Một số mở bài và kết bài Việt Bắc – Tố Hữu

 

  1. MỞ BÀI

Mở bài 1: Đề tài kháng chiến là một đề tài quen thuộc trong thơ ca cách mạng VN trong đó bài thơ Việt Bắc của Tố Hữu là thi phẩm tiêu biểu. Bài thơ được sáng tác vào tháng 10-1954 sau thắng lợi chiến dịch ĐBP lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu, kết thúc kháng chiến chống Pháp thắng lợi. Vì thế bài thơ vừa có ý nghĩa lịch sử lại vừa có ý nghĩa văn học sâu sắc. Có ý kiến cho rằng: “ Bài thơ VB của TH là khúc tình ca và cũng là khúc hùng ca về cuộc kháng chiến và con người kháng chiến”

Mở bài 2: Bài thơ Việt Bắc là đỉnh cao của thơ tố Hữu và cũng là thành tựu xuất sắc của thơ ca kháng chiến chống Pháp. Bài thơ ra đời nhân một sự kiện lịch sử: tháng 10 năm l954, những người kháng chiến rời căn cứ miền núi trở về miền xuôi. Từ điểm xuất phát ấy, bài thơ ngược về quá khứ để tưởng nhớ một thời cách mạng và kháng chiến gian khổ mà anh hùng, để nói lên nghĩa tình gắn bó thắm thiết với Việt Bắc, với Đảng và Bác Hồ, với đất nước và nhân dân – tất cả là nguồn sức mạnh tinh thần to lớn để dân tộc ta vững vàng bước tiếp trên con đường cách mạng. Nội dung ấy được thể hiện bằng hình thức đậm tính dân tộc.Bài thơ rất tiêu biểu cho phong cách thơ Tố Hữu.

Mở bài 3: Cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp lần thứ hai của dân tộc ta thắng lợi được nhân loại tiến bộ vinh danh là “cuộc chiến tranh thần thánh”. Tính thần thánh, huyền thoại ấy được biểu hiện ở đường lối kháng chiến đúng đắn, sáng suốt , ở lòng yêu nước, lý tưởng độc lập – tự do, ở tinh thần kiên cường, dũng cảm của quân dân ta. Với một lực lượng nhỏ bé, vũ khí thô sơ, chưa có nhiều kinh nghiệm chiến đấu, quân ta phải đối diện trước bọn thực dân Pháp binh hùng, tướng mạnh, vũ khí hiện đại,…Vậy mà cuối cùng dân tộc ta đã chiến thắng. Một trong những nguyên nhân thắng lợi là sức mạnh tổng hợp của toàn dân tộc, sức mạnh của khối đoàn kết toàn dân, sức mạnh của tình dân với Cách mạng, tình người mặn nồng, tha thiết, yêu thương, gắn bó với nhau.Vẻ đẹp của khối đoàn kết toàn dân, của tình người ấy đã được nhà văn Tố Hữu ngợi ca bằng những từ ngữ, những câu thơ, những hình tượng thẩm mĩ vô cùng ấn tượng trong đoạn trích phần một của trường ca Việt Bắc. Ngày nay, cuộc chiến đã đi qua, nhưng tình người thì còn lại mãi mãi…

Mở bài 4: Tố Hữu là nhà thơ lớn, con chim đầu đàn của nền thơ ca cách mạng Việt Nam, các chặng đường thơ của ông đều gắn bó với các chặng đường cách mạng dân tộc. Các tác phẩm của Tố Hữu luôn in đậm khuynh hướng trữ tình chính trị và đậm đà tính dân tộc. Và “Việt Bắc” là một trong những bài thơ hay nhất của đời thơ Tố Hữu, đồng thời cũng là đỉnh cao của thơ kháng chiến chống Pháp. Nó được xem như một bản tổng kết bằng thơ cuộc kháng chiến chống Pháp gian khổ, anh hùng của dân tộc và lời tri ân sâu nặng về nghĩa tình cách mạng. Đoạn trích “…” là lời của cán bộ kháng chiến về xuôi với người dân Việt Bắc, như sự đáp lời cho câu hỏi đau đáu “Mình về mình có nhớ ta?”. Nếu như đồng bào Việt Bắc nhớ cán bộ kháng chiến thì cán bộ kháng chiến cũng dành trọn tình cảm yêu thương cho những con người nghĩa tình ấy. Một tình cảm tri ân đồng vọng.

Mở bài 5: Có một nhà thơ đã từng tâm sự: “Tôi phải lòng đất nước và nhân dân của mình” đã viết về đất nước, về nhân dân của mình như nói với người đàn bà mình yêu. Có một nhà thơ cũng đã từng khẳng định: “Thơ là tiếng nói đồng ý, đồng chí, đồng tình” và gắn cả cuộc đời của mình với cuộc đời cách mạng, nhà thơ đó không ai khác ngoài Tố Hữu. Trong sự nghiệp sáng tác của mình, Tố Hữu đã để lại cho văn đàn Việt Nam rất nhiều những áng thơ hay, một trong số đó không thể không nhắc tới đó là bài thơ Việt Bắc. Việt Bắc – khúc tình ca chính trị, được đánh giá là một trong những tác phẩm xuất sắc nhất của đời thơ Tố Hữu.

Mở bài 6: Tố Hữu là nhà thơ trữ tình chính trị, là lá cờ đầu của thơ ca cách mạng Việt Nam. Thơ Tố Hữu thể hiện lẽ sống lớn, tình cảm lớn của con người Cách mạng. Thơ ông đậm đà tính dân tộc trong nội dung và hình thức thể hiện. Bài thơ “Việt Bắc” là đỉnh cao của thơ Tố Hữu và cũng là đỉnh cao của thơ ca kháng chiến chống Pháp. Bài thơ qua đối đáp của hai nhân vật Mình – Ta đã trở thành một bài ca không bao giờ quên về những năm tháng kháng Pháp gian khổ, hào hùng mà nghĩa tình son sắt, thuỷ chung. Tất cả những giá trị nội dung và nghệ thuật đặc sắc của Việt Bắc đã được ngòi bút Tố Hữu tập trung thể hiện tinh tế qua đoạn thơ… (sử dụng linh hoạt tùy vào đề bài để điền tiếp vào chỗ trống)

  1. KẾT BÀI

Kết bài 1: Là người, ai mà chẳng có trong tim mình một miền đất để nhớ để thương. Bởi “Khi ta ở chỉ là nơi đất ở – Khi ta đi đất đã hóa tâm hồn”. Có lẽ vì thế mà quê hương cách mạng Việt Bắc đã không ngần ngại chắp cánh cho hồn  thơ Tố Hữu viết nên thi phẩm cùng tên mà ngày nay chúng ta vẫn nâng niu trên tay như một hòn ngọc quý.

Kết bài 2: Bài thơ là khúc ca ân nghĩa, là hồi tưởng đầy xúc động và ân tình của Tố Hữu về chặng đường mười lăm năm đã qua của đất nước (từ khởi nghĩa Bắc Sơn năm 1940 đến hoà bình lập lại năm 1954), từ đó mà hướng về tương lai tươi sáng, nhắc nhớ tâm nguyện thuỷ chung. Viết về nghĩa tình dân tộc và hướng về đồng bào mình, Tố Hữu đã phát huy được hình thức nghệ thuật mang tính dân tộc, trong đó nổi bật là cách sử dụng thể thơ lục bát và ngôn ngữ thơ đậm sắc thái dân gian. Có thể coi Việt Bắc là khúc tình ca và cũng là khúc hùng ca về cách mạng, về cuộc kháng chiến và con người kháng chiến mà cội nguồn sâu xa của nó là tình yêu quê hương đất nước, là niềm tự hào về sức mạnh của nhân dân, là truyền thống ân nghĩa, đạo lí thuỷ chung của dân tộc Việt Nam.

Kết bài 3: Cả đoạn trích như một bản nhạc nhịp nhàng, tha thiết được hòa tấu bởi là khúc tình ca và khúc trường ca về cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, về những con người kháng chiến anh hùng. Thông qua khúc nhạc đẹp đẽ, hào hùng ấy nhà thơ đã bộc lộ được những tình cảm tha thiết, sâu đậm của mình dành cho vùng núi rừng Việt Bắc, ngợi ca tình đồng chí, nghĩa tình đồng bào. Qua đó, tác giả cũng nhắn nhủ đến người đọc đừng quên những trang sử hào hùng của dân tộc, những trang sử thấm đẫm máu và nước mắt, cũng là những những trang sử thấm đượm tình cách mạng, lòng yêu nước sâu sắc.

Kết bài 4: Đề tài về đất nước luôn luôn là một cảm hứng cho mọi nền văn học nhất là nền văn học của một dân tộc mà tình yêu nước luôn luôn bị đem ra thử thách. Thành công về đề tài này đã nhiều nhưng “Đất nước” của Nguyễn Khoa Điềm vẫn có một tiếng nói riêng, một sự khám phá riêng với một phong cách riêng. , góp vào vườn thơ về đất nước hai bông hoa đẹp nhất tỏa hương thơm đến muôn đời, muôn thế hệ.

Kết bài 5: “Việt Bắc” là một kiệt tác của Tố Hữu mà cũng là kiệt tác của thơ ca cách mạng, thơ ca kháng chiến. Bài thơ thể hiện tài hoa nhiều mặt của nhà thơ Tố Hữu. Thể thơ lục bát được tác giả phô diễn những tình cảm, tư tưởng mới mà vẫn đậm đà bản sắc dân tộc. Lối hát đối đáp tạo ra giai điệu phong phú cho bài thơ. Nhiều biện pháp tu từ được tác giả vận dụng khéo léo. Ngôn ngữ trong sáng, nhuần nhị, và có nhiều nét cách tân(đặc biệt là hia đại từ Ta – Mình). Tiếng nói yêu thương – nét nổi bật trong phong cách thơ Tố Hữu – không có bài nào thấm thía hơn “Việt Bắc”. Bài thơ còn thể hiện tư tưởng mới mẻ với những dự báo sáng sưốt được biểu hiện bằng hình ảnh phong phú và tấu lên bằng âm nhạc làm say mê lòng người.

Kết bài 6: Giọng thơ lục bát nhẹ nhàng mà sâu lắng kết hợp với kết cấu xưng hô “ Ta- mình”, bài thơ ôm chứa niềm lạc quan, vui sống và tin tưởng vào con người Việt Bắc. Nó mang âm điệu trữ tình,thể hiện tình yêu thiên nhiên , con người tha thiết và tấm lòng yêu nước của Tố Hữu. Cuối bài thơ vang lên tiếng hát ngọt ngào khơi gợi bao kỉ niệm . Kỉ niệm ấy theo mãi trong lòng người đi và quấn quýt trong dấu chân của người ở lại. Lời thơ giản dị mà trong sáng thể hiện niềm rung động thật sự trước vẻ đẹp của núi rừng và con người Việt Bắc. Nỗi nhớ của Tố Hữu đã đi vào trong lòng người đọc, như khúc dân ca dịu dàng để lại bao say đắm về một mảnh đất gắn bó với biết bao con người, mà có lần Chế Lan Viên đã từng viết”:

“ Khi ta ở, chỉ là nơi đất ở

Khi ta đi, đất đã hóa tâm hồn”

 

 

Bài viết gợi ý: