa của giới Động vật.
2. Tiến hóa về sinh sản:
- Các hình thức sinh sản:
*Sinh sản vô tính:
Là hình thức sinh sản không có sự kết hợp giữa tế bào sinh dục đực và tế bào sinh dục cái
Gồm các hình thức:
+ Sinh sản sinh dưỡng: tái sinh, mọc chồi,…
+ Phân đôi cơ thể
* Sinh sản hữu tính:
Là hình thức sinh sản có sự kết hợp giữa tế bào sinh dục đực và tế bào sinh dục cái, tạo thành hợp tử
Xảy ra trên cá thể đơn tính và cá thể lưỡng tính
- Sự tiến hóa các hình thức sinh sản hữu tính:
+ Từ thụ tinh ngoài đến thụ tinh trong
+ Từ đẻ nhiều trứng đến đẻ ít trứng đến đẻ con
+ Từ phôi phát triển có biến thái đến phôi phát triển trực tiếp không nhau thai và đến phôi phát triển trực tiếp có nhau thai
+ Con non không được nuôi dưỡng đến con non được bú sữa mẹ đến con non được học tập thích nghi với cuộc sống
3.Cây phát sinh giới động vật:
- Bằng chứng về mối quan hệ giữa các nhón động vật:
+ Giới Động vật từ khi hình thành đã có cấu tạo thường xuyên thay đổi theo hướng thích nghi với những thay đổi của điều kiện sống
+ Các động vật có mối quan hệ họ hàng với nhau. Người ta đã chứng minh được: lưỡng cư cổ bắt nguồn từ cá vây chân cổ, bò sát cổ bắt nguồn từ lưỡng cư cổ, thú và chim cổ bắt nguồn từ bò sát cổ
- Cây phát sinh giới Động vật:
Cây phát sinh là một sơ đồ hình cây phát ra những nhánh từ một gốc chung (chung tổ tiên). Các nhánh cây lại phát ra những nhánh nhỏ hơn từ những gốc khác nhau và tận cùng bằng một nhóm động vật. Kích thước các nhánh trên cây phát sinh càng lớn bao nhiêu thì số lượng loài của nhánh đó càng nhiều bấy nhiêu. Các nhóm động vật có chung gốc và vị trí lại gần nhau hơn thì có quan hệ họ hàng gần nhau hơn. Cây phát sinh phản ánh mối quan hệ họ hàng giữa các loài động vật.
B. Câu hỏi và bài tập:
I. Phần tự luận
Câu 1: Nêu sự phân hóa và chuyên hóa 1 số hệ cơ quan trong quá trình tiến hóa của
các ngành Động vật?
Trả lời:
- Hô hấp: Hệ hô hấp từ chưa phân hóa trao đổi khí qua toàn bộ da → mang đơn giản → mang → da và phổi → phổi
- Tuần hoàn: Chưa có tim → tim chưa có ngăn → tim có 2 ngăn → tim 3 ngăn → tim 4 ngăn
- Hệ thần kinh:Từ chưa phân hóa → thần kinh mạng lưới → chuỗi hạch đơn giản → chuỗi
hạch phân hóa(não, hầu, bụng,...) → hình ống phân hóa: bộ não, tủy sống
- Hệ sinh dục: Chưa phân hóa → tuyến sinh dục không có ống đẫn → tuyến sinh dục có
ống dẫn.
Câu 2: Phân biệt các hình thức sinh sản?
Trả lời:
+ Sinh sản vô tính:
- Không có sự kết hợp tế bào sinh dục đực và cái.
- Có 1 cá thể tham gia
- Thừa kế đặc điểm của 1 cá thể
+ Sinh sản hữu tính: - Có sự kết hợp tế bào sinh dục đực và cái.
- Có 2 cá thể tham gia
- Thừa kế đặc điểm của 2 cá thể
Câu 3: Ý nghĩa của cây phát sinh giới động vật?
Trả lời:
- Cây phát sinh giới động vật phản ánh:
+ Mối quan hệ họ hàng giữa các loài sinh vật.
+ So sánh được số lượng giữa các ngành.
+Mức độ tiến hóa giữa các ngành.
Câu 4: Các phương pháp xác định mối quan hệ giữa các loài?
Trả lời:
Căn cứ vào:
+ Bằng chứng giãi phẫu so sánh
+Bằng chứng phôi sinh học.
+Bằng chứng sinh học- địa lý.
+Bằng chứng sinh học tế bào.
+ Bằng chứng sinh học phân tử
Câu 5: Ý nghĩa của sự tiến hóa các hình thức sinh sản hữu tính?
Trả lời:
Ý nghĩa: Sự hoàn chỉnh các hình thức sinh sản hữu tính này đảm bảo cho động vật đạt hiệu quả sinh học cao: nâng cao tỉ lệ thụ tinh, tỉ lệ sống sót, thúc đẩy tăng trưởng nhanh ở động vật non.
II. Phần trắc nghiệm.
( Check đáp án ở cuối bài)
Câu 1: Động vật nào dưới đây có cơ thể chưa phân hóa thành các hệ cơ quan?
A. Thủy tức. B. Trùng biến hình.
C. Cá nheo. D. San hô.
Câu 2: Cá chép có hệ thần kinh
A. hình chuỗi hạch. B. vòng hạch.
C. hình mạng lưới. D. hình ống.
Câu 3: Trong các động vật dưới đây, động vật nào hô hấp bằng da?
A. Ếch đồng B. Giun đất
C. Ễnh ương lớn D. Cả A, B, C đều đúng
Câu 4: Phát biểu nào dưới đây là đúng?
A. Châu chấu có hệ thần kinh hình chuỗi hạch.
B. Đỉa có hệ thần kinh hình ống.
C. Giun đất có hệ thần kinh hình mạng lưới.
D. Trùng biến hình có hệ thần kinh hình mạng lưới.
Câu 5: Hãy nối nội dung cột A với nội dung cột B sao cho phù hợp.
Đại diện (A) | Đặc điểm của hệ tuần hoàn (B) |
---|---|
1. Châu chấu | a. Chưa phân hoá |
2. Thuỷ tức | b. Tim có tâm thất và tâm nhĩ, hệ tuần hoàn kín |
3. Giun đất | c. Tim chưa có tâm thất và tâm nhĩ, hệ tuần hoàn hở |
4. Ếch đồng | d. Tim chưa có tâm thất và tâm nhĩ, hệ tuần hoàn hở |
A. 1d; 2a; 3c; 4b.
B. 1d; 2c; 3b; 4a.
C. 1c; 2a; 3d; 4b.
D. 1a; 2d; 3c; 4b.
Câu 6: Điền từ thích hợp vào chỗ trống để hoàn thiện nghĩa của câu sau:
Hình thức sinh sản …(1)… không có sự kết hợp giữa tế bào sinh dục đực với tế bào sinh dục cái trong sự …(2)… của trứng, ngược hẳn với hình thức sinh sản …(3)….
A. (1): vô tính; (2): sinh sản; (3): hữu tính
B. (1): vô tính; (2): thụ tinh; (3): hữu tính
C. (1): hữu tính; (2): thụ thai; (3): vô tính
D. (1): hữu tính; (2): phát triển; (3): vô tính
Câu 7: Động vật nào dưới đây phát triển qua biến thái?
A. Thằn lằn bóng đuôi dài.
B. Chim bồ câu.
C. Châu chấu.
D. Thỏ rừng.
Câu 8: Phát biểu nào dưới đây là đúng?
A. Sự phát triển gián tiếp qua biến thái tiến bộ hơn sự phát triển trực tiếp (không có nhau thai).
B. Sự đẻ con là hình thức sinh sản kém hoàn chỉnh hơn sự đẻ trứng.
C. Sự thụ tinh ngoài tiến bộ hơn sự thụ tinh trong.
D. Sự phát triển trực tiếp (có nhau thai) tiến bộ hơn sự phát triển trực tiếp (không có nhau thai).
Câu 9: Ở động vật, sinh sản vô tính có hai hình thức chính là
A. phân đôi cơ thể và mọc chồi.
B. tiếp hợp và phân đôi cơ thể.
C. mọc chồi và tiếp hợp.
D. ghép chồi và ghép cành.
Câu 10: Tập tính sinh sản nào dưới đây có ở thỏ hoang?
A. Nuôi con bằng sữa diều.
B. Nuôi con bằng sữa mẹ.
C. Con non tự đi kiếm mồi.
D. Mẹ mớm mồi cho con non.
Câu 11: Tiến hoá là gì?
A. Tiến hoá là sự biến đổi của sinh vật theo hướng hoàn thiện dần cơ thể để thích nghi với điều kiện sống.
B. Tiến hoá là sự biến đổi của sinh vật theo hướng hoàn thiện dần cơ thể để chống lại điều kiện sống.
C. Tiến hoá là sự biến đổi của sinh vật theo hướng hoàn thiện cơ thể để chống lại các điều kiện sống bất lợi.
D. Tiến hoá là sự biến đổi của sinh vật theo hướng đơn gian hoá dần cơ thể để thích nghi với điều kiện sống.
Câu 12: Trong các lớp động vật sau, lớp nào kém tiến hóa nhất ?
A. Lớp Bò sát B. Lớp Giáp xác
C. Lớp Lưỡng cư D. Lớp Thú
Câu 13: Trong các động vật sau, động vật nào có quan hệ họ hàng gần với nhện nhà nhất ?
A. Trai sông. B. Bọ cạp. C. Ốc sên. D. Giun đất.
Câu 14: Cho các lớp động vật sau : (1) : Lớp Lưỡng cư ; (2) : Lớp Chim ; (3) : Lớp Thú ; (4) : Lớp Bò sát ; (5) : Lớp Cá sụn.
Hãy sắp xếp các lớp trên theo chiều hướng tiến hóa.
A. (5) → (1) → (4) → (2) → (3).
B. (5) → (4) → (1) → (2) → (3).
C. (5) → (4) → (1) → (3) → (2).
D. (1) → (5) → (4) → (2) → (3).
Câu 15: Phát biểu nào dưới đây về lưỡng cư cổ là đúng ?
A. Vây đuôi biến thành chi sau.
B. Không có vảy.
C. Có vây lưng rất phát triển.
D. Còn di tích của nắp mang.
ĐÁP ÁN:
1B. 2D. 3D. 4A. 5C. 6B. 7C. 8D. 9A. 10B. 11A. 12B. 13B. 14A. 15D ./.
Còn tiếp!!!
Chúc các bạn học và thi tốt