DI TRUYỀN HỌC

Quy luật di truyền

  • Hệ thống khái quát các kiến thức di truyền học.

  • Bài tập đính kèm rèn luyện kiến thức.

  1. Hậu quả thể dị bội ở cặp NST số 21 (NST thường) và cặp NST giới tính ở người

Hội chứng đao:

Trong giảm phân, cặp NST 21 không phân ly → trứng (n + 1) chứa 2 NST 21, khi kết hợp với tinh trùng                 

(n) có 1 NST 21→ hợp tử (2n + 1) chứa 3 NST 21.

Tế bào chứa 47 NST, trong đó có 3 NST 21 chứa 3 NST; người thấp bé, má phệ, cổ rụt, khe mắt xếch, lưỡi dày và hay thè ra, dị tật tim và ống tiêu hoá, si đần, vô sinh.

Hội chứng 3X:

Trong giảm phân, cặp NST giới tính không phân ly → giao tử dị bội.

- Giao tử (22 + XX) kết hợp với giao tử (22 + X) → Hợp tử (44 + XXX) = 47 NST.

- Cặp NST giới tính chứa 3 NST X; nữ, buồng trứng và dạ con không phát triển, rối loạn kinh nguyệt, khó có con.

Hội chứng Claiphentơ (XXY):

- Giao tử (22 + XX) kết hợp với giao tử (22 + Y) → Hợp tử (44 + XXY) = 47 NST.

- Cặp NST giới tính chứa 2 NST X và 1 NST Y; nam, mù màu, thân cao, chân tay dài, tinh hoàn nhỏ, si đần, vô sinh.

Hội chứng Tơcnơ (OX):

- Giao tử (22 + O) kết hợp với giao tử (22 + X) → Hợp tử (44 + XO) = 45 NST.

- Cặp NST giới tính chỉ còn 1 NST X; nữ, thân thấp, cổ ngắn, không có kinh nguyệt, trí tuệ chậm phát triển, vô sinh.

 

  1. So sánh đột biến và thường biến:

Thường biến:

  • Không liên quan tới biến đổi kiểu gen

  • Theo hướng xác định

  • Mang tính thích nghi cho cá thể

Đột biến:

  • Di truyền được

  • Mang tính cá biệt, xuất hiện ngẫu nhiên

  • là nguyên liệu cho chọn giống và tiến hóa

 

  1. Các quy luật di truyền:

 

Tên quy luật

Nội dung

Cơ sở tế bào học

 

1.Phân li

Do sự phân li của cặp nhân tố di truyền nên mỗi giao tử chỉ chứa một nhân tố của cặp (giao tử thuần khiết)

Sự phân li và tổ hợp của 1 cặp gen alen do sự phân li và tổ hợp của cặp NST tương đồng.

2.Tác động bổ sung

Các gen không alen tương tác bổ sung với nhau trong sự hình thành tính trạng.

 

Sự phân li độc lập của các cặp NST tương đồng trong quá trình giảm phân hình thành giao tử và tổ hợp tự do của chúng trong quá trình thụ tinh kéo theo sự phân li và tổ hợp của các cặp gen không alen.

3. Tác động cộng gộp

Các gen không alen tương tác cộng gộp, mỗi gen đóng góp một phần như nhau trong sự hình thành tính trạng.

4. Di truyền độc lập

Các cặp nhân tố di truyền (các cặp gen không alen), phân li độc lập với nhau trong phát sinh giao tử.

5. Liên kết gen

Các gen trên cùng 1 NST phân li và tổ hợp cùng nhau, đưa đến sự di truyền đồng thời nhóm tính trạng do chúng quy định.

Sự phân li và tổ hợp của cặp NST tương đồng, kéo theo sự phân li và tổ hợp của nhóm gen liên kết.

6. Hoán vị gen

Hoán vị các gen alen, tạo sự tái tổ hợp các gen không alen.

Hai nhiễm sắc tử không chị em trong cặp NST kép tương đồng trao đổi với nhau những đoạn tương ứng.

 

7. DT LK với giới tính

Gen quy định tính trạng thường nằm trên NST giới tính thì di truyên liên kết với giới tính. Gen nằm trên NST X di truyền chéo, gen nằm trên NST Y thì di truyền thẳng.

Sự phân li và tổ hợp của cặp NST giới tính (XX và XY)

8. Tác động đa hiệu

Một gen chi phối sự hình thành nhiều tính trạng

Phân li và tổ hợp của cặp NST tương đồng.

 

  1. So sánh quần thể tự phối và ngẫu phối:

Tự phối:

  • Tần số các alen không đổi qua các thế hệ

  • Thành phần kiểu gen thay đổi qua các thế hệ

 

Ngẫu phối:

  • Tạo nên trạng thái cân bằng di truyền trong quần thể

  • Tần số các alen không đổi qua các thế hệ

  • Quần thể có cấu trúc di truyền: p2 AA : 2pq Aa : q2 aa

  • Tạo ra nguồn biến dị tổ hợp phong phú

 

Bài tập:

 

Câu 1: Dự đoán kết quả về kiểu hình của phép lai P: AaBb (vàng, trơn) x aabb (xanh, nhăn)

A. 9 vàng, trơn: 3 vàng, nhăn: 3 xanh, trơn: 1 xanh, nhăn.

B. 1 vàng, trơn: 1 vàng, nhăn: 1 xanh, trơn: 1 xanh, nhăn.

C. 3 vàng, trơn: 3 xanh, trơn: 1 vàng, nhăn: 1 xanh, nhăn.

D. 3 vàng, trơn: 3 vàng, nhăn: 1 xanh, trơn: 1 xanh, nhăn.

Câu 2: Ở một đậu Hà Lan, xét 2 cặp alen trên 2 cặp nhiễm sắc thể tương đồng; gen A: vàng, alen a: xanh; gen B: hạt trơn, alen b: hạt nhăn. Dự đoán kết quả về kiểu hình của phép lai P: AaBB x AaBb.

A. 3 vàng, trơn: 1 vàng, nhăn.

B. 3 vàng, trơn: 1 xanh, trơn.

C. 1 vàng, trơn: 1 xanh, trơn.

D. 3 vàng, nhăn: 1 xanh, trơn.

Câu 3: Quy luật phân li độc lập góp phần giải thích hiện tượng

A. các gen nằm trên cùng một nhiễm sắc thể.

B. các gen phân li và tổ hợp trong giảm phân.

C. sự di truyền các gen tồn tại trong nhân tế bào.

D. biến dị tổ hợp phong phú ở loài giao phối.

Câu 4: Dựa vào đâu Menđen có thể đi đến kết luận các cặp nhân tố di truyền trong thí nghiệm của ông lại phân li độc lập trong quá trình hình thành giao tử?

A. Tỉ lệ phân li kiểu gen và kiểu hình ở thế hệ F1.

B. Tỉ lệ phân li kiểu gen và kiểu hình ở thế hệ F2.

C. Tỉ lệ phân li kiểu hình ở các thế hệ tuân theo định luật tích xác suất.

D. Tỉ lệ phân li về kiểu hình trong phép lai phân tích phân tích.

Câu 5: Quan hệ giữa gen và tính trạng theo quan niệm Di truyền học hiện đại như thế nào?

A. Mỗi gen quy định một tính trạng.

B. Nhiều gen quy định một tính trạng.

C. Một gen quy định nhiều tính trạng.

D. Cả A, B và C tuỳ từng tính trạng.

Câu 6: Khi lai 2 giống bí ngô thuần chủng quả dẹt và quả dài với nhau được F1 đều có quả dẹt. Cho F1 lai với bí quả tròn được F2: 152 bí quả tròn: 114 bí quả dẹt: 38 bí quả dài. Hình dạng quả bí chịu sự chi phối của hiện tượng di truyền

A. phân li độc lập.

B. liên kết hoàn toàn.

C. tương tác bổ sung.

D. trội không hoàn toàn.

Câu 7: Xét hai cặp gen trên 2 cặp nhiễm sắc thể tương đồng quy định màu sắc hoa. Giả gen A quy định tổng hợp enzim A tác động làm cơ chất 1 (sắc tố trắng) thành cơ chất 2 (sắc tố trắng); gen B quy định tổng hợp enzim B tác động làm cơ chất 2 thành sản phẩm P (sắc tố đỏ); các alen lặn tương ứng (a, b) đều không có khả năng này. Cơ thể có kiểu gen nào dưới đây cho kiểu hình hoa trắng?

A. AABb

B. aaBB

C. AaBB

D. AaBb

Câu 8: Khi lai 2 giống bí ngô thuần chủng quả dẹt và quả dài với nhau được F1 đều có quả dẹt. Cho F1 lai với bí quả tròn được F2: 152 bí quả tròn: 114 bí quả dẹt: 38 bí quả dài. Nếu cho F1 lai với nhau thì tỉ lệ bí quả tròn dị hợp xuất hiện là

A. 1/8.

B. 2/3.

C. 1/4.

D. 3/8.

Câu 9: Ở một loài thực vật, xét hai cặp gen trên hai cặp nhiễm sắc thể tương đồng quy định tính trạng màu hoa. Sự tác động của 2 gen trội không alen quy định màu hoa đỏ, thiếu sự tác động của một trong 2 gen trội cho hoa hồng, còn nếu thiếu sự tác động của cả 2 gen trội này cho hoa màu trắng. Xác định tỉ lệ phân li về kiểu hình ở F1 trong phép lai P: AaBb x Aabb.

A. 4 đỏ: 1 hồng: 3 trắng

B. 3 đỏ: 4 hồng: 1 trắng

C. 4 đỏ: 3 hồng: 1 trắng

D. 3 đỏ: 1 hồng: 4 trắng

Câu 10: Trường hợp nào sẽ dẫn tới sự di truyền liên kết?

A. Các cặp gen quy định các cặp tính trạng nằm trên các cặp nhiễm sắc thể khác nhau.

B. Các cặp gen quy định các cặp tính trạng xét tới cùng nằm trên 1 cặp nhiễm sắc thể.

C. Các tính trạng khi phân ly làm thành một nhóm tính trạng liên kết.

D. Tất cả các gen nằm trên cùng một nhiễm sắc thể phải luôn di truyền cùng nhau.

 

Chúc các bạn học tốt!

Bài viết gợi ý: