I.ĐỌC HIỂU (3,0 điểm)
Đọc văn bản:
Tôi vừa đọc một bài trong tạp chí GQ. Bài báo trích dẫn lời của diễn viên Andy Garcia nói rằng: “Điều quan trọng khi bạn theo đuổi một mục tiêu là không bao giờ quên tính toàn vẹn của hành trình ấy.” Tôi rất thích cách diễn tả này. Và Garcia đã đúng. Hành trình đến bất cứ kết quả nào – dù là một kỹ năng tuyệt vời hay một cách sống tốt đẹp – cũng quan trọng ngang bằng với đích đến của nó (nếu không nói là quan trọng hơn). Có một điều tôi mong bạn hãy suy ngẫm: hành trình leo núi ban tặng nhiều giá trị và phần thưởng hơn việc đến được đỉnh núi. Tại sao? Bởi vì chính cuộc hành trình sẽ hình thành cá tính, tạo cơ hội để bạn nhận ra tiềm năng của mình và kiểm tra xem bạn thực sự muốn chiến thắng tới đâu. Chính hành trình mới dạy bạn, biến đổi bạn, và kêu họi tài năng ẩn náy trong con người. Bạn phải phát huy những phẩm chất của một người xuất sắc, như sự kiên định, can đảm, dẻo dai, trắc ẩn, hiểu biết. Tất nhiên, đạt tới ước mơ sẽ mang lại cảm giác tuyệt vời. Tôi luôn đồng ý như vậy. Nhưng nó không mang lại những quà tặng tương tự như những gì bạn nhận được qua cuộc hành trình. Trong thử thách, ta học hỏi được nhiều hơn lúc thành công.
Vậy mỗi khi bạn cảm thấy nôn nóng, tuyệt vọng hay chán nản trên đường tiến tới một cuộc đời mình mong muốn, hãy nhớ rằng nơi bạn dừng chân có thể là nơi tốt nhất dành cho bạn. Và có lẽ hành trình còn tốt hơn cả đích đến.
(Trích Hành trình và đích đến, trong Đời ngắn đừng ngủ dài, Robin Sharma, Phạm Anh Tuấn dịch, NXB Trẻ, 2018, tr.204 – 205)
Thực hiện các yêu cầu sau:
Câu 1. Xác định phương thức biểu đạt chính được sử dụng trong văn bản trên.
Câu 2. Theo tác giả, hành trình theo đuổi một mục tiêu nào đó đem lại cho mỗi người những giá trị và phần thưởng nào?
Câu 3. Anh/Chị hiểu như thế nào về ý kiến: “Hành trình leo núi ban tặng nhiều giá trị và phần thưởng hơn việc đến được đỉnh núi”?
Câu 4: “Mỗi khi bạn cảm thấy nôn nóng, tuyệt vọng hay chán nản trên đường tiến tới một cuộc đời mình mong muốn, hãy nhớ rằng chính nơi bạn dừng chân có thể là nơi tốt nhất dành cho bạn.” Anh/Chị có đồng tình với quan điểm trên không? Vì sao?
II.LÀM VĂN (7,0 điểm)
Câu 1 (2,0 điểm)
Từ gợi ý của văn bản phần Đọc hiểu, anh/chị hãy viết một đoạn văn (khoảng 200 chữ) với chủ đề:
Hành trình đến bất cứ kết quả nào cũng quan trọng ngang bằng với đích đến của nó.
Câu 2 (5,0 điểm)
Trong truyện ngắn Vợ chồng A Phủ, nhân vật Mị đã hai lần được nhà văn Tô Hoài miêu tả gắn với căn buồng có chiếc cửa sổ một lỗ vuông bằng bàn tay, mờ mờ trăng trắng. Lần thứ nhất: “Mị nghĩ rằng mình cứ ngồi trong cái lỗ vuông ấy mà trông ra, đến bao giờ chết thì thôi” nhưng lần thứ hai: “Bấy giờ Mị ngồi xuống giường, trông ra cái cửa sổ lỗ vuông mờ mờ trăng trắng. Đã từ nãy, Mị thấy phơi phơi trở lại, trong lòng đột nhiên vui sướng như những đêm tết ngày trước. Mị trẻ lắm. Mị vẫn còn trẻ. Mị muốn đi chơi. Bao nhiêu người có chồng cũng đi chơi ngày tết. Huống chi A Sử với Mị, không có lòng với nhau mà vẫn phải ở với nhau! Nếu có nắm lá ngón trong tay lúc này. Mị sẽ ăn cho chết ngay chứ không buồn nhớ lại nữa”.
(Tô Hoài, Ngữ văn 12, tập 2, NXB Giáo dục, 2007, tr.6 và tr.7)
Phân tích sự đổi thay trong tâm lí, tính cách nhân vật Mị qua hai lần miêu tả trên. Từ đó rút ra nhận xét về hướng vận động của tâm lí, tính cách nhân vật trong văn học Việt Nam 1945 – 1975.
-------------------------Hết-----------------------
HƯỚNG DẪN GIẢI CHI TIẾT
Câu 1: Phương pháp: căn cứ các phương thức biểu đạt đã học
- Phương thức biểu đạt: Nghị luận
Câu 2: Phương pháp: căn cứ nội dung đoạn trích
Những giá trị và phần thưởng mà hành trình đem lại cho mỗi con người:
- Hành trình sẽ hình thành cá tình, tạo cơ hội để bạn nhận ra tiềm năng của mình và kiểm tra xem bạn thực sự muốn chiến thắng tới đâu.
- Chính hành trình mới dạy bạn, biến đổi bạn và kêu gọi tài năng ẩn náu trong con người bạn.
Câu 3: Phương pháp: phân tích, lý giải
Có thể hiểu trong hành trình chúng ta sẽ có thêm được nhiều tri thức, sẽ rèn luyện được nhiều kĩ năng, đồng thời cũng phát hiện ra nhiều phẩm chất tiềm tang trong con người bạn. Chỉ trong hành trình những điều nêu trên mới được bộc lộ hết.
Câu 4: Phương pháp: phân tích, tổng hợp
Học sinh có thể đồng tình, không đồng tình hoặc đồng tình một phần và đưa ra những kiến giải phù hợp
II.Làm văn
Câu 1:
Phương pháp: phân tích, lý giải, tổng hợp
1. Giới thiệu vấn đề: Hành trình đến bất cứ kết quả nào cũng quan trọng ngang bằng với đích đến của nó
2. Bàn luận
- Hành trình còn là con đường, là quá trình nỗ lực của bản thân để thực hiện những kế hoạch, mục tiêu.
- Đích đến là kết quả mà sau hành trình nỗ lực chúng ta đạt được.
=> Hành trình hay đích đến đều có giá trị quan trọng như nhau và đôi khi hành trình còn có vai trò quan trọng hơn trong việc khẳng định bản thân, phát hiện những giá trị mới của chính mình.
- Để đi đến đích là cả một hành trình vô cùng gian khổ, phải huy động trí óc, sức lực, tư duy, sự kiền trì, bền bỉ của bản thân. Chẳng phải hành trình đó sẽ tôi rèn ý chí của con người đó sao.
- Không chỉ vậy, trong hành trình ta còn có thể phát hiện ra những điểm mạnh, điểm yếu của bản thân, để từ đó có những điều chỉnh cho hợp lí => hành trình khiến con người hoàn thiện hơn.
- Hành trình càng gian khổ, vất vả khi đến đích sẽ càng biết quý trọng những thành quả mình đã tạo ra.
=> Hành trình tưởng không quan trọng mà lại có ý nghĩa vô cùng lớn đối với mỗi chúng ta.
Không nên chỉ coi trọng kết quả đạt được, mà trên hành trình đi đến đích cũng cần cẩn trọng, chỉ có hành trình thận trọng mới đem đến một kết quả toàn vẹn, đẹp đẽ nhất.
Câu 2:
Phương pháp: phân tích, lý giải, tổng hợp
-
- Giới thiệu tác giả, tác phẩm
- Tô Hoài là một trong những cây bút văn xuôi hàng đầu của nền văn học hiện đại Việt Nam, là nhà văn có biệt tài nắm bắt rất nhanh nhạy những nét riêng trong phong tục, tập quán của những miền đất mà ông đã đi qua. Ông có giọng văn kể chuyện hóm hỉnh, rất có duyên và đầy sức hấp dẫn; có vốn ngôn ngữ bình dân phong phú và sử dụng nó rất linh hoạt, đắc địa.
- Truyện ngắn Vợ chồng A Phủ được sáng tác năm 1952, in trong tập Truyện Tây Bắc – tập truyện được tặng giải Nhất – Giải thưởng Hội văn nghệ Việt Nam 1954 – 1955. Tập Truyện Tây Bắc gồm ba truyện: Mường Giơn, viết về dân tộc Thái; Cứu đất cứu mường, viết về dân tộc Mường; Vợ chồng A Phủ, viết về dân tộc Mèo (Mông) – mỗi truyện có một dáng vẻ, sức hấp dẫn riêng, nhưng đọng lại lâu bền trong kí ức của nhiều người đọc là truyện Vợ chồng A Phủ.
-
- Giới thiệu nhân vật
- Nhan sắc: “trai đến đứng nhẵn chân vách đầu buồng Mị” -> nhan sắc rực rỡ ở tuổi cập kê.
- Tài năng: thổi sáo, thổi lá. Hay đến mức có biết bao nhiêu người mê, ngày đêm thổi sáo đi theo Mị.
- Phẩm chất tốt đẹp: Khi bố mẹ Mị hết đời chưa trả được món nợ cho thống lí Pá Tra, thống lí Pá Tra định bắt Mị về làm con dâu gạt nợ:
+ Hiếu thảo:“ Con sẽ làm nương ngô giả nợ thay cho bố”
+ Tự tin vào khả năng lao động: “Con nay đã biết cuốc nương làm ngô”
+ Khao khát tự do: “Bố đừng bán con cho nhà giàu”
-> Xứng đáng được hưởng hạnh phúc nhưng lại bị xã hội của tiền quyền, cường quyền và thần quyền vùi dập, đẩy vào ngã rẽ tăm tối.
-
- Phân tích sự đổi thay trong tâm lí, tính cách nhân vật Mị trong hai lần miêu tả trên
- Lần thứ nhất
- Phân tích sự đổi thay trong tâm lí, tính cách nhân vật Mị trong hai lần miêu tả trên
- Vị trí chi tiết: Chi tiết nằm ở phần đầu truyện. Khi Mị bị bắt về làm con dâu gạt nợ nhà thống lí Pá Tra, lúc đầu Mị xuất hiện ý thức phản kháng từ yếu ớt “đêm nào cũng khóc” đến mạnh mẽ “ăn lá ngón tự tử” nhưng sau đó, khi bố mất, khi đã quen với mọi thứ, Mị chấp nhận số phận bi kịch của mình.
*Phân tích:
- Hình ảnh ẩn dụ: căn buồng Mị ở “kín mít, chỉ có một cửa sổ lỗ vuông bằng bàn tay, lúc nào nhìn ra cũng chỉ thấy mờ mờ trăng trắng không biết là sương hay là nắng” -> giống như ngục thất giam cầm cuộc đời Mị, giống như nấm mồ chôn vùi tuổi thanh xuân, chôn vùi hạnh phúc của Mị.
- Mị cam chịu và chấp nhận số phận bi kịch của mình: “Mị nghĩ rằng mình cứ ngồi trong cái lỗ vuông ấy mà trông ra, đến bao giờ chết thì thôi”
-
-
- Lần thứ hai: Vị trí chi tiết: Chi tiết nằm ở phần giữa của truyện. Trong đêm tình mùa xuân, sau khi uống rượu và nghe tiếng sáo gọi bạn tình, sức sống tiềm tàng trong Mị trỗi dậy.
-
- Dưới sự tác động của khung cảnh ngàu xuân, của hơi rượu và tiếng sáo, sức sống tiềm tàng trong Mị trỗi dậy: Mị thấy phơi phơi trở lại, trong lòng đột nhiên vui sướng như những đêm tết ngày trước.
- Ý thức về vẻ đẹp bản thân: “Mị trẻ lắm. Mị vẫn còn trẻ.”
- Trỗi dậy khao khát tự do, khao khát được sống hạnh phúc – thứ mà bao lâu này bị vùi lấp:
“Mị muốn đi chơi. Bao nhiêu người có chồng cũng đi chơi ngày Tết.”
- Tự ý thức về tình cảnh hiện tại của bản thân: “Huống chi A Sử với Mị không có lòng với nhau mà vẫn phải ở với nhau!”
- Xuất hiện ý thức phản kháng mạnh mẽ, muốn vượt thoát hiện tại: “Nếu có nắm lá ngón trong tay lúc này, Mị sẽ ăn cho chết ngay, chứ không buồn nhớ lại nữa.”
=> Nhận xét sự thay đổi tâm lý của Mị qua hai lần:
- Sự thay đổi tâm lí nhân vật được miêu tả hết sức hợp lý. Mị từ chỗ bị cái khổ cực làm cho mất đi ý thức về sự sống đến chỗ bừng lên khao khát sống mãnh liệt. Qua sự thay đổi tâm lý đó ta có thể thấy tiềm tàng trong con người nhỏ bé ấy là sức sống tiềm tàng mạnh mẽ, nó không hề bị mất đi do tác động của hoàn cảnh mà chỉ lẩn khuất, chờ thời cơ để bùng lên mạnh mẽ. Mị chính là nhân vật tiêu biểu cho số phận của người phụ nữ nói riêng và nông dân Việt Nam nói chung – họ đều mang trong mình một sức mạnh bền bỉ, tiềm tàng, mạnh mẽ.
- Qua việc miêu tả tâm lý nhân vật, một lần nữa khẳng định nghệ thuật miêu tả tâm lý bậc thầy của Tô Hoài.
=> Tâm lý của các nhân vật văn học Việt Nam 1945 – 1975 vận động hướng đến Cách mạng
-
- Tổng kết:
*Giá trị nội dung:
-Giá trị hiện thực : Phơi bày thực trạng xã hội phong kiến miền núi lúc bấy giờ.
-Giá trị nhân đạo: Bày tỏ sự đồng cảm, xót thương cho những số phận dưới ách thống trị của bọn phong kiến miền núi. Lên án, phê phán những thế lực tàn bạo đã chà đạp lên quyền sống của con người.
* Giá trị nghệ thuật:
- Nghệ thuật xây dựng nhân vật: Mị là kiểu nhân vật tâm trạng, A Phủ là kiểu nhân vật hành động.
- Tác giả thể hiện sở trường tả cảnh, tả phong tục rất thành công:
- Cảnh: thiên nhiên ngày xuân, cảnh sinh hoạt.
- Phong tục: cướp vợ, cũng trình ma, phạt vạ…
- Nghệ thuật kể chuyện:
- Kết hợp nhiều điểm nhìn.
- Ngôn ngữ đậm chất dân tộc.