BÀI LÀM
Cây vú sữa ba tôi trồng đầu hồi nhà thuở tôi còn là một đứa trẻ lên hai, nay đã qua ba mùa trái ngọt. Mùa nào cũng sai bông trĩu quả. Và bây giờ nó đang bước sang mùa thứ tư ở độ sung sức của tuổi trưởng thành.
Gốc cây to như cột nhà, rễ cắm sâu xuống đất tạo cho cây vú sữa một dáng đứng vững chãi. Từ mặt đất lên chừng một mét, thân cây chia thành hai nhánh lớn vươn thẳng lên cao ước chừng lên đến tầng một nhà em. Vòm lá xum xuê toả bóng mát cả một góc sân rộng, tạo thành một chỗ vui chơi đầy lí thú và hấp dẫn cho tụi nhỏ xóm tối. Mùa thứ tự này, nhìn cây vú sữa, tôi cảm tưởng như cây thấp xuống và xoè rộng ra hơn mọi năm. Các cành lớn, cành nhỏ lủng lăng những trái là trái, ước tính đến vài trăm. Trái nào trái nấy căng tròn như những trái cam đường bóng láng. Có những cành chỉ nhỉnh hơn hai ngón chân cái mà có đến bảy, tám trái chín mọng đeo từ trong ra ngoài làm cho cành cây cong vòng hơn cả gọng vó. Nhiều lúc gặp gió chướng thổi qua, tưởng như chúng bị gãy gập xuống. Nhưng vú sữa vẫn vượt qua tất cả, nó vốn dẻo dai, bền vững như tình người mẹ trong truyện cổ tích. Cây vú sữa nhà tôi là một cây vú sữa “lò rèn” đặc biệt, không những sai quả mà hương vị của nó còn vượt hơn hẳn giống vú sữa thường thấy ở các vườn cây khác trong vùng. Quả nhiều bao nhiêu, mẹ tôi cũng không bán. Mùa nào cũng vậy, khi vú sữa chín, ba tôi thường chọn một chục quả ngon nhất đặt lên bàn thờ tổ tiên, cúng đất đai nhà cửa và tưởng nhớ đến người mẹ “kì diệu” trong truyện cổ tích đã hoá thân thành loài cây vú sữa tuyệt vời này. Còn lại ba tôi dùng để biếu các bác, các cô, các chú thân quen trong hai cơ quan của bố mẹ và dành cho hai chị em bồi dưỡng hàng ngày.
Vú sữa đúng là một cây ăn trái không những quý hiếm mà còn mang một biểu tượng đẹp về người mẹ. Mỗi lần cầm trái vú sữa trên tay, dẫu chưa ăn mà em đã cảm nhận được cái hương vị ngọt ngào chảy ra từ những “bầu sữa kì diệu” ấy của người mẹ. Ôi! Tình yêu của mẹ thật “như biển hồ lai láng” mà suốt cả cuộc đời chúng con không bao giờ đền đáp được.