Có một sự thật là không chỉ giỏi các môn học cơ bản như văn, toán, lý, hóa, sinh... mới được kể là thông minh, mà cả những tài năng khác về vận động, khéo tay, tiếp cận thiên nhiên... đều đáng được ghi nhận, và nếu được khơi dậy, bồi dưỡng đúng mức, sẽ đem lại lợi ích đáng kể cho người sở hữu nó cũng như cho xã hội.

       Nền giáo dục hiện nay của nước Mỹ là một ví dụ sinh động khi người ta không bỏ sót bất kì một tài năng nào. Chúng ta vẫn thường thấy tên các vận động viên nổi tiếng gắn liền với tên các trường Đại học (Ví dụ : Carl Lewis xuất thân từ University of Houston, cầu thủ bóng rổ Michael Jordan gắn liền với University of  North Carolina ...). Những câu chuyện về các chuyên gia tính toán đường bay “trên trời” cho NASA nhưng lại trông giống như chậm phát triển, tự kỉ, không thể tự chăm sóc bản thân dưới đất”... cũng là minh hoạ thú vị cho việc khai thác và sử dụng thành công những loại trí thông minh khác thường của quốc gia số một thế giới này.

      Trong thực tế, mỗi người đều sở hữu ít nhất một trong bảy loại trí thông minh (có nhiều người sở hữu hai, ba hoặc thậm chí bốn loại). Hơn thế nữa, một cách lí tưởng là bất kì một người bình thường nào cũng có thể phát triển một trong số bảy loại trí thông minh nói trên của tư duy đến một mức độ đáng kể và trở thành chuyên gia. Những ví dụ tiêu biểu là Giáo sư Tiến sĩ Toán học Đặng Đình Áng còn là nghệ sĩ thổi sáo khá nổi tiếng, bác sĩ Socrates thành viên đội tuyển bóng đá quốc gia Braxin năm 1982, tuyển thủ quốc gia Đức Paul Breitner là Chuyên gia tâm lí, vv...

 (Chọn nghề theo khả năng của bạn, Tài liệu tư vấn tuyển sinh)

 

HƯỚNG DẪN ĐỌC HIỂU

Trước khi đọc văn bản:

Hãy đọc lướt qua nhan đề, nguồn trích dẫn, câu chủ đề, phân chia bố cục các đoạn, sau đỏ tự trả lời các câu hỏi dưới đây:

Đọc lướt và đưa ra dự đoán tác giả đang bàn về vấn đề gì?

Thái độ của tác giả đối với vấn đề đó?

Tôi đã biết gì về vấn đề đó?

Tôi có thể dự đoán được những gì?

Trong khi đọc văn bản:

Đọc văn bản trên và trả lời câu hỏi dưới đây:

Câu 1: Phong cách ngôn ngữ của văn bản?

Câu 2: Đoạn văn bản nhắc đến những loại trí thông minh nào? Hãy liệt kê.

Câu 3: Việc tác giả lấy dẫn chứng về những cá nhân thành công trong văn bản thể hiện thông điệp gì? Thông điệp ấy có ích gì cho những học sinh không giỏi những môn học cơ bản như văn, toán, lý, hóa, sinh...

Câu 4: Bản thân anh /chị thấy mình có những loại trí thông minh nào? Từ đó, anh /chị nghĩ mình có thể làm gì để phát triển trí thông minh của bản thân?

Sau khi đọc văn bản:

Trình bày suy nghĩ của anh /chị về bài học không bỏ sót bất kì một tài năng nào của nền giáo dục nước Mỹ.

 

BÀI LÀM

Trước khi đọc văn bản:

         Văn bản không có nhan đề nhưng dựa vào nguồn trích dẫn, câu chủ đề tôi có thể phán đoán văn bản đang đề cập đến các loại trí thông minh. Tùy vào loại trí thông minh mà bạn sở hữu để lựa chọn nghề nghiệp tương lai.

         Điều này rất có ích với các bạn học sinh chuẩn bị bước ra khỏi cánh cửa nhà trường phải chọn ngành chọn nghề. Bản thân tôi cũng muốn đọc để khám phá các loại trí thông minh của mình.

        Tôi dự đoán tác giả sẽ đưa ra nhiều minh chứng về những con người thành công. Tôi có thể lấy đó là bài học.

Trong khi đọc văn bản:

Câu 1: Phong cách ngôn ngữ khoa học.

Câu 2: Có bảy loại trí thông minh: toán học, ngôn ngữ, âm nhạc, thể thao, nghệ thuật, tâm lý, không gian (Có nhiều cách để diễn đạt và gọi tên bảy loại trí thông minh này).

Câu 3: Việc tác giả lấy dẫn chứng về những cá nhân thành công trong văn bản thể hiện thông điệp: Mỗi cá nhân đều sở hữu ít nhất một loại trí thông minh, bạn có trí thông minh này nhưng không có loại trí thông minh kia là điều bình thường, quan trọng là nhận diện, củng cố và phát triển nó thành một chuyên gia

Câu 4: Học sinh có thể chia sẻ suy nghĩ riêng của bản thân. Điều này rất có ích cho việc tìm ra năng lực sở trường và lựa chọn nghề nghiệp của bản thân.

Sau khi đọc văn bản:

Trình bày suy nghĩ của anh /chị về bài học “không bỏ sót bất kì một tài năng nào” của nền nước Mỹ.

 

Gợi ý:

Giải thích:

       Albert Einstein từng nói rằng: “Mọi người đều là thiên tài... Nếu bạn đánh giá con cá bằng khả năng leo cây của nó, suốt đời nó sẽ tin rằng mình là kẻ ngốc nghếch". Nói cách khác mỗi người đều có sở trường. Nhiệm vụ của giáo dục là tìm ra sở trường để khơi gợi nó thành đam mê. Đó là cách làm nền giáo dục nước Mỹ “không bỏ sót bất kì một tài năng nào".

Phân tích, chứng minh:

      Như người ta thường nói, con người mới sinh ra đã có sự khác nhau, kể từ giây phút em bé lọt lòng cất tiếng khóc chào đời, thì mỗi sinh mệnh đều trở thành một sinh mệnh độc lập, có ngay cái thứ gọi là giá trị tốt xấu của chính bản thân em bé đó. Con người sinh ra vốn đã như vậy rồi thì làm sao có thể vạch một đường thẳng thống nhất như nhau, đặt ra những quy định mỏng manh để so đo đối với mỗi sinh mệnh tươi mới và độc lập được.

Bình luận:

     Xét trên khía cạnh nói trên trường học chính là nơi có trách nhiệm gánh vác việc cung cấp nhân tài cho đất nước và xã hội, càng nên loại bỏ những khuôn phép cố định, nên từ bỏ quan điểm bảo thủ, cần phải cách tân đổi mới quan niệm, áp dụng những phương pháp giảng dạy khác nhau theo trình độ đặc điểm khác nhau của mỗi học sinh. Tựa như điêu khắc gọt rũa những học sinh thành những nhân tài độc đáo bằng những lưỡi dao khác nhau vậy.

Bài học & liên hệ bản thân

    Tôi tin tưởng chắc chắn rằng mỗi con người đều có hương thơm độc đáo khác nhau của họ, mỗi tồn tại của sự vật đều mang ý nghĩa độc đáo khác nhau của nó. Riêng tôi thì mong cho mình có thể trở thành con người có tinh thần ngay thẳng hào phóng thể hiện được phong thái độc đáo của mình. Đối xử khác biệt mà không khác biệt.

Bài viết gợi ý: