I.ĐỌC HIỂU (3,0 điểm)

Đọc đoạn trích dưới đây:

…Trái tim bạn là nơi cất giữ đam mê của bạn. Và nó luôn đói khát. Nếu bạn không cho nó ăn no đủ, niềm đam mê sẽ chết dần chết mòn, sẽ cạn kiệt. Khi ấy – sống mà không đam mê, không tha thiết, bạn chỉ kéo lê đời mình trong sự bất mãn, hồ nghi và mặc cảm mà thôi.

Hãy bằng mọi giá tìm thấy niềm đam mê ẩn giấu trong ta. Hãy bằng mọi giá chỉ ra được đâu là khả năng của bạn, đâu là thứ bạn yêu thích nhất, đâu là việc mà bạn không thể trì hoãn đến sáng mai. Ở nơi nào đó, trong bạn, chắc chắn phải có một niềm đam mê như vậy. Không cứ nó phải là điều gì to tát, lý tưởng rạng ngời: thay đổi thế giới, trở thành người xuất chúng, mưu bá đồ vương, lập kỳ tích trong khoa học hay nghệ thuật. Chỉ cần nó đúng là niềm đam mê: bất cứ đam mêm nào, vâng, không loại trừ gì, đều đáng để bạn quan tâm và nuôi dưỡng. Đừng để ngọn lửa tắt. […]

Thử nghĩ lại đi, lúc nào bạn không còn thấy mê thích, đó là lúc quả tim chỉ còn làm nhiệm vụ bơm máu, một cái máy bơm giật cục và chai sạn, Frédéric Beigbeder đã từng nói vậy. Bạn không phải nhập viện, không phải dùng thuốc trợ tim, bạn vẫn sống khỏe phây phây (trong mặc cảm/bất mãn/hồ nghi), trời đang xanh hay ráng hồng, bạn chằng quan tâm, người đáng yêu hay đáng sợ, bạn không để ý, bạn kéo dài thời gian trên cõi đời này bằng ăn ngủ đi lại bởi vì bạn có còn yêu thương mong muốn gì nữa đâu…

Thế thì trong bất kỳ hoàn cảnh nào, bất kỳ bi kịch nào, bạn cũng không được dừng yêu. Yêu gì cũng được, một người, một vật, một tôn giáo, một công việc, không có cái nào xứng đáng hơn cái nào. “Trái tm biết rõ nơi nó muốn trú ngụ”, đây không phải là phát biểu của tôi, nó thuộc về Steve Jobs.

Hãy học yêu việc mình làm, sản phẩm mình tạo ra, đứa con mình sinh thành, người mình trao niềm tin. Bạn phải yêu, giá nào cũng phải yêu và bảo vệ, bởi nếu không, bạn mong gì người khác yêu nổi bạn và những gì thuộc về bạn? Khi bạn cất tiếng hát mà chính bạn còn chán nó, còn thấy mặc cảm vì giọng mình, thì ai sẽ là người yêu thích giọng hát ấy đây? Khi bạn không có một kỷ niệm nào để gìn giữ và trân trọng, thì ai sẽ là người trân trọng bạn, giữ bạn trong đám rối ký ức của họ?

(Trích Thức ăn cho quả tim, Quốc Bảo, Cuốn sổ trắng, NXB Hội nhà văn, 2015, tr.232)

Thực hiện các yêu cầu:

1.    Xác định phương thức biểu đạt chính của đoạn trích? (0,5 điểm)

2.    Theo tác giả, việc để cho trái tim luôn đói khát để lại tác hại như thế nào? (0,5 điểm)

3.    Tại sao Frédéric Beigbeder lại nói: lúc nào bạn không còn thấy mê thích, đó là lúc quả tim chỉ còn làm nhiệm vụ bơm máu, một cái máy bơm giật cục và chai sạn. (1,0 điểm)

4. Anh/chị có đồng tình với ý kiến: Yêu gì cũng dược, một người, một vật, một tôn giáo, một công việc, không có cái nào xứng đáng hơn cái nào không? Vì sao? (1,0 điểm)

II.LÀM VĂN

Câu 1. (2,0 điểm)  Từ nội dung văn bản phần Đọc hiểu, anh/chị hãy viết một đoạn văn (khoảng 200 chữ) với chủ đề: Đừng để ngọn lửa đam mê lụi tắt.

Câu 2. (5,0 điểm) (Trong truyện ngắn “Vợ chồng A Phủ”, nhà văn Tô Hoài đã miêu tả về nhân vật Mị:

…Ở lâu trong cái khổ, Mị cũng quen khổ rồi. Bây giờ Mị tưởng mình cũng là con trâu, mình cũng là con ngựa. Con ngựa chỉ biết ăn cỏ, biết đi làm mà thôi. […] Mỗi ngày Mị càng không nói, lùi lũi như con rùa nuôi trong xó cửa. Ở buồng Mị nằm kín mít, có một chiếc cửa sổ một lỗ vuông bằng bàn tay. Lúc nào trông ra cũng chỉ thấy trăng trắng, không biết là sương hay là nắng. Mị nghĩ rằng mình cứ chỉ ngồi trong cái lỗ vuông ấy mà trông ra, đến bao giờ chết thì thôi.

Và:

…Đám than đã vạc hẳn lửa. Mị không thổi, cũng không đứng lên. Mị nhớ lại đời mình. Mị tưởng tượng như có thể một lúc nào, biết đâu A Phủ chẳng đã trốn được rồi, lúc ấy bố con thống lý sẽ đổ là Mị đã cởi trói cho nó, Mị liền phải trói thay vào đấy. Mị chết trên cái cọc ấy. Nghĩ thế nhưng làm sao Mị cũng không thấy sợ…

Lúc ấy, trong nhà đã tối bưng, Mị rón rén bước lại, A Phủ vẫn nhắm mắt, nhưng Mị tưởng như A Phủ đương biết có người bước lại… Mị rút con dao nhỏ cắt lúa, cắt nút dây mây. A Phủ thở phè từng hơi, không biết mê hay tỉnh. Lần đầu, đến lúc gỡ được hết dây trói ở người A Phủ thì Mị cũng hốt hoảng. Mị chỉ thì thào được một tiếng “Đi ngay…” rồi Mị nghẹn lại. A Phủ bỗng khuỵu xuống không bước nổi. Nhưng trước cái chết có thể đến nơi ngay, A Phủ lại quật sức vùng lên, chạy.

Mị đứng lặng trong bóng tối.

Rồi Mị cũng vụt chạy ra. Trời tối lắm. Mị vẫn băng đi. Mị đuổi kịp A Phủ, đã lăn, chạy xuống tới lưng dốc…

(Trích Vợ chồng A Phủ, Ngữ Văn 12, tập Hai, NXBGDVN 2016, tr. 6 – 13 – 14)

Phân tích sự thay đổi của nhân vật Mị trong hai lần miêu tả trên, từ đó làm nổi bật nét độc đáo trong tư tưởng nhân đạo của nhà văn Tô Hoài.

-------------------------Hết----------------------

Thí sinh không được sử dụng tài liệu. Cán bộ coi thi không giải thích gì thêm.

HƯỚNG DẪN GIẢI CHI TIẾT

Câu 1. Phương pháp: căn cứ các phương thức biểu đạt đã học

- Phương thức biểu đạt: Nghị luận

Câu 2. Phương pháp: căn cứ nội dung đoạn trích

Tác hại khi để trái tim đói khát: Niềm đam mê sẽ chết dần chết mòn, sẽ cạn kiệt. Khi ấy – sống mà không đam mê, không tha thiết, bạn chỉ kéo lê đời mình trong sự bất mãn, hồ nghi và mặc cảm.

Câu 3. Phương pháp: phân tích, lý giải

Frederic Beigbeder đã nói vậy bởi khi con tim không còn nhiệt huyết, không còn đam mê là khi ấy nó không còn mang trong mình nhiệm vụ thôi thúc, thúc đẩy mỗi chúng ta cố gắng, nỗ lực. Mà khi ấy nó chỉ còn đơn thuần là một cỗ máy duy trì sự sống.

Câu 4. Phương pháp: phân tích, tổng hợp

  • Đồng ý với quan điểm.
  • Lí giải: bất cứ tình yêu, niềm tin, lý tưởng nào cũng đều cao quý và đáng trân trọng. Không có lí tưởng nào là cao sang, lí tưởng nào là thấp hèn, chỉ cần đó là lí tưởng chân chính thì đều được nâng niu.

II. Làm văn

Câu 1: Phương pháp: phân tích, lý giải, tổng hợp

    1. Giới thiệu vấn đề: Đừng để ngọn lửa đam mê lụi tắt
    2. Bàn luận
  • Đam mê là niềm hứng thú muốn tìm hiểu, truy nguyên với một công việc, một vấn đề hay một con người nào đó.

=> Với mỗi chúng ta, đặc biệt là tuổi trẻ không được để đam mê lụi tàn, mà cần làm nó bùng cháy mãnh liệt, biến thành hành động, biến ước mơ thành hiện thực.

  • Vai trò của niềm đam mê:
  • Đam mê thôi thúc chúng ta hành động.
  • Đam mê giúp ta vượt qua mọi trở ngại, thử thách.
  • Đam mê giúp con người được sống thực sự, sống có ý nghĩa chứ không chỉ là một sinh vật biết tồn tại.
  • Nhưng bên cạnh đó còn một số bạn trẻ sống thiếu đam mê, nhiệt huyết. Họ sống hài lòng với thực tại, trở nên tụt lùi với xã hội.
  • Mỗi chúng ta cần sống với đam mê thực sự của chính mình, dù đó là bất kì đam mê gì. Hãy hăng say, yêu quý và nỗ lực thực hiện nó, chỉ khi ấy bạn mới sống một cuộc đời thực sự có ý nghĩa

Câu 2. Phương pháp: phân tích, lý giải, tổng hợp

      • Giới thiệu tác giả, tác phẩm
    • Tô Hoài là một trong những cây bút văn xuôi hàng đầu của nền văn học hiện đại Việt Nam, là nhà văn có biệt tài nắm bắt rất nhanh nhạy những nét riêng trong phong tục, tập quán của những miền đất mà ông đã đi qua. Ông có giọng văn kể chuyện hóm hỉnh, rất có duyên và đầy sức hấp dẫn; có vốn ngôn ngữ bình dân phong phú và sử dụng nó rất linh hoạt, đắc địa.
    • Truyện ngắn Vợ chồng A Phủ được sáng tác năm 1952, in trong tập Truyện Tây Bắc – tập truyệnđược tặng giải Nhất – Giải thưởng Hội văn nghệ Việt Nam 1954 – 1955. Tập Truyện Tây Bắc gồm ba truyện: Mường Giơn, viết về dân tộc Thái; Cứu đất cứu mường, viết về dân tộc Mường; Vợ chồng A Phủ, viết về dân tộc Mèo (Mông) mỗi truyện có một dáng vẻ, sức hấp dẫn riêng, nhưng đọng lại lâu bền trong kí ức của nhiều người đọc là truyện Vợ chồng A Phủ.
      • Giới thiệu nhân vật
    • Nhan sắc: “trai đến đứng nhẵn chân vách đầu buồng Mị” -> nhan sắc rực rỡ ở tuổi cập kê.
    • Tài năng: thổi sáo, thổi lá. Hay đến mức có biết bao nhiêu người mê, ngày đêm thổi sáo đi theo Mị.
    • Phẩm chất tốt đẹp: Khi bố mẹ Mị hết đời chưa trả được món nợ cho thống lí Pá Tra, thống lí Pá Tra định bắt Mị về làm con dâu gạt nợ:

+ Hiếu thảo:“ Con sẽ làm nương ngô giả nợ thay cho bố”

+ Tự tin vào khả năng lao động: “Con nay đã biết cuốc nương làm ngô”

+ Khao khát tự do: “Bố đừng bán con cho nhà giàu”

-> Xứng đáng được hưởng hạnh phúc nhưng lại bị xã hội của tiền quyền, cường quyền và thần quyền vùi dập, đẩy vào ngã rẽ tăm tối.

      • Phân tích nhân vật Mị trong hai lần miêu tả trên
    • Lần thứ nhất
  • Vị trí chi tiết: Chi tiết nằm ở phần đầu truyện. Khi Mị bị bắt về làm con dâu dạt nợ nhà thống Lí Pá Tra, lúc đầu Mị xuất hiện ý thức phản kháng từ yếu ớt “đêm nào cũng khóc” đến mạnh mẽ “ăn lá ngón tự tử” nhưng sau đó, khi bố mất, khi đã quen với mọi thứ, Mị chấp nhận số phận bi kịch của mình.

* Phân tích hình ảnh Mị:

  • Ý thức phản kháng mất đi, chấp nhận số phận của mình, sống một cách dật dờ, tàn lụi: lâu trong cái khổ, Mị quen khổ rồi.
  • Thủ pháp vật hóa: “Mị tưởng mình cũng là con trâu, mình cũng là con ngựa. Con ngựa chỉ biết ăn cỏ, biết đi làm mà thôi.” -> Mị trở thành một cỗ máy, công cụ lao động, mất hết ý niệm về thời gian. Thời gian được đo bằng khối lượng công việc, các công việc nối tiếp nhau, việc này chồng lên việc kia.
  • Hình ảnh ẩn dụ: căn buồng Mị ở “kín mít, chỉ có một cửa sổ lỗ vuông bằng bàn tay, lúc nào nhìn ra cũng chỉ thấy mờ mờ trăng trắng không biết là sương hay là nắng” -> giống như ngục thất giam cầm cuộc đời Mị, giống như nấm mồ chôn vùi tuổi thanh xuân, chôn vùi hạnh phúc của Mị.
  • Tận cùng của sự cam chịu : “Mị nghĩ rằng mình cứ chỉ ngồi trong cái lỗ vuông ấy mà trông ra, đến bao giờ chết thì thôi.” => Con người phải chịu cả nỗi đau về thể xác và tinh thần
  •  Lần miêu tả thứ hai:

*Vị trí đoạn trích: Đoạn trích nằm ở phần cuối truyện. A Phủ là người ở gạt nợ nhà thống lí Pá Tra. Do sự bất cẩn của mình mà A Phủ đã để hổ vồ mất trâu nhà thống lí. Thống lí phạt vạ A Phủ và trói đứng A Phủ giữa đêm đông giá rét. Trong hoàn cảnh này, Mị và A Phủ đã gặp nhau. *Phân tích hình ảnh Mị:

  • Chứng kiến những giọt nước mắt của A Phủ, Mị từ cõi quên trở về cõi nhớ, nhớ về kí ức đau khổ -> thương mình: Mị nhớ lại đời mình. Mị tưởng tượng như có thể một lúc nào, biết đâu A Phủ chẳng đã trốn được rồi, lúc ấy bố con thống lý sẽ đổ là Mị đã cởi trói cho nó, Mị liền phải trói thay vào đấy. Mị chết trên cái cọc ấy. Nghĩ thế nhưng làm sao Mị cũng không thấy sợ…
  • Mị từ cõi vô thức dần sống lại ý thức, nhận ra dấu hiệu về cái chết -> càng thương hơn -> thương người lấn át cả thương thân -> Hành động cắt dây cởi trói
  • Sức sống tiềm tàng trỗi dạy và trở thành hành động mạnh mẽ: “vụt chạy ra”, “băng đi”, “đuổi kịp A Phủ”
    • Hành động của Mị thể hiện sự nhận thức bước đầu của người nông dân miền núi trong đấu tranh Cách mạng
  • Tư tưởng nhân đạo tiến bộ của nhà văn Tô Hoài

Ngoài việc ngợi ca vẻ đẹp của nhân vật, đồng cảm thương cảm với số phận nhân vật, điểm tiến bộ trong tư tưởng nhân đạo của ông là đã chỉ ra được lối thoát cho nhân vật của mình. Từ đây, nhân vật có hy vọng vào một tương lai tươi sáng, cuộc sống tốt đẹp hơn.

Bài viết gợi ý: