ĐỀ THI THỬ THPTQG NĂM 2019

CHUẨN CẤU TRÚC CỦA BỘ GIÁO DỤC – ĐỀ 7

Môn thi: NGỮ VĂN

Thời gian làm bài: 120 phút, không kể thời gian phát đề


Họ, tên thí sinh: .......................................................................

Số báo danh: ............................................................................


I. ĐỌC - HIỂU (3,0 điểm)

Đọc đoạn trích sau và trả lời các câu hỏi từ câu 1 đến câu 4:

         Đường đi khó, không khó vì ngăn sông cách núi mà khó vì lòng người ngại núi e sông. Xưa nay những đấng anh hùng làm nên những việc gian nan không ai làm nổi, cũng là nhờ cái gan mạo hiểm, ở đời không biết cái khó là cái gì.

[…]    Còn những kẻ ru rú như gián ngày, làm việc gì cũng chờ trời đợi số, chỉ mong cho được một đời an nhàn vô sự, sống lâu giàu bền, còn việc nước việc đời không quan hệ gì đến mình cả. Như thế gọi là sống thừa, còn mong có ngày vùng vẫy trong trường cạnh tranh này thế nào được nữa.

[…]    Thành công chỉ đến khi bạn làm việc tận tâm và luôn nghĩ đến những điều tốt đẹp. Vậy học trò ngày nay phải tập xông pha, phải biết nhẫn nhục; mưa nắng cũng không lấy làm nhọc nhằn, đói rét cũng không lấy làm khổ sở. Phải biết rằng: hay ăn miếng ngon, hay mặc của tốt, hễ ra khỏi nhà thì nhảy lên cái xe, hễ ngồi quá giờ thì kêu chóng mặt,… ấy là những cách làm mình yếu đuối nhút nhát, mất hẳn cái tinh thần mạo hiểm của mình đi.

        (Trích Mạo hiểm, Nguyễn Bá Học, Quốc văn trích diễm, NXB Trẻ,Thành phố Hồ Chí Minh)

Câu 1: Chỉ ra phương thức biểu đạt chính được sử dụng trong đoạn trích.

Câu 2: Theo tác giả, nhờ đâu mà “xưa nay những đấng anh hùng làm nên những việc gian nan không ai làm nổi”?

Câu 3: Tác giả đã thể hiện thái độ gì đối với “những kẻ ru rú như gián ngày, làm việc gì cũng chờ trời đợi số, chỉ mong cho được một đời an nhàn vô sự”?

Câu 4: Anh (chị) suy nghĩ gì về câu văn: “Thành công chỉ đến khi bạn làm việc tận tâm và luôn nghĩ đến những điều tốt đẹp”?

II.    LÀM VĂN (7,0 điểm)

Câu 1 (2,0 điểm): Hãy viết một đoạn văn (khoảng 200 chữ) trình bày suy nghĩ của anh (chị) về ý kiến được nêu ở phần Đọc hiểu: “Đường đi khó không khó vì ngăn sông cách núi mà khó vì lòng người ngại núi, e sông”.

Câu 2 (5,0 điểm):

Bàn về hình tượng người lái đò trong tùy bút Người lái đò sông Đà của Nguyễn Tuân có ý kiến cho rằng: “Đó là người lao động đầy trí dũng trên sông nước  Đà giang”.

Ý kiến khác lại khẳng định: “Đó là người nghệ sĩ tài hoa trong nghệ thuật vượt tác leo ghềnh”.

Từ cảm nhận của mình về hình tượng người lái đò sông Đà, anh (chị) hãy bình luận ý kiến trên. Từ đó, anh (chị) hãy liên hệ đến cảnh cho chữ trong Chữ người tử tù của Nguyễn Tuân và bài thơ Đọc Tiểu Thanh kí của Nguyễn Du để nêu nhận xét về phẩm chất cao đẹp của người nghệ sĩ.

-------------------- HẾT --------------------


HƯỚNG DẪN GIẢI CHI TIẾT

I. ĐỌC-HIỂU (3,0 điểm)

Câu 1: - Phương thức biểu đạt chính là nghị luận.

Câu 2: - Theo tác giả “xưa nay những đấng anh hùng làm nên những việc gian nan không ai làm nổi” là nhờ “cái gan mạo hiểm, ở đời không biết cái khó là gì”.

Câu 3: - Tác giả thể hiện thái độ phê phán, lo ngại, trăn trở đối với “những kẻ ru rú như gián ngày, làm việc gì cũng chờ trời đợi số”.

Câu 4: Thí sinh có thể trình bày theo nhiều cách khác nhau nhưng cần phải nêu được những ý chính sau:

-    Con người ta sống ở đời đều muốn theo đuổi để đạt đến thành công. Biến những hoài bão đầy nhiệt huyết của tuổi trẻ trở thành sự thật. Những khó khăn trở ngại không đáng sợ bằng sự ngại khó, ngại khổ, thiếu ý chí, thiếu nghị lực của con người.

-    Đối diện với những khó khăn trước mắt, có người chọn cách thoái lui, có người rẽ sang hướng khác, dễ dàng và đơn giản hơn, dù nó không đúng với mục đích của mình. Còn có những người lại chọn cách nhìn nhận vấn đề thật lạc quan, và quyết tâm hướng đến mục tiêu của mình với sự nỗ lực cố gắng không ngừng nghỉ.

-    Khát vọng chính là nguồn động lực có sức mạnh vô biên, tiềm tàng bên trong mỗi con người. Động lực này được thể hiện qua những hành động liên tục và bền bỉ, để con người không bao giờ từ bỏ ước mơ, không bao giờ khuất phục hoàn cảnh.

-    Con người khi sinh ra không là gì cả chỉ là mầm sống mới được sinh ra chỉ là một đứa trẻ sơ sinh không tên tuổi. Nhưng bằng tất cả sự nỗ lực không ngừng lòng quyết tâm bền bỉ và ý chí vươn lên thì mầm sống ấy sẽ lớn lên và sinh hoa kết trái góp cho đời những hương sắc. Và khi chết đi họ đã có được tất cả mặc dù không còn trên cõi đời này nữa.

-    Hãy sống hết mình và không ngừng phấn đấu bạn sẽ tìm thấy được tất cả và làm chủ mọi thứ vì: “Tôi chỉ có thể trở thành kẻ do chính tôi làm ra” mà không phải do ai khác sắp đặt hay ép buộc và tự do chính là cái mà chúng ta có được.

II. LÀM VĂN (7,0 điểm):

Câu 1: (2,0 điểm)

A. Về kĩ năng

-    Viết về một văn bản nghị luận xã hội với độ dài đúng quy định.

-    Bài viết có bố cục chặt chẽ; lập ý sáng tạo; vận dụng linh hoạt các thao tác lập luận: giải thích, phân tích, chứng minh, bình luận…; hành văn mạch lạc, trôi chảy, có cảm xúc; không mắc lỗi dùng từ, chính tả.

B. Về kiến thức

Bài làm có thể trình bày theo nhiều cách khác nhau nhưng cần đảm bảo các ý sau:

1. Giải thích

-    “Đường đi” là khoảng cách giữa điểm xuất phát và đích mà ta cần nỗ lực vượt qua để về đến nơi. Nó có thể là một con đường bằng phẳng, dễ dàng nhưng cũng có khi rất nguy hiểm với nhiều chướng ngại vật khó khăn.

-    “Núi” là nơi có độ cao và có nhiều dốc khúc khuỷu.

-    “Sông” là nơi có độ sâu và có nhiều dòng nước chảy qua.

-    “E, ngại” là những từ dùng để chỉ thái độ ngại ngùng, nhút nhát với những chướng ngại vật trước mắt.

Câu nói của Nguyễn Bá Học có nghĩa là đường đi khó khăn với nhiều núi sông ngăn cách, nếu ta cứ e sợ, ngại ngùng thì nó vẫn sẽ rất khó đối với ta. Câu nói khuyên ta đừng nên nhụt chí mà hãy cố gắng hết mình thì việc khó sẽ trở nên dễ dàng.

2. Phân tích và chứng minh

-    Con đường đời sẽ không làm phụ lòng những người biết vượt lên trong cuộc sống. Người có nghị lực sẽ tìm được con đường đi đến thành công dù là con đường đó chông gai, khó khăn.

-    Mỗi người sẽ có một con đường đời của riêng mình nhưng điểm chung là tất cả mọi con đường đều có những lúc lên lúc xuống, lúc êm đềm, lúc khó khăn. Chúng ta phải luôn sẵn sàng đối mặt với những gian nan ấy. Tất cả những khó khăn sẽ không là vấn đề to lớn nếu ta bình tĩnh suy nghĩ và có đủ quyết tâm để vượt qua nó.
-    Dẫn chứng:

+    Con đường Hồ Chí Minh đi đến giải phóng dân tộc quả không dễ dàng. Chế Lan Viên từng dùng hình ảnh “viên gạch hồng” mà Bác đã sưởi ấm cả một mùa đông. Đó mới chỉ là một trong cái khó về thiếu thốn vật chất thường ngày mà Bác phải trải qua. Để giác ngộ những trí thức hải ngoại thấu đạt được tư tưởng giải phóng dân tộc của Bác mà hỗ trợ cũng là cả một vấn đề. Xây dựng được cơ sở Đảng phải trải qua muôn vàn khó khăn; tìm kiếm vũ khí; tranh thủ sự ủng hộ của quốc tế… Đó là những chặng đường Bác đã trải qua.

Những năm tháng tù đày, sống và hoạt động trong vòng bí mật. Sau này giành được hòa bình, con đường Bác phải tiếp tục là làm cho dân no ấm…
+    Hằng ngày, ta vẫn thấy những bà mẹ nghèo tần tảo nuôi con. Dẫu cho con họ từng bước lớn lên trong từng bát cơm cơ hàn, nhưng vẫn được đến trường từ gánh hàng rong của mẹ. Điều đó, ta đã từng được nghe, được thấy trên các phương tiện truyền thông đại chúng. Những đôi vai gầy gò, và gánh hàng còm cõi, họ vẫn đầy nghị lực và khát vọng hướng con đến con đường tươi sáng với những thiết tha cao đẹp. Ngày ngày, ta vẫn thấy biết bao người tật nguyền rong ruổi trên khắp nẻo đường. Họ mưu sinh chân chính và trĩu nặng trong từng bước chân số phận mà lương thiện. Họ đã sống bằng nghị lực phi thường.

Thật vậy, đường đi khó, không khó vì ngăn sông cách núi mà khó vì lòng người ngại núi e sông. Nếu ta tin tưởng vào chính mình, không e ngại khó khăn thì dù vật cản có khó đến mức nào thì chúng ta cũng sẽ vượt qua được.

3. Bàn luận và mở rộng

-    Trong cuộc sống, ai cũng mong có được sự thành công. Nhưng nó không bao giờ tự đến với ta mà chúng ta cần phải luôn tự tin kiên trì, dũng cảm vượt qua những chông gai thì chắc hẳn cánh cửa đi đến thành công sẽ mở rộng chào đón ta.

-    Cứ e dè, tự ti, không dám đối mặt với những thử thách thì ta sẽ không bao giờ tiến bộ được. Khi đã đánh mất niềm tin, sự quyết tâm thì ta sẽ trở thành người không có ý chí, không có nghị lực, không thể sống tự lập và có thể bỏ qua nhiều cơ hội tốt đẹp.
-    Ai cũng muốn mình có được thành công nhưng lại có nhiều người không dám đối đầu với thử thách mà chỉ muốn trốn tránh, bỏ cuộc.
-    Thực tế, trong xã hội hiện nay, có không ít người luôn tự ti, không dám thể hiện năng lực của mình. Vậy những người ấy sẽ đóng góp được gì cho đất nước khi cứ sống mãi trong vỏ ốc của chính mình.
-    Đường đời sẽ càng chông gai nếu những ai nghĩ rằng khó khăn sẽ không vượt qua được, chúng ta cứ thử một lần bước qua những thử thách, đối mặt với khó khăn thì chắc chắn chúng ta sẽ vượt qua được vì nghị lực sẽ làm nên tất cả.

4. Bài học nhận thức và hành động

-    Là thế hệ tương lai của đất nước, chúng ta phải sống và làm việc hết mình, tự tin và không được gục ngã trước rào cản. Ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường, mỗi cá nhân cần phải không ngừng học tập, trau dồi, rèn luyện kiến thức, giao lưu học hỏi để chuẩn bị cho mình một hành trang tri thức vững chắc khi bước vào con đường đời đầy chông gai và thử thách.

-    Xã hội cần xây dựng và phát huy lối học tập, giáo dục ý thức cá nhân, hình thành tính tự tin cho mọi người và biểu dương, những cá nhân dám nghĩ dám làm, có những đóng góp tích cực cho cộng đồng.
-    Đường đi nào cũng có nhiều chông gai, thử thách. Hãy đặt niềm tin vào bản thân, luôn quyết tâm, kiên trì dù núi có cao bao nhiêu, sông có sâu, hung bạo như thế nào thì chúng ta cũng sẽ vượt qua. Bạn, tôi, chúng ta hãy cùng nhau đối đầu với khó khăn và đi đến một tương lai tươi sáng.

Câu 2: (5,0 điểm)

1. Mở bài

-    Giới thiệu vấn đề nghị luận

+    “Niềm vui của nhà văn chân chính là niềm vui của những người dẫn đường đến xứ sở của cái đẹp” (Pautôpxki). Nguyễn Tuân là một nhà văn như thế. Ông quan niệm: “Văn chương trước hết phải là văn chương, nghệ thuật trước hết phải là nghệ thuật và đã nghệ thuật thì phải có phong cách độc đáo”. Với tùy bút Người lái đò sông Đà, ngòi bút Nguyễn Tuân như nở hoa trong sự hòa phối kì diệu giữa cái đẹp của ngôn từ với ánh sáng tuyệt mĩ của chiều sâu hình ảnh dẫn đến vẻ đẹp hung bạo và trữ tình của thiên nhiên Tây Bắc nhất là chất vàng mười nơi tâm hồn con người.

- Dẫn ra vấn đề nghị luận

+    Bàn về hình tượng người lái đò trong tùy bút Người lái đò sông Đà của Nguyễn Tuân có ý kiến cho rằng:

“Đó là người lao động đầy trí dũng trên sông nước Đà giang”. Ý kiến khác lại khẳng định: “Đó là người nghệ sĩ tài hoa trong nghệ thuật vượt thác leo ghềnh”. Đó là hai vẻ đẹp nổi bật mang đặc điểm chung của cá tính Nguyễn Tuân.

2. Thân bài

2.1. Khái quát chung

-    Nguyễn Tuân là nhà trí thức giàu lòng yêu nước và tinh thần dân tộc. Lòng yêu nước của nhà văn thường không được phát biểu một cách trực tiếp mà ẩn đằng sau những bức tranh thiên nhiên, những giá trị văn hóa cổ truyền. Nguyễn Tuân là nhà văn tài hoa và uyên bác. Thể hiện sự tài hoa, Nguyễn Tuân thường nhìn nhận và khám phá mọi sự vật, hiện tượng ở phương diện thẩm mĩ và miêu ta con người ở góc độ tài hoa nghệ sĩ. Thể hiện sự uyên bác, văn Nguyễn Tuân đầy ắp những hiểu biết phong phú, đa dạng về nhiều lĩnh vực khác nhau của đời sống từ các bộ môn nghệ thuật (hội họa, điện ảnh…) cho đến lịch sử, địa lí, quân sự, thể thao…

Nguyễn Tuân còn là người có cá tính mạnh mẽ và phóng khoáng. Ông không thích những cái gì bằng phẳng, nhợt nhạt cũng như không ưa mọi khuôn phép gò bó. Trái lại, nhà văn luôn có hứng thú với những biểu hiện. 

 Người lái đò sông Đà được trích trong Tùy bút sông Đà (1960). Đây là kết quả của chuyến đi thực tế lên Tây Bắc năm 1958. Mục đích chính của chuyến đi tới Tây Bắc cũng là cảm hứng chủ đạo của cả tập tùy bút là tìm kiếm chất vàng của thiên nhiên Tây Bắc và nhất là chất vàng mười – thứ vàng mười đã qua thử lửa ở tâm hồn những con người lao động, chiến đấu trên miền núi sông hùng vĩ và thơ mộng. Viết về sông Đà nhà thơ muốn đề thơ, phổ nhạc vào sông nước quê hương. Cảm hứng sông Đà đã thành nghệ thuật, “thành một gợi cảm mênh mang” về sông quê, về con người Việt Nam. Và ông cũng là một “Đà giang độc bắc lưu” trên bình diện nghệ thuật.

2.2. Giải thích ý kiến

-    Người lao động đầy trí dũng” – người lao động với những phẩm chất cao đẹp, đáng trân trọng đặc biệt là tài trí tuyệt vời và lòng dũng cảm vô song trong nghề lái đò vượt sông Đà hung dữ. Nguyễn Tuân là người tài hoa, uyên bác luôn tiếp cận mọi sự vật ở mặt văn hóa thẩm mĩ để từ đó say mê truy tìm vẻ đẹp độc đáo của con người và cuộc sống. Với người lái đò sông Đà, Nguyễn Tuân lại say mê đi tìm vẻ đẹp độc đáo của con người và cuộc sống. Nguyễn Tuân có những cảm nhận về người lái đò mang nét độc đáo từ vẻ đẹp ngoại hình đến phẩm chất bên trong, không chỉ là người lao động khỏe khoắn từng trải nơi sông nước mà còn là một vị tướng tài ba trong những trận chiến với con nước hung dữ.

-    “Nghệ sĩ tài hoa” là khái niệm để ca ngợi những người làm trong ngành nghệ thuật có tài năng xuất chúng, có phẩm chất hơn người được xã hội công nhận và tôn vinh. Người lái đò được ca ngợi là “người nghệ sĩ tài hoa” bởi tài năng đã đạt tới trình độ thuần thục, điêu luyện trong nghề lái đò vượt thác. Nguyễn Tuân luôn nhìn con người ở phương diện tài hoa nghệ sĩ để đối lập với những con người tầm thường, phàm tục. Với Nguyễn Tuân những con người bình thường khi thực hiện những công việc bình thường trong phạm vi nghề nghiệp của mình nếu đạt đến độ tinh xảo khéo léo mà người khác khó lòng theo kịp thì được coi là một người tài hoa.

2.3 Cảm nhận

-    Vẻ đẹp nghệ sĩ của ông lái đò không phải là một người lái đò thông thường mà là một nghệ sĩ trong nghệ thuật sông nước như một nhạc sĩ tài hoa chỉ huy dàn nhạc trên con thuyền để vượt qua bản trường ca sông nước ào ạt kia. Sự tài hoa đến từng động tác thuần thục của ông lái đò mà Nguyễn Tuân gọi đó là “tay lái ra hoa”:

+    Trước Cách mạng, Nguyễn Tuân tách rời cái đẹp khỏi cái có ích, đề cao cái đẹp thuần túy nhưng đó là cái đẹp của quá khứ. Ông tìm đến những con người tài hoa thiên về lĩnh vực văn hóa nghệ thuật.
+    Sau cách mạng, Nguyên Tuân không còn say sưa chắt chiu cái đẹp cho một thế giới nhỏ bé, tù túng, nhà văn cảm nhận được cái rộng rãi bao la của đất trời, cái nhìn của nhà văn trở nên đôn hậu hơn. Ông đi tìm cái đẹp của những người lao động bình thường vì vậy quan niệm về cái đẹp của ông bớt đi sự phù phiếm từng bước đến với cái đẹp chân chính tiến bộ.

-    Nguyễn Tuân đã không đặt cho nhân vật của mình một cái tên riêng mà gọi bằng một danh từ chung là: “người lái đò” hoặc “ông đò”. Từ một con người nhà văn muốn người đọc nghĩ đến rất nhiều người đang lặng lẽ âm thầm cống hiến trí tuệ và sức lực của mình cho đất nước.
-    Người lái đò có ngoại hình khá đặc biệt: thân hình “cao to, gọn quánh như chất sừng chất mun, tay ông lêu nghêu như cái sào, chân ông khuỳnh khuỳnh như kẹp lấy một cuống lái trong tưởng tượng, giọng nói ào ào như tiếng nước trước một ghềnh sông”. Nhà văn không chỉ miêu tả ngoại hình mà còn nhấn mạnh vào sự gắn bó tình yêu với nghề sông nước của con người ấy. Đó là một linh hồn muôn thưở của sông nước này.

-    Người lái đò sông Đà là một con người giàu trải nghiệm. Đó là một tay đò lão luyện đã xuôi ngược trên sông Đà hơn một trăm lần rồi và chính tay ông giữ lái khoảng độ sáu chục lần. Ông hiểu sông Đà như hiểu chính mình, nhờ tỉ mỉ như đóng đanh vào tất cả những luồng nước của những con thác hiểm trở. Ông nắm chắc binh pháp của thần sông, thần đá và “sông Đà như một trường thiên anh hùng mà ông đã thuộc từng dấu chấm câu, từng dấu chấm than và cả những đoạn xuống dòng”. Cuộc đời của người lái đò sông Đà cũng giống như một bản anh hùng ca hào hùng lãng mạn đến lạ kì.

-    Dưới ngòi bút của Nguyễn Tuân, mỗi một hòn đá là một tên lính thủy hung tợn, tên nào trông cũng ngỗ ngược, nhăn nhúm và sẵn sàng giao chiến. Cả một trận địa đá với những âm mưu, thủ đoạn nham hiểm đã được bày ra để sẵn sàng dìm chết con thuyền. Sông Đà đã giao việc cho mỗi hòn, để chúng phối hợp thành ba trùng vi nguy hiểm:

+    Trùng vi thứ nhất: sông Đà bày ra năm cửa trận, có bốn cửa tử, một cửa sinh, cửa sinh nằm lập lờ phía tả ngạn sông. Hàng tiền vệ, có hai hòn canh một cửa đá trông như là sơ hở, thực chất chúng đóng vai dụ chiếc thuyền vào tuyến giữa. Ở trùng vi thứ nhất này sóng nước đóng vai trò chính để tiêu diệt chiếc thuyền. Vừa vào trận chúng tấn công chiếc thuyền tới tấp: “Mặt nước hò la vang dậy quanh mình, ùa vào mà bẻ gãy cán chèo võ khí trên cánh tay mình. Sóng nước như thể quân liều mạng vào sát nách mà đá trải mà thúc gối vào bụng và hông thuyền. Có lúc chúng đội cả thuyền lên. Nước bám lấy thuyền như đô vật túm thắt lưng ông đò đòi lật ngửa mình ra giữa trận nước vang trời thanh la não bại”.

+    Trùng vây thứ hai: “Tăng thêm nhiều cửa tử để đánh lừa con thuyền vào, và cửa sinh lại bố trí lệch qua phía bờ hữu ngạn… Dòng nước hùm beo hồng học tế mạnh trên sông đá đánh khúp quật vu hồi chiếc thuyền”. Tại trận đánh giáp la cà này, chúng quyết sinh quyết tử với ông lái đò. Khi chiếc thuyền đã vượt qua, bọn sông nước cửa tử “vẫn không ngớt khiêu khích, mặc dầu cái thắng đá tướng đứng chiến ở cửa vào đã tiu nghỉu cái mặt xanh là thất vọng”. Đúng là bọn đá sóng nước hiểm độc!

+    Trùng vi thứ ba: “ít cửa hơn, bên trái bên phải đều là luồng chết cả. Cái luồng sống ở chặng ba này lại ở giữa ngay bọn đá hậu vệ của con thác”. Tại đây những boong-ke chìm và pháo đài đá nổi ở đầu chân thác phải đánh tan cái thuyền. Làm ta liên tưởng đến một trận đấu bóng quyết liệt. Chiếc thuyền như một cầu thủ phải “phóng thẳng, chọc thủng cửa giữa, vút, vút, cửa ngoài, cửa trong, lại cửa trong cùng, và như một mũi tên tre xuyên nhanh qua hơi nước, vừa xuyên vừa tự động lái được lượn được”, tiến về phía khung thành và cuối cùng đã hết thác.

-    Từ cuộc chiến đấu ác liệt với thác dữ sông Đà, từ sự bình dị của những con người lái đò sau chiến thắng (không lưu danh tên tuổi, chả thấy ai bàn thêm một lời nào về cuộc chiến thắng vừa qua), có thể thấy Nguyễn Tuân đã khẳng định, ngợi ca vẻ đẹp của những người lao động bình thường, ầm thầm, giản dị nhưng đã và đang làm nên những kì tích lớn lao trong cuộc chiến với thiên nhiên hung dữ nơi ải nước sông Đà.
2.4. Nhận xét và đánh giá

-    Thế giới nhân vật của Nguyễn Tuân là thế giới nhân vật của nghệ sĩ. Nghệ sĩ uống trà, nghệ sĩ đao phủ, nghệ sĩ tử tù, những anh bộ đội trực chiến giữa cánh rừng nở đầy hoa đào. Như vậy với Nguyễn Tuân người nghệ sĩ đâu phải chỉ ở những lĩnh vực sáng tạo nghệ thuật mà còn ở những lĩnh vực khác nhau trong cuộc sống.

-    Người lái đò điêu luyện, thuần thục đến tài tử trong nghề vượt thác. Ông xử lí các tình huống, những thách thức của thiên nhiên khéo léo và linh hoạt, mỗi động tác của người lái đò như một đường cọ trên bức tranh thiên nhiên sông nước, khi thì dũng mãnh và quyết đoán, khi thì mềm mại uyển chuyển.
-    Người lái đò còn có một tâm hồn cao đẹp, phong thái ung dung của những đáng tài hoa tài tử. Sau cuộc vượt thác, “Sông nước Đà giang xèo xèo tan trong trí nhớ và không ai bàn thêm một lời nào về chuyện vừa qua nơi cửa ải nước. Họ chỉ bàn tán về cá dầm xanh, cá anh vũ và những ống cơm lam trong hang đá”. Người lái đò sông Đà coi việc đối mặt với sông nước hung bạo là chuyện thường tình, không có gì đáng nói những hồi ức về sự hiểm nguy đều không có mà tất cả đều là sự lãng mạn ngọt ngào. Đó là khí chất nghệ sĩ ở mỗi con người bình thường luôn ung dung thanh thản sau những thác lũ cuộc đời, nó làm nên sự khác biệt với những người bình thường khác.

-    Có thể nói khả năng làm chủ ngôn ngữ của Nguyễn Tuân thật phi thường muốn “vẫy gió tuôn mưa”, “hô phong hoán vũ” để từ đó dựng cảnh cho người lái đò xuất hiện với tất cả sự tài hoa của người nghệ sĩ lái đò – một nhân vật đạt đến đỉnh cao của sự toàn mĩ trong công việc của mình.

-    Người lái đò trí dũng và tài hoa trên dòng sông hung bạo và trữ tình. Vẻ đẹp của những người lái đò – vẻ đẹp bình dị, thầm lặng nhưng đầy trí tuệ và sức mạnh, đầy ý chí và nghị lực, tài năng và tài hoa có khả năng chinh phục thiên nhiên, bắt nó phải phục vụ con người dựng xây đất nước chính là “chất vàng mười” của con người Tây Bắc nói riêng và người lao đông Việt Nam nói chung trong thời kì mới.
2.5. Liên hệ

a. Cảnh cho chữ trong Chữ người tử tù

-    “Cảnh tượng xưa nay chưa từng có” chứng minh cho sự thăng hoa của tài năng nghệ Huấn Cao, giúp nhân vật được tỏa sáng. Ở cảnh này Nguyễn Tuân đã gia công kĩ lưỡng bằng thủ pháp nghệ thuật đối lập: ánh sáng– bóng tối, nhà tù – tự do, cao cả – tầm thường… tất cả đều chứng minh cái đẹp đã thống trị trong cảnh huống này.
-    Một cảnh tượng giàu ý nghĩa bởi mọi ranh giới và quyền lực của sự tăm tối bị xóa mờ, thay vào đó là cái đẹp lên ngôi. Nó không còn là hình ảnh của người tử tù, thầy thơ lại, quản ngục mà chỉ còn lại những người bạn tri âm tri kỉ được tận hiến trong không gian nghệ thuật.

-    Cảnh cho chữ của Nguyễn Tuân khẳng định được giá trị bất tận của cái đẹp. nó không những soi sáng cho con người trong thiên lương mà còn cảm hóa và thanh lọc tâm hồn con người đến đời sống văn minh, trong sạch hơn. Rõ ràng, cảnh cho chữ diễn ra trong nhà tù, nhưng mọi rào cản của tù tội đã biến mất.

-    Kết thúc cảnh cho chữ Huấn Cao đã khuyên quản ngục chuyển chỗ ở để giữ thiên lương cho lành vững và quản ngục đã bái lĩnh trong niềm xúc động nghẹn ngào: “Kẻ mê muội này xin bái lĩnh”. Điều đó chứng minh cho giá trị của nghệ thuật: cảm hóa và hướng thiện cho con người.

Bằng đam mê và khát vọng săn tìm cái đẹp, Nguyễn Tuân đã khẳng định được vị thế của nó đối với con người và xã hội. Tuy nó không có sức mạnh, không có quyền lực nhưng nó lại mang tính thống trị, có thể hóa giải mọi khổ đau, tăm tối trong cuộc đời này.

b. Bài thơ Đọc Tiểu Thanh kí

-    Đọc Tiểu Thanh kí là bài thơ gửi gắm tâm sự đồng cảm dành cho những người phụ nữ có tài, có sắc nhưng có số phận đau khổ. Cùng với Tiểu Thanh, đó là Dương Quý Phi, là nàng Đạm Tiên, là Thúy Kiều, là người phụ nữ gảy đàn ở Thăng Long…

-    Bốn câu đầu là tiếng khóc người, thương người, là lệ dành cho Tiểu Thanh. Nguyễn Du đến với Tiểu Thanh trong một hoàn cảnh có phần giống Kiều đến với Đạm Tiên. Nấm mồ Đạm Tiên: “Sè sè nấm đất bên đường/ Dàu dàu ngọn cỏ nửa vàng nửa xanh” gợi lên ở Kiều bao mối thương tâm. Cái gò hoang nơi chôn Tiểu Thanh gợi lên ở Nguyễn Du bao điều thổn thức.

-    Thế giới của văn chương và người đời hoàn toàn khác nhau, không thể nào hàn gắn cho văn chương cùng số mệnh với người làm ra nó. Đó là một điều tất yếu xưa nay. Thế mà nàng Tiểu Thanh tội nghiệp đến cả những tác phẩm của mình cũng bị người đời ghen ghét đốt đi, tàn nhẫn và lạnh lùng đến vô cùng. Còn gì đau đớn hơn thế nữa, xót xa hơn thế nữa. Nguyễn Du đã khóc cho nàng và bật lên những tiếng nói căm hờn.

-    Nguyễn Du tự coi mình là người cùng hội với kẻ mắc nỗi oan lạ lùng vì nết phong nhã. Như vậy là bằng chính sự thể nghiệm của bản thân, Tố Như thấu hiểu nỗi đau oan khốc của Tiểu Thanh và ngược lại từ Tiểu Thanh, Nguyễn Du đã “một lời là một vận vào” bản thân để tự hận, tự thương.

-    Với Tiểu Thanh, ba trăm năm sau đã có một Nguyễn Du “thổn thức bên song” trước “mảnh giấy tàn”. Còn với Nguyễn Du, ba trăm năm sau liệu có ai “khóc Tố Như chăng”? “Bất tri” – chưa biết được.

Có thể nói Nguyễn Du là nhà thơ thuộc thế hệ những nhà đầu tiên của Việt Nam nghĩ về thân phận những người nghệ sĩ trong xã hội phong kiến. Ông bắt đầu quan tâm đến con người ở phương diện tinh thần, con người với tư cách là chủ nhân của những giá trị tinh thần như thi ca, âm nhạc, hội họa… Chia sẻ thân phận bất hạnh của họ, Nguyễn Du thực chất đã đòi xã hội phải biết trân trọng tài năng, trân trong những người làm ra các giá trị văn hóa tinh thần.
2.6. Đánh giá và nhận xét

-    Cả ba đoạn trích và tác phẩm đều đề cập đến vẻ đẹp và tài năng của những người nghệ sĩ – những con người đem cái tài của mình để điểm tô cho cuộc đời.
-    Ở ba đoạn trích và tác phẩm ca ngợi cái tài và cái tâm của những người nghệ sĩ nhưng lại có sự khác nhau về cách nhìn:

+    Nhân vật ông lái đò trong Người lái đò sông Đà là một anh hùng sông nước, một chiến binh quả cảm giữa cuộc sống bình dị, đời thường là “chất vàng mười” đã qua thử lửa của con người vùng đất Tây Bắc mà Nguyễn Tuân đã chắt lọc và nâng niu trên trang viết cuộc đời.

+    Trong cảnh cho chữ ở truyện ngắn Chữ người tử tù, Nguyễn Tuân tìm cái đẹp vang bóng một thời đã lùi vào quá khứ, ở các bậc siêu phàm – tài nghệ của Huấn Cao là những “bông hoa cuối mùa còn vương xót lại của một thời kì huy hoàng – một quá khứ vàng son trong lịch sử dân tộc.”.

+    Đọc Tiểu Thanh Kí – tiếng khóc của người đa tình Nguyễn Du là tiếng thơ của một tấm lòng nhân ái mênh mông không biên giới. Suốt đời ông khóc cùng người đời, nói lên tiếng nói cảm thương vô hạn cùng thân phận của người đời bằng trái tim xót đau và nhạy cảm. Và trong ông, cái day dứt ấy không bao giờ nguôi ngoai vẫn cứ còn bật lên tiếng khóc thầm, lặng lẽ ủ kín trong nỗi đau đớn, khắc khoải của nhân gian dài dặc.

-    Nguyễn Tuân và Nguyễn Du – hai người nghệ sĩ sống cách nhau hơn hai thế kỉ nhưng ở họ có chung một điểm gặp gỡ đó là tiếng nói tri âm với những con người có tâm hồn nghệ sĩ.

3. Kết bài

-    Bằng ngòi bút tài hoa của mình, tác giả Nguyễn Tuân và Nguyễn Du đã mang đến cho tác phẩm Người lái

đò sống Đà, Chữ người tử tù và Đọc Tiểu Thanh Kí một nội dung và nghệ thuật đặc sắc. Đặc biệt qua hình tượng nhân vật ông lái đò; nhân vật Huấn Cao trong cảnh cho chữ, nàng Tiểu Thanh tài sắc vẹn toàn. Vẻ đẹp ấy của các nhân vật đã tôn thêm giá trị của tác phẩm.

-    Cảm ơn nhà văn Nguyễn Tuân và nhà thơ Nguyễn Du – người đã “cắm một cây sào sáng tạo” để đưa tác phẩm Người lái đò sông Đà, Chữ người tử tù và Đọc Tiểu Thanh kí – tác phẩm văn học của lòng nhân, của đức tin và của giá trị sống về phía những con người chân – thiện – mĩ.

 

Bài viết gợi ý: