Hướng dẫn

a) Khuynh hướng sử thi được thể hiện qua đề tài, cốt truyện, lối trần thuật, ngôn từ, hình ảnh

– Đề tài, nội dung cốt truyện phản ánh cuộc đấu tranh giành tự do của người dân Xô Man nói riêng và đồng bào Tây Nguyên nói chung trong những năm tháng chống Mĩ ác liệt.

– Lối trần thuật mang đậm chất "sử thi Tây Nguyên": câu chuyện của một đời người được kể trong một đêm, bằng lời kể của già làng bên bếp lửa nhà ưng, trong không khí trang trọng, thiêng liêng… Lời kể được khởi đầu bằng lời nhắn nhủ tha thiết, hộ trọng của vị già làng: "Người Strá ai có cái tai, ai có cái bụng thương núi, thương nước, hãy lắng mà nghe, mà nhớ. Sau này tau chết rồi, chúng mày phải kể lại cho con cháu nghe…".

– Ngôn từ, hình ảnh toát lên chất thơ hùng tráng, âm hưởng trang trọng của sử thi.

b) Khuynh hướng sử thi được thể hiện qua hình tượng thiên nhiên

– Hình tượng cây xà nu không chỉ chiếm giữ những vị trí "then chốt" của truyện ngắn này (nhan đề, mở đầu và kết thúc) mà còn trở đi trở lại, song hành với hình tượng con người.

– Hình tượng cây xà nu mang ý nghĩa ẩn dụ, biểu tượng:

+ Phản chiếu những đau thương, mất mát mà người dân Tây Nguyên phải gánh chịu trong chiến tranh khốc liệt.

+ Thể hiện tinh thần bất khuất, khát vọng tự do và sức sống mãnh liệt của thiên nhiên, con người Tây Nguyên.

c) Khuynh hướng sử thi được thể hiện qua hình tượng con người

– Hình tượng các thế hệ dân làng Xô Man: Dẫu phải trải qua nhiều gian khổ, hi sinh (nhiều người già và thanh niên bị giặc bắt giữ, hành hạ; bà Nhan, anh Xút bị sát hại,…) nhưng các thế hệ dân làng Xô Man luôn tiếp nối nhau trên con đường chiến đấu: cụ Mết, Tnú, Mai, Dít, bé Heng,…

– Hình tượng Tnú – người con ưu tú nhất của làng Xô Man:

+ Phải gánh chịu nhiều đau thương, mất mát: bản thân bị tù đày, vợ con bị sát hại, hai bàn tay anh cũng bị đốt cháy, mỗi "ngón tay còn hai đốt", "không mọc ra được nữa".

+ Vẫn bất khuất, kiên cường: cùng cụ Mết lãnh đạo dân làng cầm vũ khí đánh giặc; lên đường cầm súng chiến đấu và chiến thắng kẻ thù,…

d) Truyện ngắn Rừng xà nu được mệnh danh là "thiên sử thi Tây Nguyên thời chống Mĩ". Khuynh hướng sử thi thê hiện trong các yếu tố nội dung và hình thức nghệ thuật của tác phẩm. Bằng tình cảm gắn bó sâu nặng với miền đất Tây Nguyên và với ngòi bút tràn đầy cảm hứng lãng mạn, Nguyễn Trung Thành đã góp phần làm nên sự phong phú cho khuynh hướng sử thi trong văn học Việt Nam giai đoạn này.

Bài viết gợi ý: