Quản lí tiền bạc bằng 5 chiếc lọ

       Để dạy con quản lí tiền bạc khôn ngoan, cha mẹ người Do Thái sẽ sử dụng 5 chiếc lọ, mỗi lọ đều được dán nhãn cẩn thận với 5 tên tương ứng: chi tiêu hằng ngày, từ thiện, tiết kiệm, đầu tư và đóng thuế.

       Mỗi lần được cha mẹ cho 10 đồng Shekel (tiền Israel), trẻ sẽ được dạy bỏ vào mỗi lọ từ thiện, tiết kiệm và đóng thuế 1 đồng, 2 đồng vào lọ đầu tư và 5 đồng vào lọ chỉ tiêu hàng ngày.

      Sau đó, lọ từ thiện để giúp đỡ người khác sẽ được mở vào cuối tuần. Lọ đóng thuế sẽ được mở vào cuối tháng. Lọ tiết kiệm chỉ được mở vào những dịp đặc biệt như khi gia đình gặp khó khăn hoặc có người bị ốm. Lọ đầu tư chỉ được mở khi nó đã đầy.  

     Con cái sẽ có quyền tự do quyết định chi tiêu. Ngay cả khi chúng mắc sai lầm, cha mẹ cũng không can thiệp để mắng mỏ hay giúp đỡ. Trẻ sẽ tự học hỏi sau những thất bại. Bằng cách này, chúng ta sáng tạo hơn trong quá trình đưa ra quyết định và chịu trách nhiệm cho hành động của mình.

     Nghiên cứu đã chỉ ra, quản lý tiền bạc là một trong những việc khó khăn nhất của cuộc sống. Khi đã biết cách quản lí tiền bạc đúng đắn, tất cả những việc khác trong cuộc sống sẽ dễ dàng giải quyết hơn. Đó là lí do vì sao trẻ em Do Thái phát triển thành công hơn và có sự hài lòng hơn với cuộc sống. Tỷ lệ ly dị trong gia đình người Do Thái sống ở Mỹ thấp hơn 90 % so với những gia đình người Mỹ khác. Trong khi hầu hết chúng ta đều đang vật lộn với nợ nần, thì người Do Thái vẫn hài lòng với tài chính và công việc kinh doanh của họ.   

    Người Do Thái chỉ chiếm 0, 2% dân số, nhưng số người Do Thái giành được giải Nobel lại chiếm tới 20% tổng số giải thưởng toàn thế giới. Người Do Thái đã có những đóng góp lớn cho thành tựu của nhân loại và những bài học của họ luôn đáng để chúng ta học hỏi.

(Theo Trí thức trẻ, 22/4/2017)

 

HƯỚNG DẪN ĐỌC HIỂU

Trước khi đọc văn bản

Hãy đọc lướt qua nhan đề, nguồn trích dẫn, câu chủ đề, phân chia bố cục các đoạn, sau đó tự trả lời các câu hỏi dưới đây:

Tiêu đề của văn bản cho biết tác giả đang bàn về vấn đề gì?

Thái độ của tác giả đối với vấn đề đó?

Tôi đã biết gì về vấn đề đó?

Tôi có thể dự đoán được những gì?

Trong khi đọc văn bản

Câu 1: Phong cách ngôn ngữ của văn bản trên là gì?

Câu 2: Tại sao tác giả lại cho rằng :quản lí tiền bạc là một trong những việc khó khăn nhất của cuộc sống?

Câu 3: Để dạy con quản lí tiền bạc khôn ngoan, người Do Thái để con cái cÓ quyền quyết định chỉ tiêu. Theo anh /chị điều này có phù hợp với hoàn cảnh của bản thân?

Câu 4: Anh /chị thấy cách quản lí tiền bạc của người Do Thái có gì khác biệt với cách quản lí tiền bạc của bản thân. Bài học mà anh /chị tiếp nhận được?

Sau khi đọc văn bản

        Từ nội dung phần Đọc hiểu, anh /chị hãy viết một đoạn văn (khoảng 200 chữ) trình bày suy nghĩ về thông điệp: Ngay cả khi chúng mắt sai lầm, cha mẹ cũng không can thiệp để mắng mỏ hay giúp đỡ. Trẻ sẽ tự học hỏi sau những thất bại.

 

BÀI LÀM

Trước khi đọc văn bản

        Nhan đề văn bản đề cập đến kỹ năng quản lý tiền bạc – đây là một điều rất quan trọng. Tuy nhiên trẻ em Việt Nam thì chưa được dạy quản lí tiền bạc từ nhỏ. Vì vậy có sự khác biệt khá rõ trong cách dạy con của người Do Thái.

      Những ý tưởng trong việc quản lí tiên bạc của người Do Thái được đề cập đến trong văn bản có thể là một gợi mà tôi có thể học tập được.

Trong khi đọc văn bản

Câu 1: Phong cách ngôn ngữ của văn bản là khoa học.

Câu 2: Tác giả cho rằng quản lí tiền bạc là một trong những việc khó khăn nhất của cuộc sống vì:

      - Tiền bạc quyết định mọi nhu cầu, mọi hoạt động trong cuộc sống của mỗi người. Những người thành công đều có kĩ năng quản lí tiền bạc hiệu quả. Những kĩ năng này cũng cần phải được rèn luyện trong một thời gian dài như một thói quen.

     - Nếu quản lý tốt thì sẽ có nguồn lực cho mọi kế hoạch của bản thân, ngược lại nếu quá phung phí hoặc tùy tiện trong chi tiêu sẽ dẫn đến thiếu hụt tài chính, nợ nần, những mâu thuẫn xung đột trong quan hệ vì tiền bạc.

Câu 3: Để dạy con quản lí tiền bạc khôn ngoan, người Do Thái để con cái có quyền tự quyết định chỉ tiêu.

    Học sinh có thể tự đưa ra quan điểm của bản thân về vấn đề :

    - Con cái có thể phạm phải những sai lầm không đáng có trong chi tiêu tiền bạc. Con trẻ sớm tiếp xúc với tiền bạc có thể lớn lên sẽ đối xử với các mối quan hệ dựa trên đồng tiền.

   - Điều này là hoàn toàn có ích , giúp trẻ nhỏ tự đưa ra quyết định . Dù thành công hay không thì trẻ cũng biết trân trọng những giá trị của đồng tiền, biết cách hoạch định của cuộc đời và chuẩn bị những nguồn lực thích đáng.

  - Cha mẹ có thể tập dượt cho con cái cách chi tiêu tiền bạc hợp lí bằng những số tiền nh, những kế hoạch nhỏ. Cha mẹ cũng nên đưa ra những lời khuyên khi cần thiết.

Câu 4: Học sinh có thể chia sẻ vấn đề theo quan điểm cá nhân .

  - Kĩ năng quản lí tài chính của bản thân còn kém vì: chưa được giáo dục kĩ năng này từ nhỏ: chưa biết cách lập kế hoạch cho các khoản chi tiêu, chưa biết cách phân loại các khoản cần chi tiêu, sử dụng tiền chưa đúng mục đích...

 - Bài học: Cần có kế hoạch tiết kiệm để tích lũy tiền bạc cho bản thân, cần có mục tiêu cụ thể phân biệt giữa nhu cầu tiêu tiền hàng ngày với mục tiêu lâu dài, sống giản dị chỉ tiêu tiền cho những mục đích thật sự cần, không quên dành tiền cho những hoạt động xã hội như từ thiện, chuẩn bị tiền cho những rủi ro của cuộc sống...

Sau khi đọc văn bản:

         Từ nội dung phần Đọc hiểu, anh /chị hãy viết một đoạn văn (khoảng 200 chữ) trình bày suy nghĩ về thông điệp: Ngay cả khi chúng mắc sai lầm, cha mẹ cũng không can thiệp để mắng mỏ hay giúp đỡ. Trẻ sẽ tự học hỏi sau những thất bại.

 

GỢI Ý

Giải thích

        Thành công và thất bại, hai khiá cạnh tưởng chừng đối tập nhưng lại luôn song hành cùng với nhau. Biết vươn lên sau thất bại chính là một loại thành công, còn sau khi thành công mà dễ dàng buông bỏ thì đó chính là thất bại. Bởi thế, hãy luyện cho mình cách nghĩ về sự thất bại như những dấu mốc của sự thành công. Tuổi trẻ có quyền thử, có quyền thất bại vì tất cả đều có thể có thời gian làm lại. Sau thất bại bạn sẽ tự học được rất nhiều thứ, quyết tâm của bạn không vì thế mà giảm sút. Những bậc cha mẹ nếu muốn con cái sớm trưởng thành, hãy trao cho con cái đôi cánh của sự tự do và sẵn sàng chấp nhận sự thất bại của chúng.

Phân tích, chứng minh

       Cuộc sống không bao giờ là một tấm thảm đầy hoa và êm ái mà lẫn trong đó là những chiếc gai nhọn có thể làm tổn thương chúng ta bất cứ lúc nào. Trong công việc cũng vậy, chúng ta chẳng thể chọn những công việc nhẹ nhàng để tôi vượt qua nó là điều hiển nhiên. Đôi lúc chúng ta phải đối mặt với việc thất bại mặc dù chẳng biết nó từ đâu tới và kết thúc như thế nào, nhưng có một điều chắc chắn rằng nó sẽ là một cái kết không hoàn hảo nếu như bạn gục ngã. Quan trọng là bạn có tìm ra nguyên nhân, có đối diện và thừa nhận những sai lầm, quan trọng là tiếp tục đứng lên và vững bước. Bài học đó chỉ thực tiễn cuộc sống mới đem lại cho ta chứ không được trao bởi cánh tay dìu dắt bao bọc của cha mẹ.

Bình luận

      Có những người có điểm khởi đầu hết sức thuận lợi, nhưng cũng có người gặp bất trắc ngay từ những bước đi đầu tiên. Tuy nhiên họ đã đến thành công nếu biết vận dụng hết khả năng và nguồn lực tiềm tàng của mình.

Bài học & liên hệ bản thân

      Mỗi ngày đều là một điểm khởi đầu cho chúng ta trải nghiệm, vững bước tự tin và chiến thắng. Mỗi cố gắng của chúng ta hôm nay đều mang lại điều chúng ta mong muốn và cùng với nó, lòng tự trọng và sự tự tin sẽ phát triển. Cha mẹ hãy là động lực để khuyến khích con cái đi trên đôi chân của mình:

“Hãy ra khỏi tổ các con"

"Không, ngoài kia chắc lạnh lắm!"

“Hãy bay! Đợi đến khi nào nữa?"

"Không! Chúng con sẽ rơi mất!”

“Dũng cảm lên! Đừng sợ!"

"Có sao không hở cha?"

Những chú chim bé bỏng

Run rẩy trèo lên tổ

Chim bố cười, xô xuống,

Và chim non biết bay !

      

 

Bài viết gợi ý: