BÀI LÀM
Có lần, nhà văn Nguyên Hồng tự thuật lí lịch của mình bằng mấy chữ vắn tắt như thế này mà ai nghe thấy cũng phải rùng mình: “Bố kéo xe, me ăn mày, ông đi ở, bà chết đói”. Mà quả như thế thật!
Nói cụ thể hơn: năm Nguyên Hồng 12 tuổi thì bố chết vì bệnh ho lao, người mẹ trẻ từ giã đứa con đi tha phương cầu thực, cậu bé Hồng phải sống trong sự ghẻ lạnh của một bà cô giàu có và cay nghiệt, có khi phải sống lang thang đầu đường xó chợ đánh đáo kiểm ăn, chung đụng với đủ hạng trẻ con nghèo đói, du đãng. Trong tình cảnh lam lũ, cùng cực ấy, đứa trẻ có nguy cơ hoặc trở nên hư hỏng lưu manh, hoặc trái tim sẽ trở nên hoang dại, khô cứng, sắt lại, nghèo cảm xúc. Rất may, cậu bé Hồng lại có một trái tim dễ mủi lòng, thậm chí yếu đuối, rất mau nước mắt. Cậu bé hay khóc, khóc vì uất ức trước những lời ngọt nhạt, châm chọc, khinh miệt của bà cô, khóc vì thương cho cuộc đời lận đận phiêu bạt của mẹ, khóc vì nỗi thương thân tủi phận: “Nước mắt tôi đã ròng ròng rớt xuống hai bên mép rồi chan hòa đầm đìa ở cằm và ở cổ”. Trái tim đứa trẻ bị những lời xúc xiểm độc địa của bà cô giày vò làm cho đau đớn, cộng với nỗi đau đớn và bất lực trước những thành kiến tàn ác” của người đời khiến mẹ nó phải xa lìa nó. Nó “cười dài trong tiếng khóc” - cái cười đẫm nước mắt ấy mới chua chát và cay đắng làm sao! Cậu bé “nghẹn ứ, khóc không ra tiếng”, rồi ao ước: “Giá những cổ tục đã dày đọa mẹ tôi là một vật như hòn đá hay cục thủy tinh, đầu mẩu gỗ, tôi quyết về ngay lấy mà cắn, mà nhai, mà nghiền cho kì nát vụn mới thôi”. Có uất ức, có phản kháng đấy, nhưng tấm thân trẻ nhỏ đã có thể làm được gì hơn ngoài nước mắt! Có thể nói bà cô đã rất thành công trong thú vui hành hạ đứa bé, giễu cợt nỗi đau xa mẹ, xúc phạm tới nhân phẩm người mẹ của bé Hồng. Thực chất, mụ ta muốn gieo nọc độc vào tâm hồn trẻ thơ, rắp tâm chia lìa tình cảm mẹ con, giết chết những tình cảm yêu kính mà cậu bé Hồng đang có đối với mẹ. Mụ ta lươn lẹo, xảo quyệt, bất nhẫn, bảo mẹ nó “phát tài”, sau đó lại “tươi cười kể” lại hình ảnh mẹ qua lời bà họ nói: “ăn vận rách rưới, mặt mày xanh bung, người gầy rạc đi, thay thế bà ta thương tình toan gọi hỏi xem sao thì mẹ tôi vội quay đi, lấy nón che...” Bà cô trong truyện tiêu biểu cho hạng người giàu có mà bất nhân, xảo quyệt, độc ác.
Nhưng không, trái tim trẻ nhỏ, một cách tự nhiên nhất, bao giờ cũng biết hướng về lương tri và lẽ phải ở đời. Vẫn còn nguyên vẹn một tình cảm yêu thương, một niềm tin vào mẹ cho dù mẹ có sa sẩy, cơ nhỡ đến mức nào, cho dù có những lời nói cố tình bêu xấu mẹ, rắp tâm đầu độc tình cảm của nó đối với mẹ. Cậu bé Hồng không hề trách mẹ nêu sự thật là mẹ “đã chửa đẻ với người khác”, mà có trách chăng chỉ là ở chỗ mẹ không dám ngẩng cao đầu chống lại cổ tục, chống lại những thành kiến cay nghiệt của xã hội Dầu có chút trách các thì cũng không phải là vì nó, mà trước nhất là vì mẹ, vì thương cho tình cảm tha hương của mẹ mà thôi. Không những thương mẹ, cậu bé Hồng còn tin vào sự trở về của mẹ, bởi vì nó hiểu rằng mẹ vô cùng thương yêu con cái, mẹ tận nghĩa với cha nó đã khuất. Niềm yêu tin ấy đã không lầm lẫn. Người mẹ đã trở về. Bằng một linh cảm cực nhạy, cậu bé Hồng vừa “thoáng thấy một bóng người” giống mẹ, là đã lập tức thất thanh gọi mẹ, tin rằng đúng là me chứ khó có thể làm được. Khi mẹ con nhận ra nhau, cậu bé Hồng “òa lên khóc rồi cứ thế nức nở”. Bao nhiêu chờ đợi, bao nhiêu côi cút bỗng òa thành nước mắt... Trong cái nhìn khao khát yêu thương của đứa trẻ, người mẹ vẫn đẹp tựa ngày nào, “vẫn tươi sáng với đôi mắt trong và nước da mịn, làm nổi bật màu hồng của hai gò má”. Đứa trẻ lịm đi vì sung sướng khi được sà vào lòng me, thấy lại cái “cảm giác ấm áp đã bao lâu mất đi bỗng lại mơn man khắp da thịt”, cảm nhận được hơi mẹ thân quen từ quần áo đến “hơi thở ở khuôn miệng xinh xắn nhai trầu phả ra lúc đó thơm tho lạ thường”. Chao ôi, đứa bé như muốn căng tất cả mọi giác quan ra để thấu nhận cho hết, cho hả cái tình mẹ con bấy nay xa cách. Bao giờ trong mắt mẹ đứa con mình cũng còn thơ bé. Cậu bé Hồng vốn đã bé bỏng thật, lại như thấy bé bỏng hơn, yếu mềm hơn khi được mẹ ôm ấp, che chở. Nhà văn như sống lại tận cùng cái cảm giác có thật ấy ngày nào. Dưới ngòi bút của tác giả, những cảm giác tinh tế và sâu xa ấy đã hiện ra thật cụ thể và sống động. Tác giả muốn nhận đây mà khái quát tình mẫu tử muôn thuở của con người một cách say sưa và trìu mến: “Phải bé lại và lăn vào lòng một người mẹ, áp mặt vào bầu sữa nóng của người mẹ, để bàn tay người mẹ vuốt ve từ trán xuống cằm, và gãi rôm ở sống lưng cho, mới thấy người mẹ có một êm dịu vô cùng”. Từ đấy trở đi là sự quấn quýt giữa con và mẹ, là những lời líu ríu không đầu không cuối mà sao cảm động: “... tôi không còn nhớ mẹ tôi đã hỏi tôi và tôi đã trả lời mẹ tôi những câu gì”. Những lời giày vò, xúc xiêm cay độc của bà cô hôm trước phỏng có nghĩa lí gì trong cảnh tượng gặp gỡ này? Bao nhiêu tủi cực, bao nhiêu trách móc cũng tiêu tan hết. Chỉ còn lại đây tình mẹ chở che và nỗi sung sướng cực độ của đứa trẻ sau bao nhiêu năm xa cách nay lại được ấm tròn “trong lòng mẹ”.
Người ta nói Nguyên Hồng là người rất dễ xúc động, và khi đã xúc động thì thế nào cũng khóc, khóc đến nỗi không thể kìm được, không ai khuyên can được: uất quá khóc, thương quá khóc, vui quá cũng khóc, khóc ngay trên trang văn mình viết khi thấy nhân vật của mình khô quá hoặc chẳng may bị chết... Hóa ra trái tim dễ khóc ấy đã có ngay từ hồi còn nhỏ. Có thể nói rất cần cho lao động nghệ sĩ, nhưng trong cuộc đời thường nhật lại dễ bị tổn thương. Cứ thế, vô cùng thành thực và tâm huyết, ông đã để bao nhiêu nước mắt vào câu chữ của mình. Có lần nhà thơ Xuân Diệu - chỗ bạn thân của Nguyễn Hồng đã tâm sự: “Nguyên Hồng chết rồi, nhưng văn Nguyên Hồng còn rên rỉ mãi”. Chắc hẳn ngoài cái nghĩa văn chương Nguyên Hồng thấm nhuần một “chủ nghĩa nhân đạo thống thiết” (chữ dùng của nhà phê bình Nguyễn Đăng Mạnh), còn thêm cái nghĩa nhờ tài năng thiên bẩm nghệ sĩ, nến các trang văn của Nguyên Hồng còn sống mãi với mai sau.
Tác phẩm Những ngày thơ ấu là một kí ức đầy nước mắt về một tuổi thơ bất hạnh của nhà văn dường như còn nóng bỏng đến hôm nay...