ĐỀ LUYỆN THI QUỐC GIA MÔN NGỮ VĂN
Phần I. Đọc hiểu (3,0 điểm)
Đọc văn bản sau và thực hiện các yêu cầu:
Một buổi chiều sau giờ học, một cậu bé gầy gò chạy như bay đến bảng thông báo của trường đặt trong phòng tập thể dục.Tim cậu bé thình thịch khi chăm chú đọc danh sách đang dán trên bảng. Nhưng tên cậu không có trong danh sách ấy. Giấc mơ được là thành viên của đội bóng rổ của trường đã không thành hiện thực. Cậu đọc đi đọc lại, nhưng sự thật là tên cậu không có ở đấy. Cậu đã không được chọn...
Vậy mà, chính cái ngày hôm ấy đã bắt đầu cho sự thay đổi hoàn toàn trong cuộc đời cậu.
Suốt mốt năm sau đó, bất kể mưa hay nắng, cậu vẫn chăm chỉ tập từ bốn đến sáu tiếng mỗi ngày trong mốt công viên gần nhà. Có lúc cậu tập cả dưới ánh trăng, từng bước, tường bước hoàn thiện những động tác và kỹ thuật của mình.
Kết quả thật ngoài sức tưởng tưởng, ngay năm sau cậu được chọn vào đội tuyển của trường, và cái tên Michael Jordan sau này đã trở thành huyền thoại trong làng bóng rổ thế giới.
Bài học chúng ta rút ra được từ câu chuyện của Michael Jocdan là: Thành công hay thất bại ngày hôm nay không nằm ở những khó khăn chúng ta gặp phải, mà là ở cách chúng ta đương đầu với chúng như thế nào. Jordan hoàn toàn có thể đã suy sụp, thất vọng hay buông xuôi với thất bại ban đầu. Thậm chí anh đã có thể từ bỏ giấc mơ trở thành vận động viên bóng rổ chuyên nghiệp của mình, nhưng không, anh đã chọn con đường hành động: tiếp tục luyện tập chăm chỉ, tiếp tục thử sức. Liệu Jordan có làm nên một sự nghiệp lừng lẫy nếu anh chịu sớm đầu hàng trước thất bại? Sự thật là: “Ta sẽ mạnh mẽ hơn khi vượt qua nghịch cảnh ”. Vì vậy, nếu chúng ta chọn thái độ tích cực khi đối diện với khó khăn, chúng ta sẽ hoàn toàn kiểm soát được đời mình.
(Trích Điều kì diệu của thái độ sống, Tác giả: Mac Anderson, Dịch giả: Hiếu Dân, Thế Lâm, Văn Khanh, NXB Tổng hợp TPHCM, 2016, tr 39)
1. Xác định phương thức biểu đạt trong văn bản trên?
2. Nhờ đâu Michael Jordan sau này đã trở thành huyền thoại trong làng bóng rổ thế giới ?
3. Anh/ chị hiểu như thế nào câu nói: Ta sẽ mạnh mẽ hơn khi vượt qua nghịch cảnh ?
4.Thông điệp của văn bản mà anh/chị tâm đắc nhất là gì? Nêu lí do vì sao?
Phần II. Làm văn (7,0 điểm)
Câu 1. (2,0 điểm)
Viết đoạn văn 200 chữ bày tỏ suy nghĩ của anh/ chị về ý nghĩa của câu nói: Thành công hay thất bại ngày hôm nay không nằm ở những khó khăn chúng ta gặp phải, mà là ở cách chúng ta đương đầu với chúng như thế nào được trích ở phần Đọc hiểu.
Câu 2. (5,0 điểm)
Cảm nhận về vẻ đẹp hình tượng sông Hương từ thượng nguồn đến trước khi ra biển trong bài kí Ai đã đặt tên cho dòng sông của Hoàng Phủ Ngọc Tường. Liên hệ vẻ đẹp dòng sông trong bài thơ Tràng giang của Huy Cận để nhận xét về cách khai thác hình tượng thiên nhiên (dòng sông) của mỗi tác giả.
-----------HẾT----------
HƯỚNG DẪ TRẢ LỜI :
Phần I : Đọc hiểu ( 3 điểm )
1. Phương thức biểu đạt là : tự sự , nghị luận
2. Michael Jordan sau này đã trở thành huyền thoại trong làng bóng rổ thế giới :là nhờ vào sự nỗ lực không ngừng và thái độ tích cực không quản ngại khó khăn thử thách không dầu hàng trước số phận mà luôn cố gằn luyện tập chăm chỉ , dần dần cải thiện tất cả kĩ năng của mình . Sống mạnh mẽ để vượt qua những thử thách trong cuộc đời .
3. Cách hiểu câu nói: “Ta sẽ mạnh mẽ hơn khi vượt qua nghịch cảnh” :
- Ngich cảnh đó là những hoàn cảnh khó khăn , là thử thách trong cuộc sống của mỗi người . Để đạt được thành công thì cần vượt qua những ngịch cảnh đó để đi tới mục tiêu cuối cùng
- Khi có thể vượt qua nghịch cảnh bằng tất cả ý chí , niềm tin , sự cố gắng của bản thân thì đó là chiến công lớn của bản thân mỗi người , còn nếu không vượt qua thì đó chưa hẳn là thất bại , vẫn còn rất nhiều những điều tốt đẹp đón chờ ta ở phía trước nếu bạn luôn cố gắng học hỏi . Dù thành công hay thất bại thì chúng ta đều có thể nhận được 1 bài học quý giá , và đó là những kinh nghiệm cho chúng ta trong cuộc đời . Vậy thì, nghịch cảnh dường như đang giúp ta lớn lên từng ngày… 4. Học sinh có thể trình bày và lí giải thông điệp tâm đắc nhất theo ý riêng, không vi phạm chuẩn mực đạo đức và pháp luật. Sau đây là vài gợi ý:
- Cần có thái độ tích cực để đương đầu với trở ngại của cuộc sống
- Không ai muốn sống trong nghịch cảnh. Nhưng một khi đối diện với nghịch cảnh, ta cần phải tìm mọi cách để vượt qua.
II Làm văn (7 điểm)
1 Viết đoạn văn 200 chữ bày tỏ suy nghĩ của anh/ chị về ý nghĩa của câu nói: Thành công hay thất bại ngày hôm nay không nằm ở những khó khăn chúng ta gặp phải, mà là ở cách chúng ta đương đầu với chúng như thế nào được trích ở phần Đọc hiểu
a. Đảm bảo cấu trúc đoạn văn nghị luận 200 chữ
Có đủ các phần mở đoạn, phát triển đoạn, kết đoạn. Mở đoạn nêu được vấn đề, phát triển đoạn triển khai được vấn đề, kết đoạn kết luận được vấn đề.
b. Xác định đúng vấn đề cần nghị luận về một tư tưởng đạo lí: Cách đương đầu với khó khăn quyết định sự thành công hay thất bại.
c. Triển khai vấn đề nghị luận thành các luận điểm; vận dụng tốt các thao tác lập luận; các phương thức biểu đạt, nhất là nghị luận; kết hợp chặt chẽ giữa lí lẽ và dẫn chứng; rút ra bài học nhận thức và hành động. Cụ thể:
c.1. Câu mở đoạn: Dẫn ý liên quan (có thể lấy ý thể hiện trong phần Đọc hiểu ) để nêu vấn đề cần nghị luận.
c.2. Các câu phát triển đoạn:
- Giải thích: Thành công là những kết quả mà ta đạt được từ những nỗ lực, cố gắng và phấn đấu không ngừng; Thất bại chính là những lần vấp ngã, là khi công việc của ta gặp khó khăn, không có kết quả tốt như mong đợi. Thực chất ý cả câu nói: cách đương đầu với khó khăn quyết định sự thành công hay thất bại.
-Bàn luận, phân tích, chứng minh :
1. Vì sao Thành công hay thất bại ngày hôm nay không nằm ở những khó khăn chúng ta gặp phải, mà là ở cách chúng ta đương đầu với chúng như thế nào?
2. Cuộc sống vô cùng phức tạp, đa dạng và phong phú, thậm chí đầy nghịch lí. Con người có thể đứng trước thuận lợi hoặc khó khăn trên hành trình đi tìm hạnh phúc của mình;
+ Khó khăn dù nhỏ mà không biết cách giải quyết thì sẽ gặp thất bại; khó khăn dù lớn nhưng biết cách đối diện để tháo gỡ thì sẽ nắm lấy thành công.
+Thành công không phải là đích đến cuối cùng, thất bại cũng chẳng phải vực sâu, đó chỉ là cơ hội để ta đứng vững hơn trên con đường sắp bước.
3. Ý nghĩa của cách chúng ta đương đầu với những khó khăn:
+ Khi biết cách đối mặt với những thử thách trong cuộc sống, ta sẽ có động lực để rèn luyện bản thân ngày càng vững vàng, trưởng thành trước sóng gió để về đích nhanh nhất có thể.
+Biết cách đương đầu với khó khăn, con người sẽ rèn được sự tự tin vào khả năng vượt qua của mình, trong lòng cảm thấy nhẹ nhàng và dễ dàng tìm ra cách để giải quyết những vấn đề khó khăn đó.
+ Bàn luận mở rộng: Khi có thành công, không nên rơi vào chủ quan. Khi gặp thất bại, không nên nản chí, đầu hàng hoàn cảnh. Ngoài ra cũng cần phê phán những người thiếu bản lĩnh, nhụt chí khi đối diện với khó khăn thử thách trong cuộc sống.
c.3. Câu kết đoạn: đưa ra bài học nhận thức và hành động phù hợp: Mội người cần nhận thức việc đương đầu với khó khăn là điều cần thiết. Vì thế, cần phải học tập, rèn luyện, nhất là rèn kĩ năng sống để xử lí những tình huống xảy ra trong cuộc sống.
d. Sáng tạo
Có cách diễn đạt sáng tạo, thể hiện suy nghĩ sâu sắc, mới mẻ về vấn đề nghị luận.
e. Chính tả, dùng từ, đặt câu: Đảm bảo quy tắc chính tả, dùng từ, đặt câu.
2 . Cảm nhận về vẻ đẹp hình tượng sông Hương từ thượng nguồn đến trước khi ra biển trong bài kí Ai đã đặt tên cho dòng sông của Hoàng Phủ Ngọc Tường. Liên hệ vẻ đẹp dòng sông trong bài thơ Tràng giang của Huy Cận để nhận xét về cách khai thác hình tượng thiên nhiên (dòng sông) của mỗi tác giả.
1. Đảm bảo cấu trúc bài nghị luận :
Có đủ các phần mở bài, thân bài, kết bài. Mở bài nêu được vấn đề, thân bài triển khai được vấn đề, kết bài kết luận được vấn đề.
2. Xác định đúng vấn đề cần nghị luận
Vẻ đẹp hình tượng sông Hương từ thượng nguồn đến trước khi ra biển trong bài kí Ai đã đặt tên cho dòng sông của Hoàng Phủ Ngọc Tường. Liên hệ vẻ đẹp dòng sông trong bài thơ Tràng giang của Huy Cận để nhận xét về cách khai thác hình tượng thiên nhiên (dòng sông) của mỗi tác giả.
3. Triển khai vấn đề nghị luận thành các luận điểm; thể hiện sự cảm nhận sâu sắc và vận dụng tốt các thao tác lập luận; kết hợp chặt chẽ giữa lí lẽ và dẫn chứng. Cụ thể:
3.1.Mở bài:
- Hoàng Phủ Ngọc Tường là một nhà trí thức yêu nước. Ông là một nhà văn chuyên về bút kí. Nét đặc sắc trong sáng tác của ông là sự kết hợp giữa chất trí tuệ và tính trữ tình, giữa nghị luận sắc bén với suy tư đa chiều được tổng hợp từ vốn kiến thức phong phú ở nhiều lĩnh vực, lối hành văn hướng nội, súc tích, mê đắm và tài hoa.“Ai đã đặt tên cho dòng sông” là một bút kí xuất sắc
- Qua tác phẩm, nhà văn đã khắc họa thành công vẻ đẹp của hình tượng sông Hương từ thượng nguồn đến trước khi ra biển. Cùng viết về đề tài dòng sông, ta phát hiện được cách mà Huy Cận trong bài thơ Tràng giang cũng như Hoàng Phủ Ngọc Tường tận dụng để khai thác được giá trị của hình tượng thiên nhiên.
3.2.Thân bài:
a. Khái quát về tuỳ bút :
- Viết tại Huế 4-1-1981
- Thể loại: bút kí – thể loại mà nhân vật trung tâm là “cái tôi” tác giả
- Làm nên thành công của bài bút kí trước hết là ông đã gắn liền với mảnh đất quê hương mình tại Huế. Chính điều này đã giúp ông hiểu biết sâu sắc và gắn bó sâu nặng với xứ Huế và sông Hương.
b. Cảm nhận nội dung, nghệ thuật về hình tượng từ thượng nguồn đến trước khi ra biển:
* Về nội dung:
-Vẻ đẹp của dòng sông Hương ở thượng nguồn:
+Sông Hương ở vùng thượng nguồn:
- "Trong những dòng sông đẹp ở các nước .... thành phố duy nhất" . Đó là lời nhận xét đầy tính chủ quan của nhà văn , tác giả thể hiện niềm tự hào khi đặt dòng sông Hương ngang hàng với các dòng sông nổi tiếng trên thế giới. Trong mối quan hệ đặc biệt này, Sông Hương tựa như " một bản trường ca của rừng già"với nhiều tiết tấu hùng tráng dữ dội. Khi thì " rầm rộ giữa bóng cây đại ngàn", lúc " mãnh liệt vượt qua ghềnh thác", khi " cuộn xoáy như cơn lốc vào những đáy vực bí ẩn", lúc" dịu dàng và say đắm giữa những dặm dài chói lọi màu đỏ của hoa đỗ quyên rừng". Bằng bút pháp nghệ thuật nhân hóa, Sông Hương không phải là thiên nhiên vô tri, vô giác mà hiện ra tựa " cô gái Di - gan phóng khoáng và man dại", với " một bản lĩnh gan dạ, một tâm hồn tự do phóng khoáng".
- Khi ra khỏi rừng, sông Hương đã chế ngự và nhanh chóng mang một sắc đẹp dịu
dàng và trí tuệ, trở thành người mẹ phù sa của một vùng văn hóa xứ sở.
=> Bằng cái nhìn say đắm, sông Hương ở thượng nguồn toát lên một vẻ đẹp của
một sức sống mãnh liệt và hoang dại, đầy cá tính nhưng cũng dịu dàng và say đắm.
Nó sinh động như một cơ thể sống đầy hấp dẫn. Theo tác giả, "nếu chỉ mải mê nhìn ngắm khuôn mặt kinh thành mà không chú ý tìm hiển SôngHươngtừnguồncội, người ta khó mà hiểu hết cái vẻ đẹp tâm hồn sâu thẳm của dòng sông mà chính nó đã không muốn bộc lộ". -Vẻ đẹp của dòng sông Hương trong cuộc hành trình đến với “người tình” Huế:
+Sông Hương rời nguồn và bắt đầu tìm đến với “thành phố tương lai của nó”. Rời núi Trường Sơn, sông Hương uốn chuyển mình khoe những đường cong mềm mại, dịu dàng, nữ tính: “Nhưng ngay từ đầu vừa rời khỏi vùng núi, sông Hương đã chuyển dòng liên tục, vòng giữa khúc đột ngột uốn mình theo những đường cong mềm mại”.
+Sông Hương lúc thì có vẻ đẹp sắc màu biến ảo với sắc nước xanh, vàng, tím, in hình nền trời Tây Nam thành phố, khi thì lại mang vẻ đẹp ưu tư, thâm nghiêm, hoài cổ lặng lẽ chảy qua lăng mộ của các vua chúa, lúc lại mang vẻ đẹp mơ màng khi ngang qua Vĩ Dạ.
-Vẻ đẹp sông Hương trong lòng “người tình” Huế:
+Khi chạm mặt người tình tại cồn Dã Viên, “sông Hương uốn một cánh cung rất nhẹ”, đường cong ấy “như một tiếng vâng không nói ra của tình yêu”. Giây phút ban đầu e lệ mà nhẹ nhàng đến thế.
+Khi trong lòng Huế, dòng sông Hương như muốn chậm khẽ, giống điệu slow nhẹ nhàng, khẽ khàng từng nhịp, “đấy là điệu slow tình cảm dành riêng cho Huế”.
-Vẻ đẹp của sông Hương khi rời xa “người tình” Huế:
+ Cuộc hội ngộ nào rồi cũng tới lúc giã biệt, “rồi như sực nhớ lại một điều gì đó chưa kịp nói. Nó đột ngột đổi dòng rẽ ngoặt sang hướng đông tây để gặp lại thành phố lần cuối”. Cái gặp lần cuối ấy nói lên bao lưu luyến của con sông dành cho người tình xứ Huế này
+Nhà văn đã ví sông Hương như nàng Kiều lưu luyến tìm Kim Trọng nói lời tạm biệt, “một lời thề” trước khi xuôi về biển cả.
*Về nghệ thuật:
-Có những liên tưởng, tưởng tượng, so sánh, nhân hóa rất phong phú, độc đáo.
-Câu văn gợi hình, gợi cảm, lối hành văn hương nội, mê đắm, tài hoa
-Đoạn văn được viết bởi một ngòi bút đậm chất thơ: ngôn ngữ (nhiều tính từ), hình ảnh, giọng điệu…
-Vận dụng kiến thức ở nhiều lĩnh vực.
c. Liên hệ vẻ đẹp dòng sông trong bài thơ Tràng giang của Huy Cận để nhận xét về cách khai thác hình tượng thiên nhiên (dòng sông) của mỗi tác giả.
- Vẻ đẹp dòng sông trong bài thơ Tràng giang của Huy Cận
+Huy Cận là nhà thơ lớn của văn học Việt Nam hiện đại, là gương mặt tiêu biểu của phong trào Thơ Mới 1932 - 1945. Huy Cận là một trí thức Tây học song lại chịu ảnh hưởng sâu sắc của Nho học. Thơ ông vừa phảng phất màu sắc Đường thi cổ điển, vừa mang hình ảnh con người cá nhân ảo não, cô đơn của văn học lãng mạn.
+Vẻ đẹp thiên nhiên, nỗi ưu sầu nhân thế của hồn thơ Huy Cận, được thể hiện khá rõ nét qua bài thơ “Tràng giang”.
+Hình tượng Tràng giang khước từ mọi địa danh, địa chỉ cụ thể để trở thành một tạo vật thiên nhiên mang tính phổ quát. Lòng yêu của thi sĩ trong đó là lòng yêu dành cho tạo vật thiên nhiên. Cảm hứng chung của bài thơ là cảm hứng không gian: không gian được mở ra từ sâu thẳm vũ trụ vào tận sâu thẳm tâm linh con người. Bởi vậy,Tràng giang hiện ra như một bức tranh tạo vật trường cửu lớn lao, vừa hoang sơ vừa cổ kính, thôi thúc lòng quê trỗi dậy tìm chốn nương tựa quê hương, chỗ tựa bền vững muôn thuở của con người, kín đáo bộc lộ tình cảm tha thiết gắn bó với quê hương, bộc lộ niềm khát khao tình đời tình người hơi ấm của con người.
-Nhận xét về cách khai thác hình tượng thiên nhiên (dòng sông) của mỗi tác giả
+ Nét chung về cách khai thác hình tượng thiên nhiên (dòng sông) của hai tác giả :
+Cả 2 tác phẩm đều chọn hình tượng thiên nhiên (dòng sông) làm nguồn cảm hứng sáng tác;
+Thể hiện tình yêu thiên nhiên, yêu quê hương đất nước.Đó cũng là biểu hiện của tinh thần yêu nước thầm kín của các nhà thơ.
+ Cả 2 tác phẩm đều cho thấy nét bút tài hoa, lãng mạn của 2 thi sĩ.
+ Tuy nhiên có sự khác biệt :
+Cách khai thác hình tượng thiên nhiên (dòng sông) trong bài Tràng giang: đó là không gian mênh mang, bao la, rộng lớn “Trời rộng sông dài” vừa mang đậm màu sắc cổ điển nhưng vẫn gần gũi, thân thuộc với mọi tấm lòng Việt Nam. Sự đối lập giữa bao la mênh mông của trời nước với vạn vật nhỏ nhoi tạo nên cảm giác lạc lõng; con người cảm thấy cô đơn, bơ vơ. Tác giả sử dụng thể thơ bảy chữ. Bao trùm bài thơ là một giọng điệu buồn.Dường như nỗi buồn đã thấm sâu vào cảnh vật.
+Cách khai thác hình tượng thiên nhiên (dòng sông) trong bài bút kí của Hoàng Phủ Ngọc Tường: đó là không gian được nhìn ở góc độ địa lí. Một tâm hồn nghệ sĩ tinh tế, một vốn văn hóa phong phú về Huế và trước hết, với một tình cảm vô cùng thiết tha đối với Huế, tác giả Hoàng Phủ Ngọc Tường như đã huy động triệt để mọi tiềm năng văn hóa cùng với vốn ngôn từ giàu có của mình để phát hiện, diễn tả vẻ đẹp và chất thơ của Huế thể hiện tập trung của dòng sông Hương như một biểu tượng của xứ Huế. Tác giả sử dụng thể bút kí, thể hiện phong cách mê đám và tài hoa
+ Nguyên nhân sự khác biệt :
+ Mỗi tác giả đều mang một cảm xúc riêng khi thể hiện hình ảnh thiên nhiên.
+Hoàn cảnh sáng tác: cảnh ngộ riêng và hoàn cảnh thời đại để lại dấu ấn trong cảm xúc và hình ảnh thiên nhiên của mỗi tác giả.
3.3.Kết bài:
Kết luận về nội dung, nghệ thuật vẻ đẹp thiên nhiên của 2 tác phẩm. Cảm nghĩ của bản thân về hình tượng dòng sông.
4. Sáng tạo
Có cách diễn đạt sáng tạo, thể hiện suy nghĩ sâu sắc, mới mẻ về vấn đề nghị luận.
5. Chính tả, dùng từ, đặt câu
Đảm bảo quy tắc chính tả, dùng từ, đặt câu.( Sai từ 2 lỗi trở lên sẽ không tính điểm này)