AI ĐÃ ĐẶT TÊN CHO DÒNG SÔNG

  1. Khái quát về tác giả, tác phẩm”
  1. Tác giả:
      • Hoàng Phủ Ngọc Tường sinh ra và lớn lên ở Huế, cuộc đời của ông gắn bó sâu sắc với Huế.
      • Ông am hiểu sâu rộng trên nhiều lĩnh vực nhất là lịch sử, địa lí, văn hóa Huế.
      • Nhà văn chuyên về bút kí

Phong cách:

“ Nét đặc sắc trong sáng tác của ông là sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa chất trí tuệtính trữ tình, giữa nghị luận sắc bén với suy tư đa chiều được tổng hợp từ vốn kiến thức phong phú về triết học, văn hóa, lịch sử, địa lí... Tất cả được thể hiện qua lối hành văn hướng nội, súc tích, mê đắm, tài hoa.”

Nhà văn Tô Hoài đã từng nhận xét: “ Nếu có thể so sánh, thì tôi nghĩ Sơn Nam thuộc đến ngóc ngách những sự tích xưa sau của Sài Gòn- Bến Nghé, tôi thì nhớ được ít nhiều tên phố, tên làng vùng Hà Nội. Hoàng Phủ Ngọc Tường Ngọc Tường thì thầm cả tâm hồn trong khuôn mặt cuộc đời cùng với đất trời, sông nước của Huế.”

  1. Tác phẩm
  •  Ai đã đặt tên cho dòng sông là bài bút kí xuất sắc, viết tại Huế, vào nằm 1981 và in trong tập sách cùng tên. Bài bút kí có 3 phần và đoạn trích trong sách giáo khoa là phấn thứ nhất.
  •  Viết tác phẩm, Hoàng Phủ Ngọc Tường đã khám phá vẻ đẹp thiên nhiên những lớp trầm tích văn hóa của mảnh đất cố đô Huế.  Hoàng Phủ Ngọc Tường đã cảm nhận Sông Hương và Huế ở tận sâu thẳm tâm hồn của nó để thấu hiểu trân trọng. Ông viết về Sông Hương như viết về chính mình, nhà văn thuộc từng khúc quanh, ngã rẽ, từng chỗ đối dòng. Với nhà văn, dòng sông không chỉ là một dòng chảy vô tư của tạo hóa mà còn là một sinh thể có đời sống riêng và những cung bậc cảm xúc phong phú đa chiều. Từ hình tượng sông Hương, có lẽ Hoàng Phủ Ngọc Tường muốn hoài vọng về vẻ đẹp nào đó chưa đạt tới ở đời của thiên nhiên xứ Huế.
  • Những vấn đề cần lưu ý khi học Sông Hương:
  • Sông Hương dưới góc độ địa lý
  • Sông Hương dưới góc độ lịch sử, cuộc đời và thi ca
  • Cái tôi trữ tình tài hoa

Mở bài: Nên đi từ nguồn cảm hứng về sông Hương=> tác giả tác phẩm=> vấn đề cần phân tích:

Có thể tham khảo:

Ai đó đã từng viết: “ Đất nước có nhiều dòng sông nhưng chỉ có một dòng sông để thương và để nhớ như đời người có nhiều cuộc tình nhưng chỉ có một cuộc tình để mãi mãi mang theo.” Vâng, ai rồi cũng sẽ có một dòng sông để thương để nhớ nhưng nỗi nhớ mang theo ở mỗi người lại một vẻ. Với Nguyễn Tuân, đó là nỗi nhớ Đà giang mang theo đầy hung bạo mà trữ tình, Tế Hanh nhớ “con sông xanh biếc”, Hoài Vũ mênh mang phù sa vàm cỏ, Quang Dũng nào quên được “khúc độc hành” của dòng sông Mã yêu thương...thì Hoàng Phủ Ngọc Tường lại cùng nàng Hương tương tư với kinh thành Huế qua tùy bút Ai đã đặt tên cho dòng sông....

 

Có ý kiến cho rằng: Sông Hương là đặc ân của trời đất dành tặng riêng cho Huế. Sông Hương đã thực sự được coi là linh hồn của Huế, là nỗi hoài vọng về một cái đẹp nào đó chưa đạt tới ( Hoàng Phủ Ngọc Tường). Vì thế, sông Hương luôn là nguồn cảm hứng bất tận ở hầu hết các lĩnh vực, thi ca âm nhạc, hội họa... Có lẽ, khi lặng ngắm dòng sông lững lờ lặng lẽ êm đềm  với vẻ đẹp đầy sức quyến rũ và mê hoặc, HPNT đã thực sự thăng hoa trong dòng cảm xúc yêu mến đến ngỡ ngàng nên đã phát hiện những nét đẹp sinh động của Sông Hương ở nhiều góc độ lịch sử địa lí thơ ca..

 

“ Với tư cách nhà văn, anh không phải là người duy nhất nhưng chắc chắn là người số một, người viết nhiều nhất và hay nhất về khí hậu, đất đai, sông núi, thiên nhiên và con người xứ Huế.” Thật không ngạc nhiên khi Phạm Phú Phong dành cho Hoàng Phủ Ngọc Tường lời nhận xét hoa mỹ như thế. Xuyên suốt sự nghiệp văn chương của mình, nhà văn đã dành hết bút lực của mình để viết về Huế, vùng cố đô thân thương với sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa chất trí tuệ và tính trữ tình, giữa nghị luận sắc bén và suy tư đa chiều. Ai đã đặt tên cho dòng sông là tác phẩm tiêu biểu cho phong cách ấy....”

Thân bài: Có thể phân tích những vấn đề sau:

Sông Hương dưới góc độ địa lí:

Dẫn dắt: Cũng giống như mạch văn của Nguyễn Tuân khi viết về Sông Đà: miêu tả con sông theo dòng chảy của nó, nhưng với cá tính dịu dàng của con người xứ Huế, bài viết của Hoàng Phủ Ngọc Tường về dòng Hương giang lại gợi cho người đọc một cảm giác khác: Cảm giác có một cái gì đó dịu nhẹ, cứ len lỏi miên man rồi lại từ từ thấm vào hồn người, từ từ làm trỗi dậy một cách trầm tĩnh cái tình yêu mê man, say đắm đối với một dòng sông mang nét văn hóa xứ sở- con sông đã đi vào thi ca với vẻ đẹp quyến rũ đến lạ kì:

“ Cầu cong như chiếc lược ngà

Sông dài mái tóc cung nga buông hờ”

Sông Hương hiện lên với với trước hết với vẻ đẹp nơi thượng nguồn:

  1. Sông Hương ở thượng nguồn:

Trích từ “ Trong những dòng sông đẹp ở các nước... dưới chân núi Kim Phụng”.

Những điều cần chú ý phân tích

  • Ngay từ câu đầu: “ Trong những dòng sông đẹp ở các nước mà tôi thường nghe nói đến hình như chỉ có Sông Hương là thuộc về một thành phố duy nhất”
  • Tình yêu của tác giả với sông Hương xứ Huế. Sông hương như nột người tình mà HPNT đã hơn 40 năm gắn bó
  • Khẳng định đầy tự hào: đó là một dòng sông đẹp của thế giới...
  • Vẻ đẹp hùng vĩ và thơ mộng:
  • Hùng vĩ:
  •  Bản trường ca của rừng già: Chẳng phải ngẫu nhiên mà nhà văn lại dành cho sông Hương cái tên như vậy. Thì ra ở nơi thượng nguồn của dòng chảy, gắn với dãy Trường Sơn hùng vĩ, con sông đã toát lên vẻ đẹp và sức sống mãnh liệt vừa hùng tráng vừa trữ tình như bản trường ca bất tận của thiên nhiên: “ rầm rộ giữa bóng cây đại ngàn, mãnh liệt qua những ghềnh thác, cuộn xoáy như cơn lốc vào những đáy vực bí ẩn và cũng có lúc nó trở nên dịu dàng và say đắm giữa những dặm dài chói lọi màu đỏ của hoa đỗ quyên rừng.”
  • “Trường ca” mang tính chất sử thi, với nhiều tiết tấu, đầy cảm hứng ngợi ca Sông Hương hiện ra với tất cả chiều dài sâu rộng, chiều sâu. Hóa ra, từ ngàn năm nay,dòng sông đã ở đây, ghi dấu những biến đổi của thời gian lịch sử, của không gian, sừng sững “rầm rộ” dưới bóng cây đại ngàn

+ Dưới độ cao của  vô số thác ghềnh,dốc, dòng sông dữ dội chảy như những con lốc.=> tạo nên vẻ đẹp hùng vĩ của dòng sông

  •  Cô gái Digan phóng khoáng man dại: Nhà văn đã nhân cách hóa sông Hương như một cô gái Digan phóng khoáng man dại=> đó là một liên tưởng độc đáo. Những cô gái bô-hê-miêng thích sống lang thang tự do và yêu ca hát nhảy mùa có vẻ đẹp man dại đầy quyến rũ.
  • Ví sông Hương với một cô gái Di gan, Hoàng Phủ Ngọc Tường đã khắc họa vào tâm trí người đọc một ấn tượng mạnh mẽ về vẻ đẹp hoang dại nhưng cũng rất tình tứ của con sông: đó là một người con gái đẹp có tâm hồn, có cá tính, rừng già đã hun đúc cho nàng một bản lĩnh gan dạ, một tâm hồn tự do và trong sáng.
  • Thơ mộng:
  •  Những quãng dòng sông chảy qua những đồi núi thấp, những nơi bằng phẳng, dòng sông chảy chậm lại “ và cũng có lúc nó trở nên dịu dàng và say đắm giữa những dặm dài chói lọi màu đỏ của hoa đỗ quyên rừng.”
  • Nhà văn đã nhân cách hóa trở thành vẻ đẹp dịu dàng của dòng sông
  1. Liên hệ: vẻ đẹp với Sông Đà.
  • Vẻ đẹp tâm hồn của Sông Hương:

Dẫn dắt: Nếu coi vẻ đẹp trữ tình và hùng vĩ của sông Hương là vẻ đẹp ngoại hình của mỹ nhân thì bên trong sông Hương lại chứa đựng vẻ đẹp tâm hồn, dịu dàng trí tuệ....

  • Người mẹ phù sa của một vùng văn hóa xứ sở: “ đi ra khỏi rừng, sông Hương nhanh chóng mang một sắc đẹp, dịu dàng và trí tuệ, trở thành người mẹ phù sa của một vùng văn hóa xứ sở.”

+ theo quy luật của tự nhiên, tất cả các nền văn minh đều sinh thành từ hạ lưu của các dòng sông.... ta có nền văn minh sông Hằng, sông Nile, sông Hồng thì không có lí gì lại không có nền văn hóa sông Hương.  

+ “ phù sa” ở đây là phù sa văn hóa

  • Chính sông Hương đã tạo nên nền văn hóa xứ Huế
  • Nhà văn đã kết hợp chất chính luận trữ tình, sự am hiểu về địa lí văn hóa, cấu trúc lãnh thổ của Huế.
  • Vẻ đẹp sâu kín của dòng sông và lời nhắn nhủ của tác giả: “ Nếu chỉ mải mê ngắm nhìn khuôn mặt kinh thành Huế của nó, tôi nghĩ rằng người ta sẽ không hiểu một cách đầy đủ bản chất của sông Hương với cuộc hành trình gian truân mà nó đã vượt qua, không hiểu thấu phần tâm hồn sâu thẳm của nó mà dòng sông dường như đã không muốn bộc lộ , đã đóng kín lại ở cửa rừng và ném chìa khóa trong những hang đá dưới chân núi Kim Phụng.”
  • Sông Hương mang vẻ đẹp “phần hồn sâu thẳm”, nếu chỉ nhìn khuôn mặt kinh thành nó thì không thể hiểu được, bản chất đầy đủ của sông Hương chính là nơi thượng nguồn với cuộc hành trình về với kinh thành Huế
  • Theo tác giả, dòng sông như không muốn bộc lộ công lao to lớn của mình, nó âm thầm lặng lẽ cống hiến nhiều thế kỉ qua => chiều sâu vẻ đẹp về nhân cách cho dòng sông, là nét đẹp đáng trân trọng của sông Hương.
  • Kết thúc cuộc thủy trình thượng nguồn.
  • Nhà văn lí giải sự tương phản của sông Hương ở hai khúc thượng lưu và hạ lưu không chỉ ở vốn kiến thức địa lí đơn thuần mà còn bằng cái nhìn suy tư thấm đẫm tình yêu. Trong cái nhìn ấy, sông Hương hiện ra như một người con gái đẹp vốn mang trong mình sức sống hoang dã của rừng già, nay đã tự chế ngự để nhanh chóng tạo cho mình những sắc đẹp dịu dàng trí tuệ khi về với Huế- sự dịu dàng như một cái bến bình yên sau những thác ghềnh, sóng gió, sự trí tuệ trải nghiệm gian truân...
  1. Sông Hương về tới ngoại vi thành Huế

“ Phải nhiều thế kỉ qua đi, người tình mong đợi mới đến đánh thức người gái đẹp....trung du bát ngát tiếng gà.”

Dẫn dắt: Về đến vùng châu thổ, ngoại vi thành phố Huế, chuyền mình từ những đồi núi gập ghềnh thô cứng trở về với đồng bằng thơ mộng, sông Hương đã kịp thay đổi vẻ ngoài và tính cách, trở thành người con gái đẹp mơ màng...

  • Vẻ đẹp của sông Hương ở cánh đồng Châu Hóa và hành trình chủ động đi tìm người tình nhân: Từ “ Phải nhiều thế kỉ qua đi... ‘sớm xanh trưa vàng chiều tím” như người Huế thường miêu tả”
  • Người đẹp nằm ngủ mơ màng:
  • Góc nhìn cổ tích: Người đẹp ngủ trong rừng
  • Sông Hương không khác gì một nàng công chúa ngủ giữa cánh rừng
  • Liên tưởng độc đáo: từ lịch sử, sông Hương, từ xa xưa, đã từng chảy trọn trong đồng bằng Châu Hóa trước khi mở rộng cuộc hành trình của mình ra biển.
  • Sông Hương như người con gái đẹp bừng tỉnh sau giấc ngủ dài, nàng mang một sức sống mới, vóc dáng mới và khát khai đi tìm niềm hạnh phúc cho cuộc đời mình
  • Bị đánh thức sau giấc ngủ dài, người đẹp bắt đầu cuộc hành trình đi tìm người tình nhân của mình. Nhà văn đã nhìn sông Hương trên hành trình này bằng góc nhìn địa lí:

+ “ Ngày từ khi ra khỏi rừng núi, sông Hương đã chuyển dòng một cách liên tục, vòng giữa những khúc quanh đột ngột, uốn mình theo những đường cong thật mềm, như một cuộc hành trình có ý thức để đi tới nơi gặp thành phố tương lai của nó.”

  • Sông Hương đã chuyền mình liên tục. Hành trình đến với người tình mong đợi của người gái đẹp khá gian truân và nhiều thử thách khi nó phải vượt qua một loạt các “chướng ngại vật” ( Hòn Chén, Ngọc Trản, Nguyệt Biều, Lương Quán) nhưng chính quãng đường ấy đã tạo điều kiện cho sông Hương phô diễn hết vẻ đẹp của mình- vẻ đẹp gợi cảm với những đường cong tuyệt mĩ của nàng công chúa đi ra từ cánh đồng Châu Hóa đầy hoa dại: qua Điện Hòn Chén, vấp Ngọc Trản, nố chuyển hướng sang tây bắc, vòng qua thềm đất bãi Nguyệt Biều, Lương Quán rồi đột ngột vẽ một hình cung thật tròn về phía đông bắc, ôm lấy chân đồi Thiên Mụ.
  • Góc nhìn hội họa: HPNT đã viết những dòng văn như dùng cọ vẽ lên bức tranh về thiên nhiên thật đẹp

+ “sông mềm như tấm lụa, ôm, vẽ đột ngột cánh cung...”

+ “ đường cong thật mềm”=> tạo nên vẻ đẹp mềm mại quyến rũ của dòng sông- người con gái đẹp

+ Sắc màu xanh thẳm của dòng sông: dòng sông, núi non, bầu trời tạo nên mảng phản quang trên nền trời của thành phố: “ sớm xanh trưa vàng chiều tím”. Vẻ đẹp ấy đã đi vào trong thơ Đoàn Thạch Biền:

“ Đã bốn lần đến Huế

Vẫn là như lần đầu

Sông Hương lơ đãng chảy

Nắng tím vướng chân cầu.”

  • Có thể thấy, bằng một lối hành văn uyển chuyển, ngôn ngữ đa dạng và giàu hình ảnh. HPNT đã diên tả đầy sinh động và hấp dẫn từng bước đi của sông Hương. Mỗi bước đi nước bước của con sông gắn liền với những địa danh khác nhau của Huế đã được nhà văn dành cho một sự diễn tả phù hợp. Nhờ đó, hành trình về xuôi của sông Hương cuốn hút người đọc đi từ thú vị này đến thú vị khác
  • Thủ pháp nhân hóa, so sánh kết hợp với ngôn ngữ giàu hình ảnh đã góp phần khắc họa dòng sông thơ mộng trữ tình, tựa như bông hoa đẹp tỏa hương sắc giữa Huế mộng mơ.
  • Vẻ đẹp trầm mặc như triết lí, như cổ thi.
  •  Đi giữa thiên nhiên, sông Hương cũng chuyền mình ngày đêm bên những lăng tẩm, thành quách của vua chúa thời Nguyễn. Con sông hiền hòa ở ngoại vi thành phố đang nép mình bên giấc ngủ nghìn năm của những vua chúa được phong kín trong lòng những rừng thông u tịch. Chảy bên những di sản văn hóa ấy, sông Hương như khoác lên mình tấm áo trầm mặc mang triết lí cổ thi của cố nhân
  • Dòng sông hay chính là dòng chảy của lịch sử vẫn bền bỉ chảy qua những năm tháng và đang vojg về trong ngày hôm nay. Tác giả đã nhắc lạ một vần thơ cổ gợi lên không khí , khung cảnh u tịch và trầm mặc của rừng thông, của dòng sông của những thành quách nơi đây. Ai đã một lần đến thăm thú Khiêm Lăng ( lăng vua Tự Đức) mới cảm nhận được hết vẻ đẹp mà tác giả muốn nhắc đến:

“ Bốn bề núi phủ mây phong

Mảnh trăng thiên cổ bóng tùng vạn niên.”

Sắp đến thành phố mến thương, mặt nước sông Hương trở nên mơ màng, phẳng lặng trong tiếng chuông chùa Thiên Mụ ngân nga, giữa bạt ngàn tiếng gà của những xóm làng.

  1. Sông Hương giữa lòng thành phố Huế

Dẫn dắt: Cuộc hành trình đi tìm người yêu từ rừng già nay đã đến đích, sông Hương trở về ngọt ngào trong kinh thành Huế. Niềm hạnh phúc vô bờ ấy, sau bao bát ngát núi non, thác ghềnh, đã làm cho dòng sông như mềm hẳn ra:

“ Từ đây, như đã tìm đúng đường về......Đó là tứ đại cảnh.”

  • Tình yêu của sông Hương dành cho Huế:

Sông Hương đối với Huế như một người tình dịu dàng và chung thủy.

  • Sau cảm giác bình yên giữa lòng thành phố, dòng sông bắt đầu thể hiện sự duyên dáng quen thuộc của mình trong những nét uốn lượn tình tứ: “sông Hương uốn một cánh cung rất nhẹ sang Cồn Hến” và trong liên tưởng độc đáo, lãng mạn độc đáo của nhà văn, đường cong ấy làm dòng sông mềm hẳn đi, như một tiếng “vâng” không nói ra của tình yêu. So sánh thật ngọt ngào, dòng sông đã thật sự trở thành một người tình dịu dàng, e ấp mà vẫn mang vẻ đẹp thật lãng mạn, đắm say của Huế mang nét đẹp của người con gái Huế với tình yêu thầm kín: “ tình trong như đã, mặt ngoài còn e”
  • Khi rời khỏi kinh thành, sông Hương chếch về hướng chính bắc. Tuy nhiên do đặc điểm địa lí ở nước ta ( hầu hết các con sông đề chảy về hướng đông để đổ ra biển), thủy trình của con sông đã phải thay đổi. Nó chuyển dòng về hướng đông vì có lẽ thế, nó mới có thể đi qua Huế một lần nữa.
  • Trong con mắt của người nghệ sĩ tài hoa, khúc ngoặt ấy lại là biểu hiện của nỗi vương vấn thậm chí có chút lẳng lơ kín đáo của người tình chung thủy và chí tình. Nhà văn hình dung sông Hương như nàng Kiều trở lại tìm Kim Trọng để nói một lời thề trước khi đi xa. Đây đúng là một phát hiện, một liên tưởng thú vị, độc đáo vầ đậm đà màu sắc văn chương của tác giả về dòng sông thân thương xứ Huế. Hương giang vốn đã đẹp, nay lại càng trọn vẹn hơn trong cảm nhận của người đọc. Một vẻ đẹo hài hòa giữa hình dáng bên ngoài với phần tâm hồn, tâm linh sâu thẳm bên trong.
  • Tình yêu của Huế dành cho sông Hương
  • Huế góp thêm cho sông Hương những vẻ đẹp mới. So với trước khi vào thành phố, sông Hương đã có thêm những vẻ đẹp mới, độc đáo và hiếm thấy ở các dòng sông khác trên thế giới. Chính Huế như một người họa sĩ tài hoa đã vẽ nên bức tranh sông Hương muôn màu. Đó là màu xanh thẳm từ bãi bồi ven sông, màu rực rỡ của trăm nghìn ánh hoa đăng bồng bềnh trong những đêm hội trên sông, những mảnh phản quang nhiều màu sắc của núi đồi “sớm xanh, trưa vàng, chiều tím” đến những biền bãi xanh biếc của vùng ngoại ô Kim Long, từ màu thanh khiết nõn nà của chiếc cầu trắng in ngần trên nền trời nhỏ nhắn như những mảnh trăng non đến sắc tối u sầm của vầng cổ thụ, ánh lập lòe xưa cũ của ngọn lửa thuyền chài, rồi màu xanh biếc của tre trúc, của cau thôn Vĩ Dạ cũng sắc mơ màng sương khói của cồn Hến.
  • Sông Hương với Huế đã hòa lầm một, sông Hương làm nên vẻ mộng mơ của Huế, Huế làm nên vẻ đẹp trầm tư sâu lắng của sông Hương.  Cuộc gặp gỡ của Huế và sông Hương được tác giả cảm nhận như một cuộc hội ngộ của tình yêu. Sông Hương được Hoàng Phủ Ngọc Tường khám phá, phát hiện từ góc độ tâm trạng: Sông Hương gặp thành phố như đến với điểm hẹn của tình yêu sau một hành trình dài trở nên vui tươi và mềm mại
  • Điệu slow tình cảm dành riêng cho Huế

“ Đấy là điệu slow tình cảm dành riêng cho Huế, có thể cảm nhận được bằng thị giác qua trăm nghìn ánh hoa đăng bồng bềnh vào những đêm hội rằm tháng Bảy từ điện Hòn Chén trôi về, qua Huế bỗng ngập ngừng như muốn đi muốn ở, chao nhẹ trên mặt nước như những vấn vương của một nỗi lòng.”

  •  Sông Hương trong lòng thành phố Huế còn “như điệu slow tình cảm dành riêng cho Huế”. Miêu tả dòng sông giữa lòng thành phố, Hoàng Phủ Ngọc Tường chọn cho mình kênh tiếp cận là âm nhạc. ở góc độ này, sông Hương chính là điệu slow dành riêng cho Huế . Trong tiếng anh, slow nghĩa là chậm và sông Hương như một giai điệu chậm rãi trữ tình dành riêng cho xứ Huế. Có thể thấy, HPNT đã tinh tế khi nhìn ra một đặc trưng của Hương giang. So với các dòng sông khác ở VN và thế giới, lưu tốc của sông Hương không nhanh
  • Điều này còn được nhà văn lí giải từ đặc điểm địa lí: Những chi lưu ấy cùng với hai hòn đảo nhỏ trên sông đã làm giảm hẳn lưu tốc của sông khiến cho sông Hương khi đi qua thành phố đã trôi rất chậm, thực chậm, cơ hồ chỉ còn là một mặt hồ yên tĩnh. Để làm nổi bật hơn cái đặc trưng này, nhà văn đã liên tưởng so sánh với sông Neva băng băng lướt qua trước cung điện Pêtéc-bua để ra bể Ban Tích. Lưu tốc của con sông này nhanh đến mức không kịp cho lũ hải âu nói một điều gì với người bạn của chúng đang trông theo ngẩn ngơ.
  • Mượn câu nói của Heraclit – nhà triết học người Hi Lạp, trong một cách nói thật hình ảnh “ khóc suốt đời vì những dòng sông trôi đi quá nhanh”, HPNT đã đem đến cho tác giả một kiến giải khác, hết sức thú vị và độc đáo về lưu tốc của dòng sông mà ông yêu quý. Đó là cách lí giải bằng trái tim: sông Hương chảy chậm, điệu nhảy lững lờ vì nó quá yêu thanh phố của mình, nó muốn được nhìn ngắm nhiều hơn nữa thành phố thân thương trước khi phải rời xa.
  • Đó là tình cảm của sông Hương đối với Huế hay chính là tình cảm của nhà văn với sông Hương, với xứ Huế mộng mơ. Sự ngập tràn vấn vương ấy là vẻ đẹp của Hương giang mà Thu Bồn có lần cảm nhận:

“ Con sông dùng dằng con sông không chảy

Sông chảy vào lòng nên Huế rất sâu.”

  • Sông Hương như người tài nữ gảy đàn lúc đêm khuya.

Hình như trong khoảnh khắc chùng lại của sông nước... đó chính là Tứ đại cảnh.”

  • Sông Hương người tài nữ gảy đàn lúc đêm khuya: Viết về sông Hương giữa lòng thành phố, Hoàng Phủ Ngọc Tường không quên những nét văn hóa gắn liền với dòng sông thơ mộng này. Một trong số đó là những đêm trình diễn âm nhạc cổ điển Huế. ở góc nhìn âm nhạc này, tác giả gọi dòng sông Hương là người tài nữ đánh đàn lúc đêm khuya. Ai đã từng đến Huế, hẳn đều được nghe nhạc Huế. Nhưng cũng đã mấy ai hiểu rằng, phải nghe nhạc Huế trên sông Hương vào lúc đêm khuya mới cảm nhận được hết linh hồn của nó. Bởi vì, như tác giả đã khẳng định, “toàn bộ nền âm nhạc cổ điển Huế đã được sinh thành trên mặt nước của dòng sông này. Có lẽ vào lúc đêm khuya, trong không khí tĩnh lặng có thể nghe được cả tiếng động rất nhẹ của nhịp chèo và những giọt nước rơi, những nghệ nhân xưa, nhìn mặt nước sông Hương in bóng trăng thanh, đã cảm hứng soạn ra những bản nhạc cổ điển và cả những điệu hò mái nhì, mái đầy để gửi lòng mình vào quê hương xứ sở.
  • Ở đây có cái thú vị, cái sắc điệu riêng trong cách trình diễn âm nhạc của người Huế nhưng cũng có cái quy luật của nghệ thuật biểu diễn trên không gian sông nước. Dẫn ra câu câu chuyện về một người nghệ nhân già, chơi đàn hết nửa thế kỉ khi nghe người con gái đọc câu thơ Kiều mà nhỏm dậy vỗ đùi chỉ vào trang sách của Nguyễn Du mà thốt lên: Đó là Tứ đại cảnh ( một điệu nhạc cổ điển Huế). HPNT đã một lần nữa khẳng định mối quan hệ không thể tách rời của sông Hương và nền nhạc cổ điển Huế. Đây chính là văn hóa Huế nói chung và vẻ đẹp của sông Hương nói riêng, vẻ đẹp hiếm thấy ở bất kì một dòng sông nào ở trong nước cũng như trên thế giới.
  • Có lẽ khi viết những câu văn này, HPNT đã nghe vọng về những câu hò:

“ Chiều chiều trước bến Vân Lâu

Ai ngồi ai câu ai sầu ai thảm

Ai thương ai cảm ai nhớ ai trông

Thuyền ai thấp thoáng bên trong

Đưa câu mái đầy chạnh lòng nước non”

  • Toàn bộ thủy trình của sông Hương trong cái nhìn tinh tế và lãng mạn của nhà văn như một cuộc tìm kiếm có ý thức người tính đích thực của đời mình như câu chuyện tình yêu của người con gái nhuốm màu cổ tích. Men theo sông Hương, người đọc được chiêm ngưỡng vẻ đẹp thiên nhiên xứ Huế. Đó là những tên đất tên làng, những lăng tẩm đền đài u trầm, những bãi bồi xanh biếc những xóm thuyền xúm xít những anh hoa đăng bồng bênh , những cồn Hến quanh năm mơ màng sương khói...
  • Qua những cảm nhận nêu trên về sông Hương, có thể nhận thấy, HPNT đã tiếp cận và miêu tả dòng sông từ nhiều không gian, thời gian khác nhau. ở mỗi góc độ, nhà văn đều thể hiện một cảm nghĩ sâu sắc và khá mới mẻ về con sông đã trở thành biểu tượng của Huế. Từ trong những cái nhìn ấy và qua giọng điệu của các đoạn văn, ta cảm nhận được tình cảm yêu mến, gắn bó tha thiết, một niềm tự hào và thái độ trân trọng, giữ gìn của nhà văn đối với những vẻ đẹp tự nhiên và đậm màu sắc dân tộc của dòng sông quê hương.

Dòng sông dưới góc độ lịch sử, cuộc đời và thi ca

  1. Sông Hương trong lịch sử: Sông Hương- thiên “sử thi viết giữa màu cỏ lá xanh biếc”

Dẫn dắt: Gọi sông Hương là một áng trữ tình thì ai nấy đều dễ chấp nhận. Nhưng gọi nó là một thiên sử thi, một bản anh hùng ca thì thật đáng ngạc nhiên. Đây lại là một phát hiện bất ngỡ nữa của tác giả “ Ai đã đặt tên cho dòng sông?”

Ngược dòng thời gian HPNT gửi vào trang viết của mình niềm kính trọng, sự tự hào về Thành cổ Châu Hóa, về mảnh đất quê hương

  • Nó chính là một ải Chi Lăng ở phía nam Tổ quốc đã bao lần làm quân thù khiếp sợ. Châu Hóa giữ vị trí chiến lược trong việc trấn giữ biên cương của tổ quốc Đại Việt. Lịch sử đã gọi nó là Vạn lí trường thành của phương nam.
  • Trong sách Dư địa chí của Nguyễn Trãi, sông Hương lại được biết đến với tư cách một dòng sông viễn châu đã chiến đấu oanh liệt bảo vẹ biên giới phía nam của Đại Việt qua nhiều thế kỉ trung đại.
  •  Nó vẻ vang soi bóng kinh thành Phú Xuân của người anh hùng Nguyễn HUệ vào thế kỉ XVIII
  • Nó sống hết lịch sử bi tráng của thế kỉ 19 với máu của những cuộc khởi nghĩa. Thê kỉ XX, sông Hương đi vào thời đại Cách mạng tháng Tám bằng những chiến công rung chuyển để rồi sau đó nó tiếp tục có mặt trong những năm tháng bi hùng nhất của lịch sử đất nước với cuộc kháng chiến chống đế quốc Mĩ ác liệt.
  • Nhà thơ ví sông Hương như “sử thi viết giữa màu xanh cỏ lá xanh biếc” thể hiện sự hòa quyện giữa chất hùng tráng và trữ tình. Quay về quá khứ xa xưa, ngòi bút nhà văn lấp lánh niềm tự hào về lịch sử một dòng sông có cái tên mềm mại, dịu dàng, nhưng kiên cường , kiêu hãnh qua những thăng trầm của lịch sử. Trong đời thường, sông Hương mang vẻ đẹp giản dị  của một người con gái dịu dàng. Điều làm nên vẻ đẹp đáng trân trọng và đáng mến của con sông khi nghe lời của Tổ quốc nó biết cách tự hiến dâng đời mình làm một chiến công nhưng khi trở về với cuộc sống đời thường, sông Hương tự nguyện làm một người con gái dịu dàng của đất nươc. Những đổi thay của sông Hương rõ ràng mang dáng dấp, cái vẻ đẹp của đất nước và con người VN suốt mấy nghìn năm qua:

“ Đạp quân thù xuống đất đen

Súng gươm vứt bỏ lại hiền như xưa.”

( Nguyễn Đình Thi)

Tham khảo:

“Nhân đọc Dư địa chí của Nguyễn Trãi và những tài liệu khảo cổ học về thành cổ Hóa Châu, HPNT đã khám phá rằng, Hương giang vốn tên là Linh giang, một dòng sông nơi biên thùy, từng chứng kiến những cuộc chiến đấu oanh liệt của nhân dân Đại Việt từ thuở Bà Trưng, Bà Triệu để bảo vệ biên giới phía nam của Tổ quốc qua những thế kỉ cổ trung đại.

Vậy là dòng sông đâu chỉ đẹp mềm mại nữ tính , mà còn tiềm tàng , trong chiều sâu lịch sử của nó, một sức mạnh quật cường của dân tộc từ những ngày khai sơn, phá thạch, mở nước, dựng thành Hóa Châu hàng nghìn năm về trước. Sau này nó tiếp tục soi sóng  kinh thành Phú Xuân của người anh hùng Nguyễn Huệ, chứng kiến Cách mạng Tháng Tám, chiến dịch Mậu Thân, và cuộc Tổng tiến công hoàn toàn giải phóng dân tộc mùa xuân 1975. Nhưng nó xứng đáng được gọi là một thiên sử thi, trước hết vì đã từng kiên cường chặn đứng những đội quân xâm lược đến từ phía nam, oai hùng không kém gì  Bạch Đằng, Như Nguyệt sau này từng tiêu diệt hàng vạn quân thù đến từ phía bắc.

Nhưng tác giả gọi sông Hương là thiên “ sử thi viết giữa màu cỏ lá xanh biếc”. Ông muốn nói, cùng với người dân đất Hóa Châu, nó đã sẵn sàng hiến mình để làm nên những chiến công hiển hách, nhưng sau đó lại muốn trở về với sinh hoạt đời thường, làm người con gái dịu dàng của Huế. Nghĩa là sử thi mà vẫn rất đỗi trữ tình.

Không phải ngẫu nhiên mà sau khi thuật kể những chiến công của sông Hương, HPNT lại quay về với màu áo điều lục của những cô dâu Huế. Đúng là màu đỏ chói lọi lại giấu mình dưới một tấm voan xanh chàm để thành màu tím Huế ẩn hiện thấp thoáng như sương khói huyền ảo trên sông Hương.

Đúng là trở đi trở lại, Hoàng Phủ Ngọc Tường vẫn nhìn sông Hương chủ yếu như một cô gái Huế kín đáo, dịu dàng.”

  1. Sông Hương với thi ca:
  • Nhà văn còn nhìn dòng sông như nơi khởi nguồn của cả mộ dòng thi ca. Dòng sông ấy không bao giờ tự lặp lại mình trong cảm hứng của các nhà thơ. Từ màu xanh biếc thường ngày, nó đổi màu trắng trong cái nhìn của Tản Đà:

“ Dòng sông trắng lá cây xanh

Xuân giang xuân thụ cho mình nhớ ai”

Đó là dòng sông mang tráng kí hào hùng của người anh hùng Cao Bá Quát:

“ Trường giang như kiếm dựng thanh thiên”

Sông Hương còn bảng lảng nỗi sầu vạn cổ trong thơ Bà Huyện Thanh Quan, là vẻ đẹp rất Kiều trong cái nhìn thắm thiết tình người của Tố Hữu:

“ Cô gái thẫn thờ vê áo mỏng,

Nghiêng nghiêng vành nón dáng chờ ai

Ven bờ sông phẳng lặng con đò mộng

Lả lướt đi về trong gió mai.”

( Dửng dưng)

Là vẻ đẹp rất Huế trong cái nhìn của nhà thơ Thu Bồn:

“Con sông dùng dằng

Con sông không chảy

Sông chảy vào lòng

Nên Huế rất sâu...”

Lối văn hướng nội thể hiện ở những sự kiện vang bóng trong tâm hồn và việc đi tìm vẻ đẹp sâu trong trầm tích văn hóa đã làm nên nét riêng rất độc đáo cho kí của HPNT.

  • Liên hệ: Nếu như Nguyễn Tuân đã tạo cho Đà giang một cá tính dữ dội và trữ tình, Hoàng Cầm tạo cho dòng sông Đuống của quê hương một dáng đặc biệt “nằm nghiêng nghiêng trong kháng chiến trường kì “, Hoàng Phủ Ngọc Tường đã tạo cho sông Hương một bản sắc văn hóa Huế. Đó là vẻ đẹp không thể trộn lẫn của dòng sông. Đã có nhiều tác phẩm viết về sông Hương nhưng sẽ khó ai có thể vượt qua được HPNT bởi vì nhà văn đã khai thác đến ngọn nguồn chi li từng giọt nước, cọng rêu, sâu sắc và trải nghiệm đến vô cùng, xứng đáng với danh hiệu “cuốn từ điển sống của Huế.”
  1. Sông Hương và cái tôi nghệ sĩ tài hoa của Hoàng Phủ Ngọc Tường

Để mô tả trọn vẹn mọi vẻ đẹp của sông Hương, HPNT đã quan sát dòng sông từ nhiều điểm nhìn khác nhau: khi thì theo hành trình của nó mà di chuyển điểm nhìn từ ngọn nguồn xuôi ra biển; khi thì đứng trên cao, từ đồi Tam Thai, Vọng Cảnh, ngắm nhìn dòng sông phản quang ánh sáng bầu trời “sớm xanh trưa vàng chiều tím”; khi thì lại đặt mình vào lòng sông, tự làm một tấm gương soi chiếu những cảnh vật mà nó đi qua: những lăng tẩm đồ sộ, uy nghiêm, ẩn mình trong những rừng thông u tịch- “ Bốn bề núi phủ mây phong- Mảnh trăng thiên cổ bóng tùng Vạn Niên”; đồi Thiên Mụ với tiếng chuông chùa trầm mặc dường như lan tỏa mãi rất xa, rất xa trên mặt nước phẳng lặng; những xóm làng trung du nằm êm đềm trong khe trúc, bên những cánh đồng phù sa yên ả...

Nhưng quan sát từ điểm nào thì con mắt người nghệ sĩ tài hoa đã vờn vẽ nên một bức tranh liên hoàn về mọi phương diện của phong cảnh sông Hương- một bức tranh màu sắc tươi tắn nhưng thanh thoát nhẹ ngàng. Một cặp mắt quan sát tinh tế, một trí tưởng tượng phong phú và một tấm lòng đầy ân tình với Huế, đã giúp HPNT có những so sánh, liên tưởng thần tình: “ Từ đây, như đã tìm đúng đường về, sông Hương vui tươi hẳn lên [...] nó đã nhìn thấy chiếc cầu trắng của thành phố in ngần trên nền trời, nhỏ nhắn như những vành trăng non.”

Quả đúng là một so sánh tuyệt vời: vừa đúng với màu sắc của những vành cung nhịp cầu Tràng tiền, vừa hợp với ánh sáng bầu trời, vừa dịu dàng duyên dáng như cô gái Huế, vừa là một nét bừng sáng phía chân trời xa nhưng không chói chang, vui tươi đấy mà không ồn ào...

“ Giáp mặt thành phố ở Cồn Giã Viên, sông Hương uốn một cánh cung rất nhẹ sang đến Cồn Hến; đường cong ấy làm cho dòng sông mềm hẳn đi, như một tiếng “vâng” không nói ra của tình yêu.”

Hoàng Phủ Ngọc Tường đã dùng tiếng nói riêng của tình yêu để tả cảnh. Tình yêu không bao giờ thích cao giọng ồn ào và thường không cần nói bằng lời. Một cái chớp mắt, một cái cúi đầu có thể thay cho một tiếng “vâng”. Nhưng phải nói đây là ngôn ngữ tình yêu của cô gái Huế nên mới có cái e lệ, kín đáo và duyên dáng như vậy. Diễn tả cái uốn mình âu yếm và mềm mại của dòng Hương bằng một so sánh như thế thì quả là tinh tế, tài hoa, mà cũng thật là tình tứ...

[...] sông Hương tỏa đi khắp phố thị, với những cây đa, cây dừa cổ thụ tỏa vầng lá u sầm xuống những xóm thuyền xúm xít; từ những nơi ấy, vẫn lập lòe trong đêm sương những ánh lửa thuyền chài của một linh hồn mô tê xưa cũ mà không một thành phố hiện đại nào còn nhìn thấy được.”

Tôi ngờ rằng nhận xét này của tác giả đã nảy sinh từ một liên tưởng đầy chất thơ đến một hình ảnh cổ điển rất quen thuộc của Đường thi:

Nguyệt lạc ô đề sương mãn thiên,

Giang phong ngư hỏa đối sầu miên.

( Trăng tà, chiếc quạ kêu sương,

Lửa chài, cây bến, sầu vương giấc hồ.)

( Phong Kiều dạ bạc- Đêm đỗ thuyền ở Phong Kiều , thơ Trương Kế)

Trong nền văn học hiện đại Việt Nam, nói đến những người viết bút kí, tùy bút có thực tài, người ta thường nghĩ đến Nguyễn Tuân trước hết, sau đó đến HPNT. Nếu bắc cân lên so sánh thì Nguyễn Tuân phong phú hơn, đa dạng hơn, sự nghiệp đồ sộ hơn. Cả hai đều say mê cái đẹp, suốt đời đi tìm và diễn tả cái đẹp. Nhưng nếu với Nguyễn Tuân, cái đẹp phải là hiện tượng đập mạnh vào giác uan nghệ sĩ, gây ấn tượng khác thường, thậm chí dữ dội- người đẹp thì phải là cái đẹp đổ quán xiêu đình, nghiêng thành nghiêng nước, còn thiên nhiên thì phải là đèo cao, thác dữ, là gió cuồng, bão táp; thì với HPNT, cái đẹp phải thơ mộng, dịu dàng, là dòng sông Hương trôi trong sương mờ, là cô gái Huế tình tứ mà kín đáo, e lệ, và nếu là sử thi thì là “ sử thi viết giữa màu cỏ lá xanh biếc”

  • Chất trí tuệ và chất thơ trong bài kí là biểu hiện của một phong cách văn xuôi vừa tài hoa nghệ sĩ vừa uyên bác. Ở bài kí “Ai đã đặt tên cho dòng sông?” có sự hòa hợp tương giao linh ứng giữa cảnh sắc, lịch sử, văn hóa Huế với tâm hồn nhà văn dễ rung động, vô cùng nhạy cảm.
  • Qua bài kí, ta có thể cảm nhận được tấm lòng của nhà văn dành cho thiên nhiên, cho đất Huế, sâu xa hơn là tấm lòng cho quê hương đất nước, thiết tha với những giá trị cổ xưa của dân tộc. Đó là những giá trị mà cuộc sống hôm nay vẫn cần đến. Dòng sông Hương không chỉ bồi dắp nên một nền văn hóa cố đô mà còn làm màu mỡ thêm cho cuộc sống của mỗi người chúng ta hiện đại.

Kết bài:

  • Khái quát vấn đề
  • Khẳng định tài năng tác giả
  • Liên hệ

Tham khảo:

Đoạn trích bài bút kí Ai đã đặt tên cho dòng sông mang đậm phong cách của thể loại tùy bút tự do, phóng túng và hình tượng cái tôi trí tuệ, tài hoa, một hồn thơ thật sự trong văn xuôi với trí tưởng tượng lãng mạn và những cảm xúc sâu lắng. Từ tình yêu say đắm với dòng sông quê hương, từ những hiểu biết phong phú về văn hóa, lịch sử, địa lí, thông qua một văn phong tao nhã, hướng nội và tình tế... HPNT đã làm hiện lên những vẻ đẹp khác nhau của sông Hương, chất thơ của cảnh sắc thiên nhiên xứ Huế, thấy được bề dày văn hóa lịch sử của Huế và những nét đằm thắm, duyên dáng riêng của tâm hồn con người cố đô. Từ đó, làm dâng lên trong lòng mỗi người niềm cảm xúc tự hào về vẻ đẹp của quê hương đất nước Việt Nam.

 

Bài viết gợi ý: