ĐỀ LUYỆN THI QUỐC GIA MÔN NGỮ VĂN

Phần I. Đọc hiểu (3,0 điểm)

Đọc văn bản sau và thực hiện các yêu cầu:

 (1)Mọi người đều tránh xa xung đột. Nó khiến ta cảm thấy tồi tệ nên ta tránh né, và hy vọng bằng cách nào đó xung đột tự hóa giải. Nhưng điều đó không bao giờ xảy ra. Thay vì vậy nó cứ mưng mủ như một vết thương nhiễm trùng (điều ta né tránh thường lại dai dẳng).

(2)Quan điểm của tôi về nó: xung đột không gì khác hơn là một cơ hội để trưởng thành và kết nối sâu xa hơn với người khác. Mọi xung đột đều ẩn chứa cơ hội học hỏi một bài học quí giá, và cơ hội phát triển bản thân (về hiểu biết, nhận thức và quan điểm). Mỗi xung đột, dù với người thân hay với khách hàng, là cả một cơ hội lớn để trui rèn mối liên lạc gần gũi hơn với người đó. Bằng cách biến đổi sự bất mãn thành thời khắc thú vị cho cả hai bên.

(3)Vậy đừng trốn chạy xung đột. Đừng chỉ gửi email khi biết mình cần mât đối mặt để nói rõ sự thật. Vai trò lãnh đạo cũng bao hàm cả sự quân bình giữa lòng trắc ẩn với sự can đảm. Mặc dù bạn có thể cảm thấy xung đột thật rắc rối, nhưng nó thực sự là một món quà. Hãy đón nhận nó. Hãy thưởng thức những tiềm năng mà nó mang theo. Xung đột sẽ phục vụ đắc lực cho bạn.

( Trích Đời ngắn đừng ngủ dài, Tác giả: Robin Sharma, Người dịch: Phạm Anh Tuấn,Nhà xuất bản Trẻ, 2014, tr 34)

1. Xác định phương thức biểu đạt chính trong văn bản trên?

2. Chỉ ra và nêu hiệu quả nghệ thuật biện pháp tu từ trong đoạn văn (1)

3. Tại sao tác giả khẳng định: Mỗi xung đột, dù với người thân hay với khách hàng, là cả một cơ hội lớn để trui rèn mối liên lạc gần gũi hơn với người đó?

4.Anh/ chị có đồng tình với quan điểm: Vậy đừng trốn chạy xung đột của tác giả hay không? Nêu rõ lí do tại sao.

 

Phần II. Làm văn (7,0 điểm)

Câu 1. (2,0 điểm)

Hãy viết 01 đoạn văn (khoảng 200 chữ) trình bày suy nghĩ của anh/chị về ý nghĩa của việc giải quyết xung đột trong cuộc sống được gợi ở phần Đọc hiểu.

 

Câu 2. (5,0 điểm)

Ta về mình có nhớ ta

Ta về ta nhớ những hoa cùng người

Rừng xanh hoa chuối đỏ tươi

Đèo cao nắng ánh dao gài thắt lưng

Ngày xuân mơ nở trắng rừng

Nhớ người đan nón chuốt từng sợi giang

Ve kêu rừng phách đổ vàng

Nhớ cô em gái hái măng một mình.

Rừng thu trăng rọi hòa bình

Nhớ ai tiếng hát ân tình thủy chung.

 

Cảm nhận của anh/chị về hình tượng thiên nhiên và con người Việt Bắc trong đoạn thơ trên trong bài thơ Việt Bắc ( Tố Hữu).Từ đó, liên hệ với đoạn thơ

Sóng gợn tràng giang buồn điệp điệp,

Con thuyền xuôi mái nước song song.

Thuyền về nước lại, sầu trăm ngả,

Củi một cành khô lạc mấy dòng”.

trong bài thơ Tràng giang của Huy Cận( Ngữ văn 11) để nhận xét vẻ đẹp thiên nhiên và con người Việt Nam.

 

-----------HẾT----------

 

HƯỚNG DẪN TRẢ LỜI :

 

 

Phần I : Đọc hiểu (3.0 điểm )

1 . Phương thức biểu đạt chính trong văn bản trên là : Nghị luận

2 . Chỉ ra và nêu hiệu quả nghệ thuật biện pháp tu từ trong đoạn văn (1) ;

- Biện pháp tu từ so sánh: Xung đột như một vết thương nhiễm trùng

- Tác dụng: Giup người đọc có thể hình dung ra được sự việc 1 cách rõ ràng , tăng thêm tính sinh động cho câu văn . Qua đó, tác giả cho thấy xung đột không bao giờ tự hoá giải mà sẽ tồn tại dai dẳng, thậm chí ngày càng nặng nếu không biết cách giải quyết.

3 . Tác giả khẳng định: “Mỗi xung đột, dù với người thân hay với khách hàng, là cả một cơ hội lớn để trui rèn mối liên lạc gần gũi hơn với người đó?” Vì nếu khi xung đột được giải quyết 1 cách ổn thỏa thì mỗi người sẽ có cơ hội để hiểu về nhau hơn và trui rèn mối liên lạc gần gũi hơn với những người đó

4 Học sinh có thể trình bày và lí giải đồng tình/ không đồng tình/ đồng tình một phần theo ý riêng, không vi phạm chuẩn mực đạo đức và pháp luật. Sau đây là vài gợi ý:

- Nếu đồng tình: Xung đột bắt nguồn từ những mâu thuẫn trong quan hệ xã hội. Nếu chạy trốn xung đột, đồng nghĩa chúng ta tự cắt đứt sợi dây quan hệ. Vì thế, ta cần đối mặt và tìm cách giải quyết mâu thuẫn một cách triệt để. Đó cũng là cơ hội để mỗi bên rút ra bài học quý giá…

- Nếu không đồng tình: Nhiều khi xung đột quá giới hạn cho phép, có khả năng không thể giải quyết được, chúng ta cần lùi một bước trên tinh thần một điều nhịn, chín điều lành để giữ hoà khí…

( Có thể nêu 1 trong 2 ý kiến như trên . Nhưng nếu chọn “không đồng tình : cần đưa ra những luận điểm , lí lẽ sắc đáng để tăng độ tin cậy và chính xác , thể hiện được rõ ý kiến bản thân nêu ra )

II Làm văn :

1 Hãy viết 01 đoạn văn (khoảng 200 chữ) trình bày suy nghĩ của anh/chị về ý nghĩa của việc giải quyết xung đột trong cuộc sống được gợi ở phần Đọc hiểu .

a. Đảm bảo cấu trúc đoạn văn nghị luận 200 chữ

Có đủ các phần mở đoạn, phát triển đoạn, kết đoạn. Mở đoạn nêu được vấn đề, phát triển đoạn triển khai được vấn đề, kết đoạn kết luận được vấn đề.

b. Xác định đúng vấn đề cần nghị luận về một tư tưởng đạo lí: ý nghĩa của việc giải quyết xung đột trong cuộc sống.

c. Triển khai vấn đề nghị luận thành các luận điểm; vận dụng tốt các thao tác lập luận; các phương thức biểu đạt, nhất là nghị luận; kết hợp chặt chẽ giữa lí lẽ và dẫn chứng; rút ra bài học nhận thức và hành động. Cụ thể:

+1. Câu mở đoạn: Dẫn ý liên quan (có thể lấy ý thể hiện trong phần Đọc hiểu ) để nêu vấn đề cần nghị luận.

+2. Các câu phát triển đoạn:

- Giải thích: Xung đột là quá trình trong đó một bên nhận ra rằng quyền lợi của mình hoặc đối lập hoặc bị ảnh hưởng tiêu cực bởi một bên khác. Xung đột có thể mang đến những kết quả tiêu cực hoặc tích cực, phụ thuộc vào bản chất và cường độ của xung đột. Không phải lúc nào khái niệm xung đột cũng đều được hiểu theo nghĩa xấu. Giải quyết xung đột là làm cho xung đột không còn nữa, đem lại sự thống nhất cho các bên.

-Bàn luận, phân tích, chứng minh giải quyết xung đột trong cuộc sống;

+ Tại sao phải giải quyết xung đột trong cuộc sống ? Vì nếu không có cách giải quyết thì xung đột ngày càng đẩy lên cao, phát sinh nhiều mâu thuẫn phức tạp hơn. Lúc đó, con người sẽ mất kiểm soát bản thân.Với mức độ cao của mâu thuẫn và xung đột, sự giận dữ sẽ có xu hướng tập trung lên cá nhân thay vì tranh cãi có thể giải quyết. Từ đây có thể thấy sự phối hợp đã biến mất và lòng tin bị đe dọa.

+ Ý nghĩa của việc giải quyết xung đột:               

+ Khi biết cách giải quyết xung đột, các bên sẽ tìm được tiếng nói chung, giúp cho mối quan hệ trở nên gần gũi, đoàn kết, thống nhất;

+Mang lại cái nhìn rõ ràng về những vấn đề quan trọng.

+Mang lại giải pháp cho vấn đề.

+Lôi cuốn được nhiệu người cùng tham gia vào giải quyết vấn đề có

tác động đến bản thân họ.

+Xây dựng tinh thần hợp tác giữa các nhóm thông qua xung đột họ

có thể hiểu về nhau tốt hơn.

+ Bàn luận mở rộng: Giải quyết xung đột trên cơ sở thiện chí, tránh tình trạng châm dầu vào lửa. Phê phán những người quá đề cao cái tôi hoặc tìm mọi cách đẩy xung đột theo hướng xấu, biến mâu thuẫn nhỏ thành mâu thuẫn lớn.

c.3. Câu kết đoạn: đưa ra bài học nhận thức và hành động phù hợp: Mỗi người cần hiểu xung đột trong cuộc sống là điều luôn xảy ra. Vì thế, cần tìm cách để giải quyết xung đột một cách khéo léo, tế nhị. Cần rèn luyện kĩ năng giải quyết tình huống, đem lại điều tốt đẹp trong quan hệ với cá nhân và tập thể.

d. Sáng tạo

Có cách diễn đạt sáng tạo, thể hiện suy nghĩ sâu sắc, mới mẻ về vấn đề nghị luận.

e. Chính tả, dùng từ, đặt câu: Đảm bảo quy tắc chính tả, dùng từ, đặt câu. ( Sai từ 2 lỗi trở lên sẽ không tính điểm này)

2 Cảm nhận vẻ đẹp đoạn thơ trong bài thơ Việt Bắc của Tố Hữu. Từ đó, liên hệ khổ thơ 1 bài thơ Tràng giang của Huy Cận( Ngữ văn 11) để nhận xét vẻ đẹp thiên nhiên và con người Việt Nam.

1. Đảm bảo cấu trúc bài nghị luận

Có đủ các phần mở bài, thân bài, kết bài. Mở bài nêu được vấn đề, thân bài triển khai được vấn đề, kết bài kết luận được vấn đề.

2. Xác định đúng vấn đề cần nghị luận

Cảm nhận vẻ đẹp đoạn thơ trong bài thơ Việt Bắc của Tố Hữu. Liên hệ khổ thơ 1 trong bài thơ Tràng giang của Huy Cận( Ngữ văn 11) để nhận xét vẻ đẹp thiên nhiên và con người Việt Nam.

3. Triển khai vấn đề nghị luận thành các luận điểm; thể hiện sự cảm nhận sâu sắc và vận dụng tốt các thao tác lập luận; kết hợp chặt chẽ giữa lí lẽ và dẫn chứng. Cụ thể:

3.1.Mở bài:

– Giới thiệu Tố Hữu và bài thơ Việt Bắc.

– Nêu vấn đề cần nghị luận ( chép đầy đủ, chính xác đoạn thơ)

Pauxtôpxki đã từng nói “Niềm vui của nhà thơ chân chính là niềm vui của người mở đường đến với cái đẹp”. Quả đúng như thế, trong bài thơ Việt Bắc, Tố Hữu đã mở đường đến với cái đẹp của bộ tranh tứ bình và cũng là mở đường đi tới tình yêu quê hương đất nước. Đoạn thơ khắc họa nỗi nhớ về thiên nhiên và con người VB, một thiên nhiên đầy sống động, hữu tình mang vẻ đẹp cổ điển. Thiên nhiên tô điểm cho vẻ đẹp con người. Con người trở thành trung tâm biểu trưng cho sự cần cù, khéo léo, cho tình cảm thủy chung son sắt của những người dân VB.

“ Ta về mình có nhớ ta

…….

Nhớ ai tiếng hát ân tình thủy chung’’

Liên hệ khổ thơ 1 bài thơ Tràng giang của Huy Cận( Ngữ văn 11) để nhận xét vẻ đẹp thiên nhiên và con người Việt Nam.

3.2.Thân bài:

a. Khái quát về bài thơ, đoạn thơ:

- Bài thơ VB ra đời trong một không khí lịch sử hào hùng của dân tộc, chiến dịch ĐBP kết thúc thắng lợi, hiệp định Gionevo được kí kết, hòa bình lập lại ở miền Bắc. Tháng 10 năm 1954, Trung ương Đảng và chính phủ rời chiến khu VB về lại thủ đô. Nhân sự kiện có tính lịch sử ấy, Tố Hữu sáng tác bài thơ VB. Tác phẩm không chỉ tái hiện một thời kì lịch sử vang dội hào hùng mà còn giúp người đọc hiểu được những tình cảm ân nghĩa thủy chung của những con người cách mạng.

- Bài thơ được kết cấu theo lối đối đáp của ca dao dân ca.

- Đoạn thơ trên là bức tranh được dệt bằng ngôn từ nghệ thuật toàn bích, có sự hoà quyện giữa cảnh và người, giữa cuộc đời thực với tấm lòng của nhà thơ cách mạng. Mười câu thơ trên nằm trong trường đoạn gồm 62 câu thơ diễn tả tâm tình của người cán bộ sắp sửa rời Việt Bắc, nơi mình đã 15 năm gắn bó với bao tình cảm máu thịt.

b. Cảm nhận nội dung, nghệ thuật về vẻ đẹp thiên nhiên và con người trong đoạn thơ:

* Khái quát giá trị nổi bật của đoạn thơ: Đoạn thơ được coi là bức tứ bình khắc họa thiên nhiên và con người Việt Bắc trong bốn mùa. Ngòi bút Tố Hữu đã gợi tả thật tinh tế vẻ đẹp đặc trưng của cảnh và người vùng đất này.

* Cảm nhận về hình tượng thiên nhiên và hình tượng con người Việt Bắc trong đoạn thơ:

-Cấu trúc độc đáo của đoạn thơ:

+ Cặp lục bát mở đầu vừa như lời ướm hỏi ý nhị Ta về mình có nhớ ta lại vừa như một lời khẳng định trìu mến Ta về ta nhớ những hoa cùng người: ta gắn bó với mình bằng việc khắc ghi trong tâm khảm những gì đẹp nhất của Việt Bắc là hoa và người.

+Bốn cặp lục bát còn lại, mỗi cặp là một nét chấm phá, gợi tả chân thực, sống động về cảnh và người Việt Bắc trong một mùa. Trong từng cặp, dòng lục là nét đẹp về hoa, dòng bát là nét khắc chạm về người. Vẻ đẹp của cảnh làm phông, nền để tôn lên vẻ đẹp của người – hình tượng trung tâm của Việt Bắc.

-Vẻ đẹp của hình tượng thiên nhiên và con người Việt Bắc trong đoạn thơ:

+Mùa đông Việt Bắc trong cái nhìn bao quát: Rừng xanh hoa chuối đỏ tươi/ Đèo cao nắng ánh dao gài thắt lưng:

+Thiên nhiên Việt Bắc dần hiện lên bởi sắc xanh mênh mông đặc trưng của một vùng rừng núi. Trên nền xanh ấy thấp thoáng sắc đỏ tươi của hoa chuối. Sắc hoa như làm sáng bừng, ấm áp một vùng không gian Việt Bắc.

+ Hình ảnh con người xuất hiện với tư thế thật vững chãi, tự tin, tự chủ.

+ Bức tranh Việt Bắc vào xuân trong cặp lục bát tiếp theo Ngày xuân mơ nở trắng rừng/ Nhớ người đan nón chuốt từng sợi giang:

+ Dòng lục tả hoa xuân trong cái nhìn toàn cảnh kết hợp cái nhìn cận cảnh. Nhịp chẵn truyền thống 2/2/2 của thơ lục bát như đang hòa điệu tài tình với nhịp đi nhẹ nhàng của thời gian: mỗi nhịp thơ là một nhịp đi của thời gian, theo đó, từng cánh hoa mơ nở dần làm cho sắc trắng thanh khiết, tinh khôi của hoa cứ lan dần, mở rộng ra để rồi bất chợt phủ kín cả không gian núi rừng. Hai chữ trắng rừngđể lại ấn tượng về vẻ đẹp thật thi vị đồng thời làm cho cảnh xuân thêm sinh động.

+  Hình ảnh con người Việt Bắc trong công việc bình dị, thầm lặng đan nón. Hai chữ chuốt từng vừa gợi tả dáng điệu, tâm thế lao động cần mẫn vừa gợi niềm khâm phục bàn tay tài hoa của những con người lao động.

+Khung cảnh Việt Bắc sang hè được ghi lại trong cặp lục bát đặc sắc Ve kêu rừng phách đổ vàng/ Nhớ cô em gái hái măng một mình:

+Nhà thơ thấy vọng lên trong kí ức âm thanh rất đỗi quen thuộc Ve kêu rừng phách đổ vàng.Tiếng ve ngân lên lập tức rừng phách chuyển sang màu vàng. Cảnh hè Việt Bắc trở nên sôi động mà thật thơ mộng.

+Nhà thơ phác họa hình ảnh cô em gái hái măng một mình tần tảo – bản tính truyền thống của người lao đông.

+Mùa thu Việt Bắc hiện lên bằng nét vẽ Rừng thu trăng rọi hòa bình/ Nhớ ai tiếng hát ân tình thủy chung:

+Thiên nhiên Việt Bắc khi đêm về thật nên thơ trong trẻo bởi ánh sáng trăng thu.

+Con người Việt Bắc trong cảnh thu này được gợi tả với âm thanh đầy ý nghĩa tiếng hát ân tình thủy chung. Đó là tình cảm gắn bó thủy chung cách mạng của người Việt Bắc.

+Điệp từ nhớ xuất hiện 5 lần đem đến cho đoạn thơ giọng hồi tưởng sâu lắng, tha thiết, làm nổi bật cảm hứng chủ đạo của toàn bài. Cách xưng hô mình- ta gia tăng chất giọng tâm tình ngọt ngào, thương mến khiến nỗi nhớ trong lòng người đi càng bồi hồi, xao xuyến.

-Đánh giá chung

+ Đoạn thơ như một bức họa cổ điển mà hiện đại ghi lại vẻ đẹp gợi cảm, nên thơ của hình tượng thiên nhiên Việt Bắc trong sự hòa hợp kì diệu với vẻ đẹp cần cù, tài hoa trong lao động cùng vẻ đẹp tâm hồn thủy chung, tình nghĩa của hình tượng con người Việt Bắc.

+ Mượn hình thức trữ tình giàu tính dân tộc, Tố Hữu đã thể hiện thật thấm thía những tâm tình chung của con người Việt Nam trong thời đại cách mạng. Đó là lẽ sống lớn, niềm vui lớn, tình cảm lớn – nội dung trữ tình bao trùm các sáng tác của Tố Hữu.

c. Liên hệ khổ 1 bài thơ Tràng giang của Huy Cận( Ngữ văn 11) để nhận xét vẻ đẹp thiên nhiên và con người Việt Nam.

- Về hình ảnh thiên nhiên và con người trong khổ thơ 1:

+Huy Cận là nhà thơ của nỗi ám ảnh không gian. Ông thường tìm đến những cảnh thiên nhiên rộng lớn và đem đối lập với những hình ảnh gợi lên cái nhỏ bé, bơ vơ của kiếp người.

+Tràng giang là bài thơ kiệt tác của Huy Cận được sáng tác trước cách mạng tháng Tám, in trong tập Lửa thiêng năm 1939. Thông qua bức tranh thiên nhiên rợn ngợp ừong một buổi chiều buồn ở một vùng bến bãi sông nước mênh mông, nhà thơ thể hiện nỗi buồn ảo não, cô đơn của mình trước cuộc đời, thiên nhiên và vũ trụ

+Ba câu đầu: hình ảnh tràng giang mang màu sắc cổ điển.

+Câu đầu: Hình ảnh “sóng”, cụm từ “gợn tràng giang”, từ láy “điệp điệp” diễn tả những con sóng liên tiếp vỗ vào nhau, nối đuôi nhau, lan ra rộng dần, xa dần, gợi nỗi buồn triền miên như những con sóng.

+ Câu hai: Hình ảnh “con thuyền xuôi mái”, từ láy “song song”: thuyền và nước không đi liền với nhau mà “song song”, gợi cảm giác rời rạc, buồn tẻ.

+ Câu ba: Hình ảnh “thuyền về nước lại”, cụm từ “sầu trăm ngả” . Thuyền và nước chia lìa, nỗi buồn tăng cấp thành nỗi sầu, nỗi sầu lan tỏa khắp không gian, trăm ngả nước là trăm nỗi sầu.Cảnh tràng giang gợi cảm giác buồn, cô đơn, xa vắng, chia lìa.

+ Câu cuối : mang màu sắc hiện đại.

+Phép đảo đưa hình ảnh “củi” lên đầu câu gợi ấn tượng về sự nhỏ nhoi; phép đối giữa “một”cành củi khô với “mấy” dòng nước nhấn mạnh sự cô đơn, lạc lõng, gợi liên tưởng đến thân phận những kiếp người nhỏ bé, bơ vơ giữa dòng đời.

- Nhận xét:

+ Giống nhau: Cả 2 đoạn thơ đều thể hiện cảm xúc của nhà thơ trước vẻ đẹp thiên nhiên và con người Việt Nam. Ngôn ngữ đậm chất dân tộc, gần gũi, thân quen

+ Khác nhau:

+Thiên nhiên và con người Việt Nam trong thơ Huy Cận đẹp nhưng thấm thía nỗi buồn khi đất nước chìm trong nô lệ. Sông nước mênh mông đối lập với con thuyền, cành củi khô lẻ loi, cô độc, lạc lõng gợi kiếp người trôi nổi, không biết đi về đâu. Đó cũng chính là cái tôi lãng mạn, cô đơn của Huy Cận trước cách mạng tháng Tám. Đoạn thơ nói riêng, bài thơ nói chung sử dụng thể thơ 7 tiếng, mang âm hưởng cổ điển và hiện đại;

+Thiên nhiên và con người Việt Nam trong thơ Tố Hữu đẹp trong nỗi nhớ tha thiết của người cán bộ kháng chiến khi về xuôi. Nhà thơ Tố Hữu đã mang đến cho ta những vần thơ đẹp về thiên nhiên nhiên và con người Việt Bắc mà cũng là cảnh trí, con người Việt Nam. Vẻ đẹp của bộ tranh tứ bình giúp ta cảm nhận thấm thía hơn tình yêu thiên nhiên và con người lao động của tác giả, trong đó cảnh hoà quyện với người, người làm chủ hoàn cảnh. Cái tôi của nhà thơ gắn với cái ta chung, thể hiện phong cách thơ trữ tình chính trị, giọng thơ ngọt ngào tha thiết. Thể thơ lục bát được sử dụng nhuần nhuyễn, hình ảnh thơ đậm đà tính dân tộc.

+ Nguyên nhân sự khác biệt :

+ Mỗi tác giả đều mang một cảm xúc riêng khi thể hiện hình ảnh thiên nhiên và con người;

+Hoàn cảnh sáng tác: cảnh ngộ riêng và hoàn cảnh thời đại để lại dấu ấn trong cảm xúc về thiên nhiên và con người của mỗi tác giả.

3.3.Kết bài:

Kết luận về nội dung, nghệ thuật hình tượng thiên nhiên và con người ở 2 đoạn thơ. Cảm nghĩ của bản thân về hình tượng.

4. Sáng tạo

Có cách diễn đạt sáng tạo, thể hiện suy nghĩ sâu sắc, mới mẻ về vấn đề nghị luận.

5. Chính tả, dùng từ, đặt câu

Đảm bảo quy tắc chính tả, dùng từ, đặt câu.( Sai từ 2 lỗi trở lên sẽ không tính điểm này)

Bài viết gợi ý: