10 ĐỀ ĐỌC HIỂU ÔN LUYỆN THI THPT MÔN NGỮ VĂN
ĐỀ 1 :
Đọc đoạn văn sau và trả lời câu hỏi :
Ngày xưa có một em bé gái đi tìm thuốc chữa bệnh cho mẹ. Em được Phật trao cho một bông cúc. Sau khi dặn em cách làm thuốc cho mẹ, Phật nói thêm: “ Hoa cúc có bao nhiêu cánh, người mẹ sẽ sống thêm bấy nhiêu năm”. Vì muốn mẹ sống thật lâu, cô bé dừng lại bên đường tước cánh hoa ra thành nhiều cánh nhỏ. Từ đó hoa cúc có rất nhiều cánh…Ngày nay cúc vẫn được dùng để chữa bệnh. Tên y học của cúc là Liêu chi.
( Theo Almanach người mẹ và phái đẹp, NXB Văn hóa – Thông tin, 1990)
1.Đoạn văn giải thích điều gì?
2.Hãy đặt tiêu đề cho đoạn văn.
3.Đoạn văn sử dụng phương thức biểu đạt nào là chính?
4.Thông điệp mà tác giả muốn nhắn gửi trong đoạn văn trên là gì? Từ thông điệp đó anh( chị) hãy viết một đoạn văn ngắn bày tỏ suy nghĩ về trách nhiệm của bản thân đối với cha mẹ?
Đáp án :
Cần nêu được các nội dung cơ bản sau:
1.Đoạn trích giải thích : Tại sao hoa cúc có nhiều cánh.
2.Có thể đặt tiêu đề cho đoạn trích: Sự tích hoa cúc
3.Phương thức biểu đạt chính được sử dụng trong đoạn trích là : Phương thức tự sự.
4.Thông điệp mà tác giả muốn gửi gắm trong đoạn trích là: Tấm lòng của người con, tình yêu thương kính trọng cao quý đối với người mẹ .
Đoạn văn :
Công cha như núi Thái Sơn
Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra
Một lòng thờ mẹ kính cha
Cho tròn chữ hiếu mới là đạo con
Cha mẹ là người sinh thành nuôi dạy chúng ta . Cha mẹ là người luôn hi sinh và luôn làm tất cả mọi việc để che chở , bảo vệ mình qua mọi khó khăn áp lực trong cuộc sống . Vì vậy bổn phận làm con luôn phải kính trọng , báo hiếu , chăm sóc và luôn phải làm tròn bổn phận đạo làm con . Luôn làm mọi việc để cha mẹ yên lòng và tự hào về chúng ta .Ra sức học tập và rèn luyện để trở thành người có ích cho gia đình và xã hội.Phê phán những hành vi ngược đãi, đối xử thô bạo đối với cha mẹ.
ĐỀ 2 :
Đọc hiểu văn bản Tuyên ngôn độc lập Ngữ văn 12 và trả lời câu hỏi sau :
Sự thật là từ mùa thu năm 1940, nước ta đã thành thuộc địa của Nhật, chứ không phải thuộc địa của Pháp nữa. Khi Nhật hàng Đồng minh thì nhân dân cả nước ta đã nổi dậy giành chính quyền lập nên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
Sự thật là dân ta đã lấy lại nước Việt Nam từ tay Nhật, chứ không phải từ tay Pháp.
( Trích Tuyên ngôn độc lập- Hồ Chí Minh, Ngữ văn 12, tập 1)
Câu hỏi
1.Xác định biện pháp tu từ, phong cách ngôn ngữ trong đoạn văn bản trên?
2.Việc nhà văn láy đi láy lại “sự thật” ấy có chủ ý gì?
3.Từ quá trình đấu tranh dựng nước và giữ nước của nhân dân ta, anh, chị hãy viết một đoạn văn ngắn ( khoảng 150-200 từ) bày tỏ suy nghĩ về tinh thần yêu nước của thế hệ trẻ ngày nay?
Trả lời
1. Biện pháp điệp từ : “sự thật” có tác dụng khẳng định, nhấn mạnh quyền độc lập tự do của dân tộc Việt Nam.
2. Phong cách ngôn ngữ trong đoạn văn bản trên là : Phong cách chính luận.
3. Tuyên ngôn độc lập” láy đi láy lại hai sự thật lịch sử, đó là :
- Vào thời gian này,chính quyền thực dân Pháp đangrêu rao với dư luận rằng “Đông Dương là của Pháp ,nay Nhật đầu hang Đồng minh thì Đông Dương phải trả lại cho Pháp”. Với hai sự thật được nêu ra ,Hồ Chí Minh đã đập tan xảo ngon của nhà cầm quyền Pháp.
- Láy đi láy lại hai từ “sự thật” cũng là cách lậpluận sắc sảo, câu văn trùng điệp tạo nên niềm tự hào về chiến thắng quan trongcủa nhân dân ta.Đó là chiến thắng phát xít, chiến thắng thực dân và làm sụp đổ chế độ phong kiến hàng ngàn năm trên đất nước ta.nhà văn láy đi láy lại “sự thật” ấy có chủ ý :
Bác bỏ luận điệu xảo trá của thực dân Pháp trước dư luận thế giới. Thuyết phục Đồng minh nhân dân yêu chuộng hòa bình thế giới ủng hộ nền độc lập của Việt Nam.
4. Học sinh viết đoạn văn bày tỏ suy nghĩ về tinh thần yêu nước của thế hệ trẻ ngày nay? ( khoảng 150-200 từ)
Câu này kiểm tra năng lực viết bài văn nghị luận xã hội của học sinh. Học sinh có thể triển khai vấn đề theo nhiều cách khác nhau nhưng phải có lí lẽ và căn cứ xác đáng, được tự do bày tỏ quan điểm của mình, nhưng phải có thái độ chân thành, nghiêm túc phù hợp với chuẩn mực đạo đức xã hội. Các ý của bài như sau.
– Trân trọng, biết ơn thế hệ cha anh đã chiến đấu, hi sinh để bảo vệ đất nước.
– Ra sức học tập, rèn luyện để góp phần xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp.
ĐỀ 3 :
Đọc đoạn sau và trẻ lời câu hỏi :
Đề đọc hiểu đoạn mở đầu bài Bình Ngô Đại Cáo Nguyễn Trãi
Việc nhân nghĩa cốt ở yên dân,
Quân điếu phạt(*) trước lo trừ bạo.
Như nước Đại Việt ta từ trước,
Vốn xưng nền văn hiến đã lâu.
Núi sông bờ cõi đã chia,
Phong tục Bắc Nam cũng khác.
Từ Triệu, Đinh, Lí, Trần bao đời gây nền độc lập,
Cùng Hán, Đường, Tống, Nguyên mỗi bên xưng đế một phương.
Tuy mạnh yếu từng lúc khác nhau,
Song hào kiệt đời nào cũng có.
(Trích Đại cáo bình Ngô – Nguyễn Trãi, bản dịch của Bùi Kỉ, Ngữ văn 10, Tập hai, NXB Giáo dục Việt Nam, 2012, tr. 17).
1.Văn bản đã xác định nền độc lập, chủ quyền của nước Đại Việt ở những yếu tố nào?
2.Việc sử dụng những từ ngữ: từ trước, vốn xưng, đã lâu, đã chia, bao đời nhằm khẳng định điều gì?
3.Từ việc đọc hiểu văn bản trên, hãy viết một đoạn văn ngắn trình bày suy nghĩ của anh/chị về việc bảo vệ chủ quyền lãnh thổ của đất nước ta hiện nay.
Trả lời :
1.Văn bản đã xác định nền độc lập, chủ quyền của nước Đại Việt qua các yếu tố: nền văn hiến lâu đời, cương vực lãnh thổ riêng, phong tục tập quán riêng, lịch sử với các triều đại riêng.
2.Việc sử dụng những từ ngữ: từ trước, vốn xưng, đã lâu, đã chia, bao đời đã khẳng định được tính chất hiển nhiên, vốn có, lâu đời về sự tồn tại độc lập, có chủ quyền của nước Đại Việt.
3.Từ việc đọc hiểu văn bản, viết đoạn văn bày tỏ suy nghĩ của bản thân về việc bảo vệ chủ quyền lãnh thổ của đất nước ta hiện nay. Sau đây là một số gợi ý:
– Bảo vệ chủ quyền lãnh thổ của đất nước là trách nhiệm, bổn phận của mỗi người dân Việt Nam.
– Phát huy truyền thống yêu nước của dân tộc, kiên quyết ngăn chặn mọi sự xâm phạm chủ quyền đất nước.
– Dân tộc ta có chính nghĩa, có sức mạnh của lòng yêu nước, có ý chí chiến đấu ngoan cường, có sự ủng hộ của nhân dân tiến bộ thế giới chắc chắn sẽ bảo vệ được chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc.
ĐỀ 4 :
Đọc đoạn sau và trả lời câu hỏi :
Đề đọc hiểu và nghị luận xã hội chủ đề tình yêu biển đảo quê hương
Đọc đoạn trích sau và trả lời các câu hỏi :
“ Trên bãi cát những người lính đảo
Ngồi ghép nhau bao nỗi nhớ nhà
Chiều áo rộng vài vạt mây hờ hững
Họ cứ ngồi như chum vại hứng mưa.
…
Đảo tái cát
Khóc oan hồn trôi dạt
Tao loạn thời bình
Gió thắt ngang cây.
…
Đất hãy nhận những đứa con về cội
Trong bao dung bóng mát của người
Cây hãy gọi bàn tay về hái quả
Võng gọi về nghe lại tiếng à ơi…
…
À ơi tình cũ nghẹn lời
Tham vàng bỏ ngãi kiếp người mong manh”
( Lời của sóng 4, Trích Trường ca Biển, Hữu Thỉnh, đạt giải Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật năm 2012 )
1. Xác định thể loại của đoạn trích trên? Trình bày lí do tại sao nhà thơ Hữu Thỉnh lại chọn thể loại đó ?
2. Nêu cácphép liên kết có sử dụng trong đoạn trích và chỉ ra tác dụng ý nghĩa của các phép liên kết đó,
3.Từ những vần thơ trên, anh/ chị hãy kể tên những hòn đảo, quần đảo thiêng liêng của đất nước ta qua sự hiểu biết của anh/ chị ?
4.Hình ảnh những người lính đảo trong đoạn trích trên hiện lên như thế nào ? Trình bày suy nghĩ của anh/ chị khoảng 5 -7 dòng.
Đáp án :
1. Bài thơ được viết theo thẻ tự do
– Hữu Thỉnh lựa chọn thể thơ đó vì : Tác phẩm của Hữu Thỉnh được viết theo thể loại trường ca, dùng thể thơ tự do sẽ đem đến một cách viết phóng khoáng, tuôn chảy theo dòng cảm xúc của nhà thơ, không phụ thuộc vào những quy tắc lề lối của câu chữ. Đề tài nhà thơ hướng tới là biển đảo quê hương, sử dụng thể thơ tự do phù hợp để nói đến những cảm xúc mênh mang, rộng lớn và phong phú của đề tài.
2. Phép thế được sử dụng trong đoạn thơ là : “những người lính đảo” thành “ họ” và những đứa con, “đất” thành “người”.
Phép lặp : Lặp từ : “à ơi”
– Giá trị của các phép liên kết: Thể hiện nội dung thống nhất của đoạn trích nói về hình ảnh những người lính đảo bình dị, chân thật khi nhớ về những kỉ niệm quê nhà.
3. Học sinh trình bày theo suy nghĩ của mình nhưng phải hợp lí.Có thể tham khảo một số gợi ý sau : Đảo Trường sa, Hoàng Sa, Thổ Chu, Phú Quốc, Gạc Ma….
4. Học sinh trình bày theo suy nghĩ của mình nhưng phải hợp lí.Có thể tham khảo một số gợi ý sau.
– Quê nhà là nơi họ sinh ra và lớn lên . Vì vậy những người lính đó nhớ về quê hương – đó là nơi giúp họ có thể vững tin ý chí , động lực giúp các anh có thể canh giữ bảo vệ Tổ quốc
– Ca ngợi và hướng con người đến lối sống trọng tình nghĩa của người Việt. Điều này thể hiện ở việc thương nhớ và tưởng niệm những người đã khuất,luôn hướng về cội nguồn “À ơi tình cũ nghẹn lời . Tham vàng bỏ ngãi kiếp người mong manh.”
– Những người lính đảo đã hi sinh lợi ích cá nhân như xa gia đình quê hương, chấp nhận những thiếu thốn về vật chất…để canh giữ biên cương cho Tổ quốc.
– Mỗi người cần có thái độ ngợi ca trân trọng trước những đóng góp của những người lính đảo.
ĐỀ 5:
Đề đọc hiểu :Câu chuyện về dòng chảy của các con sông
Đọc đoạn văn bản sau và trả lời câu hỏi :
Trong giờ học, một vị thiền sư chỉ vào một bản đồ và hỏi: “Các dòng sông trên hình ảnh này có đặc điểm gì?”. Các môn đồ trả lời: “Chúng luôn lượn vòng thay vì chảy theo một đường thẳng”. Vị thiền sư lại tiếp tục hỏi: “Tại sao như vậy? Nói cách khác, tại sao những con sông này không đi thẳng mà cứ phải đi đường vòng?”. Mọi người bắt đầu thảo luận: “Vì khi đi đường vòng, sông sẽ được kéo dài nên chứa được nhiều nước hơn. Hoặc nhờ thế mà khi lũ mùa hè kéo đến, nước sông sẽ không bị dâng quá cao và tràn ra ngoài”. Một người khác lại nói: “Bởi vì con sông trải dài nên lưu lược nước trên mỗi khúc sông tương đối thấp, áp lực dưới đáy sông cũng giảm đi. Điều này góp phần quan trọng trong việc bảo vệ bờ sông,…”. “Tất cả mọi người đều nói đúng”, vị thiền sư nói: “còn bản thân tôi thì cho rằng, sông không đi đường thẳng mà phải đi đường vòng, đơn giản chỉ vì đi đường vòng là chuyện bình thường, đi đường thẳng mới là chuyện khác thường. Bởi hành trình của mình, các con sông sẽ phải gặp nhiều và đa dạng trở ngại, có cái vượt qua được, có cái không. Nên con sông chỉ có thể đi vòng để tránh các chướng ngại. Mục đích cuối cùng là hòa vào biển khơi”.
(Theo webtretho.com)
1. Nêu phương thức biểu đạt chủ yếu của đoạn văn trên.
2. Câu chuyện về dòng chảy của các con sông gợi cho anh/ chị liên tưởng đến lối sống nào của con người?
3. Anh/ chị hãy đặt nhan đề cho đoạn văn trên.
4. Nêu ý nghĩa của lối sống trong cuộc đời bằng một đoạn văn (khoảng 5 đến 7 dòng).
Trả lời :
1.Phương thức biểu đạt chủ yếu của đoạn văn trên là tự sự .
2. Câu chuyện về dòng chảy của các con sông gợi liên tưởng đến lối sống:
+ Không quản khó khăn , gian khổ vẫn luôn vững chí và niềm tin như dòng sông kia luôn khao khát và hướng thẳng chảy ra biển bao la
+ Đôi khi trong cuộc sống của chúng ta cũng sẽ có lúc đối diện với những khó khăn, trắc trở, không bi quan, tuyệt vọng, không thở dài, buồn phiền hay bỏ cuộc mới là thái độ sống đúng đắn.
3. Nhan đề cho đoạn văn bản: Câu chuyện của những dòng sông
4. Nêu ý nghĩa của lối sống trong cuộc đời:
+ Con đường đi tới thành công luôn phải trải qua những khó khăn thử thách vì vậy cần phải có 1 lòng dũng cảm không ngại khó khăn , giữ vững ý chí để có thể đạt được kết quả tốt nhất
+ Kiên định với mục tiêu, rút ra những bài học từ thất bại để đi đến thành công không phải là con đường đơn giản nhưng sẽ thật vinh quang cho những ai dám sống và dám dấn thân vì mục tiêu đẹp mà mình đã lựa chọn.
ĐỀ 6 :
Đọc văn bản sau và trả lời câu hỏi :
Cuộc đời của tôi là một chuỗi nếu như. Từ nhỏ, tôi chỉ muốn làm một ông chủ trại như bố tôi, và không chịu học nếu như mẹ tôi không bắt tôi sống ở Luân Đôn. Tôi sẽ trượt trong kì thi đại học y, nếu như tôi không phải là một thanh niên giỏi bơi lội, có thể đại diện cho nhà trường trong những kỳ thi Olympic thể thao của sinh viên. Tôi sẽ suốt đời làm một thầy thuốc nông thôn, nếu như giáo sư Wright không chọn tôi làm phụ tá cho ông tại phòng thí nghiệm riêng, nơi tôi tìm ra Pênêxilin. Phát minh này tôi dự tính phải 15 – 20 năm mới triển khai được trong thực tế, nếu như chiến tranh thế giới không xảy ra, thương vong nhiều đến mức các loại thuốc chưa kiểm tra cũng được phép sử dụng, thì Pênêxilin chưa chứng minh được công hiệu của mình và bản thân tôi chưa được giải Nôben.
Hóa học ngày nay – 3/1993
1.Xác định cách thức diễn đạt ( lối diễn đạt) của văn bản?
2.Chỉ ra thao tác lập luận chính trong văn bản?
3.Tại sao tác giả lại khẳng định cuộc đời của tác giả là một chuỗi nếu như
4.Anh/ chị rút ra thông điệp gì từ văn bản?
Đáp án :
1. Cách thức diễn đạt the lối : Diễn dịch
2. Thao tác lập luận: Chứng minh
3. Tại sao tác giả lại khẳng định cuộc đời của tác giả là một chuổi nếu như?
Vì cuộc đời của tác giả là do hoàn cảnh sống, những cơ hội mang lại. Tác giả đã dùng hết tài năng để tận dụng cơ hội đó tạo nên thành tựu phục vụ cho cuộc sống con người. Cuộc sống chính là cơ hội, điều quan trọng ở mỗi người là có biết tận dụng cơ hội đó tạo nên thành công.
4. Qua văn bản, tác giả muốn gửi đến thông điệp rằng mỗi tình huống trong cuộc sống là cơ hội để con người phát huy tài năng, tận dụng cơ hội học tập và sáng tạo lập nên những thành tích phục vụ cho cuộc sống con người. Bản thân tôi hiểu rằng, nắm bắt cơ hội và nỗ lực phấn đấu học tập lao động là điều quan trọng tạo nên thành công trong cuộc sống.
Đề 7
Đề đọc hiểu và Nghị luận xã hội về giữ gìn sự trong sáng của Tiếng Việt
Đọc đoạn trích sau và thực hiện các yêu cầu
Phát biểu tại Hội thảo Khoa học quốc gia về việc “Giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt”, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam khẳng định: Tiếng Việt rất giàu, rất đẹp. Những tác phẩm văn học, thơ ca lớn, những tuyên bố, báo cáo trong lĩnh vực khoa học, văn bản có tính pháp lý của Nhà nước thể hiện trình độ phát triển cao của tiếng Việt. Hiến pháp của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã khẳng định “Ngôn ngữ quốc gia là tiếng Việt”. Bác Hồ đã có những lời dặn rất sâu sắc về cách nói, cách viết sao cho ngắn gọn, trong sáng, giản dị, dễ hiểu. Bác Hồ cũng đã dạy tiếng Việt là tài sản quý báu của dân tộc mà chúng ta phải giữ gìn. Cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng cũng đã nói rất rõ ràng về trong và sáng của tiếng Việt.
Theo Phó Thủ tướng, trong quá trình hội nhập phát triển nói chung, làm giàu tiếng Việt nói riêng, việc tiếp thu những thành tựu của văn minh nhân loại hay mượn tiếng nước ngoài để làm giàu thêm tiếng Việt là một yếu tố khách quan.
Tuy nhiên, có một thực tế hiện nay là ngoài xã hội, trên các diễn đàn, trong một số tài liệu, báo cáo, trên các ấn phẩm thông tin đại chúng, kể cả trong sách giáo khoa có nhiều biểu hiện thiếu chuẩn mực trong sử dụng tiếng Việt, quá dễ dãi trong phát triển, làm mới tiếng Việt. Hiện tượng lạm dụng, sử dụng ngôn từ, từ tiếng nước ngoài đang ngày càng nhiều. Đáng báo động là không có nhiều, không có đủ sự phân tích, nhắc nhở, phê phán những biểu hiện đó.
(www.baoyenbai.com.vn, ngày 6/11/2016)
1. Xác định nội dung chính của đoạn trích trên.
2. Anh/chị hiểu thế nào: “làm giàu tiếng Việt nói riêng, việc tiếp thu những thành tựu của văn minh nhân loại hay mượn tiếng nước ngoài để làm giàu thêm tiếng Việt là một yếu tố khách quan”.
3. Theo anh/chị, vì sao “Bác Hồ cũng đã dạy tiếng Việt là tài sản quý báu của dân tộc mà chúng ta phải giữ gìn”?
4. Từ đoạn trích trên, anh/chị rút ra thông điệp gì?
Đáp án
1. Nội dung chính của đoạn trích: Bàn về việc giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt.
2. Việc tiếp thu những thành tựu của văn minh nhân loại hay mượn tiếng nước ngoài để làm giàu thêm tiếng Việt là điều cần thiết.
3. Bác Hồ cho rằng: “tiếng Việt là tài sản quý báu của dân tộc mà chúng ta phải giữ gìn”, vì:
– Việc gìn giữ và làm giàu vốn từ ngữ tiếng Việt là rất cần thiết nhưng hiện nay nhiều người đang lạm dụng ngôn ngữ nước ngoài và sử dụng nó một cách tuỳ tiện.
– Có rất nhiều nguyên nhân nhưng nổi bật nhất là xu hướng xính ngoại, thích “hiện đại”, thích được thể hiện cá tính của giới trẻ.
– Việc lạm dụng ngôn ngữ nước ngoài làm ảnh hưởng đến nhận thức và hành động của mỗi cá nhân trong cộng đồng; làm giảm sút lòng tự tôn dân tộc và dần mất đi bản sắc văn hóa của người Việt Nam.
– Rút ra bài học nhận thức và hành động.
– Tiếng Việt là tiếng mẹ đẻ, tiếng chính thống của dân tộc.
– Tiếng Việt là kho tàng ngôn ngữ vô tận, quý giá được kết tinh tự ngàn đời của dân tộc.
– Tiếng Việt góp phần thể hiện ý thức về chủ quyền dân tộc.
4.Từ đoạn trích, thí sinh có thể đưa ra thông điệp: biết tự hào, trân trọng tiếng mẹ đẻ; ý thức bảo vệ, giữ gìn và phát triển tiếng Việt vì đó là kho tàn vô giá , qusy giá của dân tộc ta
Đề 8:
Đề đọc hiểu môn văn có đáp án: Bài thơ Xuân về của Nguyễn Bính
Đọc văn bản sau và trả lời câu hỏi :
“ Đã thấy xuân về với gió đông
Với trên màu má gái chưa chồng
Bên hiên hàng xóm cô hàng xóm
Ngước mắt nhìn giời đôi mắt trong.
Từng đàn con trẻ chạy xun xoe
Mưa tạnh trời quang nắng mới hoe
Lá nõn nhành non ai tráng bạc
Gió về từng trận gió bay đi
Thong thả dân gian nghỉ việc đồng
Lúa thì con gái mượt như nhung
Đầy vườn hoa bưởi hoa cam rụng
Ngọt ngào hương bay, bướm vẽ vòng.
Trên đường cát mịn một đôi cô
Yếm đỏ khăn thâm trảy hội chùa
Gậy trúc giắt bà già tóc bạc
Lần lần tràng hạt niệm nam mô.”
( Xuân về của Nguyễn Bính, theo Thi nhân Việt Nam– Hoài Thanh, Hoài Chân, NXB văn học 2003)
1 . Chỉ ra những từ láy có trong bài thơ trên ?
2 Trong khổ thơ thứ nhất, nhà thơ Nguyễn Bính đã cảm nhận mùa xuân về bằng những tín hiệu nào? Tín hiệu đó có gì đặc biệt ?
3. Xác định một biện pháp tu từ nổi bật trong khổ thơ thứ ba của bài thơ.
4.Khi xuân về, thiên nhiên và con người được tác giả cảm nhận qua những chi tiết, hình ảnh tiêu biểu nào?
Đáp án
1 . Những từ láy có trong bài thơ trên: xun xoe, ngọt ngào, thong thả, lần lần.
2 .Nguyễn Bính đã cảm nhận mùa xuân về bằng những tín hiệu:
gió đông( tín hiệu thiên nhiên)
màu má gái chưa chồng(tín hiệu của con người)
Tín hiệu có tính đặc biệt: “Nguyễn Bính tinh tế cảm nhận được sự thay đổi của con người khi mùa xuân về, đó là tín hiệu đặc biệt nhất so với những nhà thơ khác”.
3. Biện pháp tu từ nổi bật trong khổ thơ thứ ba của bài thơ:
+ Liệt kê. ( mưa tạnh, trời quang, nắng mới hoe,/ Lá non, nhành non)
4:Khi xuân về, thiên nhiên và con người được tác giả cảm nhận qua những chi tiết, hình ảnh tiêu biểu:
+ Thiên nhiên: Mưa tạnh trời quang nắng mới hoe/ Lá nõn nhành non/ Lúa thì con gái mượt như nhung/ Đầy vườn hoa bưởi hoa cam rụng…
+ Con người: Cô hàng xóm/ Ngước mắt nhìn giời/ một đôi cô
Yếm đỏ khăn thâm trảy hội chùa/ bà già tóc bạc. 1.0đ
Đề 9:
Đề đọc hiểu và Nghị luận xã hội bàn về hạnh phúc
“Một đại gia đình gồm hai con trai, hai con dâu, một gái, một rể và những đứa con của họ vẫn sống chung dưới một mái nhà, ăn chung một bếp ăn. Thiên hạ thì chia ra, bà cụ lại gom vào. Vẫn rất êm thấm mới lạ chứ. Nếp nhà đã thắng được tự do của cá nhân sao? Phải nói thêm, cái nếp nhà này cũng ít ai theo kịp. Người con dâu cả vốn là con gái Hàng Bồ, đỗ đại học, là một cô gái kiêu hãnh, tự tin, không dễ nhân nhượng. Ai cũng nghĩ hai người đàn bà, một già một trẻ, cùng sắc sảo sẽ rất khó chấp nhận nhau. Vậy mà họ ăn ở với nhau đã mười lăm năm chả có điều tiếng gì. Người chị của cô con dâu đến nói với bà cô tôi: “Bác chịu được tính nó thì con cũng phục thật đấy”. Bà cải chính: “Đúng là tôi có phần phải chịu nó nhưng nó cũng có phần phải chịu tôi, mỗi bên chịu một nửa”…
[…] Năm ngoái khu phố có yêu cầu bà cụ báo cáo về nếp sống gia đình cho hàng phố học tập. Bà từ chối, khi tôi lại thăm, bà nói riêng: “Cái chuyện ấy ai cũng biết cả, chỉ khó học thôi”. Tôi cười: “Lại khó đến thế sao?” Bà cụ nói: “Trong nhà này, ba đời nay, không một ai biết tới câu mày, câu tao. Anh có học được không?” À, thế thì khó thật. Theo bà cụ, thời bây giờ có được vài trăm cây vàng không phải là khó, cũng không phải là lâu, nhưng có được một gia đình hạnh phúc phải mất vài đời người, phải được giáo dục vài đời. Hạnh phúc không bao giờ là món quà tặng bất ngờ, không thể đi tìm, mà cũng không nên cầu xin. Nó là cách sống, một quan niệm sống, là nếp nhà, ở trong tay mình, nhưng nhận được ra nó, có ý thức vun trồng nó, lại hoàn toàn không dễ.”
( Trích Nếp nhà – Nguyễn Khải, dẫn theo Tuyển tập Nguyễn Khải, tập III,
NXB Văn học, 1996)
1 . Xác định phương thức biểu đạt chính của văn bản? (0.5 điểm)
2 . Nội dung chính của đoạn trích trên ? (1,0 điểm)
3 . Cuộc sống của gia đình “bà cô tôi” có gì đặc biệt ? Anh / chị nhận xét như thế nào về nếp nhà ấy ? (1,0 điểm)
4: Thái độ của tác giả Nguyễn Khải với câu chuyện về “nếp nhà” của gia đình “bà cô tôi” được thể hiện như thế nào ? (0,5điểm)
Trả lời :
1 . Phương thức biểu đạt chính của văn bản trên: tự sự
2 . Nội dung chính của đoạn trích trên :
+ Cuộc sống – nếp nhà của gia đình “bà cô tôi”. Đó là cuộc sống, của một gia đình nhiều thế hệ, tôn trọng và yêu thương lẫn nhau.
+ Đồng thời cũng là nề nếp gia đình, là văn hóa ứng xử để tạo nền tảng một gia đình hạnh phúc.
3
– Cái đặc biệt trong cuộc sống của gia đình “bà cô tôi” là : Thiên hạ thì chia ra, bà cụ lại gom vào. Vẫn rất êm thấm mới lạ chứ., Trong nhà này, ba đời nay, không một ai biết tới câu mày, câu tao
– Nhận xét về nếp nhà ấy :Đó là cuộc sống của những người không xu thời, yêu thích cuộc sồng gia đình nhiều thế hệ… Nếp nhà như thế rất đáng quý, đáng trọng…
4. Thái độ của tác giả Nguyễn Khải với câu chuyện về “nếp nhà” của gia đình “bà cô tôi” đã thể hiện sự trân trọng, ngưỡng mộ ‘nếp nhà’ của gia đình ‘bà cô tôi”
Đề 10:
Đề đọc hiểu và nghị luận xã hội : Tâm lý sùng ngoại của khán giả Việt Nam
Đọc đoạn trích sau và thực hiện các yêu cầu:
Trong những giấc mơ của không ít bạn trẻ , đặc biệt là các cô gái, có chuyện ước gặp thần tượng ngoài đời thực. [..] Họ phải [..] tốn kha khá tiền để tới sân vận động nhòm mặt thần tượng, có người về nhà mặt mày tái mét, áo quần đứt cúc tuột khuy.
Chỉ có điều đáng nói là thần tượng đến, rồi đi, để lại những dư âm đắng nghét . Khi “ diễn giao lưu”, họ cố gắng bộc lộ niềm yêu mến của mình với bao khán giả . Những cái hôn gió, những lời nói có cánh và những hứa hẹn hết mình với nghệ thuật,…Nhưng những bó hoa bỏ lại trên sân khấu, nét mặt lạnh lùng khi đi giữa hàng rào bảo vệ, những pha cắt đuôi quá quắt trước làn sóng báo chí của họ…thật khó để nói tình yêu ấy thật lòng. Đã vậy, chỉ sau vài sô diễn, một số người đã có những phát biểu không mấy thiện cảm về khán giả Việt Nam.
(Theo “ Tâm lí sùng ngoại và những tình yêu bị phản bội”, báo Công an nhân dân, số 62 năm 2004)
Câu 1: Xác định phương thức biểu đạt chính được sử dụng trong đoạn trích trên?
Câu 2: Anh/chị hiểu như thế nào về câu văn sau: “Nhưng những bó hoa bỏ lại trên sân khấu, nét mặt lạnh lùng khi đi giữa hàng rào bảo vệ, những pha cắt đuôi quá quắt trước làn sóng báo chí của họ…thật khó để nói tình yêu ấy thật lòng”?
Câu 3: Hiện tượng gì được đề cập đến trong đoạn trích trên?
Câu 3: Thông qua đoạn trích trên, anh/ chị rút ra bài học gì cho bản thân?
Đáp án :
1 . Phương thức biểu đạt chính được sử dụng là biểu cảm .
2. “Nhưng những bó hoa lại trên sân khấu , nét mặt lạnh lùng khi giữa hàng rào bảo vệ , ……..” có thể hiểu như sau :
-Tình cảm giả dối, không thật của các thần tượng
-Tâm lý sùng ngoại của khán giả Việt Nam
-Sự phản bội lại tình yêu ở khán giả Việt Nam của các thần tượng
3.Hiện tượng được đề cập tới lạ
-Người nghệ sĩ trên sân khấu và con người ngoài đời không phải hoàn toàn giống nhau,…
-Có thể thần tượng người nghệ sĩ trên sân khấu nhưng không thể thần tượng luôn con người ngoài đời của người nghệ sĩ đó.
4 Bài học cho bản thân :
-Không nên tiếp cận và làm phiền thần tượng khi họ đang bận rộn,…
-Phải biết chọn lọc những ưu điểm từ thần tượng để học hỏi, phấn đấu làm theo nhưng phải trong chừng mực cho phép của điều kiện bản thân và hoàn cảnh sống,…