Hướng dẫn

– Việt Bắc là bài thơ nổi tiếng của Tố Hữu được sáng tác vào tháng 10 năm 1954, lúc cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của nhân dân ta đã kết thúc thắng lợi. Sau chín năm gắn bó với Việt Bắc, những người kháng chiến cùng các cơ quan Trung ương Đảng và Chính phủ về lại Thủ đô. Đây là sự kiện thời sự gợi ý cho Tố Hữu viết nên tác phẩm tràn đầy tình cảm lưu luyến, nhớ nhung này.

– Đoạn thơ, cũng như cả bài thơ rất tiêu biểu cho phong cách nghệ thuật thơ Tố Hữu. Qua đó, người đọc nhận thấy rất rõ rằng điều làm nên nội dung cơ bản của thơ Tố Hữu là những tình cảm cách mạng, những niềm xúc động trước các biến cố lớn lao của lịch sử đất nước. Tất cả được thể hiện bằng một hình thức nghệ thuật đậm đà tính dân tộc với giọng điệu ân nghĩa mà ở đó, những chuyện lớn lao của cộng đồng thường được thổ lộ bằng “ngôn ngữ của yêu thương”, dễ thấm sâu vào lòng người.

– Mười dòng đầu của đoạn thơ tập trung biểu hiện nỗi nhớ về cảnh và người Việt Bắc. Sau hai dòng đầu tiên có tính chất của một lời dẫn, đánh dấu giai đoạn phát triển mói của cảm xúc, tám dòng tiếp đó có kết cấu tương tự một bộ tranh tứ bình truyền thống về chủ đề xuân – hạ – thu – đông. Mỗi mùa được nói tới trong vừa đúng hai dòng: dòng trên khắc hoạ nét đặc thù của cảnh, dòng dưới miêu tả, gợi nhắc hoạt động của con người. Cảnh và người quyện hoà, quấn quýt, tạo nên bức tranh sáng tươi giàu ý vị lãng mạn. Nhìn chung, phẩm chất lạc quan cách mạng luôn được thể hiện trong thơ Tố Hữu. Do nhìn đối tượng bằng tình cảm mến thân, bằng sự yêu tin nên tất cả hiện lên thật đẹp, có thể đem tới cho người đọc những cảm xúc dịu dàng, bâng khuâng.

– Mười dòng sau của đoạn thơ tương tự như những trang sử biên niên, gợi nhớ về một thời gian lao cả Việt Bắc cùng những người kháng chiến đoàn kết đánh giặc. Việt Bắc hiện lên như một pháo đài bất khả xâm phạm, được xây đắp bằng sự đồng lòng, mà ở đó, từ “rừng cây núi đá” và sương mù “mênh mông bốn mặt’’ đến con người, tất cả đều có chung quyết tâm đánh bại kẻ thù. Với đoạn thơ này, thêm một lần, Tố Hữu thể hiện biệt tài thâu tóm không khí chân thực của các thời kì lịch sử khác nhau trong những câu thơ cô đọng mà giàu chất tạo hình. Trong bốn dòng cuối của đoạn thơ, hàng loạt địa danh được nhắc đến như Phủ Thông, đèo Giàng, sông Lô, phố Ràng, Cao – Lạng, Nhị Hà. Đó đều là những địa danh cách mạng gắn với những chiến công của quân dân ta. Điều này càng chứng tỏ tình cảm cách mạng, các vấn đề của cách mạng luôn làm thành nội dung lớn của thơ Tố Hữu.

– Thơ Tố Hữu có khả năng thuyết phục người đọc thật đặc biệt. Ông đã nói về những chuyện chung của cộng đồng bằng lời thơ thấm đẫm yêu thương, như lời của ta, mình bộc lộ tình cảm trong ca dao. Trong đoạn thơ, từ nhớ được nhắc tới 12 lần, nói rõ cái làm nên khí quyển của đoạn thơ, cũng như của cả bài thơ, là nỗi nhớ, là mạch tâm sự tràn trề. Bên cạnh đó, những từ về, em gái, ai,… cũng đã làm tăng thêm sắc thái gần gũi, tình tứ của những tình cảm được bộc lộ.

– Ngôn ngữ thơ Tố Hữu bình dị và đậm sắc thái truyền thống: có lúc điêu luyện, trau chuốt như lời thơ trong Truyện Kiều (đoạn miêu tả bốn mùa Việt Bắc), có lúc dân dã, mộc mạc như ca dao. Nhìn chung, ngôn ngữ ấy rất phù hợp với thẩm mĩ quen thuộc của dân tộc. Không phải ngẫu nhiên mà Việt Bắc đã một thời trở thành bài hát ru của bao bà mẹ và là món ăn tinh thần không thể thiếu của những con người yêu nước, yêu cách mạng.

Bài viết gợi ý: