PHÂN TÍCH ĐỀ
1. Kiểu bài: Chứng minh một vấn đề
2. Nội dung: Sức mạnh của sự đoàn kết, hợp quần.
3. Tư liệu: Thực tế lịch sử dựng nước và giữ nước (có thể chứng minh bằng thực tế cuộc sống).
DÀN BÀI
1. Mở bài
- Từ thuở bình minh của lịch sử, nhân dân ta, dân tộc ta nhiều lúc đã phải đương đầu với những khó khăn và thử thách to lớn tưởng chừng như khó mà vượt qua được để tồn tại và phát triển.
- Những giây phút ấy, ông cha ta đã khích lệ động viên nhau bằng câu ca dao:
Một cây làm chẳng nên non
Ba cây chụm lại nên hòn núi cao.
- Thực tế lịch sử xưa nay là một mình chứng hùng hồn cho chân lí do câu ca dao trên nêu ra.
2. Thân bài
a. Ý nghĩa của câu ca dao:
- Nghĩa đen:
Một cây: chỉ số lượng ít, phân tán.
Ba cây: chỉ số lượng nhiều tập trung.
- Nghĩa bóng:
Một cây: chỉ sự lẻ loi, đơn độc, không thể làm được việc gì quan trọng.
Ba cây: chỉ sự hợp quần đoàn kết đồng lòng hợp sức tạo nên sức mạnh làm được những việc lớn lao.
Câu ca dao là một hình ảnh cụ thể để nêu lên một bài học: đoàn kết, hợp quần chính là nguồn sức mạnh to lớn để làm nên chiến thắng, tạo nên thành quả.
b. Dẫn chứng trong lịch sử dựng nước:
- Từ buổi đầu, ông cha ta đã biết nương tựa vào nhau, đoàn kết với nhau, cùng nhau chinh phục thiên nhiên, chống lại lụt lội, thiên tai và thú dữ để xây dựng cuộc sống bình yên.
- Với công cụ thô sơ, tổ tiên ta đã bạt rừng lấn biển, đắp đê, đào kênh,… làm nên những cánh đồng màu mỡ, xanh tươi đặc biệt là công trình đê điều cực kì to lớn dọc hai bờ sông Hồng ở miền Bắc nước ta.
c. Dẫn chứng trong lịch sử giữ nước:
- Từ buổi đầu, thời vua Hùng, giặc Ân hung bạo mưu toan xâm lược và thống trị đất nước ta. Nhà vua kêu gọi toàn dân đồng lòng đánh giặc. Sức mạnh của “ba cây chụm lại” được thể hiện qua một hình tượng quật khởi dũng mãnh tuyệt vời là Thánh Gióng làng Phù Đổng đã nhổ tre đánh cho giặc thù tan tác.
- Đến đời Trần, giặc Nguyên Mông càng hung bạo hơn, triều thần có nhiều người khiếp sợ muốn “cầu hòa” nhưng hai vua Trần đã biết tập hợp và phát huy lòng yêu nước của toàn dân qua hội nghị Diên Hồng cùng nhau một lòng đánh giặc giữ nước. Cũng chính vì vậy mà ba lần quân Nguyên Mông ồ ạt xâm lăng là ba lần bọn chúng thất bại.
- Thời kháng chiến chống giặc Minh: Với sự phù trợ của Nguyễn Trãi và nhiều tướng tài khác, Lê Lợi đã dựng cờ tụ nghĩa, tập hợp mọi người yêu nước khắp các miền lại. Trải qua gần mười năm “nếm mật nằm gai”, sức mạnh đoàn kết ấy đã quét sạch giặc thù ra khỏi bờ cõi, đất nước lại bình yên.
Thời kháng chiến chống giặc Pháp và giặc Mĩ.
Từ năm 1946 đến năm 1975, nhân dân ta đã phải đương đầu với hai cuộc chiến tranh xâm lược của hai đế quốc giàu có và tiên tiến vào bậc nhất về khoa học kĩ thuật. Dưới sự lãnh đạo tài tình của Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, sức mạnh đoàn kết đã được nhân lên gấp bội trong một cuộc chiến đấu toàn dân, toàn diện để giành được thắng lợi hoàn toàn vào ngày 30 tháng 4 năm 1975, tiến đến thống nhất nước nhà.
Từ ngày miền Nam giải phóng, đất nước hoàn toàn thống nhất đến nay: Đảng đã tiếp tục lãnh đạo khối đoàn kết toàn dân xây dựng đất nước đặc biệt với hơn mười năm đổi mới đã tạo được nhiều thành tựu quan trọng về mọi mặt đưa đất nước ngày một tiến lên trên đường xây dựng một đất nước Việt Nam giàu mạnh, công bằng văn minh và hạnh phúc.
Có thể dẫn chứng từ thực tế cuộc sống.
Dẫn chứng từ thực tế cuộc sống
- Trong nhà trướng:
Tất cả học sinh trong mỗi lớp đoàn kết với nhau làm cho tập thể lớp được vững mạnh, bè bạn cùng hỗ trợ nhau giúp nhau cùng đạt được nhiều thành tích tốt.
Các lớp đoàn kết lại với nhau cùng xây dựng trường sở sạch đẹp khang trang.
- Ngoài xã hội:
Đồng nghiệp đoàn kết với nhau trong lao động sản xuất, trong nghiên cứu, phát triển khoa học. chinh phục và cải tạo tự nhiên.
Mọi người đoàn kết với nhau dấy lên phong trào xã hội.
Bài học rút ra từ câu tục ngữ:
- Phải đoàn kết nhưng có đấu tranh và tránh nạn bè phát, đoàn kết xuôi chều.
- Cùng giúp đỡ hỗ trợ nhau trong học tập, lao động và cả trong đời sống thường ngày.
3. Kết bài
Bài học thực tế lịch sử xưa nay càng làm nhận thức của chúng ta về sức mạnh của đoàn kết từ câu ca dao trên thêm sâu sắc và vững bền. Đoàn kết từ nghìn xưa vốn là một trong những nhân tố có tính quyết định cho mọi thắng lợi của dân tộc ta trong sự nghiệp dựng nước và giữ nước.
Ngày nay, trong công cuộc đổi mới xây dựng đất nước giàu mạnh văn minh và hạnh phúc, bài học đoàn kết xưa vẫn còn mới nguyên, trọn vẹn.