Bài soạn “ĐỜI THỪA

(Nam Cao)

 

Câu 1: Nêu ý nghĩa nhan đề “Đời thừa” của Nam Cao.

“Đời thừa” theo nghĩa đên là một cuộc đời thừa thãi, vô ích, không có ý nghĩa gì cả. Sống như không tồn tại.

- “Đời thừa” chính là nỗi đau của người tri thức, là bi kịch khốn khổ của một nhà văn giàu khát vọng, hoài bão lớn nhưng vì gánh nặng áo cơm ghì sát đất, phải sống vô ích, cuộc đời thừa.

Truyện ngắn “Đời thừa” viết về cuộc sống của Hộ - một người tri thức nghèo, một nhà văn, một người đam mê tâm huyết với nghệ thuật, khát khao cái đẹp, hướng đến sự hoàn mỹ trong cuộc sống. Nhân vật Hộ - một con người trung thực, yêu cái đẹp, có lòng tốt bụng cưu mang vợ con Từ, ông viết văn bằng cả tấm chân thành của một con người sống chính nghĩa, đúng đắn, không hời hợt, sao lãng công việc, vô cùng có trách nhiệm và nghiêm túc với nghề của mình. Ông yêu Từ, yêu con, có trách nhiềm yêu thương gia đình nhỏ của mình. Nhưng trên thực tế, khi phải sống trong hoàn cảnh khốn khó, không có tiền bạc, không thể lo đủ cho vợ con, quần quật suốt ngày chẳng đủ thiếu mua cơm gạo, mua thuốc cho con nhỏ ốm yếu. Hộ là một người chồng, người cha có cái tôi, có lòng tự trọng, rất mực tôn thờ cái nghề của mình. Nhưng khi bước vào cuộc sống túng thiếu, nhìn vợ con chịu khổ, lầm lũi, vất vả, anh khổ tâm, suy nghĩ rối trí tự trách mình. Hộ không còn được viết văn thỏa thích, thật sự không thanh thản nữa. Hộ phải gác lại cái tôi để viết một thứ văn cẩu thả, lê thê, không đâu vào đâu để kiếm tiền. Điều đó làm hắn đau khổ vì có lỗi với lương tâm, mỗi khi hắn đọc lại đỏ mặt lên vì run rẩy, vò nát sách.

Nỗi đau của một con người yêu nghệ thuật

=> Hộ là một nhà văn tốt, có ước mơ khát khao, hoài bão, lao động nghiêm túc, trung lực, có thiên lương với nghề, cần cù, nhưng vì hoàn cảnh quá khốn đốn, dường như không còn con đường nào tốt đẹp hơn nên đành bán văn kiếm tiền mưu sinh.

Câu 2: Nêu những mâu thuẫn giằng xé trong nội tâm nhân vật hộ để làm nổi bật ý nghĩa tư tưởng của tác phẩm.

- Bi kịch vỡ mộng văn chương - Bi kịch của một nhà văn giàu khát vọng, yêu cái đẹp nhưng lại mang gánh nặng áo cơm, phải chịu đựng một cuộc sống vô ích, đời thừa.

Hộ - một con người yêu văn chương bằng cả trái tim chân thành, thiết tha, coi văn chương như mạng sống của mình, sống tôn thờ và hết lòng vì một ngòi bút trong sáng, thiên lương và mang giá trị nhân văn sâu sắc. Với Hộ, văn chương là tất cả, không gì có thể so sánh được, nó là lẽ sống đúng đắn của đời anh. Bởi thế mà hắn ước mơ hoài bão có thể viết nên một tác phẩm lớn lao, có giá trị ngàn đời, được cả thế giới công nhận, “sẽ làm mờ hết các tác phẩm cùng ra một thời”, thậm chí nó có thể vươn tầm đạt giải Nobel về văn học và nghệ thuật, và còn được “dịch ra đủ mọi thứ tiếng trên toàn cầu”. Quả là một điều thật tuyệt vời đối với một nhà văn chân chính! Hắn đấy “Đói rét không có nghĩa lí gì đối với gã trẻ tuổi say mê lí tưởng. Lòng hắn đẹp. Đầu hắn mang một hoài bãi lớn”. Hắn còn “khinh những lo lắng tủn mủn về vật chất” mà chỉ cần “lo vun trồng cho cái tài của hắn ngày một thêm nảy nở.” Nhưng bi kịch đã xảy ra, giấc mộng về một thiên đường văn chương tuyệt đẹp, hoàn mỹ đã bị vỡ tan vởi sự thật tàn khốc của cuộc sống đầy rẫy những điều trớ trêu, ngụy tạo bên trong.

Cuộc sống nghèo khó, túng quẩn khiến con người rơi vào vòng xoáy bi kịch

- Từ khi Hộ cưu mang Từ, Hộ phải lo miếng cơm manh áo cho vợ và cả đàn con thơ dại gầy xơ xác, gánh nặng mưu sinh đè nặng lên đôi vai của kẻ trí thức nghèo. Túng thiếu về cả vật chất lẫn tinh thần, Hộ thương con, thương người vợ hiền từ suốt ngày chịu đựng, lầm lũi, không hề trách móc một câu nào, vất vả nhưng cũng không than lấy một tiếng. Hộ đã bán rẻ cái tôi trong ngòi bút tuyệt diệu của mình mà tuôn ra những dòng văn nhạt nhẽo, chẳng mang một ý nghĩa nào sâu sắc, Hộ đã chẳng còn cẩn thận trong từng nét bút, trang giấy nữa. Anh bỏ mặc chất lượng, chỉ cần số lượng để có thật nhiều tiền nuôi vợ con. Anh viết nhanh, viết nhiều, vội vàng và cẩu thả, viết lấy có và lời văn dễ dãi để rồi đến khi anh đọc lại chính những tác phẩm mình đã viết, anh “đỏ mặt lên” vì xấu hổ, cau mày “nghiến răng vò nát sách và mắng mình như một thằng khốn nạn …”. Hắn chửi: “Khốn nạn! Khốn nạn!”. Thật sự khốn nạn thay cho hắn, với hắn, hắn đã đi trái lại lương tâm, từ bỏ đam mê, hoài bão, ước nguyện muôn đời của người hành văn chính nghĩa, hắn cho rằng “sự cẩu thả trong bất cứ nghề gì cũng là một sự bất lương rồi” và nó thật là “đê tiện”. Hắn viết những “cuốn văn vội vàng”, những “bài báo nông cạn”, toàn những cái vô vị, nhạt nhẽo, gợi tình cảm rất cạn, rất nông, quá ư là dễ dãi.

Hộ đỏ mặt vò nát sách và tự trách chính mình

- Bi kịch rạn nứt tình thương - Bi kịch của một con người coi tình thương là nguyên tắc sống nhưng lại vi phạm lẽ sống tình thương ấy.

Hộ - một con người giàu tình thương đã cứu vớt cuộc sống đường cùng của Từ, của con Từ và giúp đỡ làm tang lễ cho cả mẹ Từ. => Tấm lòng vô cùng cao thượng của một con người lương tâm thánh thiện, trong sáng, khoan dung.

- Đối với gia đình nhỏ của mình, Hộ luôn cố gắng trở thành một thành viên hoàn hảo, mộ người chồng chịu khó, yêu thương vợ và một người cha tốt chăm lo đầy đủ cho các con, một người đàn ông là trụ cột vững chắc cho gia đình nhỏ.

Người đàn ông luôn cố gắng giữ lấy hạnh phúc gia đình mà phản bội nghề văn của mình

- Vì kiếm kế sinh nhai, kiếm tiền lo đầy đủ cho vợ con, không để vợ con khổ sở, không thể nhìn Từ lầm lũi vất cả chịu đựng. Hắn đã từ bỏ nghệ thuật, từ bỏ hoài bão ước mơ để sống một cuộc đời khó nhọc lo cho gia đình. Hắn chấp nhận hi sinh nghệ thuật để giữ lấy và vun đắp tình thương, hắn không thể bỏ đi lòng thương được. Có lẽ hắn nhu nhược, hèn nhát và tầm thường, nhưng với hắn “kẻ mạnh không phải là kẻ giẫm lên vai kẻ khác để thỏa mãn lòng ích kỷ” mà chính là “kẻ giúp đỡ kẻ khác trên đôi vai của mình” dù đôi vai đó có nhỏ bé gầy gò nhưng quyết đi đến cùng, không từ bỏ.

- Hắn có biết bao nhiêu là cái khổ phải gánh vác: con cái cứ ra liên tục, chẳng kế hoạch hóa mà cứ đẻ thật nhiều, đứa này chưa lớn thì đứa khác đã ra, đứa nào cũng nhiều đẹn, nhiều sài, khóc suốt đêm, quanh năm uống thuốc. Hộ còn điên lên vì phải xoay tiền, điên lên vì con khóc, nhà không được yên tĩnh, im ắng để hắn còn thỏa mãn đam mê đọc sách, viết văn. => “Hắn thấy mình khổ quá, bực bội quá”. => Hắn cau có, gắt gỏng, khó chịu với cả mình và với vợ con.

- Hắn tìm đến men rượu cay nồng để giải tỏa mọi ưu phiền bực tức trong cuộc sống. Để rồi về hắn không còn kiểm soát được hành vi của chính mình, hắn trút hết nỗi oán hận, tức giận lên đầu vợ con, gây bao tổn thương đau khổ cho những người Hộ hết mực yêu thương, trân trọng. Khi tỉnh giấc, hắn hối hận vì thấy mình tồi tệ, đã hành hạ vợ con, hắn đau lòng vì đã chà đạp lên nguyên tắc sống của mình. Lòng hắn rũ buồn và tự nghĩ: “Thôi thế là hết! Ta đã hỏng! Ta đã hỏng đứt rồi” => Tác giả đã sâu sắc tinh tế trong việc miêu tả tâm lí của nhân vật Hộ khi phải chịu đựng hai tấn bi kịch đầu trớ trêu, ngang trái, dò vò thân xác và tâm hồn anh.

- Hắn tỉnh rượu, thấy Từ xanh xao mà hắn thương, nắm lấy tay Từ và khóc, nước mắt hắn tuôn ra như không thể kìm nén, những khổ đau đã khiến hắn vỡ òa, nức nở. Từ tỉnh giấc và thương chồng vô cùng vì Từ hiểu nổi khổ đau mà chồng phải gánh chịu. Từ ru con mà hai lòng lệ đầm đìa.

=> Tiếng khóc của Từ và Hộ đã tố cáo xã hội tồi tàn, tệ hại, xấu xa, cướp đi miếng cơm manh áo của những con người nghèo đói, cướp đi cả ước mơ cao đẹp, đầy tình nghĩa, đày đọa cuộc sống khốn đốn của người dân, bóp méo nhân cách con người vì đồng tiền, đầu độc tâm hồn vốn rất đẹp và thơ mộng của người nghệ sĩ.

Xã hội đã lưu manh hóa những con người có nhân cách, có hoài bão, ước mơ, sống chân chính nhưng bị xã hội đối xử tệ bạc, tàn nhẫn.

Câu 3: Nỗi đau của Hộ trong tác phẩm là nỗi đau gì?

Nỗi đau của Hộ là nỗi đau của một người tri thức không được sống với đam mê hoài bão. Hộ rất có trách nhiệm vụ với những vai trò của mình: một nhà văn, một người cha, một người chồng tuyệt vời. Nhưng Hộ lại không thể hoàn thành được trách nhiệm ấy một cách trọn vẹn, Hộ không toàn tâm, tâm huyết trau dồi cho ngòi bút văn chương nghệ thuật cao đẹp của mình. Hộ cũng không thể lo cho vợ con đầy đủ, không có được cuộc sống ấm no, hạnh phúc, anh còn tìm đến rượu, về hành hạ vợ con. Vậy nên anh tự dằn vặt, trách móc bản thân mình vô tích sự, sống vô ích, không làm được điều gì cho toàn tâm toàn ý. Nỗi đau của Hộ khi chịu phải bi kịch đáng thương của cuộc sống, Hộ nhận ra sự bất lực của mình trong cái xã hội tồi tàn nhưng lại không tìm ra lối thoát cho bản thân cũng như cho gia đình.

Hộ là người có lương tâm, có thiên lương nhưng vì cuộc sống nghèo khổ, túng thiếu mà phản bội lại nghệ thuật đẹp đẽ. Anh vừa có tài lại có đức, có ý thức sâu sắc về sự sống. Anh muốn sống đẹp, sống tốt, hướng thiện và muốn nâng cao giá trị cuộc sống của mình, của gia đình nhỏ thân yêu.

Câu 4: Nêu bút pháp nghệ thuật của nhà văn Nam Cao sử dụng trong tác phẩm.

- Tác giả sử dụng bút pháp miêu tả tâm lí nhân vật rất độc đáo, qua những lời độc thoại nội tâm đầy dằn xé, qua cử chỉ, ánh mắt, hành động và qua cả tiếng khóc đáng thương của họ. Như vậy mới dễ đi sâu vào lòng của người đọc bằng sự thương yêu, đồng cảm trước bi kịch của nhân vật.

- Cách viết dung dị, tự nhiên, ngôn từ mộc mạc, gần gũi nhưng cũng mang tính triết lí rất sâu sắc. Giọng văn tỉnh táo.

- Thời gian trần thuật kéo dài trong một ngày, từ buổi sáng Hộ ra phố đọc sách, đến lúc uống rượu về hành hạ vợ con và sáng hôm sau tỉnh giấc nhận ra lỗi lầm.

- Kết hợp khéo léo các mạch kể, hồi tưởng và độc thoại nội tâm.

Câu 5: Nêu quan điểm nghệ thuật của nhà văn Nam Cao qua tác phẩm.

Tác phẩm “Đời thừa” của Nam Cao đã chứa đựng nội dung tư tưởng mang ý nghĩa hiện thực tàn khốc của xã hội ngày ấy và toát lên tinh thần giá trị nhân đạo sâu sắc.

- Nam Cao đã thể hiện ngòi bút hiện thực đầy tinh tế, tỉnh táo và sắc lạnh của mình, vừa nặng trĩu khi lên án cái xã hội tàn nhẫn nhưng cũng rất đằm thắm yêu thương khi miêu tả tình cảm gia đình.

- Với Nam Cao, nghề văn là một nghề cao quý, ông gửi gắm điều đó vào nhân vật Hộ, ông tôn thờ văn chương cũng giống như Hộ coi văn chương là sinh mạng, là cuộc sống, là hơi thở của mình vậy. Nhà văn phải có lương tri, thiên lương cao đẹp, hành văn bằng cả trái tim chân thành, biết yêu thương. Với nhân vật của mình, ông vừa đồng cảm, vừa trân trọng, vừa lên án, tố cáo xã hội đã bóp nghẹt hơi thở cuộc sống của gia đình anh, bóp nghẹt tài năng và ước mơ chân chính của họ.

=> Truyện ngắn “Đời thừa” thể hiện quan điểm nghệ thuật tiến bộ của tác giả, tấn bi kịch của Hộ thể hiện tấm lòng nhân đạo của Nam Cao, vừa dồng cảm, vừa trân trọng người tri thức đầy lương tâm.

Bài viết gợi ý: