NGHỆ THUẬT MÚA RỐI NƯỚC
Múa rối nước Việt Nam, một sinh hoạt dân gian dân tộc, gắn bó với hội làng ngay từ khi mới xuất hiện. Theo các nhà nghiên cứu thì ngay từ thời Lí (thế kỉ XI), múa rối đã rất thịnh hành.
Mục đích của múa rối lúc bấy giờ là để thờ thần thánh, sau phục vụ vui chơi giải trí cho bà con trẩy hội, như các hội đền Mị Ê (ở Lí Nhân, Nam Hà), hội Gióng (ở Đông Anh, Hà Nội). Ở chùa Thầy (Quốc Oai, Hà Tây) còn cấp ruộng cho phường rối nước Phú Đa để thu hoa lợi, chi phí cho công việc phục vụ trong ngày hội chùa hằng năm…
Múa rối nước cổ truyền giống như một hội làng thu nhỏ. Sân khấu múa rối nước với nhà thủy đình mái ngói cong, là một hình ảnh của đình làng, chúa làng.
Sân khâu này là một công trình kiến trúc mang biểu tượng của vũ trụ âm dương hòa hợp.
Ở sân khấu múa rối nước, người diễn viên đứng trong buồng trò để điều khiển con rối. Họ thao tác từng cây sào hoặc giật con rối bằng hệ thống dây bố trí ở bên ngoài và đặt dưới nước.
Các tiết mục của rối nước cổ truyền tái hiện lại các sinh hoạt hội làng (trò tứ linh, múa sư tử, múa rồng, chọi trâu, đánh đu v.v…), các hoạt động cầu nguyện: cầu may, cầu phú, cầu lộc, cầu yên, những cảnh vui chơi, sinh hoạt ở làng quê (chăn trâu, thả diều, đấu vật, quay tơ, dệt cửi, giã gạo…).
Múa rối nước thể hiện tục thờ thần của người Việt. Trong các tiết mục rối nước, xuất hiện biết bao con vật linh thiêng được khắc chạm ở đình làng, chùa làng là nơi thờ cúng, lễ bái của muôn dân, như con rồng, con phượng, con lân, con rùa… cho đến các con vật bình thường được người dân nuôi dưỡng như con trâu, con cá, con chim v.v… Trò trọi trâu truyền thống cũng mang ý vị linh thiêng qua lời giáo trò:
Tôi xin dẫn tích con trâu ngày trước.
Vốn ở bên đông lưu lạc sang tây
Vua Thần Nông bắt lấy dạy cày
Làng có đám đem ngay ra mà chọi.
Đề tài lịch sử cũng được sân khấu rối nước thể hiện qua các trò diễn về Hai Bà Trưng cưỡi voi ra trận diệt quân Nam Hán, hay Lê Lợi cưỡi ngựa chém đầu Liễu Thăng, Trần Hưng Đạo chỉ huy chiến thuyền tấn công Thoát Hoan trên sông Bạch Đằng v.v…
Nói tới nghệ thuật múa rối nước, không thể không nhắc tới một nhân vật quen thuộc với khán giả là chú Tễu. Tễu là người thông minh, hóm hỉnh, mang hình bóng của người nông dân vùng châu thổ đồng bằng Bắc Bộ.
Các tích trò của múa rối nước khá phong phú, hấp dẫn, theo các nhà nghiên cứu sưu tầm thì có tới trên 200 tích của trên 30 phường rối nước cổ truyền ở Thái Bình, Nam Hà, Hải Phòng, Hà Nội, Vĩnh Phú, Hà Bắc v.v…
Múa rối nước cổ truyền là loại hình nghệ thuật sân khấu độc đáo, bởi sản khấu là mặt nước, nhưng vì thế mà nó có nhiều hạn chế như phải dựng sân khấu ở ao hồ, hoặc xây bể, diễn viên phải lội nước khá vất vả, tạo hình con rối tốn kém, công phu, diễn xuất chưa nâng cao, động tác con rối quá đơn giản, đa số tiết mục là các trò lẻ, nhưng vì là rối nước nên nó rất độc đáo, thể hiện tài nghệ khéo léo, kĩ thuật tinh xảo của diễn viên Việt Nam.
Ngày nay, múa rối nước Việt Nam đã được đi biểu diễn ở nhiều nước trên thế giới. Từ năm 1984 đến thập kỉ 90 này, múa rối nước đã được biểu diễn ở Hà Lan, Úc, Nhật… Nhiều báo chí ở nước ngoài đã có những đánh giá cao về nghệ thuật rối nước, xếp nó vào hàng những hình thức quan trọng nhất của sân khấu múa rối trên thế giới.
TRÒ CHƠI ĐÁ GÀ
Gà nào ngon cho bằng gà Cao Lãnh
Gái nào bảnh cho bằng gái Nha Mân
Không phải tự nhiên mà dân chơi miệt vườn Nam Bộ đúc kết thành câu ấy. Chả là con gái xứ Nha Mân da trắng, thắt đáy lưng ong, đôi mày cong vút, nói năng khéo gieo tình cảm. Còn gà nòi Cao Lãnh được liệt vào hàng “Nhất phẩm” của gà đá. Những người mê gà đá từ nơi xa tít như Cà Mau, Rạch Giá, Mĩ Tho, Bạc Liêu cũng tìm về Cao Lãnh sục sạo, tìm cho bằng được con gà giống vừa ý.
Gà đá người ta gọi là “linh kê” hay gà “chiến”. Có điều loại gà chiến nhưng các cụ trưởng bối nghề nuối gà đá liệt thành ba loại “siêu kê”. “Hắc kê” lông đen, mỏ đen, mào đỏ, huyết dựng đứng, thứ này tính lì đòn, chịu chơi tới cùng. Các cụ còn truyền nhau có một loại “gà đen chân vảy rắn” là “vua” của giống gà đá. Loại thứ hai là “bạch kê” lông trắng, chân ngà, mỏ ngà, mắt xoe vàng. Bạch kê tính nóng, tốc chiến tốc thắng, ra đòn rất hiểm. Loại “ngũ sắc kê” thì không hiếm bằng hai loại kia, lông pha năm sắc: đen, vàng, nâu đỏ, và xanh đen. Loại này có lối đá linh hoạt, nếu dè chừng thua cuộc thi “thẳng thắn” chạy bỏ cuộc đấu. Thực ra phân loại như vậy chỉ mang tính khái quát, chứ gà đá hay hoặc dở còn tùy thuộc vào tay nghề của người huấn luyện.
Để có một con gà “chiến”, người nuôi chuyên nghiệp phải công phu chăm sóc khi gà giống còn bằng nắm tay, từ thức ăn, nước uống, tắm gà, phun nước, tỉa lông, chuốt cựa, tập nhử đá… đến giữ cho nó đừng theo mái. Khi luyện được gà “chiến” không sợ người, quen chủ thì chỉ cần nghe chủ “túc, túc” là chú ta đã ngẩng cao đầu cho chủ ẵm. Ẵm gà đá cũng phải đúng cách thức chứ không được tùy tiện. Phải để bàn tay xuôi theo hướng từ ức gà xuống đuôi, khi gà nằm gọn trên bàn tay mới nhấc lên và vòng tay kia lên lưng để giữ gà. Nếu xóc ngang hông hoặc xóc ngược từ dưới lên sẽ mất cân bằng “làm té” gà khiến nó hoảng sợ hoặc sẽ bị “lộn ruột”.
Khi đá gà, thường người ta khoanh một sân đá bằng “mê bồ” cao độ bốn tấc, đường kính ba thước. Mê bồ là một loại tấm chắn được đan bằng tre chẻ mỏng, rất dễ uốn theo khung dựng trước. Trong sân đá giữa có vạch ngang làm ranh giới hai bên. Nếu gà nào chạy ra khỏi bồ đến lần thứ hai mà nhử không vào là thua. Người xem đứng quan bồ cổ vũ. Chủ gà được vào chăm sóc gà của mình khi cần thiết.
Trước khi vào trận đấu người ta phải cáp gà. Hai chủ gà thỏa thuận trước khi đá về những điều kiện đặt ra. Họ cùng cân nhắc sức vóc và cả “thành tích” của gà qua những cuộc “đụng độ” trước đó. Nếu một bên cựa dài thì có thể “chấp” bên cựa ngắn tháp thêm cựa giả vào cho tương xứng. Sau khi đồng ý cáp gà, hai bên ôm gà của mình vào bồ, cách nhau một lần vạch. Khi có hiệu lệnh, gà được thả đá. Hai con gà được thả phùng lông, gườm nhau, nhử miếng, đá thử sức rồi sau đó mới ra đòn hiểm độc. Đòn hiểm thường là đòn “song phi” đá vào mình địch thủ, “đá đập” nhằm hai cựa vào cổ địch thủ, đá “móc” cựa vào mắt. Có con còn có độc chiêu “mổ mắt” địch thủ.
Khi đá gà có hai cách để tính hiệp đấu. Có thể tính bằng thẻ hương. Người ta treo một sợi dây buộc đồng xu vào ngang giữa thẻ hương. Hương được đốt lên. Hương dần cháy đến sợi chỉ, làm đứt chỉ, đồng xu rớt xuống dĩa. Nghe “keng” một tiếng là hết hiệp. Cũng có thể tính hiệp đấu bằng lon nước. Lấy lon đục một lỗ ở đáy rồi đổ nước vào, treo trên cái thau. Khi nước trong lon chảy ra khô cạn là hết hiệp…
Vào những dịp xong vụ mùa hay lúc lễ hội cúng đình, cúng miếu, ngày Tết, người ta hay chơi trò chơi đá gà. Đá gà là một trò chơi được nhiều người ưa thích chẳng kể giàu nghèo, sang hèn. Âu đó cũng là trò chơi dân gian ông cha truyền lại, một “nghề chơi cũng lắm công phu” nhiều người mê không bỏ được.