HÀM RỒNG
                                                            (Giới thiệu một danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử)
  Du khách đi bằng đường bộ từ Nam ra Bắc, từ Bắc vào Nam không thể không đi qua Hàm Rồng. Hàm Rồng nằm ở cửa ngõ phía bắc tỉnh lị Thanh Hóa, là yết hầu của con đường huyết mạch một thời đánh Mĩ, niềm tự hào của cả dân tộc trong một giai đoạn lịch sử oanh liệt.
   Hàm Rồng trở thành bất tử với những chiến công oanh liệt và cảnh trí nên thơ. Nhưng hai chữ Hàm Rồng (tên chữ là Long Hạm hay Long Đại) vốn là tên riêng của một ngọn núi hình đầu rồng với cái thân uốn lượn như một con rồng từ làng Ràng (Dương Xá) theo dọc sông Mã bên phía bờ nam. Trên núi Rồng, còn có động Long Quang, hang ăn thông sang bên kia như hai mắt rồng, được gọi là hang Mắt Rồng (cho nên còn có tên gọi là núi Mắt Rồng). Truyền thuyết kể lại, con rồng đang vờn hạt ngọc ở phía bên kia sông bỗng bị trúng mũi tên độc vào mắt phải, nên phải gục ở bên sông. Mắt phải có lỗ ăn thông lên trên, mùa mưa nước chảy xuống màu đỏ, ấy là nước mắt rồng. Ở dưới động Long Quang, có mỏm đá nhô ra, hàm rộng ra, hàm dưới ngập trong nước như đang hút nước, nên có tên chữ là Long Hạm, gọi nôm na là Hàm Rồng.
   Bên kia sông, có hòn núi Ngọc, tên chữ là Hỏa Châu Phong hay còn gọi là núi Nít, ngọn núi này tròn trặn, các lớp đá chen dày tua tủa như ngọn lửa từ trong lòng đất bốc lên, bởi vậy mà gọi là Hỏa Châu Phong.
Chín mươi chín ngọn bên dông
Còn hòn núi Nít bên sông chưa về.
   Chung quanh núi Rồng có nhiều ngọn núi trông rất ngoạn mục như: Ngũ Hoa Phong có hình năm đóa hoa sen chung một gốc, mọc lên từ đầm lầy, có hang Tiên với các nhũ đá mang nhiều ve kì thú: hình rồng hút nước, hình các vị tiên…, có ngọn Phù Thi Sơn trông xa như một người đàn bà thắt trên mình một dải lụa xanh nằm gối đầu vào thân rồng. Rồi núi mẹ, núi con như hình hai quả trứng, có núi Tả Ao, vũng Sao Sa có nước trong vắt quanh năm. Rồi núi Con Mèo, núi Cánh Tiên đều có hình thù như tên gọi.
   Với cảnh trí nên thơ như vậy, Hàm Rồng là nơi dừng chân của bao tao nhân mặc khách: Lí Thường Kiệt, Phạm Sư Mạnh, Lê Quát, Nguyễn Trãi, Lê Thánh Tông, Ngô Thì Sĩ, Nguyễn Thượng Hiền, Tản Đà,… ; ở động Long Quang vẫn còn một số bài thơ khắc trên vách đá.
   Hàm Rồng không những có cảnh đẹp thiên nhiên mà còn có bề dày lịch sử hàng trăm thế kỉ, đó là khu di chỉ núi Đọ (cách Hàm Rồng 4km về phía bắc) tiêu biểu cho thời đại đá cũ. Và từ núi Đọ đi xuống phía đông nam, cách Hàm Rồng 1km là khu di chỉ Đông Sơn, tiêu biểu cho nền văn hóa dân tộc thời kì đồng thau.
   Hàm Rồng còn là nơi ghi dấu nhiều chiến tích lịch sử. Tại đây thế kỉ XIII, Chu Nguyên Lương, một nhà nho đã hưởng ứng khí thế Diên Hồng, chiêu tập dân làng và học trò của mình thành đội quân, lập nên chiến công oanh liệt ở Vạn Kiếp.
   Đặc biết trong cuộc kháng chiến chống Mĩ, quân và dân Hàm Rồng đã viết nên trang sử hào hùng.
   Với quyết tâm cắt đứt mạch máu giao thông quan trọng này của ta, Bộ Quốc phòng Mĩ đã trực tiếp chỉ đạo phương án đánh phá Hàm Rồng. Chúng đã huy động 121 lần tốp với 2924 lần chiếc máy bay đánh phá 1096 trận, ném 71600 tấn bom phá với 11526 quả, 99 bom nổ chậm, bắn 600 tên lửa, 2840 quả rốc két, 2178 quả đạn pháo kích, hàng trăm tấn bom bi và thủy lôi. Tính bình quân mỗi người dân ở đây phải chịu đựng 5 tấn bom đạn của địch. Chi riêng trong trận đánh đầu tiên ngày 3, 4 tháng 4-1965 đã diễn ra vô cùng ác liệt. Địch đã xuất kích 174 lần tốp, 453 lần chiếc máy bay, ném 350 quả bom từ 500 đến 1000 kg, bắn hàng trăm quả tên lửa. Nhưng cũng trong hai ngày này, quân và dân Hàm Rồng đã chiến đấu ngoan cường, bắn rơi 47 máy bay, bắt sống nhiều giặc lái. Và trong hai lần chống chiến tranh phá hoại. Hàm Rồng đã hạ 116 máy bay, bắt sống nhiều giặc lái, trong đó có 2 pháo đài B52, giữ vững cầu, lập nên một kỉ lục bảo vệ cầu chưa từng có trong lịch sử thế giới, đem lại niềm tự hào cho dân tộc, bạn bè khắp thế giới khám phục, ngợi ca. Cùng trên mảnh đất rực lửa anh hùng này, đã sản sinh nhiều tập thể anh hùng và những chiến sĩ anh hùng: Đại đội 4 pháo cao xạ, Đồn công an nhân dân Hàm Rồng, Phân đội 3 công an nhân dân vũ trang, Đại đội dân quân tiểu khu Nam Ngạn, Nhà máy điện 4-4, Đội cầu phà 19-5, các anh hùng Ngô Thị Tuyển, Đỗ Chanh, Lê Kim Hồng,…
   Hàm Rồng, nơi tụ hội những vẻ đẹp kì thú của thiên nhiên, mảnh đất có bề dày lịch sử tiêu biểu cho nền văn hóa dân tộc, và truyền thống đấu tranh dựng nước và giữ nước ngoan cường, mãi mãi là niềm kiêu hãnh, tự hào của nhân dân cả nước và là điểm du lịch hấp dẫn các du khách gần xa.

 

                                                                                     ĐỘNG PHONG NHA
   Động Phong Nha là “đệ nhất kì quan” nằm trong một quần thể hang động khối núi đá vôi Kẻ Bàng ở miền tây Quảng Bình.
   Để đến với động Phong Nha, người ta có thể đi bằng hai con đường. Đường thủy ngược dòng sông Gianh đến đoạn gặp sông Som rồi cứ theo sông Som mà vào. Đường bộ theo tỉnh lộ 2 đến bến sông Som (đường dài chừng 20 cây số). Từ bến sông này đi thuyền máy độ ba mươi phút là tới cửa động Phong Nha.
   Ngồi trên thuyền chạy ngược sông ta thấy những khối đá vôi trùng trùng, điệp điệp, những xóm làng, nương ngõ nằm rải rác. Nước sông Som xanh thẳm và rất trong.
   Động Phong Nha gồm hai bộ phận: Động khô và Động nước. Động khô ở độ cao 200m. Động nước có một con sông dài chảy suốt ngày đêm. Sông sâu và rất trong, đây cũng là nơi thu hút khách du lịch.
   Đi thuyền vào thăm động, chúng ta sẽ vô cùng ngạc nhiên và thích thú trước vẻ đẹp lộng lẫy và kì ảo của nó. Ở đó các bạn sẽ bắt gặp những hình khối đủ màu sắc do thạch nhũ kết tụ lại: có khối hình con gà, còn có khối như mâm xôi, cái khánh hoặc hình các ông tiên đang ngồi đánh cờ, tất cả rất huyền ảo, lung linh. Trong hang còn có một số bãi đá du khách có thể mặc sức leo trèo, luồn lách qua các bậc đá để chụp hình hoặc thắp hương lên các bàn thờ do người Chăm, người Việt Nam dựng lên tự thuở nào. Đi suốt chiều dài hơn ngàn mét ở phần ngoài của động, các bạn có cảm giác như lạc vào một thế giới khác lạ, thế giới của bồng lai tiên cảnh. Nơi đây vừa có vẻ hoang sơ, bí hiểm lại vừa thanh thoát và giàu chất thơ. Một giọt nước long tong, một tiếng nói trong hang động đều có âm vang riêng, khác nào tiếng đàn, tiếng chuông nơi cảnh chùa, đất Bụt.
   Theo báo cáo của các nhà khoa học Hội Địa lí Hoàng gia Anh, động Phong Nha là hang động dài nhất và đẹp nhất thế giới. Động Phong Nha có bảy cái nhất: hang động dài nhất; cừa hang cao và rộng nhất; bãi cát, bãi đá rộng và đẹp nhất; có những hồ ngầm đẹp nhất; hang khô và đẹp nhất; thạch nhũ tráng lệ và kì ảo nhất; sông ngầm dài nhất.
   Đến với động Phong Nha các bạn sẽ lấy làm thích thú bởi nơi đây đã và đang đầu tư cho cơ sở hạ tầng để sớm trở thành một địa điểm du lịch và thám hiểm hấp dẫn nhất trong nước cũng như thế giới.


                                                                  HỒ HOÀN KIẾM VÀ ĐỀN NGỌC SƠN
   Nếu hồ Hoàn Kiếm là một đoạn dòng cũ của sông Hồng để lại sau khi sông chuyển dòng thì tới nay hồ đã có đến vài nghìn tuổi. Nhưng cái tên Hoàn Kiếm thì mới có từ năm thế kỉ nay. Trước đó, hồ có tên là Lục Thủy vì nước hồ bốn mùa xanh ngắt. Tới thế kỉ XV có tên Hoàn Kiếm do sự tích Lê Lợi trả gươm. Truyện kể rằng Lê Lợi khi còn ở Lam Sơn có bắt được một thanh gươm. Gươm ấy luôn ở bên ông trong suốt 10 năm chinh chiến. Khi dẹp xong giặc Minh, vua Lê về Thăng Long, một hôm ngự thuyền dạo trên hồ Lục Thủy, bỗng có con rùa nổi lên, ông rút gươm ra trỏ thì rùa liền đớp ngay thanh gươm mà lặn xuống. Như vậy là vua trả gươm cho trời. Vì vậy, hồ có tên là Hoàn Kiếm, gọi nôm na là hồ Gươm. Sau thủy quân dùng hồ làm nơi luyện tập nên có thêm tên là Thủy Quân hồ.
   Theo truyền thuyết thì đời Lê Thánh Tông (nửa sau thế kỉ XV) chỗ này là gò Tháp Rùa từng là Điếu đài tức là nơi vua đến ngồi câu cá. Nhưng chỉ từ sau khi trung hưng thì chúa Trịnh mới bắt đầu trang điểm cho hồ. Đời Vĩnh Hựu, chúa Trịnh Giang lập cung Khánh Thụy ở đảo Ngọc làm nơi hóng gió ngày hè. Sau đó Trịnh Doanh cho đắp ở bờ hồ gò Ngọc Bội để ghi chiến công đánh dẹp Quận Hẻo ở núi Ngọc Bội (vùng Tam Đảo ngày nay). Đầu thế kỉ XIX, một ngôi chùa được dựng lên trên nền cung Khánh Thụy cũ và có tên là chùa Ngọc Sơn. Ít lâu sau, không thờ Phật nữa mà thờ thánh Văn Xương, chủ về văn chương khoa cử - và Đức thánh Trần tức anh hùng Trần Quốc Tuấn, do vậy được đổi gọi là đền Ngọc Sơn. Năm 1864, Nguyễn Văn Siêu, nhà văn hóa lớn của Hà Nội thời đó, đã đứng ra sửa sang lại toàn cảnh. Trên núi Ngọc Bội, ông xây một ngọn tháp hình bút lông, thân tháp có tạc ba chữ Tả thanh thiên (viết lên trời xanh). Đó là Tháp Bút. Đi qua Tháp Bút tới một cửa cuốn gọi là Đài Nghiên vì trên có đặt một cái nghiên mực bằng đá. Quang nghiên có khắc một bài minh nói về công dụng của cái nghiên xét về mặt triết học. Qua Đài Nghiên đến cầu Thê Húc (có nghĩa: nơi ánh Mặt trời đậu lại). Cầu dẫn đến Đắc Nguyệt lầu tức cũng là cổng đền Ngọc Sơn. Đền có ba nếp, nếp ngoài là bái đường, nếp giữa là nơi thờ Văn Xương và nếp sau thờ Trần Hưng Đạo. Trước mặt nhà bái đường là Trấn Ba Đình (đình chắn sóng). Nhìn thẳng về hướng Nam là gò Tháp Rùa. Tháp chỉ mới có từ cuối thế kỉ XIX, kiến trúc không có gì đặc sắc, nhưng đã trở thành biểu tượng quen thuộc của Hồ Gươm, Hà Nội.
   Ngày nay, khu vực quanh hồ, đã thành tên là Bờ Hồ, là nơi nhân dân Thủ đô dạo chơi ngày hè, nơi đón giao thừa, lại còn là nơi tổ chức hội hoa đăng – đèn hoa, pháo hoa – trong những dịp Quốc khánh hằng năm.

Bài viết gợi ý: