a) Nội dung: hai bài thơ cùng viết về nỗi buồn, nhưng là hai nỗi buồn khác nhau. Nỗi buồn của Hồ Xuân Hương là nỗi buồn duyên phận lỡ làng, thấm đượm nỗi đau đớn, tái tê, bẽ bàng, chán ngán, ê chề,… Còn nỗi buồn của Bà Huyện Thanh Quan là nỗi buồn hoài cổ của kẻ xa quê, một nỗi buồn man mác, da diết và thấm thìa.
b) Để làm nổi bật nỗi buồn ấy, mỗi nhà thơ có một cách thể hiện rất riêng, độc đáo. Phân tích cách thể hiện của hai bài thơ qua một số phương diện như:
– Thời gian nghệ thuật khác nhau: một bên là buổi chiều, một bên là đêm khuya.
– Cảnh vật hiện lên dưới con mắt của mỗi nhà thơ khác nhau:
+ Một bên êm đềm, tĩnh lặng, đượm buồn với cảnh ông già đánh cá bình thản gác mái chèo xuôi dòng về bến xa; cảnh trẻ chăn trâu gõ sừng, theo trâu về xóm vắng; cảnh ngàn mai gió cuốn, cánh chim trời mệt mỏi; bước chân vội vàng của người lữ thứ;… làm nổi bật tâm trạng buồn bã, u uẩn của người xa quê.
+ Với Hồ Xuân Hương thì thiên nhiên, cảnh vật đều sống động, sắc nhọn, mạnh mẽ, thể hiện rất rõ tâm trạng buồn chán, muốn "nổi loạn" (trăng khuyết không tròn, rêu muốn "xiên ngang", đá muốn "đâm toạc").
– Tình cảm, cảm xúc của chủ thể trữ tình: Bà Huyện Thanh Quan thấm thìa nỗi buồn xa cách, không ai chia sẻ (Kẻ chốn Chương Đài, người lữ thứ — Lấy ai mà kể nỗi hàn ôn). Hồ Xuân Hương chán ngán tình cảnh duyên phận dang dở, lỡ làng, "ngán" vì xuân của đất trời sẽcòn trở lại, còn tuổi xuân của mình thì một đi không trở lại. "Hồng nhan" vốn là biểu tượng đẹp (người đẹp) trong mắt Xuân Hương thành rẻ rúng, bẽ bàng ("cái hồng nhan" "trơ" ra giữa thiên hạ, nước non); không những thế, chỉ có một "mảnh tình" (đã bé) lại bị chia sẻ thành ra quá ít ỏi, nhỏ nhoi ("tí con con").
– Đặc điểm hình thức: Tuy cùng là thể thơ Nôm Đường luật nhưng hai bài thơ cũng có nhiều điểm rất khác nhau, nhất là việc sử dụng ngôn từ. Việc sử dụng nhiều từ Hán Việt kết hợp với các hình ảnh ước lệ, tượng trưng, các biện pháp tu từ,… khiến bài thơ của Bà Huyện Thanh Quan rất trang nhã, đài các, phù hợp với tâm trạng buồn bã, hoài cổ, nhớ tiếc. Ngược lại, bài thơ của Hồ Xuân Hương rất ít từ Hán Việt, cách sử dụng từ ngữ, xây dựng hình ảnh, cách ngắt nhịp đều rất khác với Bà Huyện Thanh Quan; dường như nhà thơ muốn chống lại khuôn mẫu của thơ ca trung đại, thể hiện phong cách thơ mạnh mẽ, đầy cá tính.
Trên đây chỉ là một vài gợi ý khái quát, chưa phải là toàn bộ dàn bài chi tiết. HS cần tập trung vào một vài nét nổi bật của phong cách thơ Hồ Xuân Hương và Bà Huyện Thanh Quan, tránh chỉ nêu và nhận xét chung chung.