1. Tìm hiểu chung

a. Tác giả

  • Chính Hữu sinh năm 1926

  • Tên thật là Trần Đình Đắc

  • Quê quán: Can Lộc - Hà Tĩnh

  • Cuộc đời:

    • 1946, ông gia nhập Trung đoàn Thủ đô và tham gia hai cuộc k/c chống Pháp và chống Mỹ.

    • 1947, ông bắt đầu sáng tác thơ và thơ ông chủ yếu viết về người lính và chiến tranh với cảm xúc dồn nén,ngôn ngữ cô đọng.

    • 2000, ông được Nhà nước trao tặng Giải thưởng HCM về văn học – nghệ thuật.

    • Tác phẩm chính: Đầu súng trăng treo(1966), Ngọn đèn đứng gác,...

b. Tác phẩm

  • Sáng tác năm 1948 – giai đoạn đầu cuộc kháng chiến chống Pháp. Thời điểm ấy, bộ đội, nhân dân ta sống và chiến đấu trong hoàn cảnh hết sức khó khăn, gian khổ, thiếu thốn.

  • Bài thơ xuất hiện lần đầu tiên trên tờ bích báo của đại đội in trong tập “Đầu súng trăng treo” (1966).

2. Đọc hiểu văn bản

Câu 1: Dòng thứ bảy của bài thơ có gì đặc biệt? Mạch cảm xúc và suy nghĩ trong bài thơ được triển khai như thế nào trước và sau dòng thơ đó

Bài thơ theo thể thơ tự do, có 20 dòng, chia làm hai đoạn. Cả bài thơ tập trung thể hiện vẻ đẹp và sức mạnh của tình đồng chí, đồng đội, nhưng ở mỗi đoạn sức nặng của tư tưởng và cảm xúc được dẫn dắt để dồn tụ vào những dòng thơ gây ấn tượng sâu đậm.

     Sáu dòng đầu có thể xem là sự lí giải về cơ sở của tình đồng chí. Dòng 7 có cấu trúc đặc biệt (chỉ một từ với dấu chấm than) như một phát hiện, một lời khẳng định sự kết tinh tình cảm giữa những người lính. Mười dòng tiếp theo, mạch cảm xúc sau khi dồn tụ th ở dòng 7 lại tiếp tục khơi mở trong những hình ảnh, chi tiết biểu hiện cụ thể, thấm thía tình đồng chí và sức mạnh của nó. Ba dòng thơ cuối được tác giả tách ra thành một đoạn kết, đọng lại và ngân rung với hình ảnh đặc sắc “đầu súng trăng treo” như là một biểu tượng giàu chất thơ về người lính.

Câu 2: Sáu câu thơ đầu bài thơ đã nói về cơ sở hình thành tình đồng chí, đồng đội của người lính cách mạng. Cơ sở ấy là gì?

- Tình đồng chí, đồng đội bắt nguồn sâu xa từ sự tương đồng về cảnh ngộ xuất thân nghèo khó:

Quê hương anh nước mặn, đồng chua

     Làng tôi nghèo đất cày lên sỏi đá.

     Đó chính là cơ sở cùng chung giai cấp xuất thân của những người lính cách mạng. Chính điều đó cùng với mục đích, lí tưởng chung đã khiến họ từ mọi phương trời xa lạ tập hợp lại trong hàng ngũ quân đội cách mạng và trở nên thân quen với nhau.

- Tình đồng chí được nảy sinh từ sự cùng chung nhiệm vụ sát cánh bên nhau trong chiến đấu: “Súng bên súng, đầu sát bên đầu”.

- Tình đồng chí, đồng đội nảy nở và thành bền chặt trong sự chan hòa, chia sẻ mọi gian lao cũng như niềm vui, đó là mối tình tri kỉ của những người bạn chí cốt, mà tác giả đã biểu hiện bằng một hình ảnh thật cụ thể, giản dị mà hết sức gợi cảm:

     Đêm rét chung chăn thành đôi tri kỉ.

     Sau câu thơ này, nhà thơ hạ một dòng thơ đặc biệt với hai tiếng “Đồng chí!”. Câu thơ chỉ có một từ với hai tiếng và dấu chấm than tạo một nốt nhấn, nó vang lên như một sự phát hiện, một lời khẳng định, đồng thời lại như một cái bản lề gắn kết đoạn đầu và đoạn thứ hai của bài thơ. Sáu câu thơ ở trước hai tiếng là cội nguồn và sự hình thành của tình đồng chí keo sơn giữa những người đồng đội. Mười câu tiếp sau là những biểu hiện cụ thể và cảm động của tình đồng chí giữa những người lính.

Câu 3: Hãy tìm trong bài thơ những chi tiết, hình ảnh biểu hiện tình đồng đội, đồng chí làm nên sức mạnh tinh thần của những người lính cách mạng. Phân tích ý nghĩa, giá trị của những chi tiết, hình ảnh đó

Từ dòng 8 đến dòng 17 của bài thơ là sự triển khai tiếp tục chủ đề “tình đồng chí”. Ở đây tác giả đưa ra thêm những biểu hiện cụ thể của tình đồng chí, đồng đội của những người lính.

- Đồng chí, đó là sự cảm thông sâu xa những tâm tư, nỗi lòng của nhau (“Ruộng nương anh gửi bạn thân cày… nhớ người ra lính”).

- Đồng chí, đó là cùng nhau chia sẻ những gian lao, thiếu thốn của cuộc đời người lính:

Áo anh rách vai

….

Chân khôn giày

     Và nhất là cùng trải qua những cơn “sốt run người vừng trán ướt mồ hôi” (những cơn sốt rét hành hạ người lính sống ở rừng).

     Những hình ảnh, chi tiết ấy cho thấy người lính chung nhau rất nhiều điều. Ngoài tinh thần yêu nước, lí tưởng cách mạng, họ còn chung nhau, sẻ chia với nhau những lúc thiếu thốn, những khi ốm đau, và những hiểm nguy khi đánh giặc. Những chi tiết ấy vừa cắt nghĩa vì sao tình đồng chí trở nên thiêng liêng, cao đẹp, vừa cho thấy sức mạnh của những người chiến sĩ chân đất áo nâu. Thiếu thốn, bệnh tật, gian khổ càng làm cho họ gắn bó thành một khối với sức mạnh lớn lao, chủ động đánh giặc và giành thắng lợi.

Câu 17 “Thương nhau tay nắm lấy bàn tay” vừa nói lên tình cảm gắn bó sâu nặng giữa những người lính vừa gián tiếp thể hiện sức mạnh của tình cảm ấy. Dường như chỉ bằng một cử chỉ “tay nắm lấy bàn tay” mà những người lính như được tiếp thêm sức mạnh vượt qua mọi gian khổ.

Câu 4:  

“Đêm nay rừng hoang sương muối

Đứng cạnh bên nhau chờ giặc tới

Đầu súng trăng treo”

Những câu thơ trên gợi cho em suy nghĩ gì về người lính và cuộc chiến đấu? hãy phân tích vẻ đẹp và ý nghĩa của hình ảnh trong những câu thơ ấy

Trong bức tranh trên, nổi lên nền cảnh rừng khuya giá rét, là ba hình ảnh gắn kết với nhau: người lính, khẩu súng, vầng trăng.

Câu thơ thể hiện được điều kiện chiến đấu đầy khắc nghiệt, nơi rừng núi hoang vu hiểm trở, những trận sương muối lạnh buốt người. Trong không gian, điều kiện khó khăn ấy, những người lính vẫn luôn trong tư thế sẵn sàng chiến đấu. Sức mạnh của tình đồng đội đã giup họ vượt lên trên tất cả những khắc nghiệt của thời tiết và mọi gian khổ, thiếu thốn. Tình đồng chí đã sưởi ấm lòng họ giữa cảnh rừng hoang của mùa đông, sương muối giá rét.

Tình đồng chí, đồng đội thật đẹp, những khó khăn không làm những người lính nản chí, họ cùng nhau chiến đấu. Cùng sống, cùng chiến đấu và cùng nhau vượt qua những hiểm nguy.

Súng – trăng là hai sự vật đối lập đã được gắn kết với nhau bởi tình đồng chí đồng đội của người chiến sĩ. Hình ảnh vừa thực vừa lãng mạn gợi liên tưởng phong phú: gần và xa, thực tại và mơ mộng, chất chiến đấu hòa hợp với chất trữ tình.

Đầu súng trăng treo

Bốn chữ không chỉ gợi hình ảnh đẹp mà còn có nhịp điệu như nhịp lắc của một cái gì lơ lửng, chông chênh, trong sự bát ngát . Một cái gì lơ lửng ở rất xa chứ không phải là buộc chặt, suốt đêm. Và trăng ở bầu trời cao xuống thấp dần, có lúc như treo lơ lửng trên đầu súng. Những đêm phục kích chờ giặc, vầng trăng đối với người lính như một người bạn, rừng hoang sương muối là một khung cảnh thật.

Câu 5: Theo em, vì sao tác giả lại đặt tên bài thơ về tình đồng đội của những người lính là Đồng chí

Vì:

+ Nhan đề Đồng chí có thể định hướng người đọc đến với nội dung chủ đề của bài thơ, đó chính là tình đồng đội của những người lính

+ Nhan đề ngắn gọn, có sức khái quát cao vừa thể hiện được mối quan hệ gắn bó vừa thể hiện được chí hướng của những con người vốn xa lạ, không hề quen biết

Câu 6: Qua bài thơ này, em có cảm nhận gì về hình ảnh anh bộ đội thời kháng chiến chống Pháp?

Hình ảnh những người lính thời kháng chiến chống Pháp hiện lên thật đẹp. Đó là những con người là một hình ảnh chân thực, giản dị, mộc mạc, tình cảm dồng đội gắn bó và thiêng liêng, sẵn sàng xả thân vì quê hương, vì độc lập tự do của Tổ quốc. Họ sẵn sàng dâng hiến cả tuổi xuân cho sông núi quê hương. Bỏ lại sau lưng là gia đình, quê thiếu bàn tay các anh chăm sóc.

Đẹp hơn nữa chính là thế giới tâm hồn, là tình cảm gắn bó của những người lính, cùng chung những khó khăn nhưng họ cũng chung những lí tưởng, khát vọng hòa bình cho dân tộc. Họ luôn có ý thức gắn bó, sống đùm bọc, tương trợ nhau không chỉ trong cuộc sống mà cả trong chiến đấu. Đó là hình ảnh những người lính bộ đội cụ Hồ.

Bài viết gợi ý: