A. KIẾN THỨC CƠ BẢN
I. TÁC GIẢ
1. Tiểu sử cuộc đời
- Chế Lan Viên (1920 – 1989), tên khai sinh là Phan Ngọc Hoan, quê ở huyện Cam Lộ, tỉnh Quảng Trị. Thuở nhỏ, ông sống chủ yếu ở Bình Định.
- Sau khi tốt nghiệp trung học, ông đi dạy học và làm báo ở Sài Gòn và các tỉnh miền Trung. Ông bắt đầu làm thơ từ rất sớm (lúc 12, 13 tuổi). Năm lên 17, ông xuất bản tập thơ đầu tay là Điêu tàn với bút danh là Chế Lan Viên.
- Cách mạng tháng Tám bùng nổ, ông tham gia cướp chính quyền ở Quy Nhơn. Sau năm 1954, ông về sống ở thủ đô và tiếp tục các hoạt động văn nghệ và sáng tác. Sau năm 1975, ông chuyển vào sống ở Thành phố Hồ Chí Minh và mất tại đó năm 1989.
- Năm 1996, Chế Lan Viên được tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật.
2. Sự nghiệp văn học
Chế Lan Viên có nhiều tác phẩm nổi tiếng ở hai loại hình thơ và tiểu luận phê bình.
- Các tập thơ: Điêu tàn (1937), Ánh sáng và phù sa (1960), Hoa ngày thường, chim bảo bão (1967), Hoa trước lăng Người (1976), Di cảo thơ (3 tập 1992, 1993, 1996),...
- Các tập tiểu luận phê bình: Phê bình văn học (1962), Suy nghĩ và bình luận (1971), Từ gác Khuê Văn đến quán Trung Tân (1981),...
3. Phong cách nghệ thuật
- Trước Cách mạng tháng Tám, thơ Chế Lan Viên mang phong cách thần bí, có chút bế tắc của một thời điêu tàn. Hình ảnh tháp Chàm điêu tàn là nguồn cảm hứng lớn của ông giai đoạn này. Qua đó, ta thấy hình ảnh của một vương quốc hùng mạnh thời vàng son cùng với nỗi niềm hoài cổ của tác giả.
- Sau Cách mạng, thơ Chế Lan Viên đã tìm đến với đất nước với cuộc sống của nhân dân và với ánh sáng của cách mạng. Nhất là từ 1960 – 1975, thơ ông vươn nhiều tới khuynh hướng sử thi, chất chính luận, thời sự đậm đà.
- Từ sau 1975, thơ Chế Lan Viên dần về với đời sống thế sự và những trăn trở của cái tôi trong sự suy tư phức tạp, phong phú về cuộc sống.
- Nổi bật và xuyên suốt trong những sáng tác của Chế Lan Viên là chất suy tưởng triết lí mang vẻ đẹp của trí tuệ và sự đa dạng của hình ảnh thơ.
II. TÁC PHẨM TIẾNG HÁT CON TÀU
1. Hoàn cảnh ra đời
Tiếng hát con tàu được gợi cảm hứng từ sự kiện kinh tế - xã hội đương thời. Đó là vào những năm 1958 – 1960, miền Bắc tổ chức cuộc vận động nhân dân miền xuôi đi xây dựng vùng kinh tế mới Tây Bắc. Tuy nhiên, bài thơ về cơ bản là khúc hát về lòng biết ơn, về tình yêu và sự gắn bó với dân, với nước của một hồn thơ đã tìm thấy ngọn nguồn nuôi dưỡng và chân trời nghệ thuật mới của mình.
2. Những giá trị nội dung, nghệ thuật
a. Nội dung
* Ý nghĩa nhan đề và lời đề từ
- Ở thời điểm bài thơ ra đời, thực sự chưa có một đường tàu nào lên Tây Bắc. Cho nên, có thể hiểu nhan đề Tiếng hát con tàu là một nhan đề mang ý nghĩa biểu tượng. Con tàu ở đây có thể hiểu là biểu tượng cho khát vọng đi xa, vươn tới những vùng đất xa xôi, với nhân dân đất nước.
- Con tàu cũng là tâm hồn của tác giả với những ước vọng tìm về ngọn nguồn sáng tạo nghệ thuật đích thực của mình.
Địa danh Tây Bắc vì thế vừa mang ý nghĩa thực cũng vừa mang ý nghĩa biểu tượng. Tây Bắc ở đây còn là Tổ quốc, là nhân dân, là ngọn nguồn của sáng tạo nghệ thuật. Bốn câu đề từ của bài thơ như vừa thâu tóm nội dung toàn bài vừa giải thích những điều nêu trên (Tây Bắc ư? Có riêng gì Tây Bắc Khi lòng ta đã hoá những con tàu Khi Tổ quốc bốn bề lên tiếng hát/ Tâm hồn ta là Tây Bắc chứ còn đâu).
* Nội dung các đoạn thơ
- Đoạn một (khổ 1 và 2) - lời thúc giục lên đường:
+ Những dòng thơ mở đầu thể hiện những băn khoăn trăn trở, nhà thơ như vừa nói với mọi người cũng vừa nói với chính bản thân mình. Với dạng câu hỏi liên tiếp, hỏi để kêu gọi, vì thế nó có sức lay động rất mạnh:
Bạn bè đi xa anh giữ trời Hà Nội
Anh có nghe gió ngàn đang rú gọi
Tàu gọi anh đi, sao chửa ra đi?
+ Như một sự khẳng định mạnh mẽ, làm sao có được thơ, có được nghệ thuật nếu tâm hồn đóng khép. Vì thế, anh không thể nào ở lại được. Đó là mối quan hệ giữa nghệ thuật và cuộc sống:
Chẳng có thơ đâu giữa lòng đóng thép
Tâm hồn anh chờ gặp anh trên kia.
- Đoạn thứ hai (chín khổ tiếp theo) – lên Tây Bắc chính là sự trở về với chính mình, với nhân dân, với kháng chiến:
+ Được trở về với nhân dân là hạnh phúc, niềm vui tột cùng. Với Chế Lan Viên, về với nhân dân còn là một lẽ tự nhiên phù hợp với quy luật. Về với nhân dân là về với ngọn nguồn bất tận, thiêng liêng của sự sáng tạo nghệ thuật. Nhà thơ diễn tả bằng những hình ảnh so sánh giàu sức gợi:
Con gặp lại nhân dân như nai về suối cũ
Cỏ đón giêng hai, chim én gặp mùa
Như đứa trẻ thơ đói lòng gặp sữa
Chiếc nôi ngừng bỗng gặp cánh tay đưa.
+ Về với nhân dân cũng là về với những gì đã gắn bó đau đáu nhất đối với đời sống của mỗi con người. Đó là về với những người thân yêu nhất, với người anh du kích, người em liên lạc. Đặc biệt là về với mẹ thân yêu trong những ngày đầy ắp kỉ niệm:
Con nhớ mế! Lửa hồng soi tóc bạc
Năm con đau, mế thức một mùa dài
Con với mế không phải hòn máu cắt
Nhưng trọn đời con nhớ mãi ơn nuôi.
+ Tâm sự ấy của nhà thơ cũng là tâm sự của bao người lính. Nghĩa tình của người mẹ cũng là nghĩa tình dành cho tất cả. Nhà thơ như hoà mình vào những chiến sĩ, vào những người mẹ và vào nhân dân để nói lên tất cả.
+ Tiếng hát con tàu tiếp tục thúc giục đưa người đọc về với người em gái nhỏ, với mối tình buổi đầu yêu nhau thật lãng mạn. Rồi khi chia tay: “Khi ta ở, chỉ là nơi đất ở. Khi ta đi, đất đã hoả tâm hồn”. Tình yêu là cội nguồn của những sáng tạo nghệ thuật, của những đổi thay mới mẻ. Tình yêu còn là sự sống, là những điều kì diệu có sức mạnh phi thường. Tình yêu thật đẹp đẽ, Tình yêu làm đất lạ hoá quê hương...
- Đoạn cuối (bốn khổ cuối) – khúc hát lên đường:
+ Mở đầu bài thơ là lời thúc giục. Cuối bài thơ là hành động, con tàu đã lên đường. Lòng người cũng đã lên đường với những niềm vui của thắng lợi, của mái ngói đỏ trăm ga, của mùa lúa bội thu chín rì rào,.. không như những băn khoăn ban đầu. Giờ đây, lòng người đã tự nguyện lên đường (Đất nước gọi ta hay lòng ta gọi). Và trong giây phút hạnh phúc ấy, nhà thơ như hồi tưởng lại những ngày gian lao xưa: “Nhựa nóng mười năm nhân dân máu đổ / Tây Bắc ơi, người là mẹ của hồn thơ / Mười năm chiến tranh vàng ta đau trong lửa/ Nay trở về, ta lấy lại càng ta”.
+ Nhịp thơ khoẻ khoắn, vui tươi, dồn dập như khúc ca hối hả lên đường hoà cùng nhịp đoàn tàu dang lăn bánh. Đã đến với cuộc sống mới để dựng xây, tái hợp trong tình người ngây ngất, nhà thơ cũng ngất ngây trong khung cảnh ấm áp ấy:
Lòng ta cũng như tàu, ta cũng uống
Mặt hồng em trong suối lớn mùa xuân.
b. Nghệ thuật
Tiếng hát con tàu đậm chất triết lí, nhờ thế bài thơ chứa đựng một chiều sâu tư tưởng. Tuy nhiên, triết lí nhưng không khí, bài thơ rất giàu hình ảnh, nhạc điệu và rất mới mẻ về lớp ngôn từ. Bài thơ rất tiêu biểu cho phong cách thơ Chế Lan Viên.
3. Chủ đề
Tiếng hát con tàu là khúc ca tổng kết lại chặng đường thơ đồng thời mở ra một chặng đường mới cho thơ Chế Lan Viên. Đó là khúc reo vui, say đắm của người nghệ sĩ khi về với nhân dân, cũng như tìm được ngọn nguồn của sự sáng tạo nghệ thuật cho bản thân.
B. BÀI TẬP VẬN DỤNG
I. ĐỀ BÀI
1. Đề số 1
Phân tích đoạn thơ sau trong bài Tiếng hát con tàu của Chế Lan Viên:
Con gặp lại nhân dân như nai về suối cũ
Cỏ đón giêng hai, chim én gặp mùa,
Như đứa trẻ thơ đói lòng gặp sữa
Chiếc nôi ngừng bỗng gặp cánh tay đưa.
2. Đề số 2
Phân tích cảm xúc của Chế Lan Viên trên hành trình về với nhân dân được thể hiện trong Tiếng hát con tàu.
3. Đề số 3
Nêu cảm nhận về đoạn thơ sau trong Tiếng hát con tàu của Chế Lan Viên:
Anh bỗng nhớ em như đông về nhở rét
Tình yêu ta như cánh kiến hoa vàng
Như xuân đến chim rừng lông trở biếc
Tình yêu làm đất lạ hoá quê hương?
4. Đề số 4
Phân tích đoạn thơ sau trong Tiếng hát con tàu của Chế Lan Viên:
Đất nước gọi ta hay lòng ta gọi?
Tình em đang mong tình mẹ đang chờ,
Tàu hãy gỗ giùm ta đôi cánh vội
Mắt ta thèm mái ngói đỏ trăm ga.
Mắt ta nhớ mặt người, tai ta nhớ tiếng
Mùa nhân dân giăng lúa chín rì rào
Rẽ người mà đi mịn tay mà đến
Mặt đất nồng nhựa nóng của cần lao...
5. Đề số 5
Phân tích đoạn thơ sau trong Tiếng hát con tàu của Chế Lan Viên để làm nổi rõ những tình cảm sâu nặng của nhà thơ đối với nhân dân:
Con gặp lại nhân dân như nai về suối cũ
Khi ta đi, đất đã hoá tâm hồn !
6. Đề số 6
Phân tích đoạn thơ sau trong Tiếng hát con tàu của Chế Lan Viên:
Nhớ bản sương giăng, nhớ đèo mây phủ
Nơi nào qua, lòng lại chẳng yêu thương?
Khi ta ở, chỉ là nơi đất ở
Khi ta đi, đất đã hoá tâm hồn !
Anh bỗng nhớ em như đông về nhớ rét
Tình yêu ta như cánh kiến hoa vàng
Như xuân đến chim rừng lông trở biếc
Tình yêu làm đất lạ hoá quê hương.
II. GỢI Ý BÀI LÀM
1. Đề số 1
Bài viết cần nêu được những nội dung sau:
- Hoàn cảnh ra đời của bài thơ, vị trí đoạn trích.
- Đoạn thơ (và bài thơ) là một trong những vần thơ thể hiện sự chuyển biến tư tưởng của nhà thơ từ trước Cách mạng đến sau Cách mạng.
- Đoạn thơ gợi lên khát vọng cũng như niềm hạnh phúc được trở về với nhân dân, với Tổ quốc.
- Nhân dân khơi nguồn cho cảm hứng sáng tạo nghệ thuật. Nhân dân có thể làm hồi sinh những hồn thơ bế tắc, cằn cỗi. Hành động về với nhân dân vừa rất tự nhiên, vừa rất hợp với quy luật, lại rất kịp thời.
- Nghệ thuật: giọng điệu chân thành, tha thiết, hình ảnh thơ vừa gần gũi vừa mới lạ, có chọn lọc; giàu chất triết lí nhưng không hề khô khan.
2. Đề số 2
Bài viết cần nêu được những nội dung sau:
- Trước Cách mạng, thơ Chế Lan Viên mang âm hưởng chán nản, bị quan đối với cuộc đời. Sau Cách mạng, hồn thơ của Chế Lan Viên được hồi sinh. Ông luôn xác định đúng vai trò của nhân dân và tỏ ra luôn tri ân sâu sắc đối với nhân dân, đối với cuộc đời mới do Cách mạng mang đến.
- Nhà thơ đã phân thân để tự đối thoại, qua đó nhà thơ đã bộc lộ được cảm xúc ân nghĩa, phấn chấn, say mê khi gặp được nhân dân như gặp được ngọn nguồn của sự sáng tạo nghệ thuật. Cuộc đối thoại không chỉ xảy ra trong phạm vi cá nhân nhà thơ mà còn xảy ra trong cả cuộc sống của đại chúng
- Đặc biệt, những ân nghĩa của nhà thơ luôn gắn với món nợ “mười năm” kháng chiến để lại, với tình của “mê”, với “người anh du kích”, với “thằng em liên lạc”,..
- Cảm xúc ân nghĩa không tách rời nỗi phấn chấn hồ hởi và ca ngợi cuộc sống mới, cuộc sống do nhân dân mang lại bằng sự đánh đổi xương máu của mình.
- Cảm xúc ân nghĩa, hồ hởi, phấn chấn thể hiện qua nội dung trữ tình lẫn hình thức trữ tình. Biểu tượng con tàu như nói lên được nhịp điệu trong tâm hồn của nhà thơ trên hành trình về với nhân dân.
3. Đề số 3
Bài viết cần nêu được những nội dung sau:
- Vài nét khái quát về bài thơ và đoạn trích.
- Tình cảm với Tây Bắc, với nhân dân đất nước được hình tượng hoá thành tình yêu của anh và em.
- Sự sáng tạo hình ảnh bằng những so sánh bất ngờ mới lạ:
- Khả năng phát hiện chân lí của đời sống, quy luật của tình cảm.
- Tính chất triết lí.
4. Đề số 4
Bài viết cần nêu được những nội dung sau:
- Vài nét khái quát về bài thơ và đoạn trích.
- Khúc hát lên đường sôi nổi, tin tưởng và say mê.
- Tiếng gọi của nhân dân, của Tổ quốc và của cuộc sống mới. Tất cả thúc giục chính lòng nhà thơ, tất cả thành niềm mong ước cháy bỏng của nhà thơ.
- Niềm khát vọng ấy đã đưa nhà thơ tìm về với ngọn nguồn của sự sáng tạo nghệ thuật.
- Những gian lao trong “mười năm” kháng chiến xưa đã kết thành những mùa xuân đang mời gọi những hồn thơ về với Tây Bắc.
- Nghệ thuật: đoạn thơ giàu hình ảnh biểu tượng, ẩn dụ với những sáng tạo riêng mới mẻ, tạo được sự gợi cảm.
5. Đề số 5
Bài viết cần nêu được những nội dung sau:
- Khổ thơ đầu:
+ Lòng biết ơn sâu nặng và niềm hạnh phúc to lớn của cái tôi trữ tình từ thế giới nhỏ hẹp của cá nhân về với nhân dân.
+ Nhiều cặp hình ảnh giàu tính biểu tượng, giàu sắc thái ý nghĩa.
- Ba khổ thơ tiếp theo:
+ Nỗi nhớ da diết về những kỉ niệm với Tây Bắc và những niềm tri ân đối với cuộc sống mới nơi đây.
+ Nhiều hình ảnh chân thực, tạo ấn tượng mạnh. Thủ pháp đối lập nhuần nhị. Nhờ thế đoạn thơ tạo được lời thơ lay động xúc cảm với những hình ảnh sắc nét.
- Khổ thơ cuối:
+ Niềm nhớ thương đằm thắm, sâu nặng với những miền đất mình đã từng ghi dấu bước chân với những lời tâm tình nhớ thương, lời khẳng định, cùng những hình ảnh thân thương. Niềm nhớ thương đó cùng với sự suy tư của nhà thơ đã trở thành triết lí: những kỉ niệm với những miền đất mình từng đi qua trở thành tâm hồn của chính mình.
+ Khổ thơ tập trung dày đặc thủ pháp trùng điệp, lối suy tư mang triết lí, một trong những nét độc đáo trong phong cách Chế Lan Viên.
6. Đề số 6
Bài viết cần nêu được những nội dung sau:
- Vùng đất “đã hoá tâm hồn” - một sự phát hiện sâu sắc về quy luật của tình cảm, của đời sống con người:
+ Tây Bắc, xứ sở thiêng liêng rừng núi đã anh hùng, đã hiện lên qua cảm nhận của nhà thơ bằng hàng loạt những nỗi nhớ: “nhớ bản sương giăng, nhớ đèo mây phủ” và bỗng “nhớ em như đông về nhớ rét”. Những nỗi nhớ dài đã được nhà thơ đúc kết thành triết lí, quy luật tình cảm: “Khi ta ở, chỉ là nơi đất ở. Khi ta đi, đất đã hoá tâm hồn” và “Tình yêu làm đất lạ hoá quê hương”.
+ Bằng những cảm xúc, rung động của chính tâm hồn mình, sự trải nghiệm trong cuộc đời, nhà thơ rút ra một chân lí phổ quát của đời sống “Nhớ bản sương giăng, nhớ đèo mây phủ/ Nơi nào qua lòng lại chẳng yêu thương? Khi ta ở, chỉ là nơi đất ở/ Khi ta đi, đất đã hoá tâm hồn”. Đó là sự chuyển hoá từ trạng thái vô tri thành trạng thái cảm xúc. Những vần thơ này đã tạo một ấn tượng, kỉ niệm về miền đất xa xôi trong mây núi, sương khói, đồng thời có sức lay động mạnh trong tâm hồn mỗi con người. Tình yêu và đất lạ - một mối quan hệ khăng khít của tình yêu.
+ Từ sự cảm nhận về quy luật của tình cảm, quy luật của cuộc đời, mạch thơ đã chuyển sang một rung cảm, suy tưởng về tình yêu và đất lạ: Anh bỗng nhớ em như đông về nhớ rét ... Tình yêu làm đất lạ hoá quê hương”. Mọi vật, hiện tượng đều tồn tại trong mối quan hệ chằng chịt với hiện tượng khác như: “rét – mùa đông, mùa xuân - bộ lông trở biếc, của chim rừng”. Bản chất của tình yêu cũng vậy, tình yêu là sự khăng khít giữa hai tâm hồn. Đó là những cảm xúc cụ thể, có được từ những vốn xang rung động trong tâm hồn.
+ Cái quy luật của tình cảm ấy dường như mọi người đều có thể cảm nhận được. Nhà thơ như hiểu thấu mọi trái tim yêu nên đã thay lời cho tất cả: “Tình yêu làm đất lạ hoa quê hương”.