Soạn bài tấm cám
I. Gợi ý trả lời câu hỏi
Câu 1. Phân tích diễn biến của truyện để thấy mâu thuẫn giữa Tấm và mẹ con Cám đã diễn ra như thế nào (lưu ý các đoạn về cái yếm đỏ, con bống, thử giày, cái chết của Tấm, chim vàng anh, chiếc khung cửi).
Mâu thuẫn giữa Tấm và mẹ con Cám diễn ra từ đầu đến cuối truyện. Ban đầu, đó là mâu thuẫn giữa mẹ ghẻ và con chồng. Mẹ con Cám ghét Tấm, cay nghiệt với Tấm vì Tấm là con riêng của chồng. Họ muốn chiếm hết cả những gì thuộc về Tấm, cả tinh thần lẫn vật chất. Chi tiết “cái yếm đỏ’’ là sự bốc lột về vật chất, “con cá bống’’ là người bạn tâm tình của Tấm (tinh thần) cũng bị mẹ con Cám đoạt lấy. Và việc mẹ con Cám trộn thóc với gạo bắt Tấm nhặt để khỏi đi chơi hội, cũng là tước đi quyền vui chơi của Tấm. Tuy nhiên các xung đột trên cũng chỉ đang ở phạm vi gia đình, chưa đến mức gay gắt một mất một còn. Đến lúc Tấm trở thành vợ vua, mâu thuẫn giữa Tấm và mẹ con Cám phát triển ở mức cao hơn, vượt ra khỏi phạm vi gia đình. Đó là mâu thuẫn mang tính quan hệ xã hội, Mẹ con Cám từ sự ghét bỏ Tấm đã chuyển sang hành động loại bỏ, muốn tiêu diệt Tấm tới cùng.
Còn Tấm, ban đầu ở mức độ mâu thuẫn gia đình, Tấm chỉ nhẫn nhịn hoặc phản ứng yếu ớt. Đến khi xung đột đến mức gay gắt, bị mẹ con dì hãm hại, Tấm đã có sự phản ứng mạnh mẽ và cuối cùng đã hành động quyết liệt.
Câu 2. Phân tích từng hình thức biến hóa của Tấm. Quá trình biến hóa của Tấm nói lên ý nghĩa gì ?
Quá trình biến hóa của Tấm có thể tóm tắt như sau :
Tấm (trèo cau chết) ….. chim vàng anh ….. cây xoan đào ….. khung cửi …. Quả thị …… Tấm hóa lại kiếp người (xinh đẹp hơn xưa).
Trước sự tàn độc của mẹ con Cám, Tấm đã chết, nhưng trong quan niệm dân gian chết không phải là chấm dứt tất cả. Những người chết oan ức có thể đấu tranh ngay khi đã chết. Cũng vì quan niệm ấy mà Tấm đã được dân gian cho hóa thân 4 lần. Sự hóa thân nhiều lần của Tấm thể hiện sức sống mãnh liệt, không có thế lực thù địch nào tiêu diệt được.
Trong sự hóa thân của Tấm ta thấy có sự ảnh hưởng của thuyết luân hồi và thuyết nhân quả của đạo Phật. Vì Tấm là người tốt nên được tái sinh thành người và được hưởng hạnh phúc. Tuy nhiên, tư tưởng này đã được nhân dân cải tiến, mang tính thực tiễn hơn. Tấm đã tìm được hạnh phúc nay trong cuộc đời này chứ không phải ở một thế giới nào khác.
Câu 3. Anh (chị) suy nghĩ như thế nào về hành động trả thù của Tấm đối với Cám ?
Như đã nói ở trên, mâu thuẫn giữa Tấm và Cám là mâu thuẫn gay gắt, một mất một còn, không thể hóa giải được. Mẹ con Cám hết lần này đến lần khác hại Tấm, quyết tâm tiêu diệt Tấm đến cùng. Do đó, Tấm chỉ có hai sự lựa chọn, hoặc là Tấm sống (thì Cám phải chết), hoặc là Tấm chết. Bởi thế, hành động Tấm giết Cám không phải chỉ là vấn đề trả thù mà còn là vấn đề sinh tồn. Để bảo vệ tính mạng va hạnh phúc của mình, Tấm chỉ có một chọn lựa duy nhất là phải giết Cám. Hành động trả thù của Tấm thể hiện quan điểm của nhân dân : “ác giả ác báo’’.
Câu 4. Bản chất của mâu thuẫn và xung đột trong truyện (Tấm và mẹ con Cám đại diện cho các lực lượng đối lập nào, trong gia đình hay ngoài xã hội ?).
- Mâu thuẫn và xung đột trong gia đình phụ quyền thời cổ (dì ghẻ > < con chồng)
- Mâu thuẫn giữa thiện và ác.