Hướng dẫn

a) Người đàn bà xấu xí, nhẫn nhục và cam chịu

– Vẻ ngoài xấu xí, thô kệch, khuôn mặt rỗ đầy mệt mỏi "sau một đêm thức trắng kéo lưới, tái ngắt và dường như đang buồn ngủ", bộ quần áo bạc phếch và rách rưới, dáng điệu mệt mỏi của một người phụ nữ phải sống triền miên trong tăm tối, nghèo khó, cơ cực.

– Sự nhẫn nhục, cam chịu trước những hành động thô bạo, vũ phu của người chồng: "chẳng nói chẳng ràng lão trút cơn giận như lửa cháy bằng cách dùng chiếc thắt lưng quật tới tấp vào lưng người đàn bà, lão vừa đánh vừa thở hồng hộc, hai hàm răng nghiến ken két, cứ mỗi nhát quất xuống lão lại nguyền rủa bằng cái giọng rên rỉ đau đớn: "Mày chết đi cho ông nhờ. Chúng mày chết hết đi cho ông nhờ!".

+ Thế mà người đàn bà hàng chài chỉ nhẫn nhục, cam chịu, không hề kêu một tiếng, không chống trả, cũng không tìm cách trốn chạy. Có vẻ chị ta đã "quen" với những trận đòn như thế và chịu đựngchúng với "tinh thần" hoàn toàn tự nguyên.

+ Thậm chí, chỉ mấy ngày sau, cảnh tượng quái đản kia đã lặp lại, chị ta lại "tự nguyện" đi vào trong bãi xe tăng hỏng cho chồng đánh. Không chống trả, không kêu than, chị đã để cho gã chồng thô bạo đối xử với mình một cách tàn tệ. Chị lặng lẽ, bình thản đón nhận những trận đòn kia như thể chúng đã trở thành một phần tất yếu trong cuộc sống hằng ngày của chị.

+ Sự phản ứngquyết liệt của đứa con trai còn nhỏ tuổi càng làm tăng thêm vẻ nhẫn nhục khó có thể chấp nhận của người mẹ.

– Thái độ sợ sệt, khúm núm và những lời cầu khẩn, van xin "quý toà" khi chị được mời đến toà án huyện:

+ Chị hoàn toàn lạc lõng trong khung cảnh của toà án và lúng túng, sợ sệt – "cái vẻ lúng túng, sợ sệt mà ngay lúc mụ đứng giữa bãi xe tăng cũng không hề thấy có". Dẫu chỉ có một mình trong căn phòng xử án và vị chánh án trẻ tuổi đã cố tỏ ra ân cần nhưng chị vẫn lúng túng, sợ sệt: "rón rén đến ngồi ghé vào mép chiếc ghế và cố thu người lại"…

+ Thậm chí, chị còn cầu xin vị chánh án đừng bắt mình phải li hôn gã chồng thường xuyên hành hạ mình: "Con lạy quý toà… […] Quý toà bắt tội con cũng được, phạt tù con cũng được, đừng bắt con bỏ nó…". Lối xưng hô cũng như cách cầu khẩn chứng tỏ người phụ nữ này chẳng có chút hiểu biết nào về pháp luật; cũng chẳng hề ý thức được một chút nào vê "quyền công dân" hay quyền sống của bản thân mình.

+ Thái độ lạ lùng của chị đã khiến Phùng cảm thấy căn phòng như "bị hút hết không khí, trở nên ngột ngạt quá". Có lẽ, anh nghĩ người đàn bà hàng chài kia nhẫn nhục đến mê muội khi dứt khoát không chịu từ bỏ gã chồng đánh đập mình như cơm bữa "ba ngày một trận nhẹ, năm ngày một trận nặng"…

b) Người phụ nữ bao dung, vị tha

– Người đàn bà nghèo khổ, lam lũ, cam chịu đã bất ngờ để lộ chân dung của một "con người bên trong" sắc sảo và từng trải khi chị kể cho vị chánh án và người nghệ sĩ nhiếp ảnh nghe về cuộc sống cúa những người đàn bà trên thuyền.

+ Bắt đầu là những lời lẽ chững chạc và thâm trầm làm cho người đối thoại phải sửng sốt: "Chị cám ơn các chú! […] Đây là chị nói thành thực, chị cám ơn các chú. Lòng cácchú tốt, nhưng các chú đâu có phải là người làm ăn… cho nên các chú đâu có hiểu được cái việc của các người làm ăn lạm lũ, khó nhọc…". Không còn là một người đàn bà hàng chài sợ sệt mà là lời giãi bày của một con người từng trải, sâu sắc. Chị cảm nhận được lòng tốt cũng như sự thiếu từng trải của hai người đàn ông kia. Chị cảm động trước tấm lòng của họ nhưng biết rõ sự cách biệt trong cuộc sống của mình và họ.

+ Thái độ bất ngờ ấy khiến cho một người từng nhiệt thành bênh vực chị như Phùng cũng thấy "gợn" vì anh vẫn quen nhìn chị như một người đàn bà cam chịu, tăm tối nên tự cho mình cái "quyền" được trịch thượng: "những lời ấy, nhất là đấy lại là lời một người đàn bà khốn khổ, không phải dễ nghe đối với chúng tôi. Dẫu mặt hãy còn trẻ, Đầu cũng là một chánh án huyện. Còn tôi, một người đáng lẽ mụ phải biết ơn…".

– Tấm lòng bao dung của người vợ và tình yêu thương cao cả của người mẹ dành cho những đứa con:

+ Người phụ nữ ấy không hề tăm tối khi chị ý thức được nỗi đau khổ của mình và còn biết rõ căn nguyên của nó. Chị không căm hận gã chồng hung bạo dù hắn đánh vợ như cơm bữa bởi vì, hơn ai hết, chị hiểu sự vũ phu kia không phải bắt nguồn từ bản chất độc ác; cũng không phải theo cách nghĩ đầy định kiến của người nghệ sĩ nhiếp ảnh ("Lão ta trước hồi bảy nhãm có đi lính nguỵ không?"). Trong kí ức của chị, vẫn còn hình ảnh anh con trai "cục tính nhưng hiền lành", không bao giờ đánh đập vợ. Tất cả chỉ vì cuộc sống cơ cực, nghèo đói, cùng quẫn làm tha hoá con người: cả một gia đình chồng chất trên con thuyền chật chội; cuộc mưu sinh khó khán và cảnh đói rét triền miên khi có năm biển động "cả nhà vợ chồng con cái toàn ăn cây xương rồng luộc chấm muối" hàng tháng trời. Chị không chỉ thấu hiểu mà còn thương người chồng khốn khổ: "Bất kể lúc nào thấy khổ quá là lão xách tôi ra đánh, cũng như đàn ông thuyền khác uống rượu… Giá mà lão uống rượu… thì tôi còn đỡ khổ…". Song sức mạnh lớn nhất ràng buộc chị với chồng lại chính là tình thương vô hạn của người mẹ đối với những đứa con. Chị chấp nhận cảnh sống "ba ngày một trận nhẹ, năm ngày một trận nặng" đâu phải vì không còn biết đau, không còn biết tủi nhục mà vì cuộc sống trên thuyền cần phải có một người đàn ông "để chèo chống khi phong ba, để cùng làm ăn nuôi nấng đặng một sắp con".

+ Sức chịu đựng kì lạ của chị khởi nguồn từ đức hi sinh của người mẹ: "Ông trời sinh ra người đàn bà là để đẻ con, rồi nuôi con cho đến khi khôn lớn cho nên phải gánh lấy cái khổ. Đàn bà ở thuyền chúng tôi phải sống cho con chứ không thể sống cho mình như ở trên đất được!". Người đàn bà hàng chài đó đã gan góc chấp nhận cái thực tại nghiệt ngã, tàn nhẫn của cuộc sống, của thân phận để hoàn thành thiên chức của người mẹ. Chị gắng hết sức mình mong làm vợi bớt nỗi khổ nhục cho các con từ chuyện xin với lão chồng mang chị lên bờ mà đánh đến chuyện rứt ruột gửi đứa con trai chị yêu thương nhất lên tận miền rừng ở với ôngngoại. Hoá ra, hành động tưởng như cam chịu đến mê muội khi chị tự nguyện rúc vào xó bãi xe tăng cho chồng đánh đập và thái độ câm lặng, không than vãn,cầu xin hay chống trả… đều là để giữ cho những đứa con khỏi phải thấy nỗi tủi nhục của mẹ và sự hung bạo của người cha. Cho nên, dù ở trong hoàn cảnh nào, lúc bị đánh đập hay lúc phải xuất hiện ở toà án huyện thì ánh mắt của chị, trái tim của chị vẫn chỉ tìm về con thuyền có những đứa trẻ mà chị đã sinh ra: "Người đàn bà đứng lại, ngước mắt nhìn ra mặt phá nước chỗ chiếc thuyền đậu". "Mụ đưa cặp mắt đầy vẻ mệt mỏi nhìn ra ngoài bờ phá bên kia con đường chính của phố huyện, ở đấy, thiếu nữ mặc áo tím vẫn ngồi đợi mụ trên chiếc mủng"… Dường như mỗi lần quay về đấy, chị lại có thể gom góp cho mình đủ sức mạnh để vượt qua cả nỗi đau thể xác lẫn tinh thần. Chỉ khi con chị phải đau khổ, nhục nhã, người mẹ hàng chài ấy mới rơi nước mắt để rồi lại vùng đứng dậy, quả quyết và mạnh mẽ đi tiếp trên "con đường đau khổ" của mình.

– Lòng can đảm, nghị lực phi thường của người đàn bà lam lũ, bất hạnh chắt chiu từng chút niềm vui bé nhỏ để vun vén cho cái gia đình khốn khổ của mình: Không chỉ can đảm gánh lấy cái gánh nặnẹ cuộc sống chồng chất những cơ cực, cay đắng, chị còn dành dụm từng chút ấm áp, từng niềm vui trong cái kiếp sống cực nhục ấy: "ở trên thuyền cũng có lúc vợ chồngcon cái chúng tôi sống hoà thuận, vui vẻ. […] Vui nhất là lúc ngồi nhìn đàn con tôi chúng nó được ăn no…". Tình mẫu tử thiêng liêng, sâu nặng giúp chị băng qua mọi nỗi nhục nhằn, đau đớn; mọi sự đày đoạ.

c) Nhân vật người đàn bà hàng chài được khám phá, khắc hoạ trong cái nhìn đa chiều. Xây dựng nhân vật người đàn bà hàng chài, Nguyễn Minh Châu đã thực hiện được điều ông mong muốn: miêu tả con người với "các tầng sâu của lịch sử"; tái hiện vẻ đẹp của cuộc sống thường nhật để nói lên những điều "mới mẻ, độc đáo và thực là thiết thân với đông đảo mọi người"..

Bài viết gợi ý: