A. KIẾN THỨC CƠ BẢN
I. TÁC GIẢ
1. Tiểu sử cuộc đời
- Phạm Văn Đồng (1906 - 2000), quê ở xã Đức Tân, huyện Mộ Đức, tỉnh Quảng Ngãi. Ông là người tham gia các hoạt động cách mạng từ khi chưa đầy hai mươi tuổi, từng bị bắt và bị đày ra Côn Đảo từ năm 1929 đến 1936.
- Phạm Văn Đồng tham gia Chính phủ lâm thời tháng 8 năm 1945 và làm Trưởng phái đoàn Chính phủ Việt Nam dự các hội nghị có ý nghĩa lịch sử, như Hội nghị Phông-tenơ-lô (1946), Hội nghị Giơ-ne-vơ về Đông Dương (1954). Phạm Văn Đồng từng liên tục giữ các cương vị quan trọng như Bộ trưởng Bộ Ngoại giao (1954), Thủ tướng Chính phủ (1955-1981), Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (1981-1987),...
- Phạm Văn Đồng là nhà cách mạng, nhà văn hoá đồng thời là một nhà giáo dục tâm huyết và một nhà lí luận văn hoá văn nghệ lớn.
- Với những đóng góp to lớn cho đất nước, ông được Nhà nước tặng Huân chương Sao vàng và nhiều danh hiệu cao quý khác.
2. Sự nghiệp văn học
- Trong hơn 40 năm với tư cách là một nhà lãnh đạo cấp cao, Phạm Văn Đồng luôn đưa ra những ý kiến có ý nghĩa chỉ đạo đường lối phát triển văn học nghệ thuật và trực tiếp viết, công bố nhiều công trình nghiên cứu có giá trị.
- Năm 1948, ông viết tác phẩm Hồ Chí Minh, hình ảnh dân tộc giúp nhân dân ta hiểu biết sâu sắc về vị lãnh tụ kiệt xuất của dân tộc.
- Ngoài ra, ông còn viết nhiều bài nghị luận sâu sắc về Nguyễn Trãi, Nguyễn Đình Chiểu, Hồ Chí Minh.
II. TÁC PHẨM NGUYỄN ĐÌNH CHIỂU, NGÔI SAO SÁNG TRONG VĂN NGHỆ CỦA DÂN TỘC
1. Hoàn cảnh ra đời
- Bài viết Nguyễn Đình Chiểu, ngôi sao sáng trong văn nghệ của dân tộc ra đời nhân kỉ niệm 75 năm ngày mất của nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu (3-7-1888), đăng trên Tạp chí Văn học tháng 7 năm 1963.
- Thời điểm này có nhiều sự kiện lịch sử nổi bật: Từ 1954 đến 1959, quân Mĩ và chính quyền Ngô Đình Diệm lê máy chém khắp miền Nam và thực thi luật 10/59, gây ra nhiều vụ thảm sát đẫm máu. Từ năm 1960, Mĩ can thiệp sâu vào cuộc chiến ở miền Nam; khắp nơi ở miền Nam nổi lên hàng loạt phong trào đấu tranh quyết liệt... Do vậy, bài nghị luận này ca ngợi Nguyễn Đình Chiểu ở thời điểm này là có ý nghĩa rất lớn.
2. Bố cục
- Mở bài (từ đầu – “chúng đến bờ cõi nước ta cách đây một trăm năm!”): Tác giả nêu luận điểm trung tâm của toàn bài là Nguyễn Đình Chiểu, nhà thơ lớn của dân tộc cần phải được nghiên cứu, tìm hiểu và đề cao hơn nữa”.
- Thân bài (tiếp theo – “còn vì văn hay của Lục Vân Tiên”): Giới thiệu những nét đặc sắc về cuộc đời Nguyễn Đình Chiểu, về thơ văn yêu nước, về giá trị tác phẩm Lục Vân Tiên.
- Kết bài (còn lại): khẳng định cuộc đời và sự nghiệp Nguyễn Đình Chiểu là tấm gương sáng, nêu cao địa vị và tác dụng của văn học nghệ thuật, nêu cao sứ mạng của người chiến sĩ trên mặt trận văn hoá và tư tưởng.
3. Những giá trị nội dung, nghệ thuật
a. Nội dung
Cuộc đời và sự nghiệp của Nguyễn Đình Chiểu qua cái nhìn của Phạm Văn Đồng
- Vẻ đẹp đáng trân trọng, kính phục của con người Nguyễn Đình Chiểu:
+ Nguyễn Đình Chiểu là tấm gương chói ngời về tinh thần yêu nước và lòng căm thù giặc sâu sắc, cả cuộc đời ông dành trọn cho quê hương Tổ quốc.
+ Bị mù cả hai mắt nên hoạt động chủ yếu của ông chủ yếu là thơ văn. Văn chương ông là những trang sử của một thời khổ nhục nhưng rất oanh liệt đồng thời soi sáng tâm hồn trong sáng, cao quý lạ thường của chính ông
- Quan niệm về thơ văn của cụ Đồ Chiểu: quan niệm sáng tác của ông thống nhất với quan niệm làm người, “văn tức là người”, văn thơ phải là vũ khí chiến đấu của người chiến sĩ “Chở bao nhiêu đạo thuyền không khẳm / Đầm mấy thằng gian bút chẳng tà”.
- Nội dung thơ văn yêu nước của Nguyễn Đình Chiểu:
+ Nguyễn Đình Chiểu xứng đáng là “ngôi sao sáng trong nền văn nghệ dân tộc” là vì thơ văn ông đã làm sống lại phong trào kháng chiến chống Pháp kiên cường, bền bỉ của người dân Nam Bộ trong thời điểm bấy giờ.
+ Tác phẩm của Nguyễn Đình Chiểu là những bài ca ca ngợi những người chiến sĩ dũng cảm, đồng thời cũng là lời than khóc cho những anh hùng thất thế đã bỏ mình trong cuộc chiến đấu vì nước, vì dân.
+ Thơ văn Nguyễn Đình Chiểu phản ánh hơi thở nóng hổi của cuộc chiến chống Pháp giai đoạn đầu, cổ vũ mạnh mẽ cho cuộc chiến đấu chống thực dân.
+ Văn tế nghị sĩ Cần Giuộc là tác phẩm tiêu biểu của mảng thơ văn Đồ Chiểu khi Đất nước có giặc ngoại xâm. Ở đó, lần đầu tiên trong văn học thành văn, hình tượng người nông dân nghĩa sĩ đi vào văn học với tất cả phẩm chất tốt đẹp vốn có của họ.
+ Phạm Văn Đồng hiểu rất rõ: tác phẩm văn chương lớn chỉ có thể sinh ra từ những tâm hồn lớn, và ở cụ Đồ Chiểu cũng vậy, những câu văn, vần thơ đó chính là bầu nhiệt huyết của nhà thơ trào ra thành chữ nghĩa: “Ngòi bút, nghĩa là tâm hồn trung nghĩa của Nguyễn Đình Chiểu”.
- Tác phẩm Lục Vân Tiên qua cái nhìn của Phạm Văn Đồng:
+ Lục Vân Tiên là “Một bản trường ca ca ngợi chính nghĩa, những đạo đức đáng quý trọng ở đời, ca ngợi những điều trung nghĩa !”.
+ Tác giả cũng không phủ nhận: “Những giá trị luân lí mà Nguyễn Đình Chiểu ca ngợi, ở thời đại chúng ta, theo quan điểm chúng ta thì có phần đã lỗi thời”. Và trong Lục Vân Tiên, có những chỗ lời văn không hay lắm. Nhưng đó là những hạn chế không thể tránh khỏi và không phải là cơ bản.
+ Bằng cách nhìn và cách phân tích mới, tác giả có sự nhìn nhận và đánh giá lại giá trị nhân văn sâu sắc của Lục Vân Tiên. Lục Vân Tiên vẫn mãi là một bài ca hào hùng mà thiết tha về lí tưởng đạo đức của nhân dân, ca ngợi những con người trọng nghĩa, khinh tài, luôn phấn đấu vì nghĩa lớn.
+ Như vậy, tác giả bài viết đã xem xét giá trị của Lục Vân Tiên trong mối quan hệ mật thiết với đời sống của nhân dân. Tác phẩm có giá trị bởi lẽ đó là một công trình nghệ thuật mà nội dung tư tưởng lẫn hình thức nghệ thuật đều được đông đảo quần chúng nhân dân yêu quý và đón nhận nồng nhiệt.
b. Nghệ thuật lập luận của Phạm Văn Đồng
- Mục đích lập luận: nhấn mạnh đến khí tiết của một chiến sĩ yêu nước, trọn đời phấn đấu hi sinh vì nghĩa lớn của Nguyễn Đình Chiểu và qua đó rút ra bài học thực tiễn.
- Trình tự lập luận như sau:
+ Đặt những đóng góp to lớn của Nguyễn Đình Chiểu vào bối cảnh cách mạng của thời đại mới, tác giả khẳng định vị trí và ý nghĩa của cuộc đời và văn nghiệp Nguyễn Đình Chiểu.
+ Trên cảm hứng ngợi ca, tác giả tập trung phân tích và chứng minh bằng thơ văn hành động thực trong cuộc đời của Nguyễn Đình Chiểu, đồng thời tác giả tái hiện cả cuộc kháng chiến chống Pháp hào hùng của dân tộc. Cách lập luận này giúp tác giả tôn vinh Nguyễn Đình Chiểu trên nền kháng chiến của dân tộc.
+ Từ hiện thực cuộc sống, tác giả phân tích sự phản ánh hiện thực đó trong thơ văn Nguyễn Đình Chiểu để khẳng định tấm lòng vì dân vì nước của nhà thở mù.
+ Xuất phát từ tấm lòng yêu nước thương dân, quyết liệt, không đội trời chung với kẻ thù, thơ văn Nguyễn Đình Chiểu hừng hực khí thế chiến đấu và chứa chan tình cảm dành cho những người con ưu tú của dân tộc đã ngã xuống.
+ Giá trị nghệ thuật thơ văn của cụ Đồ Chiểu được tác giả ghi nhận chỗ dung dị, gần gũi với lời ăn tiếng nói hằng ngày, nên những vấn đề được ông đặt ra có tính chiến đấu rất cao.
- Kết thúc bài viết:
Tác giả nhấn mạnh đến tấm gương sáng và sứ mệnh của người chiến sĩ trên mặt trận văn hoá nghệ thuật và tư tưởng của Nguyễn Đình Chiểu, kêu gọi mọi người ghi nhớ công lao của cụ Đồ Chiểu trong sự nghiệp xây dựng đất nước hùng cường. Đây cũng là lời động viên mọi người hành động cho xứng đáng với những gì mà Nguyễn Đình Chiểu đã làm cho dân tộc.
3. Chủ đề
Bài viết này khẳng định cuộc đời của Nguyễn Đình Chiểu là cuộc đời của một người chiến sĩ đã phấn đấu hết mình cho sự nghiệp giải phóng dân tộc. Sự nghiệp thơ văn của ông là một minh chứng hùng hồn cho địa vị và tác dụng to lớn của văn học nghệ thuật cũng như trách nhiệm của người cầm bút trước cuộc đời. Cuộc đời và sự nghiệp văn học của cụ Đồ Chiểu là “ngôi sao sáng” trong nền văn nghệ dân tộc, là bài học cho hôm nay và cả mai sau.
B. BÀI TẬP VẬN DỤNG
I. ĐỀ BÀI
1. Đề số 1: Nêu thật ngắn gọn cảm hứng chung của bài viết Nguyễn Đình Chiểu, ngôi sao sáng trong văn nghệ của dân tộc và phác thảo trình tự lập luận của Phạm Văn Đồng trong tác phẩm này.
2. Đề số 2: Bài Nguyễn Đình Chiểu, ngôi sao sáng trong văn nghệ của dân tộc có thể chia thành mấy phần? Nêu những điểm nổi bật về nội dung và nghệ thuật của mỗi phần.
II. GỢI Ý BÀI LÀM
1. Đề số 1: Bài viết cần nêu được những nội dung sau:
- Cảm hứng chung: ngợi ca cuộc đời và khẳng định giá trị văn chương Nguyễn Đình Chiểu.
- Trình tự lập luận: .
+ Khẳng định vị trí, ý nghĩa cuộc đời và thơ văn Nguyễn Đình Chiểu khi đặt trong hoàn cảnh cụ thể của đất nước bấy giờ.
+ Chứng minh bằng cuộc đời và văn nghiệp của Nguyễn Đình Chiểu qua việc tái hiện cuộc kháng chiến hào hùng của dân tộc và phân tích sự phản ánh hiện thực đó trong thơ văn của ông.
+ Khẳng định giá trị nghệ thuật của thơ văn Nguyễn Đình Chiểu: lối viết giản dị, mộc mạc, gần gũi với quần chúng nên có sức “truyền bá” rộng lớn.
2. Đề số 2: Tham khảo mục A.II.2, 3 phần trên.