Quang Dũng là nhà thơ trưởng thành trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp. Với hồn thơ hào hoa và lãng mạn, nhà thơ đã khắc họa nên hình ảnh người chiến sĩ Tây Tiến, trong bài thơ cùng tên, không chỉ mang đậm chất hào hoa, lãng mạn mà hơn hết đó là vẻ đẹp bi tráng của những tượng đài bất tử.
Bi tráng chính là nỗi buồn, là hiện thực khốc liệt của chiến tranh, là những hy sinh, mất mát, đau thương. Nhưng bi chứ không lụy, nỗi buồn ấy không làm lụi tàn ý chí và niềm tin mà ngược lại, nỗi buồn ấy đã hóa thành sức mạnh, thành ý chiến đấu kiên cường. Đây cũng chính là giọng điệu chủ đạo mà Quan Dũng sử dụng trong bài thơ Tây Tiến.
Nhớ về Tây Tiến là nhớ về rừng, về núi. Quang Dũng đã vẽ nên bức tranh thiên nhiên núi rừng Tây Bắc vừa thơ mộng trữ tình, lại vừa hoang sơ hùng vĩ. Đó là những địa danh xa lạ, những cung đường “khúc khuỷu”, quanh co, những vực cao sâu “nghìn thước”, tất cả như muốn thách thức, cản trở bước chân chinh phục của những chàng trai Hà thành:
“Dốc lên khúc khuỷu, dốc thăm thẳm
Heo hút cồn mây súng ngửi trời
Nghìn thước lên cao, nghìn thước xuống
Nhà ai Pha Luông mưa xa khơi”
Không chỉ vậy, núi rừng Tây Bắc ngày ấy là nơi ngự trị của biết bao hiểm nguy rình rập người lính:
“Chiều chiều oai linh thác gầm thét
Đêm đêm Mường Hịch cọp trêu người”
Đối diện với những khó khăn, vất vả, người lính chỉ biết trân mình chịu đựng để bước tiếp cuộc hành trình. Cách ngắt nhịp dồn dập, những từ láy toàn phần, những âm điệu trúc trắc như càng khắc sâu hơn những chặng đường nguy hiểm. Trên cái nền thiên nhiên ấy, hình tượng con người hiện ra với dáng vẻ hiên ngang cùng với ý chí kiên cường mà không trở ngại nào có thể làm cho tàn lụi. Thế nhưng, hình ảnh đầu tiên về người chiến sĩ trong bài thơ này cũng chính là hình ảnh xót xa, đầy cảm động:
“Anh bạn dãi dầu không bước nữa
Gục lên súng mũ bỏ quên đời”
Có lẽ những khó khăn và vất vả trên chặng đường đã vắt kiệt sức lực của chàng trai trẻ. Tác giả rất tinh tế khi sử dụng từ láy “dãi dầu” để nói về những khó khăn, chịu đừng mà người lính Tây Tiến phải trải qua, để đến lúc mỏi mệt, họ mỏi gối, chùn chân. “không bước nữa”, khép lại hành trình thực hiện nghĩa vụ lớn lao của cuộc đời. Nói về sự hy sinh, nhưng tác giả không hề dùng bất cứ từ ngữ nào để nói về mất mát, chia lìa, chỉ với cụm từ “bỏ quên đời” để gợi nhớ với một niềm tự hào to lớn. Người lính hy sinh nhưng đầu vẫn đội mũ, vẫn giữ chặt cây súng trong tay. Họ ra đi, nhưng vẫn không quên nhiệm vụ, không quên lý tưởng của mình.
Nhưng sự hy sinh của người chiến sĩ ấy chỉ là một trong những sự hy sinh của những đồng chí, đồng đội nơi chiến tuyến. Đi dọc suốt bài thơ, sự hy sinh và chia lìa dù không trực tiếp nhưng cũng thể hiện ở khắp mọi nơi, đặc biệt là ở khổ thơ thứ ba, với câu thơ:
“Rải rác biên cương mồ viễn xứ”
“Rải rác” là từ láy, để nói lên mức độ bao phủ của một thứ gì đó mà trong câu thơ này đã định danh đó là “mồ viễn xứ”. Trong câu thơ này, “rải rác” không hề chỉ sự thưa thớt, xa vắng mà nó lại gợi lên mật độ nhiều và không thể nào định lượng được những nắm mồ gửi lại giữa chặng đường của kẻ lữ hành dang dở. Những từ ngữ Hán – Việt như “biên cương”, “viễn xứ” làm câu thơ thở nên trang trọng và linh thiêng như chính tâm hồn và ý chí của những chàng trai trẻ bởi tất cả họ cùng cất lên một ý chí chiến đấu kiên cường:
“Chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh”
Họ “chẳng tiếc đời xanh” vì một lẽ hiển nhiên mà bất cứ người trai nào trong thời kỳ này đều phải thực hiện: “quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”. Họ đi theo tiếng gọi của Tổ quốc, của non sông, đi theo lời kêu gọi toàn dân kháng chiến của Bác Hồ và đi theo tiếng gọi của chính trái tim mình:
“Ôi Tổ quốc ta yêu như máu thịt
Như mẹ, như cha, như vợ như chồng
Ôi Tổ quốc nếu cần ta sẽ chết
Cho mỗi ngôi nhà, ngọn núi, con sông”
Họ sẵn sàng bỏ lại ước mơ, bỏ lại mái trường, bỏ lại những tình cảm thân thương, lên đường bảo vệ quê hương được trọn vẹn:
“Mẹ thà coi như chiếc lá bay
Chị thà coi như là hạt bụi
Em thà coi như hương rượu say”
Vì vậy, họ chẳng tiếc đời xanh, chẳng tiếc tuổi trẻ bởi họ đã sống đúng với lý tưởng và hoài bão ước mơ. Đây chính là một biểu hiện hùng hồn cho tinh thần bi tráng của bài thơ. Con người ta vượt lên tất cả những tình cảm tủn mủn, nhỏ nhặt đế sống vì cái lớn lao, sống vì lý tưởng cao đẹp.
Bài thơ đã nhiều lần nói về cái chết, nhưng cái chết nào cũng đẹp, cái chết nào cũng hiên ngang, cái chết nào cũng tạc nên “dáng đứng Việt Nam” bất diệt, dẫu tiễn đưa họ không phải là cờ hoa, biểu ngữ, cũng không phải là những tiếng đại bác đưa tiễn vong linh hay những bài điếu văn ca ngợi chiến công lừng lẫy, họ ra đi rất âm thầm trong vòng tay đồng đội, với chiếc áo nâu sòng của người bạn gửi vội thay cho manh chiếu không thể tìm được giữa rừng, cùng với đó là sự xót xa của thiên nhiên tiễn biệt người bạn đồng hành suốt chặng đường ngược dòng sông Mã:
“Áo bào thay chiếu anh về đất
Sông Mã gầm lên khúc độc hành”
Ở đây, chất bi tráng được thể hiện rõ ràng nhất, với sự trang trọng bao hàm nỗi xót xa. Cả thiên nhiên, núi rừng cùng cất lên khúc hát tiễn đưa, như giai điệu trầm hùng của khúc ca “Hồn tử sĩ”. Vẻ đẹp bi tráng hiển hiện trong từng câu thơ, trong từng hình ảnh nhưng chỉ khi dừng lại ở bức chân dung người lính, tinh thần ấy, vẻ đẹp ấy mới được bộc lộ một cách rõ ràng và cụ thể.
Bằng tài năng nghệ thuật của mình, Quang Dũng đã phác họa Tây Tiến với những đường nét, hình khối, màu sắc trong tâm tưởng, đó là những ký ức không bao giờ phai nhạt, đôi khi, những ký ức ấy lại còn được đệm thanh âm, giai điệu để trở nên xót xa như chính tâm hồn của tác giả khi nhớ lại thời kỳ chiến đấu kiêu hùng trên mặt trận phía Tây. Có thể nói, Quang Dũng đã tạc nên một tượng đài bất tử về hình ảnh người lính trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp, đó là tượng đài tập thể gân guốc, oai phong, nghiêm trang và đẹp một cái kiêu hùng.
Chiến tranh là có mất mát, hy sinh. Đã có biết bao tác phẩm nói lên điều đó. Nhưng nét riêng của Quang Dũng chính là thể hiện sự hy sinh ấy một cách hào hùng. Cả bài thơ nói về cái chết, nói về sự hy sinh, nhưng không hề xuất hiện hai từ ngữ ấy trực tiếp. Đó chính là cái hay, là cái mạnh mẽ và kiên cường. Để rồi một tượng đài liệt sĩ được dựng lên trên thực tại khắc nghiệt bằng cái mạnh mẽ và kiên cường ấy, tạo nên vẻ đẹp bi tráng bất tử trong văn học Việt Nam.