NHỮNG VẤN ĐỀ TRỌNG TÂM TRONG TÁC PHẨM “CHIỀU TỐI”
Hồ Chí Minh
I. VẤN ĐỀ TRỌNG TÂM VỀ NỘI DUNG:
1. Cảnh và sự vận động của cảnh trong bài thơ
a) Hai câu thơ đầu: gợi cảnh thiên nhiên núi rừng khi chiều tối
- Cảnh chiều tối được gợi lên bằng hình ảnh có tính ước lệ của thơ cổ: cánh chim về rừng tìm chốn ngủ. Thơ xưa thường lấy sự chuyển biến của không gian với hình ảnh cánh chim trong hoàng hôn để gợi tả bước đi của thời gian: “Chim bay về núi tối rồi” (ca dao), “Chim hôm thoi thót về rừng” (Truyện Kiều – Nguyễn Du), “Ngàn mai gió cuốn chim bay mỏi/ dặm liễu sương sa khách bước dồn” (Chiều hôm nhớ nhà – Bà Huyện Thanh Quan)
- Hình ảnh ước lệ được vận dụng một cách tự nhiên, phù hợp với hoàn cảnh và tâm trạng nhà thơ. Người tù quan sát cảnh vật, ngẩng đầu nhìn lên đỉnh trời, nhận ra cánh chim bay về tổ và chôm mây lững lờ trôi. Khung cảnh thiên nhiên trong hai câu thơ đầu là khung cảnh phảng phất nét quạnh hiu
b) Hai câu thơ cuối: Gợi cảnh cuộc sống sinh hoạt của con người
- Sinh hoạt và cuộc sống con người làm cho cảnh chiều tối ấm áp hẳn lên
+ Hình ảnh cô thôn nữ với công việc lao động hằng ngày làm cho bức tranh thêm sức sống
+ Hình ảnh lò than rực hồng trở thành trung tâm bức tranh, có sức lôi cuốn đặc biệt. Với hình ảnh này, thiên nhiên không còn cô quạnh, không còn chim ngập trong bóng tối. Chữ “hồng” đã trở thành nhãn tự của bài thơ. Một chữ “hồng” mà toả ánh sáng, hơi ấm và niềm vui ra tất cả. Hơi ấm và ánh sáng “lò than rực hồng” như xua đi cái lạnh nơi rừng núi, như át cả bóng đêm
c) Sự vận động của cảnh
- Từ khung cảnh thiên nhiên hoang vắng, hiu quạnh, nét bút tác giả chuyển sang cảnh sinh hoạt của con người hết sức tự nhiên
- Sự vận động từ bóng tối đến ánh sáng, từ giá lạnh đến nồng ấm, từ hiu quạnh đến niềm vui
2. Tâm trạng và vẻ đẹp tâm hồn của nhà thơ
a) Cảnh được cảm nhận qua tâm trạng và mang tâm trạng con người
- Theo nguyên văn chữ Hán, cảnh vật được miêu tả trong hai câu thơ đều là cảnh vật mang tâm trạng. Ở đây, không phải là cánh chim bay mà là cánh chim mỏi (quyện điểu) tìm về rừng sau suốt một ngày bay đi kiếm ăn. Nhà thơ cũng mỏi sau một ngày lê bước trên đường chuyển lao. Và chôm mây cô đơn (cô vân) cũng có hồn, có tâm trạng, thể hiện sự hoà hợp, cảm thông giữa người và cảnh vật
- Hai câu thơ đầu phảng phất sự hiu quạnh. Hiu quạnh từ cảnh vật đến tâm trạng. Tác giả đang xa quê hương đất nước, đang trong hoàn cảnh mất tự do, bao việc cách mạng đang cần làm mà vẫn bị giam hãm nơi tù ngục một cách vô lí, đã vậy lại gặp cảnh núi rừng lúc chiều muộn sau một ngày bị đày ải. Tình ấy, cảnh ấy nếu có phảng phất nỗi buồn cũng là lẽ đương nhiên. Tuy nhiên, nét hiu quạnh không phải là nét chủ yếu của bức tranh “chiều tối”. Bởi sự vận động của cảnh đi từ bóng tối đến ánh sáng, từ giá lạnh đến nồng ấm, từ hiu quạnh đến niềm vui.
b) Vẻ đẹp tâm hồn nhà thơ:
- Tâm hồn yêu thiên nhiên: Cảnh được cảm nhận qua tâm trạng, mang tâm trạng, thể hiện sự hoà hợp, cảm thông giữa con người và cảnh vật
- Tâm hồn yêu đời, yêu cuộc sống: trong bất cứ hoàn cảnh nào Bác cũng hướng tới con người và cuộc sống
- Tâm hồn lạc quan, nhân hậu:
+ Ở bài Chiều tối, cùng với sự vận động của cảnh vật, sự vận động của không gian, thời gian là sự vận động của cảm xúc, tư tưởng nhà thơ. Sự vận động bất ngờ mà tự thiên nhiên, khoẻ khoắn: từ tối đến sáng; từ hiu hắt, cô đợn đến nồng ấm; từ buồn đến vui. Thơ Bác phản ánh con người Bác: tư tưởng, tình cảm luôn có sự vận động hướng tới sự sống, ánh sáng và tương lai
+ Bài thơ Chiều tối viết về thời điểm rất đáng ghi nhớ trong cuộc sống của người tù: đằng sau lưng là một ngày đi đường vất vả (có khi tới “Năm mươi ba cây số một ngày/ áo mũ dầm mưa, rách hết giày”), trước mắt là nỗi gian lao, nguy hiểm mới: lại gông cùm, lại đói rét, muỗi, rệp, bệnh tật… Ấy vậy mà thơ viết về thời điểm đó lại từ buồn chuyển sang vui. Điều này cho thấy những buồn, vui, sướng, khổ của Hồ Chí Minh không thể chỉ giải thích từ cảnh ngộ cá nhân mà phải xuất phát từ cuộc sống của người khác. Chính vì vậy, qua bài thơ Chiều tối, người đọc nhận ra vẻ đẹp của một tấm lòng nhân đạo lớn đã đạt tới mức quên mình
II. VẤN ĐỀ TRỌNG TÂM VỀ NGHỆ THUẬT:
- Bài Chiều tối thể hiện một nét phong cách nghệ thuật thơ Hồ Chí Minh: sự kết hợp giữa cổ điển và hiện đại
1. Vẻ đẹp cổ điển
- Sử dụng bút pháp ước lệ và bút pháp gợi tả:
+ Thơ xưa khi gợi tả buổi chiều tối thường xuất hiện hình ảnh cánh chim trong hoàng hôn (Xem lại phần nói về cảnh ở hai câu thơ đầu)
+ Theo nguyên bản chữ Hán, Bác không hề dùng từ “tối” nhưng vẫn gợi lên cảnh chiều tối qua ánh lửa lò than. Khi trời còn sáng, ánh lửa lò than nhìn chưa rõ; khi trời tối, ánh lửa bỗng rực rỡ hẳn lên (bản dịch thêm một từ “tối” mà làm vơi đi khá nhiều nét đặc sắc của thơ Bác)
- Những hình ảnh, từ ngữ quen thuộc của thơ cổ: Hình ảnh cánh chim, chòm mây, xóm núi; những từ “quyện điểu”, “ cô vân” mang phong vị Đường thi. Bài thơ như một bức tranh với đường nét, màu sắc giàu chất hội hoạ phương Đông
- Sự hoà hợp giữa con người và thiên nhiên: Hình ảnh cánh chim, chòm mây được cảm nhận qua tâm trạng, mang tâm trạng của con người.
2. Vẻ đẹp hiện đại
- Trong mối quan hệ giữa con người và thiên nhiên thì con người là chủ thể (hình ảnh cô thôn nữ và hình ảnh lò than rực hồng trở thành trung tâm bức tranh “chiều tối”, đem lại ánh sáng, hơi ấm, niềm vui, xua tan đi bóng đêm, không khí lạnh, sự hiu quạnh của cảnh núi rừng)
- Sự vận động của cảnh vật, của cảm xúc, tư tưởng theo hướng phát triển: hướng tới sự sống, ánh sáng, niềm vui