Chúng tôi đi chẳng tiếc đời mình
Tuổi hai mươi làm sao không khỏi tiếc
Nhưng ai cũng tiếc tuổi hai mươi
Thì còn chi Tổ quốc
-Thanh thảo
Đó là ý chí quyết tử cho tổ quốc quyết sinh của những chàng trai thời chiến. Nhà thơ Quang Dũng với Tây Tiến- một trong những bài thơ hay nhất của thơ ca kháng chiến chống Pháp- đã trở thành một nhà thơ trẻ, đầy tài năng của những năm tháng không thể nào quên ấy. Năm 1948, Quang Dũng từ biệt đoàn quân Tây Tiến thân yêu, tại làng Phù Lưu Chanh, tác giả đã viết bài thơ này trong nỗi nhớ cồn cào về đơn vị cũ, về đoạn đời chiến đấu đã qua, về những vùng đất mình đã từng đặt chân đến, về những đồng đội sống chết có nhau và về những kỷ niệm mà ông nhà thơ không thể nào quên.
Nhớ Tây Tiến là nhớ về rừng về núi. Đây là một nỗi nhớ chơi vơi, dậy sóng ngay từ câu mở đầu, làm cho câu thơ ăm ắp cả nỗi nhớ:
“Sông Mã xa rồi Tây Tiến ơi
Nhớ về rừng núi nhớ chơi vơi”.
Ta bắt gặp ở câu thơ này một cảm giác trống vắng, nuối tiếc, lửng lơ không định hình, định vị. Đó là cảm giác của một người đang nhớ về quá khứ đã qua, đã tuột khỏi tay mình, để rồi bật lên trong dòng hoài niệm hai từ “xa rồi” đầy lưu luyến. Trong dòng hoài niệm ấy đã xuất hiện một cái tên lịch sử: Tây Tiến, và gắn liền với nó là dòng sông Mã hùng vĩ. Giờ đây sông Mã đã xa rồi, đoàn quân Tây Tiến giờ đây cũng đã không còn, nỗi nhớ về dòng sông ấy được tác giả gọi là “nhớ chơi vơi”. Sau hai tiếng chơi vơi ấy, những ấn tượng sâu đậm về núi rừng miền Tây Bắc đã hiện ra, nó thật dữ dội và khắc nghiệt làm sao: Núi cao, dốc thẳm, thác gầm, cọp trêu và những cơn mưa mịt mù trời đất.
“Sài Khao sương lấp đoàn quân mỏi
Mường Lát hoa về trong đêm hơi
Dốc lên khúc khuỷu, dốc thăm thẳm
Heo hút cồn mây súng ngửi trời
Ngàn thước lên cao, ngàn thước xuống
Nhà ai Pha Luông, mưa xa khơi”
Để chứng minh cho ý kiến thi trung hữu họa, đoạn thơ trên của Quang Dũng là một điển hình. Chỉ với mấy câu thơ, Quang Dũng đã vẽ ra một bức tranh hùng vĩ, diễn tả núi rừng Tây Bắc hoang vu và heo hút, hiểm trở và dữ dội. Với hàng loạt các địa danh xa lạ, dàn trải trên suốt chặng đường hành quân của người lính như: Sài Khao, Mường Lát, Pha Luông… thông qua phép liệt kê, đã gợi lên những vùng đất rất xa xôi, đầy bí hiểm mà đoàn quân Tây Tiến phải chinh phục.
Ở đoạn thơ này, sự hiểm trở của núi rừng TB không chỉ được thể hiện ở từ ngữ mà còn ở âm điệu của câu thơ. Âm điệu dựng thành những con dốc: khúc khuỷu, thăm thẳm, cao, xuống… cứ hun hút đến ghê người:
“Dốc lên khúc khuỷu dốc thăm thẳm”
Hàng loạt từ ngữ giàu tính tạo hình “khúc khuỷu”, “thăm thẳm” đã diễn tả sự trùng điệp, hiểm trở trên đường hành quân. Và với nhịp thơ 2/2/3 cùng năm thanh trắc trong một câu thơ bảy chữ gợi lên trước mắt người đọc hình ảnh một con đường đi đầy khó khăn hơn nữa với dốc tiếp dốc, chông gai nối tiếp chông gai.
“Ngàn thước lên cao, ngàn thước xuống”, câu thơ với dấu phẩy ở giữa như bẻ đôi câu thơ, diễn tả nó vun vút lên và đổ xuống gần như thẳng đứng, nhìn lên- cao chót vót, nhìn xuống- sâu thăm thẳm. Đoạn thơ của QD sử dụng hàng loạt những thanh trắc liên tiếp nhau, đọc lên nghe vất vả, nhọc nhằn. Sau hàng loạt hững câu thơ gân guốc, khỏe khoắn ấy, tác giả đã hạ một câu thơ lơ lửng những vần bằng:
“Nhà ai Pha Luông mưa xa khơi”
Câu thơ như tiếng thở phào nhẹ nhỏm của người lính sau khi vượt qua bao đèo cao, suối sâu, tạm dừng chân bên một dốc núi, phóng tầm mắt ngang ra xa, qua một khoảng không gian mịt mù sương rừng, mưa núi, thấy thấp thoáng những ngôi nhà như đang bồng bềnh trôi giữa biển khơi, trong một đêm hơi mơ hồ, huyền ảo, gợi một niềm đầm ấm, than mật trong lòng người.
Miền Tây ngày ấy là nơi ngự trị của những vẻ âm u, hoang dã, là những thử thách ghê gớm đặt ra cho con người. Nó không chỉ được mở theo chiều không gian mà còn được khám phá ở cái chiều thời gian, những đe dọa khủng khiếp luôn luôn rình rập con người:
“Chiều chiều oai linh thác gầm thét
Đêm đêm mường hịch cọp trêu người”
Nói cái khắc nghiệt của núi rừng là cũng để làm nhớ về sự hào hùng của người chiến sĩ Tây Tiến. Tây Tiến là cuộc hành quân vô cùng gian khổ, gian khổ với biết bao nguy nan, gian khổ với sự đe dọa của thiên nhiên mà người lính phải trân mình ra chịu đựng. Phải chăng những chặng đường hành quân khắc nghiệt đó đã làm chùn lại bước chân quả cảm của chàng thanh niên Hà Nội ngày nào, để Quang Dũng phải tiếc nuối mà nói rằng:
“Anh bạn dãi dầu không bước nữa
Gục lên súng mũ bỏ quên đời”
Hai câu thơ của QD dẫu có buồn vì nói đến sự hy sinh mất mát nhưng vẫn không bi đát ở thái độ của người hy sinh. Người chiến sĩ đã vượt lên mình dẫu không chế ngự được khó khăn, nhưng họ cũng không chịu khuất phục. họ bỏ cả tuổi xuân quý giá của mình, nhưng là vì tổ quốc nên nhẹ nhàng như bỏ quên một thứ rất đỗi bình thường. Thái độ sống ấy của người lính Tây Tiến cứ sáng lên rạng rỡ, rạng rỡ trong không gian, rạng rỡ trong thời gian và rạng rỡ trong lòng người, rạng rỡ để mà bất diệt. Đoạn thơ kết thúc đột ngột bằng kỷ niệm ấm áp của một TT khác:
“Nhớ ôi Tây Tiến cơm lên khói
Mai Châu mùa em thơm nếp xôi”
Sau khi vượt qua bao rừng sâu, núi cao hun hút, người lính đã đến được bản làng có những khói bếp, vườn tược với cô gái Mai Châu trao tặng nắm xôi còn thơm mùi nếp mới.
Trong đoạn thơ, có một hình ảnh rất sáng tạo, rất tạo bạo và tinh nghịch của những người chiến sĩ. Người lính trèo lên những ngon núi cao như đang đi trên mây, mũi súng chạm đến đỉnh trời. Quang Dũng đã khắc họa rất thành công tượng đài sừng sững về người chiến sĩ đứng hiên ngang giữa bầu trời quê hương. Hình ảnh “súng ngửi trời” là một thi ảnh rất đẹp, táo bạo, hóm hỉnh, tinh nghịch, mang đậm chất lính, khiến người lính Tây Tiến trước thiên nhiên khắc nghiệt không bị chìm đi mà lại nổi lên đầy thách thức.
Đoạn thơ mở đầu với 14 câu thơ nhưng đã khắc họa được cảnh sắc thiên nhiên vùng Tây Bắc hoang sơ hùng vĩ nhưng cũng thơ mộng, trữ tình, tuy nhiên, thiên nhiên chỉ là cái nền để những người lính khắc họa lên trên đó. Đó là nỗi nhớ, là tình cảm sâu nặng của Quang Dũng gắn bó với Tây Bắc một thời hoa lửa. Tất cả đóng đinh thành một ấn tượng khá độc đáo trong lòng người đọc về cảnh núi rừng Tây Bắc và hình ảnh của người chiến sĩ quyết hiến mình cho tổ quốc, cho non sông.
Cảm hứng lãng mạn và sắc thái bi tráng tạo nên tính sử thi đặc biệt của bài thơ. Từ bức chân dung người lính Tây Tiến hào hoa và dũng cảm trên cái nền hùng vĩ và mĩ lệ của núi rừng Tây Bắc, Quang Dũng hướng hồn thơ ngưỡng vọng vào cả một thế hệ anh hùng.