Một số mở bài và kết bài của Đất nước-Nguyễn Khoa Điềm

 

Mở bài 1:

Đề bài yêu cầu cảm nhận 9 câu thơ đầu trong bài Đất Nước, ta có thể tham khảo mở bài sau:
“Đất Nước” từ lâu đã là nguồn cảm hứng bất tận của thơ ca nói riêng và văn học nói chung. Nếu như các nhà thơ cùng thời thường chọn điểm nhìn về Đất Nước bằng những hình ảnh kỳ vĩ, mỹ lệ hay cảm hững về lịch sử qua các triều đại thì Nguyễn Khoa Điềm lại chọn điểm nhìn gần gũi, quen thuộc bình dị để miêu tả về Đất Nước. Đến với bài thơ “Đất Nước” của Nguyễn Khoa Điềm ta như đứng trước muôn màu văn hóa, truyền thống, phong tục tươi đẹp vô ngần. Vẻ đẹp ấy được hiện lên sâu sắc nhất qua chín câu thơ đầu. (trích thơ)

Mở bài 2:

So sánh Đất nước của Nguyễn Đình Thi và Đất nước của Nguyễn Khoa Điềm

Trải suốt chiều dài lịch sử văn học, hình tượng đất nước đã bắt nhịp trái tim của không biết bao nhiêu nghệ sĩ để đi vào thơ với vẻ đẹp thiêng liêng và niềm tin yêu sâu sắc. Hồn thiêng đất nước, tinh thần dân tộc hào hùng được bắt nguồn từ “Nam quốc sơn hà”, “Hịch tướng sĩ”, “Tuyên ngôn Độc lập”… và tiếp nối bền vững qua mỗi thời kì. “Đất nước” của Nguyễn Đình Thi và “Đất nước” của Nguyễn Khoa Điềm gặp gỡ nhau ở đề tài ấy. Hai đoan thơ tiêu biểu ở hai bài thơ đã góp phần thể hiện rõ….

Mở bài 3:

Đề bài: Nhận xét về chương V Đất Nước cuả Nguyễn Khoa Điềm có ý kiến cho rằng:” Tác giả đã phát biểu tư tưởng “Đất Nước của Nhân Dân, ĐN của ca dao thần thoại” và tư tưởng này chi phối cả nội dung và hình thức nghệ thuật của bản trường ca”.Từ đoạn trích ĐN anh chị hãy làm sáng tỏ ý kiến trên.

Bài làm: Nhắc đến lối thơ trữ tình chính luận ta không thể không nhắc đến Nguyễn Khoa Điềm- một nhà thơ xuất sắc của nền thơ ca hiện đại trưởng thành trong cuộc kháng chiến chống Mỹ. “Mặt đường khát vọng” được viết năm 1971 là tác phẩm tiêu biểu nhất của ông. Trong đó chương V là chương trung tâm kết nối mạch ngầm của văn bản bằng hình tượng nghệ thuật trung tâm là Đất Nước. Nhận xét về chương này có ý kiến cho rằng: “Tác giả đã phát biểu tư tưởng “Đất Nước của Nhân Dân, ĐN của ca dao thần thoại” và tư tưởng này chi cả nội dung và hình thức nghệ thuật của bản trường ca”.

Mở bài 4: Nguyễn Khoa Điềm là nhà thơ trưởng thành trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ như Lê Anh Xuân, Phạm Tiến Duật, Xuân Quỳnh… Thơ Nguyễn Khoa Điềm hấp dẫn bạn đọc bởi sự kết hợp giữa chính luận và trữ tình, giữa xúc cảm nồng nàn và suy tư sâu lắng của người trí thức về đất nước, con người Việt Nam. “Đất nước” của Nguyễn Khoa Điềm trích từ chương V trường ca “Mặt đường khát vọng” là một trong những vần thơ hay nhất về đề tài đất nước trong thơ Việt Nam hiện đại.

Mở bài 5: Đất Nước là một đề tài muôn thuở của thơ ca và nghệ thuật. Hình hài đất nước cũng được tạc thành nhiều vẻ đẹp khác nhau từ những góc nhìn khác nhau. Tố Hữu thấy Đất Nước trong bóng dáng người anh hùng, người Mẹ. Chế Lan Viên “tìm hình của nước” trong vị cha già Hồ Chí Minh. Nguyễn Trãi tự hào về triều đại Triệu, Đinh, Lý, Trần… còn Nguyễn Khoa Điềm, một nhà thơ chống Mỹ lại tìm vẻ đẹp của Đất Nước trong chiều sâu văn hóa, phong tục mang đậm dấu ấn tư tưởng “Đất Nước của nhân dân”. Chiều sâu tư tưởng ấy đã thể hiện sâu sắc qua đoạn thơ:

Mở bài 6: Hiếm có một giai đoạn văn học nào mà hình ảnh Tổ quốc – Dân tộc – Đất nước lại tập trung cao độ như giai đoạn kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Tố Hữu với “Ôi Việt Nam! Yêu suốt một đời/ Nay mới được ôm Người trọn vẹn, Người ơi!” (Vui thế hôm nay), Chế Lan Viên với “Sao chiến thắng”, Lê Anh Xuân từ hình tượng anh giải phóng quân đã tạo nên “Dáng đứng Việt Nam”. Và Nguyễn Khoa Điềm gắn liền với Tổ quốc qua “Đất Nước” – một chương thơ trong trường ca “Mặt đường khát vọng”. Chương thơ đã thể hiện một cách sâu sắc vẻ đẹp của Đất Nước và tư tưởng lớn của thời đại “Đất nước của nhân dân”. Tư tưởng ấy được thể hiện đậm nét qua đoạn thơ sau:

Mở bài 7:

“Có mối tình nào  hơn

Tổ quốc?”

(Trần Mai Ninh)

Bằng tình cảm yêu thương sâu nặng và cảm hứng nồng nàn về Tổ Quốc – các nhà thơ – chiến sĩ đã để lại cho núi sông này biết bao vần thơ đẹp về con người, đất nước Việt Nam. Nếu các nhà thơ khác cùng thời thường dùng những hình ảnh kì vĩ, mĩ lệ mang tính biểu tượng, tạo ra một khoảng cách để cảm nhận, chiêm ngưỡng về đất nước thì Nguyễn Khoa Điềm lại cảm nhận về đất nước qua những gì hết sức gần gũi, đơn sơ, bình dị, mộc mạc gắn liền với mỗi con người như máu thịt, như hơi thở. Đất nước ấy tắm đẫm trong hương liệu văn hóa dân gian, trong tư tưởng lớn của thời đại – tư tưởng “Đất nước của nhân dân”.

Kết bài 1: Đất Nước là một đoạn trích hay nhất trong trường ca “Mặt đường khát vọng” của Nguyễn Khoa Điềm. Thi phẩm ấy không chỉ khẳng định tài năng thơ phú của nhà thơ mà còn qua đó nói lên được tiếng nói của người công dân yêu nước với tình yêu sâu nặng, mãnh liệt “như máu xương của mình”. Cuộc chiến tranh chống Mỹ gian khổ đã làm con người xích lại gần nhau, tất cả đều hướng đến nhiệm vụ chung cao cả để bảo vệ Tổ Quốc. Tình yêu và trách nhiệm cao cả ấy trong thơ Nguyễn Khoa Điềm cũng chính là quyết tâm của cả một thời đại: “Thời đại của chúng tôi là thời đại của những thanh niên xuống đường chiếm lĩnh từng tầng cao của mái nhà, của ngọn đồi, của nhịp cầu để bắn toả lương tâm lên bầu trời đầy giặc giã” (Chu Lai)

Kết bài 2: Pauxtôpxki  từng nói “Niềm vui của nhà thơ chân chính là niềm vui của người mở đường đến với cái đẹp”. Và phải chăng nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm đã tìm thấy niềm vui cho mình khi mở đường đến với Đất Nước của nhân dân.

Kết bài 3:  Đất Nước đã được nhà thơ lí giải cứt nghĩa theo cảm nhận của riêng mình. Đoạn thơ thể hiện niềm tự hào, trân trọng sâu sắc của tác giả dành chô Tổ quốc mình. Đoạn thơ rất thành công với thể thơ tự do mỗi câu như một cảm xúc trào dâng từ đáy lòng thi sĩ. Nhà thơ đã vận dụng thành cồn những chất liệu văn hóa văn học dân gian. Và khi kết thúc những câu thơ ấy, trong lòng người đọc cũng xuất hiện hình ảnh đất nước vừa quen thuộc, vừa mới lạ, vừa thiêng liêng, vừa gần gũi và biết bao mến thương.

Kết bài 4: Chất liệu văn học dân gian đã được sử dụng không còn ở dạng nguyên sơ mà đã được chuyển hóa trong cách cảm cách nghĩ trong lời thơ, giọng điệu. Mỗi hình ảnh đều có ý nghĩa như những điển tích điển cố để tạo nên tính hình tượng đa nghĩa trong thơ ca. Những yếu tố của văn hóa dân gian đã hòa hợp thật kì diệu vvới tinh thần hiện đại. Nhà thơ đã lấy cái xưa cũ để nói chuyện hôm nay, lấy quá khứ để nói hiện tại và liên tưởng đến tương lai của đất nước. Nhà thơ xứng đáng là người đại diện cho dân tộc mình, thế hệ mình để ngợi ca về Đất Nước, Nhân dân.

Kết bài 5: Đề tài về đất nước luôn luôn là một cảm hứng cho mọi nền văn học nhất là nền văn học của một dân tộc mà tình yêu nước luôn luôn bị đem ra thử thách. Thành công về đề tài này đã nhiều nhưng “Đất nước” của Nguyễn Khoa Điềm vẫn có một tiếng nói riêng, một sự khám phá riêng với một phong cách riêng. , góp vào vườn thơ về đất nước hai bông hoa đẹp nhất tỏa hương thơm đến muôn đời, muôn thế hệ.

Bài viết gợi ý: