Câu 1 ( 8 điểm)
Nhà văn Dante cho rằng: “Kiêu ngạo, ganh tị và tham lam là ba đốm lửa, chúng sẽ thiêu cháy lòng người”.
Suy nghĩ của anh/chị về ý kiến trên.
Câu 2 ( 12 điểm)
Khi nói về tiếng cười trong thơ của Nguyễn Khuyến và Trần Tế Xương, Chế Lan Viên cho rằng:
“Yên Đổ, tiếng anh khóc dẫu cười không thể giấu
Và Tú Xương cười như mảnh vỡ thủy tinh”
Anh/chị hiểu như thế nào về ý kiến trên? Từ việc tìm hiểu thơ trào phúng của hai nhà thơ, anh/chị hãy làm sáng tỏ ý kiến trên.
- HẾT -
Câu 1 (8 điểm)
1. Giải thích
- “Kiêu ngạo” là thái độ kiêu căng, ngạo mạn, cho mình tài giỏi hơn người khác. “Ganh tị” là đố kị, ghen ghét những ai hơn mình. “Tham lam” là muốn có nhiều hơn những gì mình xứng đáng được có.
- Những đức tính đó như những đốm lửa thiêu cháy lòng người: nó làm ta trở nên, u tối, ích kỷ, mù quáng …
Ý kiến khẳng định: Kiêu ngạo, ganh tị và tham lam sẽ hủy hoại nhân cách của con người, làm cho con người không giây phút nào an yên, tĩnh tại.
2. Bàn luận
Tại sao sự kiêu ngạo, ganh tị và tham lam là những đốm lửa thiêu cháy lòng người?
- Người có tính kiêu căng sẽ sinh ra tự phụ, xem thường người khác. Do đó, sẽ không có ai muốn gần gũi, giúp đỡ nếu người đó gặp khó khăn. Như vậy, họ sẽ cảm thấy cô đơn, mà khi bị cảm giác cô đơn giày vò thì họ sẽ rất đau khổ.
- Khi một người sống trong trong sự ganh tị, họ luôn cảm thấy mất mát, đau khổ khi người khác thành công hơn mình. Trong lòng họ luôn có sự hơn thua, bứt rứt, không yên.
- Khi bị lòng tham chi phối, cn sẽ tranh giành, đấu đá thậm chí dùng những thủ đoạn để có được những gì mình muốn có. Và như thế, họ sẽ luôn sống trong sự âu lo, căng thẳng, mệt mỏi.
Nếu sống trong sự kiêu ngạo, ganh tị và tham lam, con người sẽ phải luôn đối mặt với trong sự mệt mỏi, đau khổ và tâm hồn không lúc nào bình yên. Đó chính là những ngọn lửa âm ỉ, dai dẳng thiêu đốt tâm hồn con người.
3. Mở rộng
- Kiêu ngạo, ganh tị và tham lam không chỉ hủy hoại chính bản thân người đó mà chúng còn hủy hoại những người xung quanh chúng ta.
- Đã là con người thì không ai hoàn thiện cả. Nhưng khi ý thức được những tiêu cực mà sự tham lam, kiêu ngạo gây ra, chúng ta phải tự điều chỉnh, tự thay đổi bản thân mình: sống hòa nhã, khiêm tốn, rộng lượng, vị tha và phải tự biết thế nào là đủ. Có như vậy, tâm hồn chúng ta mới có thể an nhiên, tự tại.
- Ta có thể tự hào về bản thân mình chứ không phải là sự kiêu ngạo, ta có thể thi đua chứ không phải là ganh đua, ta có khát vọng chứ không phải là tham lam…
(Lưu ý: Học sinh cần kết hợp được lí lẽ với các dẫn chứng tiêu biểu để làm sáng tỏ vđ)
4. Bài học nhận thức và hành động
- Biết tự rèn luyện bản thân để hoàn thiện nhân cách.
- Biết lựa chọn cách sống sao cho hài hòa giữa bản thân và người khác.
- Cần phê phán những người không ý thức được giá trị bản thân, không biết phấn đấu, sống với thái độ được chăng hay chớ…
Câu 2 (12 điểm)
- Giải thích
- “Yên Đổ, tiếng anh khóc dẫu cười không thể giấu”: tiếng cười trong thơ Nguyễn Khuyến ẩn chứa tiếng khóc đau, là cười ra nước mắt.
- Còn tiếng cười của Tú Xương “như mảnh vỡ thủy tinh” : tiếng cười trong thơ của ông có sự sắc nhọn, gay gắt, dữ dội.
Như vậy, ý kiến của Chế Lan Viên bàn về sự khác nhau trong tiếng cười của Nguyễn Khuyến và Trần Tế Xương. Là những nhà thơ trào phúng xuất sắc, song tiếng cười của Nguyễn Khuyến và Trần Tế Xương có những sắc thái riêng biệt. Điều đó tạo ra phong cách nghệ thuật độc đáo ở hai nhà thơ.
2. Bàn luận
- Một nhà văn có phong cách nghệ thuật độc đáo sẽ tạo ra dấu ấn cá nhân trong sự nghiệp sáng tác mình. Chính sự độc đáo đó làm nên sự riêng biệt, họ kiến tạo riêng cho mình một giọng điệu, không thể nào trộn lẫn. Và sự riêng biệt, độc đáo đó góp phần làm nên sự phong phú cho nền văn học. Nguyễn Khuyến và Trần Tế Xương đều viết thơ trào phúng, song ở mỗi người có một dạng “vân chữ” riêng, điều đó làm nên hai đỉnh cao của thơ ca Việt Nam trung đại.
- Thời đại mà hai nhà thơ sống có những biến động dữ dội của lịch sử xã hội. Họ vừa là chứng nhân vừa nạn nhân của xã hội ấy với bao nhiêu cái chướng tai gai mắt, lố lăng, trái khoáy… Trước thực trạng đó, Nguyễn Khuyến và Trần Tế Xương dùng tiếng cười trong văn học để châm biếm, phê phán, đả kích những nhiễu nhương của xã hội. Nhưng ở mỗi tiếng cười có những sắc thái khác nhau:
+ Sắc thái tiếng cười trong thơ Nguyễn Khuyến đó là “tiếng anh khóc dẫu cười không thể giấu”. Tiếng cười của ông nhẹ nhàng, kín đáo, thâm trầm, sâu sắc. Thơ ông thường dùng từ đa nghĩa, lối nói nước đôi, những hình ảnh ẩn dụ.
+ Tiếng cười trong thơ Trần Tế Xương “như mảnh vỡ thủy tinh”: đó là tiếng cười quyết liệt, góc cạnh, bốp chát như vỗ vào mặt đối tượng.
- Lí giải nguyên nhân về sự khác nhau trong sắc thái tiếng cười:
+ Về vị trí xã hội: Nguyễn Khuyến đỗ đạt cao, kinh qua nhiều chức quan, trong khi đó Tú Xương là một tú tài vớt và nhiều lần thi hỏng. Nên cái cười của Nguyễn Khuyến như một sự xoa đầu bảo ban của người khác, còn cái cười của Tú Xương thể hiện một sự ấm ức, bực dọc…
+ Về hoàn cảnh sống: Nguyễn Khuyến sống ở làng quê, còn Tú Xương sống ở thành Nam Định, một trong những thành phố bị đô thị hóa dưới thời thuộc Pháp. Vì thế, Tú Xương cười cho bao nhiêu cái “quái thai” được sinh ra từ xã hội thực dân phong kiến thành thị. Đó là cái cười đả phá chua chát cho một nền văn hóa truyền thống bị lung lay đến tận gốc rễ.
+ Sự khác nhau về quan niệm,về phong cách nghệ thuật.
- Điểm gặp gỡ:
Tiếng cười trong thơ của họ không chỉ là sự mỉa mai, cười cợt mà là ẩn sâu là tiếng khóc. Họ dùng tiếng cười để phủ nhận những hiện tượng xấu xa của xã hội đồng thời thể hiện niềm mong muốn một xã hội tốt đẹp hơn. Như vậy, tiếng cười của hai nhà thơ mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc.
3. Chứng minh: HS ptích dẫn chứng để chỉ ra các sắc thái trong tiếng cười của 2 tg
4. Đánh giá
- Qua những trang thơ, người đọc hiểu được tấm lòng của họ: Nguyễn Khuyến khóc cho sự sụp đổ của một hệ tư tưởng đã lỗi thời cũng như sự bất lực của bản thân trước thời thế, Trần Tế Xương đau xót cho một nền Nho học và những truyền thống tốt đẹp của dân tộc sắp bị băng hoại trước cơn bão táp thực dân…
- Người đọc thơ cần có tấm lòng biết trân trọng, yêu mến và đồng cảm những nỗi trăn trở, đau đớn của hai nhà thơ trước những thử thách của lịch sử, văn hóa, xã hội nước nhà mà họ đang chứng kiến.