Bài làm
Văn học dân gian là kho tàng quý báu của dân tộc ta. Trải qua nhiều thế hệ nó vẫn là nền tảng của nền văn học Việt Nam, đã ghi lại những kinh nghiệm sản xuất, đấu tranh, những trang sử vẻ vang, ca ngợi truyền thống tốt đẹp của cha ông chúng ta. Những câu ca dao, tục ngữ này mãi mãi là tấm gương sáng cho chúng ta noi theo. Một trong số các câu tục ngữ cho ta thấy tinh thần đấu tranh của dân tộc Việt Nam:
Giặc đến nhà đàn bà cũng đánh.
Để hiểu rõ được truyền thống đấu tranh anh dũng của dân tộc vì tự hào hơn nữa về Tổ quốc mình, chúng ta cùng đi vào phần giải thích và chứng minh câu tục ngữ trên.
Ý nghĩa từ “giặc” ở đây được nhân dân ta sử dụng rất thông thường để ám chỉ kẻ nào đã phá hoại cuộc sống yên lành của người dân.
“Giặc” là một đạo quân hùng hổ xâm lược một nước để cướp quyền cai trị, vơ vét tài sản của nhân dân, tài nguyên thiên nhiên của nước đó. Tên “giặc” này thẳng tay giết hại nhân dân và những kẻ chống đối lại “hắn”.
“Nhà” là nơi trú ẩn, nơi sinh sống của những gia đình hay nói cách khác nó là nơi đem lại nguồn hạnh phúc cho con người. Trong câu tục ngữ trên nhân dân ta có ý nói “nhà” thay cho một quốc gia, lãnh thổ đã được phân định rõ ràng. “Căn nhà” của hàng vạn “ngôi nhà” nhỏ bé chứa hàng triệu dân chúng đang sống yên lành.
“Giặc đến nhà”, tên “giặc” này tượng trưng cho một quốc gia hùng mạnh đến xâm lược một quốc gia nhỏ bé gieo bao nhiêu tang tóc cho nhân dân.
Từ nghìn xưa, người phụ nữ Việt Nam với những nét dịu dàng của Á Đông và thuần túy của Á Đông, quanh năm chỉ biết quanh quẩn nơi xó bếp, đảm đang chăm sóc hạnh phúc cho chồng, cho con. Với cái nhìn của xã hội phong kiến, người phụ nữ với mọi quyền lợi thiết thực đều bị tước đoạt, là một hạng người mà bị xã hội coi rẻ khinh miệt. Thế nhưng, khi ngoại xâm đe dọa nền độc lập của đất nước, phụ nữ Việt Nam với một ý chí khá vững vàng với một lòng yêu nước nồng nàn đã đứng lên góp phần cùng nam giới để chống lại và chiến thắng bọn xâm lược, làm rạng danh tên tuổi người phụ nữ Việt Nam.
Họ đứng lên chống lại tên giặc vào “nhà”. Họ sẵn sàng đánh trả, đem công sức nhỏ bé của mình ra bảo vệ đất nước.
Truyền thống đó không bao giờ phai mờ qua lịch sử đấu tranh của dân tộc.
Chúng ta còn nhớ chiến công oanh liệt của Hai Bà Trưng khi Tô Định đen quân xâm lược đất Giao Chỉ, một vùng đất giàu có, Trưng Trắc đã đánh tan giặc ngoại xâm “đền nợ nước, trả thù nhà”. Biến căm thù thành hành động, Trưng Trắc đen hết sức lực quyết tâm phá thành, đem chiến thắng về cho đất nước. Tuy mới làm chủ đất nước được ba năm nhưng bà đã làm nức lòng dân chúng. Chứng tỏ khả năng của người phụ nữ vẫn có thể đảm đương việc lớn. Không thiếu người phụ nữ tiếp tục truyền thống đó. Một Triệu Thị Trinh, một Lê Chân đã làm rạng danh người phụ nữ đất Việt.
Khi đất nước rơi vào tay thực dân Pháp, nối tiếp truyền thống của dân tộc và niềm tin ở Đảng, những người con gái Việt Nam lại dũng cảm đi vào cuộc chiến đấu.
Võ Thị Sáu người con gái anh hùng của miền Đất Đỏ, 16 tuổi đầu đã làm giặc khiếp sợ. Lúc chết, chị vẫn bình tĩnh, hiên ngang, nhặt lấy bông hoa lê-ki-ma cài lên mái tóc, khắc đậm thêm hình ảnh của người con gái Việt Nam.
Qua nhiều cuộc đấu tranh gian khổ trong những ngày chống Mĩ lại có những bà mẹ vừa đảm đang việc nhà, lại giỏi việc nước.
Chị Út Tịch là hình ảnh của một bà mẹ sáu con quyết tâm đánh thắng giặc Mĩ. Trong cả những ngày mang thai chị cũng không chịu bỏ qua một trận đánh nào, bởi vì chị không muốn cho cả những đứa con của chị cũng chịu cực khổ như cuộc đời chị. Chính lòng thương yêu lo lắng cho tương lai thể lệ trẻ nói chung và những đứa con của chị nói riêng đã đưa chị đến quyết tân trong chiến đấu.
Chị Ràng (Sứ) người con gái của Hòn Đất kiên cường đã từng bảo vệ đồng chỉ của mình để họ tiếp tục đánh tan quân xâm lược.
Còn nhiều, còn nhiều nữa, những tấm gương hi sinh cao cả của người phụ nữ trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mĩ đã chứng minh hùng hồn cho câu tục ngữ đầy ý nghĩa về truyền thống đấu tranh của phụ nữ Việt Nam, xứng đáng với danh hiệu mà Bác Hồ phong tặng “Anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang.”
Truyền thống cao đẹp của người phụ nữ Việt Nam từ trong chiến đấu đã phát huy mạnh mẽ trong thời bình, khi đất nước đi vào công cuộc xây dựng. Ngày nay, trong công cuộc đổi mới của đất nước, người phụ nữ không những “đảm việc nhà” mà còn giỏi cả việc nước”. Kĩ sư, bác sĩ... là phụ nữ xuất hiện ngày càng nhiều. Họ xung phong đến với những vùng đất xa xôi để “chiến đấu” với bọn giặc lạc hậu, góp phần cùng nhân dân đẩy mạnh công cuộc xây dựng xã hội chủ nghĩa mau đến thành công.
Tóm lại, câu tục ngữ trên đã để lại cho chúng ta một tấm gương rõ nét nhất, phản ánh sâu xa tinh thần chống giặc quả cảm của dân tộc trong đó có sự đóng góp của những người phụ nữ Việt Nam, để lại cho lịch sử đấu tranh của dân tộc ta những chiến tích lẫy lừng chấn động địa cầu và góp phần vào công cuộc giải phóng dân tộc, mang lại nền độc lập tự do cho chúng ta. Người phụ nữ Việt Nam thật đáng biểu dương với câu mà Bác đã tặng “Anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang”.
Tự hào với lịch sử đấu tranh của dân tộc, còn ngồi dưới mái trường xã hội chủ nghĩa này, em nguyện cố công ra sức học tập và phát huy mạnh mẽ những truyền thống quí báu của dân tộc. Sẵn sàng dấn thân vào những gian khổ nhất mỗi khi Tổ quốc cần đến:
Nếu được chọn hạt giống để mùa sau
Nếu lịch sử chọn ta làm điểm tựa
Vui gì hơn làm người lính đi đầu
Trong đêm tối tim ta làm điểm tựa.