Hướng dẫn

Đọc văn bản sau và trả lời các câu hỏi, bài tập nêu ở dưới.

CÂU CHUYỆN VỀ HAI HẠT LÚA

Có hai hạt lúa nọ được giữ lại để làm hạt giống cho vụ sau vì cả hai đều là những hạt lúa tốt, đều to khoẻ và chắc mẩy.

Một hôm, người chủ định đem chúng gieo trên cánh đồng gần đó. Hạt thứ nhất nhủ thầm: "Dại gì ta phải theo ông chủ ra đồng. Ta không muốn cả thân mình phải nát tan trong đất. Tốt nhất ta hãy giữ lại tất cả chất dinh dưỡng mà ta đang có, ta sẽ cứ ở khuất trong kho lúa thôi". Còn hạt lúa thứ hai thì ngày đêm mong được ông chủ mang gieo xuống đất. Nó thật sự sung sướng khi được bắt đầu một cuộc đời mới.

Thời gian trôi qua, hạt lúa thứ nhất bị héo khô nơi góc nhà bởi vì nó chẳng nhận được nước và ánh sáng. Lúc này chất dinh dưỡng chẳng giúp ích được gì – nó chết dần chết mòn. Trong khi đó, hạt lúa thứ hai dù nát tan trong đất nhưng từ thân nó lại mọc lên cây lúa vàng óng, trĩu hạt. Nó lại mang đến cho đời những hạt lúa mới…

(Theo Hạt giống tâm hồn, NXB Trẻ, TP. Hồ Chí Minh, 2004)

1. Văn bản trên có sự kết hợp những phương thức biểu đạt nào?

2. Ý nghĩa sự tồn tại của hạt lúa thứ hai là gì?

A. Giữ lại chất dinh dưỡng, ở khuất trong kho lúa

B. Héo khô trong góc nhà

C. Tan nát trong đất

D. Mang đến cho đời những hạt lúa mới

3. Câu văn "Hạt lúa thứ hai dù nát tan trong đất nhưng từ thân nó lại mọc lên cây lúa vàng óng, trĩu hạt." gợi cho anh (chị) về:

A. Hành trình từ bóng tối đến ánh sáng

B. Hành trình khó khăn gian khổ để được hồi sinh

C. Hành trình trải qua đắng cay để được hạnh phúc

D. Hành trình từ tuổi ấu thơ đến tuổi trưởng thành

4. Hạt lúa thứ nhất khiến anh (chị) liên tưởng đến những người có cách sống như thế nào?

5. Văn bản trên gợi cho anh (chị) bài học gì?

6. Viết bài văn ngắn (khoảng 600 chữ) trình bày suy nghĩ của anh (chị) về ý nghĩa của cấu văn: "Hạt lúa thứ hai dù nát tan trong đất nhưng từ thân nó lại mọc lên cây lúa vàng óng, trĩu hạt".

Trả lời

1. Các phương thức biểu đạt được sử dụng trong văn bản: tự sự, miêu tả, nghị luận.

2. D; 3. B

4. Hạt lúa thứ nhất khiến ta liên tưởng đến những người có lối sống ích kỉ, an phận, không phấn đấu, ngại khó khăn, gian khổ.

5. Có thể nêu một số bài học sau:

– Không thể giữ cho mình một vỏ bọc khép kín.

– Phải biết vươn lên chấp nhận thử thách, khó khãn để làm mới mình và đóng góp cho đời.

6.

– Về nội dung: trình bày được suy nghĩ của cá nhân về ý nghĩa của câu văn: sự hi sinh của hạt lúa (nát tan trong đất) lại đem đến sự hồi sinh, mang lại cho đời vô số những hạt lúa mới; từ đó có thể liên tưởng đến sự dấn thân, chấp nhận gian khó, thử thách, dám sống và hành động vì mục đích cao cả, tốt đẹp. Có thể so sánh với hạt lúa thứ nhất để thấy rõ ý nghĩa sự hi sinh của hạt lúa thứ hai.

– Về hình thức: đảm bảo cấu trúc của bài văn nghị luận xã hội. Các ý có sự liên kết chặt chẽ, diễn đạt trong sáng, không mắc lội chính tả, ngữ pháp.

Bài viết gợi ý: