I. TIẾNG VIỆT
-
- Ngữ âm và chữ viết
- Nắm được quy tắc viết chính tả.
- Cách viết hoa tên người, tên địa lí Việt Nam và nước ngoài.
- Cấu tạo của tiếng (âm đầu, vần, thanh) và vần (vần đệm, âm chính, âm cuối).
- Từ vựng
- Từ ngữ (gồm cả thành ngữ, tục ngữ và một số từ Hán Việt thông dụng) về tự nhiên, xã hội, con người.
- Cấu tạo từ: từ đơn, từ phức (từ láy, từ ghép).
- Từ nhiều nghĩa (nghĩa gốc, nghĩa chuyển), từ đồng nghĩa, từ trái nghĩa, từ đồng âm, từ tượng thanh, từ tượng hình.
- Ngữ pháp
- Từ loại: danh từ, động từ, tính từ, đại từ, quan hệ từ.
- Các thành phần câu: chủ ngữ, vị ngữ; trạng ngữ.
- Câu chia theo cấu tạo:
+ Câu đơn
+ Câu ghép
Cách nối các vế của câu ghép:
* Nối bằng các từ có tác dụng nối: quan hệ từ, cặp từ hô ứng.
*Nối trực tiếp (giữa các vế có dấu phẩy, dấu chấm phẩy, dấu hai chấm).
- Câu chia theo mục đích nói: câu kể, câu hỏi, câu cảm, câu cầu khiến.
- Dấu câu: Dấu chấm, dấu chấm hỏi, dấu chấm than, dấu phẩy, dấu ngoặc kép, dấu gạch ngang.
- Biện pháp tu từ
- So sánh
- Nhân hoá
- Chơi chữ: dựa trên hiện tượng đồng âm
II. TẬP LÀM VĂN
Các kiểu văn bản
- Kể chuyện
- Miêu tả (tả người, tả cảnh)
- Viết thư
- Một số văn bản thông thường (theo mẫu): đơn, báo cáo thống kê, biên bản, chương trình hoạt động.
Lưu ý
- Cấu tạo ba phần của văn bản.
- Đoạn văn kể chuyện và miêu tả.
- Liên kết câu, liên kết đoạn văn:
+ Liên kết câu bằng cách lặp từ ngữ.
+ Liên kết câu bằng cách thay thế từ ngữ.
III. VĂN HỌC
- Một số bài văn, đoạn văn, bài thơ, màn kịch về tự nhiên, xã hội, con người.
- Văn bản: Nắm được tên tác giả, đầu đề văn bản, đề tài, thể loại; hiểu được nội dung ý nghĩa; nhận biết được một số chi tiết nghệ thuật đặc sắc của văn bản (từ ngữ, hình ảnh, nhân vật,…)
- IV. ĐỀ THI CÓ LỜI GIẢI CHI TIẾT
Đề 1:
Câu 1: (3 điểm).
(…) Mầm non vừa nghe thấy
Vội bật chiếc vỏ rơi
Nó đứng dậy giữa trời
Khoác áo màu xanh biếc.
(Mầm non, Võ Quảng)
a. Trình bày nội dung của khổ thơ trên bằng một câu văn.
b. Trong khổ thơ trên, tác giả đã sử dụng biện pháp nghệ thuật gì và nêu tác dụng của biện pháp nghệ thuật đó?
c. Từ “mầm non” trong dòng thơ đầu tiên được sử dụng với nghĩa gốc hay nghĩa chuyển? Đặt một câu với từ “mầm non” được dùng theo nghĩa chuyển.
Câu 2: (1 điểm). Phân tích cấu tạo ngữ pháp của các câu dưới đây và cho biết câu nào là câu đơn, câu nào là câu ghép?
a. Dưới gốc tre, tua tủa những mầm măng.
b. Dọc theo bờ vịnh Hạ Long, trên bến Đoan, bến Tàu hay cảng Mới, những đoàn thuyền đánh cá rẽ màn sương bạc nối đuôi nhau cập bến, những cánh buồm ướt át như cánh chim trong mưa.
Câu 3: (1 điểm)
Điền các cặp từ trái nghĩa vào chỗ trống để hoành thành các câu ca dao, tục ngữ sau:
a. Trống đánh…….. kèn thổi………
b. Khi vui muốn……. buồn tênh lại…….
c. Bóc…… cắn…….
d. Tháng năm chưa nằm đã………
Tháng mười chưa cười đã……………….
Câu 4: (5 điểm).
Em hãy viết một bài văn miêu tả một cơn mưa rào.
----------------------- HẾT---------------------
ĐÁP ÁN
Câu 1:
a, Khổ thơ miêu tả sự trỗi dậy, vươn lên của mầm non. (1đ)
b, Biện pháp nghệ thuật nhân hóa. (0,25đ)
Tác dụng:
+ Dùng những động từ, cụm động từ như nghe, bật, đứng dậy, khoác áo là những hành động của người để tả, kể về mầm non (0,25đ)
+ Thể hiện sự trỗi dậy, vươn lên, bừng nở của chồi non. (0,25đ)
+ Mầm non cũng có tâm hồn như con người, mọc lên, vươn ra một cách hào hứng, phấn khởi và đầy hãnh diện để chào đón cuộc đời mới. (0,25đ)
c, Từ “mầm non” trong dòng thơ đầu tiên được dùng với nghĩa gốc. (0,5đ)
Đặt câu với nghĩa chuyển: (0,5đ)
VD: + Thiếu niên, nhi đồng là mầm non của đất nước.
+ Em Lan đang học ở trường mầm non.
Lưu ý: HS đặt câu và sử dụng đúng nghĩa chuyển của từ “mầm non” đều được điểm. Hai câu trên chỉ là ví dụ.
Câu 2:
a. Dưới gốc tre, tua tủa / những mầm măng. (0,25đ)
TN VN CN
Đây là câu đơn (0,25đ)
b. Dọc theo bờ vinh Hạ Long, trên bến Đoan, bến Tàu hay cảng Mới, những đoàn thuyền đánh cá / rẽ màn sương bạc
TN CN1
nối đuôi nhau cập bến, những cánh buồm / ướt át như cánh chim trong mưa. (0,25đ)
VN1 CN2 VN2
Đây là câu ghép. (0,25đ)
Câu 3: 1 điểm.
Mỗi cặp từ trái nghĩa điền đúng được 0.25 điểm. Điền sai 1 từ trừ hết số điểm của câu ấy.
a. Xuôi……ngược.
b. Khóc……cười.
c. Ngắn……dài.
d. Sáng……tối.
Câu 4: 5 điểm
Học sinh viết bài văn phải đảm bảo các yêu cầu sau:
A. Mở bài:
- Giới thiệu chung về cơn mưa. (Gặp khi nào? Cảm nhận, nhận xét đánh giá khái quát về cơn mưa.)
B. Thân bài:
Miêu tả cơn mưa theo trình tự thời gian, không gian.
- Lúc sắp mưa. (mây, gió, bầu trời, chim chóc, cây cối, con người, đường phố…)
- Lúc đang mưa. (hạt mưa, nước mưa, gió, cây cối, vỉa hè, đường phố, âm thanh…)
- Lúc sắp tạnh mưa. (hạt mưa, bầu trời, đám mây, cây cối, âm thanh…)
- Lúc tạnh hẳn. (bầu trời, đám mây, cây cối, đường phố, con nguời….)
C. Kết bài: Nêu nhận xét hoặc cảm nghĩ của em về cơn mưa.
Lưu ý: trên đây chỉ là những chi tiết minh họa. khuyến khích những bài viết có tính sáng tạo, với những cái nhìn độc đáo đậm màu sắc cá nhân. Không nhất thiết phải đúng nguyên hoặc đóng khung với các chi tiết miêu tả trên.
Biểu điểm
- 5 điểm: Đạt được các yêu cầu trên, có sáng tạo cá nhân rõ rệt. Diễn đạt tốt, trình bày sạch đẹp. Không mắc lỗi. Bài viết phải đủ ba phần rõ rệt.
- 3-4 điểm: Đạt được phần lớn các yêu cầu trên. Mắc ít lỗi diễn đạt hoặc chính tả, trình bày. Bài viết phải đủ ba phần rõ rệt.
- 2-3 điểm: Đạt được khoảng 50% yêu cầu trên. Mắc lỗi diễn đạt hoặc chính tả, trình bày. Bài viết phải đủ ba phần rõ rệt.
- 1-2 điểm: Sơ sài, không sáng tạo. diễn đạt chưa tốt, ý tứ không mạch lạc rõ ràng. Bài viết đủ ba phần.
- 0-1 điểm: Sai phương thức biểu đạt, không làm
ĐỀ 2:
Câu 1 (1,0 điểm)
1/ Các từ ngữ trong mỗi nhóm dưới đây có đặc điểm chung gì?
a) Mênh mông, lộp độp, mềm mại, rào rào.
b) Nhi đồng, trẻ em, thiếu nhi, con trẻ.
c) Cánh buồm, cánh chim, cánh diều, cánh quạt.
d) Đồng nội, đồng hành, đồng tiền, trống đồng.
Câu 2 (1,0 điểm)
1. Điền các từ tài đức, tài hoa, tài năng, tài trí vào chỗ trống sao cho thích hợp:
a. Chúng ta cần phát hiện và bồi dưỡng những...... trẻ cho đất nước.
b. Em sẽ cố gắng để trở thành một người.... vẹn toàn.
c. Cách đối đáp của Giang Văn Minh khi đi sứ Trung Quốc cho thấy ông là người ....
d. Chúng tối trầm trồ trước những nét chạm trổ......
Câu 3 (3,0 điểm): Đọc kĩ hai khổ thơ sau và trả lời câu hỏi:
Thời gian chạy qua tóc mẹ
Một màu trắng đến nôn nao
Lưng mẹ cứ còng dần xuống
Cho con ngày một thêm cao
Mẹ ơi trong lời mẹ hát
Có cả cuộc đời hiện ra
Lời ru chắp con đôi cánh
Lớn rồi con sẽ bay xa.
(Trương Nam Hương, Trong lời mẹ hát, Tiếng Việt lớp 5- tập 2)
a. Em hiểu thế nào về nghĩa của từ “chạy” trong khổ thơ 1?
b. Viết đoạn văn khoảng 5- 7 câu nêu cảm nhận của em về hình ảnh người mẹ trong hai khổ thơ trên.
Câu 4 (5,0 điểm)
Niềm mong ước lớn lao nhất trong cuộc đời em là giành giải cao trong các cuộc thi, làm được nhiều việc tốt để bố mẹ vui lòng.
Hãy hình dung và tả lại không khí của gia đình em trong một lần em đạt được ước mơ đó.
HƯỚNG DẪN CHI TIẾT
A. YÊU CẦU CHUNG:
Đáp án chỉ nêu những nội dung cơ bản, giám khảo cần chủ động trong đánh giá, cho điểm. Cẩn trọng và tinh tế đánh giá bài làm của thí sinh trong tính chỉnh thể, tránh đếm ý cho điểm một cách máy móc, khuyến khích những bài viết sáng tạo, cảm xúc tự nhiên. Chấp nhận cả những ý kiến không có trong Hướng dẫn chấm nhưng hợp lí, có sức thuyết phục.
Tổng điểm toàn bài: 10 làm tròn đến 0,25. Hướng dẫn chấm chỉ nêu một số thang điểm chính; trên cơ sở đó, giám khảo có thể bàn bạc thống nhất định ra các thang điểm cụ thể.
B. YÊU CẦU CỤ THỂ:
Câu 1 (1,0 điểm) Chỉ đúng mỗi nhóm đạt 0,25đ
a) Từ láy
b)Từ đồng nghĩa chỉ trẻ em
c) Từ nhiều nghĩa
d) Từ đồng âm
Câu 2 (1,0 điểm): Điền đúng mỗi từ đạt 0,25đ
a, Tài năng
b, Tài đức
c, Tài trí
d, Tài hoa.
Câu 3 (3 điểm)
a, Chạy: diễn tả thời gian trôi đi nhanh.
b, Viết đúng kỹ năng của đoạn văn cảm nhận
Các ý định hướng:
- Giới thiệu khái quát đoạn thơ.
- Cảm nhận được tấm lòng biết ơn trước cuộc đời tảo tần lam lũ, đức hi sinh thầm lặng, lớn lao của người mẹ hiền dành cho con.
- Ngòi bút tài hoa, lời văn cảm động, tình yêu thương kính trọng mẹ vô bờ của tác giả.
Câu 4 (5,0 điểm)
a. Yêu cầu về kĩ năng:
- Xác định đúng kiểu bài: văn miêu tả.
- Có kĩ năng làm bài tốt, diễn đạt lưu loát, trôi chảy, chữ viết đẹp, ít mắc lỗi chính tả, dùng từ, ngữ pháp.
b. Yêu cầu về kiến thức:
A. Mở bài:
Giới thiệu khái quát về một lần em thực hiện được ước mơ.
B. Thân bài:
Tả lại diễn biến cảnh đó:
- Đi học về, em vui vẻ báo tin cho gia đình biết em đạt học sinh giỏi…
- Bố: vui mừng, tự hào, khen...
- Mẹ: phấn khởi, xúc động, động viên em...
- Anh (chị, em): trêu đùa, động viên.
- Tả thêm cả hình ảnh con vật nuôi trong gia đình cũng chia vui với em.
C. Kết bài (1 điểm)
- Suy nghĩ, tình cảm của em (vui, tự hào, sung sướng khi thấy gia đình vui vẻ...)
- Tự hứa sẽ cố gắng thật nhiều để luôn mang lại niềm vui cho gia đình.
Đề 3:
Câu 1 (3 điểm):
Cho các từ sau:
Anh em, vấp váp, xe điện, ăn mặc, nhức nhối, cửa sông, tướng tá, cây bưởi, vuông vắn, bút chì, non nước, ngay ngắn.
Hãy chỉ ra trong các từ đó, những từ nào là:
a. Từ ghép tổng hợp
b. Từ ghép phân loại
c. Từ láy
Câu 2 (2 điểm):
Với mỗi từ dưới đây, hãy đặt một câu theo nghĩa gốc và một câu theo nghĩa chuyển.
a. Tay b. Xuân
Câu 3 (2 điểm):
Xác định các bộ phận của các câu văn sau:
a. Trên nền cát trắng tinh, nơi ngực cô Mai tì xuống đón đường bay của giặc, mọc lên những bông hoa tím.
b. Trưa, nước biển xanh lơ và khi chiều tà, biển đổi sang màu xanh lục.
Câu 4: (2 điểm)
Chữa lại các câu sau:
a. Đi qua vườn nhà bác Minh, thấy có nhiều cây nhãn.
b. Bạn Nga, lớp trưởng lớp tôi.
Câu 5 (4 điểm):
Viết về người mẹ, nhà thơ Trương Nam Hương có những câu thơ sau:
“Thời gian chạy qua tóc mẹ
Một màu trắng đến nôn nao
Lưng mẹ cứ còng dần xuống
Cho con ngày một thêm cao”.
Theo em, khổ thơ trên đă bộc lộ những cảm xúc, suy nghĩ gì của tác giả về người mẹ của mình? Hãy viết đoạn văn diễn tả tình cảm đó.
Câu 6 (7 điểm)
Trong 5 năm ở Tiểu học, em đã được học nhiều thầy (cô) giáo. Hãy kể một kỉ niệm làm em xúc động và nhớ mãi về tình thầy trò.
HƯỚNG DẪN CHI TIẾT
Câu 1:
HS phân loại được các từ theo cấu tạo
- Từ ghép tổng hợp: anh em, ăn mặc, tướng tá, non nước.
- Từ ghép phân loại: xe điện, cửa sông, cây bưởi, bút chì.
- Từ láy: ngay ngắn, vấp váp, nhức nhối, vuông vắn.
Mỗi ý đúng được 1 điểm (mỗi từ đúng được 0,25 điểm).
Câu 2: HS đặt câu đúng với nghĩa gốc và nghĩa chuyển của từ:
a. Tay
Ví dụ:
- Nghĩa gốc: Cô ấy có bàn tay búp măng (Tay: bộ phận trên cơ thể người).
- Nghĩa chuyển: Nam là tay trống cự phách trong đội nghi thức của trường tôi. (Tay: người đánh trống, (thành viên)).
b. Xuân
Ví dụ
- Nghĩa gốc: Mùa xuân đến, trăm hoa đua nở. (Xuận: một mùa trong năm)
- Nghĩa chuyển:
- Trông cô ấy còn xuân lắmn(xuân: trẻ, đẹp).
- Hoặc: Cô ấy đă đến đây 5 xuân rồi! (xuân: 1 năm)
Mỗi câu đặt đúng được 0,5 điểm.
Câu 3:
HS xác định được các bộ phận chủ ngữ, vị ngữ, trạng ngữ trong mỗi câu.
a. Trên nền cát trắng tinh, nơi ngực cô Mai tì xuống đón đường bay của giặc, mọc lên // những bông hoa tím.
Trạng ngữ (TN) Vị ngữ (VN) Chủ ngữ (CN)
b. Trưa, nước biển // xanh lơ (và) khi chiều tà, biển // đổi sang màu xanh lục.
TN1 CN1 VN1 TN2 CN2 VN2
Câu 4:
HS thấy được lỗi sai ở mỗi câu và chữa được thành câu đúng ngữ pháp, rõ về nghĩa
a. Thiếu chủ ngữ
Sửa lại: Khi đi qua vườn nhà bác Minh, em thấy có nhiều cây nhăn.
b. Thiếu vị ngữ
Sửa lại:
Bạn Nga là lớp trưởng lớp tôi.
Hoặc: Bạn Nga, lớp trưởng lớp tôi, học rất giỏi.
Mỗi câu sửa đúng được 1 điểm
Câu 5
Yêu cầu: HS trình bày dưới dạng đoạn văn ngắn
-Nội dung: nêu bật được những suy nghĩ, cảm xúc của nhà thơ về mẹ qua khổ thơ
-Nỗi xúc động đến nôn nao khi ngắm nhìn những sợi tóc bạc trắng theo thời gian trên mái đầu mẹ. (1,25đ)
-Hình ảnh đối lập: “Lưng mẹ cứ còng dần xuống - Cho con ngày một thêm cao” bộc lộ ḷòng biết ơn sâu sắc của tác giả đối với sự hy sinh thầm lặng của mẹ. (1.25đ)
-Đó là những suy nghĩ chân thành, sâu sắc của một người con gửi đến mẹ. Nhà thơ đă nói hộ nỗi lòng của nhiều người con bằng ngôn ngữ giàu hình ảnh, nghệ thuật nhân hoá, cùng hình ảnh đối lập giàu giá trị. (1đ)
Hình thức: Viết đúng chính tả, ngữ pháp, rõ ràng, ngôn từ trong sáng, giàu cảm xúc. (0,5 đ)
Câu 6:
Yêu cầu: HS xác định đúng yêu cầu của đề
- Kiểu bài: Kể chuyện đă được chứng kiến tham gia.
- HS xác định ngôi kể: Thứ nhất (người kể xưng em hoặc tôi)
Nội dung: kỉ niệm xúc động về tình thầy trò trong 5 năm học Tiểu học.
Dàn ý:
- Mở bài (1,5đ)
-Giới thiệu về câu chuyện và nhân vật: Câu chuyện diễn ra vào bao giờ? Với thầy cô nào? Đã dạy em năm lớp mấy?
(Hs có thể mở bài theo 2 cách: Trực tiếp giới thiệu hoặc xây dựng tình huống gợi lại kỉ niệm cũ)
- Thân bài (3,5đ)
-Kể diễn biến chi tiết kỉ niệm với thầy (cô) giáo của em.
-Yêu cầu:
HS có thể xây dựng nhiều cốt truyện với các tình huống khác nhau nhưng cần làm nổi bật tình thầy tṛò cao cả: sự quan tâm, dạy bảo ân cần của thầy (cô) với em và bộc lộ lòng biết ơn của em với thầy (cô) giáo.
Cần xây dựng lời thoại giữa các nhân vật kết hợp với lời kể của người kể chuyện.
Trong khi kể có thể miêu tả về nhân vật, xen lẫn bộc lộ cảm xúc
- Kết bài (1,5đ)
- Nêu kết thúc câu chuyên và tình cảm của em với thầy (cô) giáo.
Hình thức (0,5 đ)
Bài viết có bố cục 3 phần rõ ràng.
Văn viết trong sáng, mạch lạc, đúng ngữ pháp, chính tả.
Đề 4:
I. Phần Văn - Tiếng Việt: (2.0 điểm)
Đọc kỹ đoạn thơ sau rồi trả lời các câu hỏi bên dưới:
Chú bé loắt choắt
Cái xắc xinh xinh
Cái chân thoăn thoắt
Cái đầu nghênh nghênh
Câu 1: Xác định từ láy trong đoạn thơ trên? Những từ nào là láy bộ phận, từ nào là láy toàn bộ? (1.0 điểm)
Câu 2: Nêu nội dung chính của đoạn thơ trên? (1.0 điểm)
II. Phần tập làm văn: (8.0 điểm)
Em hãy tả một người mà em yêu thích.
HƯỚNG DẪN CHI TIẾT
I. Phần tiếng Việt (2 điểm)
Câu 1:
- Đoạn thơ có các từ láy: Loắt choắt; xinh xinh; thoăn thoắt; nghênh nghênh.
- Láy bộ phận: Loắt choắt; thoăn thoắt.
- Láy toàn bộ: xinh xinh, nghênh nghênh
Câu 2: Nội dung chính của đoạn thơ: miêu tả hình dáng của chú bé giao liên đang làm nhiệm vụ có tên là Lượm.
II. Phần tập làm văn (8 điểm)
Bài văn phải có ba phần, trình bày sạch đẹp theo trình tự hợp lý.
1. Mở bài: Giới thiệu được người cần tả
2. Thân bài:
- Tả hình dáng:
Chiều cao, khuôn mặt, nước da, ...?
Tả tính nết:
-
- Hiền hay nóng tính?
- Giúp đỡ mọi người như thế nào?...
3. Kết bài:
Cảm nghĩ của em về người ấy?
Đề 5:
PHẦN I (4,0 điểm)- Luyện từ và câu:
Câu 1 (1,5 điểm)
a. Cho đoạn văn:
"Họ khoác vai nhau thành một sợi dây dài, lấy thân mình ngăn dòng nước mặn. Nước quật vào mặt, vào ngực, trào qua đầu hàng rào sống. Họ ngụp xuống, trồi lên, ngụp xuống... Nhưng những bàn tay khoác vai nhau vẫn cứng như sắt, và thân hình họ cột chặt lấy những cọc tre đóng chắc, dẻo như chão, Tóc dài các cô quấn chặt vào cổ các cậu con trai, mồ hôi như suối, hòa lẫn với nước chát mặn."
Dựa vào đoạn văn, trả lời các câu hỏi sau:
- Hãy cho biết các từ in đậm trong đoạn văn sau là những từ loại nào?
- Xác định chủ ngữ, vị ngữ của câu văn: "Nước quật vào mặt, vào ngực, trào qua đầu hàng rào sống."
b. Khi miêu tả màu hoa cải, tác giả Phạm Đức viết:
"Màu vàng ánh nắng cô đúc lại, như vô vàn cánh bướm nhỏ xíu đậu chấp chới khắp cành. Màu vàng ấy là tiếng nói của đất vườn, là lấp lánh những giọt mồ hôi của bao tháng ngày đọng lại."
Dựa vào đoạn văn, hãy trả lời các câu hỏi sau:
- Giải thích nghĩa của từ "đọng" trong câu văn:"Màu vàng ấy là tiếng nói của đất vườn, là lấp lánh những giọt mồ hôi của bao tháng ngày đọng lại."
- Chỉ ra biện pháp nghệ thuật tác giả Phạm Đức đã dùng trong đoạn văn?
Câu 2 (1,5 điểm):
a. Xếp các từ sau đây thành các nhóm từ đồng nghĩa:
lấp lánh, tràn ngập, thiết tha, dỗ dành, đầy ắp, vỗ về, da diết, lóng lánh.
b. Hãy thêm dấu câu cho phù hợp trong câu văn sau và viết lại câu văn đó ra giấy thi:
"...Phượng gợi nhắc mùa thi đã đến mùa hè sắp về sắp gặt hái thành quả của chín tháng miệt mài học tập."
Câu 3. (1,0 điểm):
Xác định các kiểu liên kết câu và chỉ ra những từ ngữ được dùng để liên kết tương ứng trong đoạn văn sau:
" Đoàn quân đột ngột chuyển mạnh. Những dặm rừng đỏ lên vì bom Mĩ. Những dặm rừng xám đi vì chất độc hóa học Mĩ. Những dặm rừng đen lại, cây cháy thành than chọc lên nền trời mây. Tất cả, tất cả lướt qua rất nhanh. Họ nhích dần từng bước, người nọ nối tiếp người kia thành một vệt dài từ thung lũng tới đỉnh cao." (Dương Thị Xuân Quý)
PHẦN II (6,0 điểm): Tập làm văn:
Miêu tả quê hương em vào một buổi sáng mùa hè.
HƯỚNG DẪN GIẢI CHI TIẾT
I. PHẦN I (4,0 ĐIỂM): Luyện từ và câu.
Câu 1 (1,5 điểm)
a. 1,0 điểm
- Ghi lại rõ ràng, khoa học và gọi đúng tên từng từ loại, được 0,5 điểm. (Gọi thiếu tên 1 loại (hoặc thừa), trừ 0,25 điểm). Cụ thể:
- Động từ; ngăn, trào.
- Tính từ: cứng, chắc
Phân tích đúng cấu tạo ngữ pháp của câu văn, ghi lại mạch lạc, khoa học, được 0,5 diểm. Nếu chỉ xác định đúng 1 thành phần không cho điểm.
b. 0,5 điểm
- Nêu được, ghi lại rõ ràng nghĩa của từ "đọng" trong câu văn, được 0,25 điểm.
Đáp án: Từ "đọng" trong câu văn có nghĩa chỉ kết quả của sự tích tụ, sự lưu giữ lại.
- Nêu được tên gọi của phép tu từ, được 0,25 điểm
Đáp án: Đoạn văn sử dụng phép so sánh;
(Nếu học sinh chỉ rõ dấu hiệu so sánh: như vô vàn cánh bướm nhỏ xíu đậu chấp chới khắp cành; là tiếng nói của đất vườn, là lấp lánh những giọt mồ hôi của bao tháng ngày đọng lại....cũng chỉ được 0,25 điểm)
Câu 2 (1,5 điểm)
a. Xếp đúng các từ vào 4 nhóm từ đồng nghĩa, được 1,0 điểm (mỗi nhóm được 0,25 điểm, nếu xếp lẫn lộn hoặc thiếu từ trong một nhóm thì nhóm đó không có điểm)
- Lấp lánh, lóng lánh.
- Tràn ngập, đầy ắp.
- Thiết tha, da diết.
- Dỗ dành, vỗ về.
b. Điền đúng, đủ 2 dấu phẩy vào câu và viết lại đúng câu văn ra giấy thi được 0,5 điểm.
Đáp án: Phượng gợi nhắc mùa thi đã đến (,) mùa hè sắp về (,) sắp gặt hái thành quả của chín tháng miệt mài học tập."
Câu 3 (1,0 điểm)
Xác định và gọi đúng tên 3 kiểu liên kết câu và ghi lại từng kiểu, được 1,0 điểm. (Nếu chỉ xác định và gọi tên đúng 2 kiểu liên kết chỉ được 0,5 điểm).
- Lặp từ ngữ: Những dặm rừng
- Dùng từ ngữ nối: Tất cả
- Thay thế từ ngữ: Họ
PHẦN II (6,0 điểm) Bài làm của học sinh đạt các yêu cầu sau:
+ Kĩ năng trình bày: Bài miêu tả cảnh, có bố cục 3 phần. Trình bày theo một trình tự quan sát hợp lí. Biết viết câu, đoạn chuẩn ngữ pháp. Biết dùng từ, các phép tu từ có tính biểu cảm để làm rõ cảnh. Trình bày sạch sẽ, chữ viết rõ ràng, không sai chính tả.
+ Nội dung bài văn: đạt các ý cơ bản sau và sắp xếp chúng vào từng phần bài văn cho phù hợp, đúng đặc trưng kiểu bài.
- Giới thiệu và cảm nhận chung về cảnh quê hương em vào một buổi sáng mùa hè. (0,5đ)
- Miêu tả được những cảnh vật cụ thể của quê hương em vào một buổi sáng mùa hè theo một trình tự nhất định: (5,0 đ)
- Cảnh vật chuyển mình khi bình minh lên, mặt trời mọc
- Cảnh vật, cây cối, hoạt động của con người...
- Con đường làng, cánh đồng, dòng sông...
- Ấn tượng (hoặc kỉ niệm đáng nhớ) về cảnh quê hương em vào một buổi sáng mùa hè.(0,5đ)
+ Biểu điểm:
Điểm 6: Đạt hoàn hảo các yêu cầu.
Điểm 5: Đạt các yêu cầu ở mức cao. Lời văn chưa thật sáng tạo.
Điểm 4: Đạt cơ bản các yêu cầu song diễn đạt còn khuôn mẫu, lời văn chưa linh hoạt. Không được sai chính tả.
Điểm 3: Đạt các yêu cầu ở mức cơ bản, lời văn chưa dược mạch lạc, chưa cảm xúc.
Điểm 2: Đạt yêu cầu về bố cục, nêu được những ý tiêu biểu liên quan đến cảnh, văn viết lủng củng, và còn thiếu cảm xúc.
Điểm 1: Bài viết có bố cục ba phần, song trình bày chưa rõ được cảnh cần tả, ý chưa rõ, chưa theo 1 rình tự.
Điểm 0: Lạc kiểu bài (Xác định không đúng cảnh trong thời gian không gian hoặc kể.)
(Giám khảo có thể chấm điểm lẻ 0,25 cho mỗi ý, không làm tròn)
ĐỀ 6
Câu 1 (1 điểm)
a. Ôi Tổ quốc giang sơn hùng vĩ
Đất anh hùng của thế kỷ hai mươi!
Em hãy tìm 3 từ đồng nghĩa với từ Tổ quốc
b. Tìm các cặp từ trái nghĩa trong các thành ngữ, tục ngữ dưới đây.
Ngọt bùi nhớ lúc đắng cay
Ra sông nhớ suối có ngày nhớ đêm .
(Tố Hữu)
Lá lành đùm lá rách.
Câu 2 (1 điểm)
Cho đoạn văn sau: "Cứ mỗi năm, cây gạo lại xòe thêm được một tán lá tròn vươn cao lên trời xanh. Thân nó xù xì, gai góc, mốc meo, vậy mà lá thì xanh mởn, non tươi, dập dờn đùa với gió. Vào mùa hoa, cây gạo như đám lửa đỏ ngang trời hừng hực cháy. Bến sông bừng lên đẹp lạ kì."
(Trích Cây gạo ngoài bến sông -Tiếng Việt 5 tập 2)
a) Xếp các từ sau thành từ ghép và từ láy: trời xanh, xù xì, non tươi, dập dờn.
b) Câu văn: "Vào mùa hoa, cây gạo như đám lửa đỏ ngang trời hừng hực cháy" tác giả sử dụng biện pháp tu từ gì?
Câu 3 (2 điểm)
Trong truyền thuyết "Con Rồng, cháu Tiên" (Ngữ văn 6, tập 1) có nhiều chi tiết tưởng tượng kì ảo. Hãy chỉ ra một vài chi tiết và nêu ý nghĩa nghệ thuật của chi tiết đó?
Câu 4 (1 điểm)
Tìm quan hệ từ thích hợp với mỗi chỗ trống trong câu văn sau để tạo ra 3 câu ghép chỉ quan hệ tương phản
................Mai đau chân................Mai vẫn đi học.
Câu 5: Tập làm văn (5 điểm)
Ngôi trường Tiểu học đã gắn bó sâu sắc với tuổi thơ em, em hãy tả lại ngôi trường yêu dấu đó.
HƯỚNG DẪN CHI TIẾT
Câu 1 (1 điểm)
HS tìm đúng 3 từ đồng nghĩa với tổ quốc:
-
- Đất nước, giang sơn, sơn hà, non sông (0,5 điểm)
- Nếu thiếu hoặc sai 1 từ trừ 0,25 điểm
HS tìm đúng các cặp từ trái nghĩa:
-
- Ngọt bùi – đắmg cay, ngày – đêm, lành – rách (0,5 điểm)
- Nếu thiếu 1 cặp từ trừ 0,25 điểm
Câu 2 (1 điểm)
a. - Từ ghép: Trời xanh, non tươi (0,5 điểm)
- Từ láy: xù xì, dập dờn. (0,5 điểm)
b. So sánh (0,5 điểm)
Câu 3 (2 điểm)
- Âu Cơ sinh bọc trăm trứng nở ra trăm con... (0,5 điểm)
- Ý nghĩa: Giải thích nguồn gốc dân tộc Việt Nam. (1,5 điểm)
Câu 4 (1 điểm)
HS tìm đúng quan hệ từ để điền vào chỗ trống.
- Tuy..........................nhưng
- Dù...........................nhưng
- Mặc dù.......................nhưng
Câu 5 (5 điểm)
1, Mở bài (1 điểm)
- Giới thiệu chung về ngôi trường (tên trường, địa điểm ...)
- Ngôi trường gắn bó sâu sắc với em như thế nào?
2, Thân bài (3 điểm)
- Tả ngôi trường theo trình tự thời gian hoặc không gian nhưng trọng tâm của bài là khung cảnh, tả sân trường, tả các lớp học ... Việc tả hoạt động của thầy và trò chỉ lướt qua để cho bài văn thêm sinh động.
3, Kết bài (1 điểm)
- Nêu cảm nghĩ về ngôi trường.
* Chú ý: Nếu bài văn trình bày sạch sẽ, diễn đạt mạch lạc, có cảm xúc, biết sử dụng các biện pháp nghệ thuận nhân hóa, so sánh khi miêu tả cho điểm tối đa.
V. Bài tập tự luyện
ĐỀ 1
PHẦN I
Đọc thầm đoạn thơ sau và trả lời câu hỏi:
Bão bùng thân bọc lấy thân
Tay ôm, tay níu tre gần nhau thêm.
Thương nhau, tre chẳng ở riêng
Luỹ thành từ đó mà nên hỡi người.
Chẳng may thân gãy cành rơi
Vẫn nguyên cái gốc truyền đời cho măng.
Nòi tre đâu chịu mọc cong
Chưa lên đã nhọn như chông lạ thường.
Lưng trần phơi nắng phơi sương
Có manh áo cộc, tre nhường cho con.
(Nguyễn Duy, Tre Việt Nam,Tiếng Việt 4)
- Ghi lại các động từ trong hai dòng thơ đầu.
- Ghi lại các tính từ trong hai dòng thơ:“Nòi tre đâu chịu mọc cong/ Chưa lên đã nhọn như chông lạ thường”.
- “Bão bùng” là từ ghép hay từ láy?
- Đoạn thơ trên đã nói lên những phẩm chất nào của tre? Tác giả đã dùng những biện pháp nghệ thuật nào để ca ngợi những phẩm chất đó? Cách nói ấy hay ở chỗ nào?
- Với mỗi từ đơn “truyền “ và “chuyền”, hãy đặt những câu trọn nghĩa.
- Ghi lại một thành ngữ có từ “nhường”.
PHẦN II
Hãy viết một bài văn ngắn (khoảng 20 dòng) tả vẻ đẹp của dòng sông dựa vào ý thơ sau:
Quê hương tôi có con sông xanh biếc Nước gương trong soi tóc những hàng tre.
(Tế Hanh, Nhớ con sông quê hương)
ĐỀ 2
PHẦN I
Đọc thầm đoạn văn sau và trả lời câu hỏi:
Thế đấy, biển luôn thay đổi màu sắc tuỳ theo sắc mây trời. Trời xanh thẳm, biển cũng xanh thẳm như dâng cao lên, chắc nịch. Trời rải mây trắng nhạt, biển mơ màng dịu hơi sương. Trời âm u mây mưa, biển xám sịt nặng nề. Trời ầm ầm giông gió, biển đục ngầu, giận dữ… Như một con người biết buồn vui, biển lúc tẻ nhạt, lạnh lùng, lúc sôi nổi, hả hê, lúc đăm chiêu, gắt gỏng. Biển nhiều khi rất đẹp, ai cũng thấy như thế. Nhưng có một điều ít ai chú ý là : vẻ đẹp của biển, vẻ đẹp kì diệu muôn màu, muôn sắc ấy phần rất lớn là do mây, trời và ánh sáng tạo nên.
(Vũ Tú Nam, Biển đẹp, theo Văn miêu tả, Tuyển chọn, NXB Giáo dục, 2002)
- Nội dung chính của đoạn văn là gì ?
- Vẻ đẹp kì diệu muôn màu muôn sắc của biển phần lớn do những gì tạo nên ?
- Sắp xếp các từ sau thành hai nhóm (từ ghép và từ láy) :
Mơ màng, mây mưa, xám sịt, nặng nề, ầm ầm, giông gió,giận dữ, lạnh lùng, sôi nổi, hả hê, gắt gỏng.
- Gạch chân và chú thích bộ phận chủ ngữ, vị ngữ trong câu sau, nói rõ đó là kiểu câu gì (xét theo cấu tạo ngữ pháp) :
Trời rải mây trắng nhạt, biển mơ màng dịu hơi sương.
- Câu văn : “Như một con người biết buồn vui, biển lúc tẻ nhạt, lạnh lùng, lúc sôi nổi, hả hê, lúc đăm chiêu, gắt gỏng.”có dùng những biện pháp nghệ thuật nào ? Cái hay của cách nói đó là gì ?
- Đoạn văn gợi cho em những cảm xúc gì ?
PHẦN II
Bạn ơi hãy đến quê hương chúng tôi Ngắm mặt biển xanh xa tít chân trời Nghe sóng vỗ dạt dào biển cả
Vút phi lao gió thổi trên bờ…
(Đỗ Nhuận, Việt Nam quê hương tôi)
Đất nước Việt Nam có nhiều vùng biển đẹp, hãy tả lại vẻ đẹp của một cảnh biển trong một bài văn ngắn (khoảng 20 dòng).
ĐỀ 3
PHẦN I
Đọc thầm đoạn văn sau và trả lời câu hỏi:
Màu lúa chín dưới đồng vàng xuộm lại. Nắng nhạt ngả màu vàng hoe. Trong vườn, lắc lư những chùm quả xoan vàng lịm không trông thấy cuống, như những chuỗi tràng hạt bồ đề treo lơ lửng. Từng chiếc lá mít vàng ối. Tàu đu đủ, chiếc lá sắn héo lại mở năm cánh vàng tươi. Buồng chuối đốm quả chín vàng. Những tàu lá chuối vàng ối xoã xuống như những đuôi áo, vạt áo. Nắng vườn chuối đương có gió lẫn với lá vàng như những vạt áo nắng, đuôi áo nắng, vẫy vẫy. Bụi mía vàng xọng, đốt ngầu phấn trắng. Dưới sân, rơm và thóc vàng giòn. Quanh đó, con gà, con chó cũng vàng mượt. Mái nhà phủ một màu rơm vàng mới. Lác đác cây lụi có mấy chiếc lá đỏ. Qua khe giậu, ló ra mấy quả ớt đỏ chói. Tất cả đượm một màu vàng trù phú, đầm ấm lạ lùng.
(Tô Hoài, Quang cảnh làng mạc ngày mùa,Tiếng Việt 5)
- Ghi lại 8 từ chỉ màu vàng với các sắc độ khác nhau trong đoạn văn. Nhiều sắc vàng khác nhau ấy có tác dụng gì ?
- Các từ : “vàng xuộm”, “vàng hoe”, “vàng lịm” có phải là những từ đồng nghĩa không ? Có thể thay thế các từ đó cho nhau được không ? Vì sao ?
- Câu văn “Trong vườn, lắc lư những chùm quả xoan vàng lịm không trông thấy cuống, như những chuỗi tràng hạt bồ đề treo lơ lửng.” có sử dụng biện pháp tu từ gì ?
- Đoạn văn trên có những từ láy nào ?
- Ghi lại một câu văn trong đoạn văn trên có vị ngữ đảo lên trước chủ ngữ, gạch chân vị ngữ.
- Đoạn văn cho thấy tình cảm của tác giả đối với quê hương như thế nào ?
PHẦN II
Một năm có bốn mùa, mùa nào cũng có cảnh bình minh đẹp.
Hãy tả lại một cảnh bình minh mà em có dịp quan sát, thưởng thức trong một bài văn ngắn (khoảng 20 dòng).
ĐỀ 4
PHẦN I
Đọc thầm đoạn thơ sau và trả lời câu hỏi:
Hạt gạo làng ta
Có vị phù sa
Của sông Kinh Thầy
Có hương sen thơm
Trong hồ nước đầy
Có lời mẹ hát
Ngọt bùi đắng cay…
Hạt gạo làng ta
Có bão tháng bảy
Có mưa tháng ba
Giọt mồ hôi sa
Những trưa tháng sáu
Nước như ai nấu
Chết cả cá cờ
Cua ngoi lên bờ
Mẹ em xuống cấy…
(Trần Đăng Khoa, Hạt gạo làng ta,Tiếng Việt 5)
- Khổ thơ đầu cho em hiểu hạt gạo được làm nên từ những gì ?
- Từ “có” được lặp lại nhiều lần trong bài thơ có tác dụng gì ?
- Những hình ảnh nào nói lên nỗi vất vả của người nông dân ?
- Hai câu cuối của khổ thơ thứ hai vẽ lên hai hình ảnh trái ngược, đó là những hình ảnh nào ? Tác dụng của cách nói đó ?
- Kết thúc bài thơ, tác giả viết : “Em vui em hát, Hạt vàng làng ta”. Vì sao tác giả gọi hạt gạo là ‘hạt vàng” ?
- Đặt câu với mỗi từ “sa” và “xa”.
PHẦN II
Hãy tả lại quang cảnh một con đường mà em gắn bó vào giờ mọi người đi làm trong một bài văn ngắn (khoảng 20 dòng).
ĐỀ 5
PHẦN I
Đọc thầm đoạn thơ sau và trả lời câu hỏi:
Tìm nơi thăm thẳm rừng sâu
Bập bùng hoa chuối, trắng màu hoa ban.
Tìm nơi bờ biển sóng tràn
Hàng cây chắn bão dịu dàng mùa hoa.
Tìm nơi quần đảo khơi xa
Có loài hoa nở như là không tên…
Bầy ong rong ruổi trăm miền
Rù rì đôi cánh nối liền mùa hoa.
Nối rừng hoang với biển xa
Đất nơi đâu cũng tìm ra ngọt ngào.
(Nếu hoa có ở trời cao
Thì bầy ong cũng mang vào mật thơm)
(Nguyễn Đức Mậu, Hành trình của bầy ong, Tiếng Việt 5)
-
- Ghi lại các từ láy trong đoạn thơ trên. Nói rõ đó là kiểu láy gì ?
- Bầy ong đến tìm mật ở những nơi nào ? Nơi ong đến có vẻ đẹp gì đặc biệt ?
- Nhà thơ viết : “Bập bùng hoa chuối” gợi cho em hình dung như thế nào ?
- Em hiểu nghĩa câu thơ : “Đất nơi đâu cũng tìm ra ngọt ngào.”thế nào ?
- Hai câu thơ đặt trong ngoặc đơn có ý nghĩa gì ?
- Đoạn thơ ca ngợi điều gì ở loài ong ?
PHẦN II
Sau cơn mưa rào, mọi vật thật tươi tắn, rực rỡ. Em hãy tả lại quang cảnh nơi em ở lúc cơn mưa vừa tạnh trong một bài văn ngắn (khoảng 20 dòng).
ĐỀ 6
PHẦN I
Đọc thầm đoạn trích sau và trả lời câu hỏi:
Loanh quanh trong rừng, chúng tôi đi vào một lối đầy nấm dại, một thành phố nấm lúp xúp dưới bóng cây thưa. Những chiếc nấm to bằng cái ấm tích, màu sặc sỡ rực lên. Mỗi chiếc nấm là một lâu đài kiến trúc tân kì. Tôi có cảm giác mình là một người khổng lồ đi lạc vào kinh đô của vương quốc những người tí hon. Đền đài, miếu mạo, cung điện của họ lúp xúp dưới chân.
Nắng trưa đã rọi xuống đỉnh đầu mà rừng sâu vẫn ẩm lạnh, ánh nắng lọt qua lá trong xanh. Chúng tôi đi đến đâu, rừng rào rào chuyển động đến đấy. Những con vượn bạc má ôm con gọn ghẽ chuyển nhanh như tia chớp. Những con chồn sóc với chùm lông đuôi to đẹp vút qua không kịp đưa mắt nhìn theo.
(Nguyễn Phan Hách, Kì diệu rừng xanh, Tiếng Việt 5)
- Nội dung chính của đoạn văn đầu nói về điều gì ? Những cây nấm rừng đã khiến tác giả có những liên tưởng thú vị gì ?
- Sắp xếp các từ sau thành hai nhóm (từ ghép và từ láy) :
Lúp xúp, sặc sỡ, đền đài, miếu mạo, rào rào, gọn ghẽ.
- Ghi lại một câu văn có dùng cách nói so sánh trong đoạn trích trên.
- Gạch chân và chú thích các thành phần chủ ngữ, vị ngữ trong câu sau và nói rõ đó là kiểu câu gì (xét theo cấu tạo ngữ pháp) :
Chúng tôi đi đến đâu, rừng rào rào chuyển động đến đấy.
- Trong đoạn trích trên, tác giả nói đến những loài thú nào ? Mỗi loài thú ấy được miêu tả với vẻ đẹp như thế nào ?
- Em có cảm nghĩ gì khi đọc đoạn trích trên ?
PHẦN II
Trong đầm gì đẹp bằng sen
Lá xanh, bông trắng, lại chen nhị vàng.
Nhị vàng, bông trắng, lá xanh
Gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn.
(Ca dao)
Hãy viết một bài văn ngắn (khoảng 20 dòng) tả lại vẻ đẹp của đầm sen dựa vào ý bài ca dao trên.
ĐỀ 7
PHẦN I
Đọc thầm đoạn trích sau và trả lời câu hỏi:
Sự sống cứ tiếp tục trong âm thầm, hoa thảo quả nảy dưới gốc cây kín đáo và lặng lẽ. Ngày qua, trong sương thu ẩm ướt và mưa rây bụi mùa đông, những chùm hoa khép miệng bắt đầu kết trái. Thảo quả chín dần. Dưới đáy rừng, tựa như đột ngột, bỗng rực lên những chùm thảo quả đỏ chon chót, như chứa lửa, chứa nắng. Rừng ngập hương thơm. Rừng sáng như có lửa hắt lên từ dưới đáy rừng.
Rừng say ngây và ấm nóng. Thảo quả như những đốm lửa hồng, ngày qua ngày lại thắp thêm nhiều ngọn mới, nhấp nháy vui mắt.
(Ma Văn Kháng, Mùa thảo quả,Tiếng Việt 5)
- Hoa thảo quả nảy ra ở đâu ?
- Khi thảo quả chín, rừng có những nét đẹp gì ?
- Ghi lại các từ láy trong đoạn trích trên. Nói rõ đó là kiểu láy gì ?
- Gạch chân và chú thích các thành phần trạng ngữ, chủ ngữ, vị ngữ trong câu sau và nói rõ đó là kiểu câu gì (xét theo cấu tạo ngữ pháp) :
Ngày qua, trong sương thu ẩm ướt và mưa rây bụi mùa đông, những chùm hoa khép miệng bắt đầu kết trái.
- Câu văn cuối có dùng cách nói gì ? Cách nói đó gợi cho em hình dung như thế nào ?
PHẦN II
Một hôm, bỗng đâu trên những cành cây báo một tin thắm : Mùa hoa phượng bắt đầu.
(Theo Tiếng Việt 4)
Hãy tả lại vẻ đẹp của cây phượng mùa hoa nở bằng một bài văn ngắn (khoảng 20 dòng).
ĐỀ 8
PHẦN I
Đọc thầm đoạn thơ sau và trả lời các câu hỏi:
Bầu trời rộng thênh thang
Là căn nhà của gió
Chân trời như cửa ngỏ
Thả sức gió đi về
Nghe tiếng lá rầm rì
Ấy là khi gió hát
Mặt biển sóng lao xao
Là gió đang dạo nhạc
(Theo Đoàn Thị Lam Luyến, Dáng hình ngọn gió,Tiếng Việt 5)
- Nội dung chính của đoạn thơ là gì?
- Ghi lại những từ sử dụng biện pháp nhân hóa và nêu tác dụng của biện pháp đó.
- Từ “chân” trong “chân trời” được dùng theo nghĩa gốc hay nghĩa chuyển?
- Ghi lại các từ láy có trong đoạn thơ trên.
PHẦN II
Cho đoạn văn:
(1) Nguyễn Trung Trực sinh ra trong một gia đình làm nghề chài lưới trên sông Vàm Cỏ. (2) Năm 23 tuổi, ông lãnh đạo cuộc nổi dậy ở Phủ Tân An, nay thuộc tỉnh Long An. (3) Đội quân khởi nghĩa do ông chỉ huy đã lập nên nhiều chiến công vang dội khắp vùng Tây Nam Bộ. (4) Bị giặc bắt và đưa ra hành hình, ông khảng khái trả lời viên thống đốc Nam Kì: “Bao giờ người Tây nhổ hết cỏ nước Nam thì mới hết người Nam đánh Tây.”.
(Nhà yêu nước Nguyễn Trung Trực,Tiếng Việt 5)
- Chỉ ra bộ phận Chủ ngữ, Vị ngữ, Trạng ngữ trong câu (3).
- Chỉ ra phép liên kết được dùng trong đoạn văn trên.
- Nêu cảm nghĩ của em về câu Nguyễn Trung Trực trả lời viên thống đốc Nam Kì.
PHẦN III
Viết bài văn ngắn (khoảng 20 câu) tả một cô giáo mà em yêu quý dựa vào ý thơ sau:
Lúc ở nhà mẹ cũng là cô giáo
Khi đến trường cô giáo như mẹ hiền.
(Theo Phạm Tuyên, Cô và mẹ)
ĐỀ 9
PHẦN I
Đọc thầm đoạn thơ sau và trả lời các câu hỏi:
Còn núi non Cao Bằng
Đo làm sao cho hết
Như lòng yêu đất nước
Sâu sắc người Cao Bằng
Đã dâng đến tận cùng
Hết tầm cao Tổ quốc
Lại lặng thầm trong suốt
Như suối khuất rì rào
Bạn ơi có thấy đâu
Cao Bằng xa xa ấy
Vì ta mà giữ lấy
Một dải dài biên cương
(Trúc Thông, Cao Bằng,Tiếng Việt 5)
- Giải nghĩa từ “biên cương”.
- Tại sao từ “Tổ quốc” lại viết hoa chữ cái đầu tiên?
- Những hình ảnh thiên nhiên nào được dùng để so sánh với lòng yêu đất nước của người dân Cao Bằng? Cách sử dụng hình ảnh so sánh ấy có tác dụng như thế nào?
- Ghi lại hai từ đồng nghĩa được dùng trong đoạn thơ.
PHẦN II
Cho đoạn văn:
Thành:
- (1) Tôi muốn đi sang nước họ. (1) Để giành lại non sông, chỉ có hùng tâm tráng chí chưa đủ, phải có trí, có lực… (3) Tôi muốn sang nước họ, xem cách làm ăn của họ, học cái trí khôn của họ để về cứu dân mình.
(Theo Hà Văn Cầu – Vũ Đình Phòng, Người công dân số một,Tiếng Việt 5)
- Cụm từ “hùng tâm tráng chí” nghĩa là gì?
- Chỉ ra bộ phận Chủ ngữ, Vị ngữ, Trạng ngữ trong câu (3).
- Nhân vật Thành trong đoạn văn trên là ai? Em có suy nghĩ gì về con đường mà nhân vật lựa chọn thể hiện qua những câu nói đó?
PHẦN III
Viết bài văn ngắn (khoảng 20 câu) tả bố (hoặc mẹ) em dựa vào ý thơ sau:
Nếu nhắm mắt nghĩ về cha mẹ, Đã nuôi em khôn lớn từng ngày, Tay bồng bế sớm khuya vất vả, Mắt nhắm rồi lại mở ra ngay.
ĐỀ 10
PHẦN I
Đọc thầm đoạn thơ sau rồi trả lời câu hỏi:
Cánh cam đi lạc mẹ
Gió xô vào vườn hoang Giữa bao nhiêu gai góc Lũ ve sầu kêu ran.
Chiều nhạt nắng trắng sương Trời rộng xanh như bể
Tiếng cánh cam gọi mẹ Khản đặc trên lối mòn
Bọ dừa dừng nấu cơm Cào cào ngưng giã gạo Xén tóc thôi cắt áo Đều bảo nhau đi tìm
Khu vườn hoang lặng im Bỗng râm ran khắp lối Có điều ai cũng nói:
-Cánh cam về nhà tôi.
(Ngân Vịnh, Cánh cam lạc mẹ,Tiếng Việt 5)
-
- Gạch chân từ không cùng nhóm trong những từ sau đây: “cánh cam”, “gai góc”, “cào cào”, “râm ran”.
- Nêu cảm nhận của em về hình ảnh “Chiều nhạt nắng trắng sương”.
- Bài thơ sử dụng biện pháp nghệ thuật gì là chính? Chỉ ra những từ ngữ sử dụng biện pháp đó và nêu ngắn gọn tác dụng của biện pháp đó.
PHẦN II
Cho đoạn văn:
(1) Bốn mùa Hạ Long mang trên mình một màu xanh đằm thắm: xanh biếc của biển, xanh lam của núi, xanh lục của trời. (2) Màu xanh ấy như trường cửu, lúc nào cũng bát ngát, cũng trẻ trung, cũng phơi phới.
(3) Tuy bốn mùa là vậy nhưng mỗi mùa Hạ Long lại có những nét riêng biệt hấp dẫn lòng người. (4) Mùa xuân của Hạ Long là mùa sương và mùa cá mực. (5) Mùa hè của Hạ Long là mùa gió nồm nam và cá ngừ, cá vược. (6) Mùa thu của Hạ Long là mùa trăng biển và tôm he.
(Theo Thi Sảnh,Tiếng Việt 5)
- Ghi lại câu ghép và chỉ rõ thành phần Chủ ngữ, Vị ngữ của mỗi vế câu. Cho biết cách nối các vế câu của câu ghép đó.
- Đoạn văn có số lượng từ láy là:
- 3 từ láy
- 4 từ láy
- 5 từ láy
- Qua đoạn văn, em thấy Hạ Long có những nét đẹp nào?
PHẦN III
Viết bài văn ngắn (khoảng 20 câu) tả một con vật mà em yêu thích. Tham khảo đoạn thơ sau:
Tao đi học về nhà
Là mày chạy xồ ra
Đầu tiên mày rối rít
Cái đuôi mừng ngoáy tít
Rồi mày lắc cái đầu
Khịt khịt mũi rung râu
Rồi mày nhún chân sau
Chân trước chồm mày bắt
Bắt tay tao rất chặt
Thế rồi mày tất bật
Đưa vội tao vào nhà
Dù tao đi đâu xa
Cũng nhớ mày lắm đấy…
(Trần Đăng Khoa, Sao không về Vàng ơi?)