Câu 1: (8 điểm)
Thuở xưa, tại thành Savatthi, có một ông vua nọ muốn bày trò vui, ra lệnh nhóm tất cả những người sinh ra đã mù trong thành lại một chỗ, bảo chia họ thành nhiều nhóm, rồi sai đưa một con voi ra.
- “Đây là con voi!”, người hầu của vua bảo với những người mù.
Với một số người mù, ông ta cho sờ vào đầu con voi; một số người khác thì được sờ vào lỗ tai voi; số khác nữa thì cho sờ vào ngà voi; rồi thì vòi, chân, lưng, đuôi, lông đuôi voi... cũng được những nhóm khác sờ nắn - mỗi nhóm sờ một thứ.
Xong, vua đến các người mù ấy, hỏi: “Này, các ông đã thấy con voi chưa?”. “Thưa Đại vương, chúng tôi đã thấy con voi!”, những người mù trả lời. “Vậy các ông hãy nói cho ta nghe xem con voi như thế nào?”, vua bảo.
Nhóm người sờ đầu voi nói: “Thưa Đại vương, con voi giống với cái ghè!”. Nhóm người sờ tai nói: “Con voi giống cái rổ sàng gạo!”. Nhóm sờ ngà nói: “Con voi giống với cái lưỡi cày!”. Cứ như vậy, nhóm sờ vòi nói con voi giống cái cày; nhóm sờ chân nói giống cái cột; nhóm sờ lưng bảo như cái cối; nhóm sờ đuôi bảo y như cái chày; nhóm sờ lông đuôi nói con voi giống với cái chổi!
- “Con voi như các ông nói không phải là con voi. Con voi phải như chúng tôi nói mới đúng là voi!”, những nhóm người mù bắt đầu tranh cãi, ai cũng cho nhóm mình đúng, còn nhóm kia sai. Tranh cãi bằng miệng không ngã ngũ, họ xoay ra đánh nhau bằng tay. Ông vua nọ rất lấy làm hoan hỷ!
(Theo Kinh Tiểu bộ, tập I, Kinh Phật tự thuyết)
Viết bài văn trình bày suy nghĩ của anh (chị) về câu chuyện trên.
Câu 2: (12 điểm)
Nhà văn Võ Thị Xuân Hà khi trả lời câu hỏi của bạn yêu văn từng phát biểu: “Những tác phẩm càng giản dị, càng gần gũi đời thường thì càng chứa đựng tính tư tưởng trong nó”.
Anh (chị) hiểu như thế nào về ý kiến trên? Làm sáng tỏ ý kiến bằng một số tác phẩm trong chương trình Ngữ văn 11.
--------------------------------*****----------------------------------
CÂU 1 |
2.1. Giải thích ý nghĩa câu chuyện: “Người mù sờ voi” là một trong những câu chuyện ngụ ngôn nổi tiếng bậc nhất, không chỉ trong kinh Phật mà trong kho tàng văn học dân gian nhiều nước như: Ấn Độ, Trung Quốc, Việt Nam... Câu chuyện kể về những người mù xem voi. Con voi to lớn quá, người xem lại khiếm khuyết về thị giác nên mỗi người chỉ sờ được một bộ phận. Họ cho thế là đủ và hài lòng với phán đoán của mình. Ai cũng an tâm về nhận định của mình mà không hiểu rằng họ đều chỉ biết được một phần của sự thật. Những người mù ấy bắt đầu tranh cãi với nhau xem thật sự con voi là như thế nào. Và sau một hồi tranh cãi, những người mù ấy nổi giận, lao vào và đấm đá lẫn nhau. àÝ nghĩa câu chuyện: mỗi người thường có ý kiến, quan điểm, nhận thức, cách đánh giá khác nhau về một sự vật, sự việc gì đó vì mỗi chúng ta cũng chỉ có thể biết được qua kiến thức và kinh nghiệm của chính mình. Thái độ cố chấp cho rằng nhận thức của mình là đúng, bị trói buộc bởi nhận thức hạn hẹp theo kiểu “ếch ngồi đáy giếng” của mình, dẫn đến tranh cãi, đánh nhau thật đáng thương. |
2.2. Bình luận - chứng minh: - Nhận thức sự vật, sự việc một cách toàn diện, đúng đắn là việc khó, bởi mỗi người, do những hạn chế của mình thường chỉ nhận thức được một phần, một khía cạnh của sự vật, hiện tượng. Chúng ta dễ dàng thấy rằng, chúng ta đang tiếp xúc với thực tại theo kiểu những người mù sờ voi. Không ai dám chắc rằng mình hiểu hết người bạn thân nhất, thậm chí ngay cả bản thân mình. Khi tiếp xúc một người hay một vật, chúng ta thường bị giới hạn bởi kiến thức và kinh nghiệm của bản thân, nên những nhận định, đánh giá của chúng ta về người ấy, vật ấy cũng hết sức phiến diện - Mỗi người phải biết sự hạn chế của mình, đánh giá đúng hạn chế của bản thân mình mới có thể đi đến nhận thức sự vật một cách đúng đắn. Nhưng cần hiểu rằng đó chỉ là nhận thức cá nhân của mình, ở hiểu biết hiện tại của mình. - Sự vật hiện tượng trong cuộc sống rất đa dạng, điều ta đã biết chỉ là một giọt nước, điều chưa biết là cả một đại dương. Vì vậy, cần biết lắng nghe ý kiến của người khác, chấp nhận những ý kiến khác biệt, không nên vội vàng phủ định người khác. - Khi tìm hiểu sự việc, chỉ khẳng định quan điểm của mình, bài bác ý kiến của người khác đến mức phải đánh nhau là một việc làm vô bổ, đáng làm trò cười cho kẻ khác. - Kẻ bày trò, xem sự hạn chế trong nhận thức của người khác là trò cười để mua vui (như ông vua trong truyện) cũng là người rất đáng thương. (Thí sinh cần lấy dẫn chứng tiêu biểu để chứng minh) |
2.3. Bàn bạc, mở rộng: - Phê phán thái độ hẹp hòi, cố chấp, khăng khăng khẳng định ý kiến quan điểm của mình, không chấp nhận ý kiến của người khác. - Phê phán hành động giải quyết vấn đề bằng cách tranh cãi, đánh lộn khi không tìm được tiếng nói chung. (Thí sinh có thể có những ý mở rộng khác miễn là phù hợp) |
2.4. Bài học: - Mỗi cá nhân cần đánh giá đúng về bản thân mình, thấy được sự nhỏ bé, nhận thức hạn chế của mình từ đó biết bao dung với người khác. - Mỗi người cũng cần không ngừng hoàn thiện bản thân cả về kiến thức, năng lực, phẩm chất, biết chung sống hòa bình với mọi người. |
CÂU 2 |
2.1. Giải thích: |
- Tác phẩm giản dị, gần gũi đời thường: Là tác phẩm viết về cái hàng ngày, vụn vặt diễn ra trong cuộc sống đời thường, thậm chí hiển nhiên nhỏ bé đến mức dễ bỏ qua, dễ lãng quên. Đó còn là tác phẩm với hình thức nghệ thuật chân phương, mộc mạc, giản dị, dễ tiếp nhận, dễ đồng cảm, đồng điệu. - Tính tư tưởng: là thuộc tính bản chất của tác phẩm văn học. Tư tưởng trong tác phẩm văn học chính là những suy tư, trăn trở của người nghệ sĩ trước hiện thực cuộc sống, là những câu hỏi day dứt, khắc khoải về con người và cuộc đời, là những câu trả lời, những kiến giải nhà văn đưa ra để cải tạo hiện thực cuộc sống…Tư tưởng chính là ý đồ nghệ thuật của nhà văn. Tư tưởng của tác phẩm cũng chính là thông điệp nghệ thuật mà người đọc tiếp nhận, lĩnh hội được từ văn bản. à Tóm lại, ý kiến của nhà văn Võ Thị Xuân Hà khẳng định giá trị, sức sống của những tác phẩm giản dị, gần gũi đời thường. |
2.2. Bình luận: |
a. Cơ sở lí luận: - Ý kiến đã nêu lên một đặc trưng bản chất của văn học, đó là văn học luôn nhận thức và phản ánh cuộc sống. Mọi tư tưởng trong tác phẩm văn học đều nảy sinh từ hiện thực cuộc sống và hướng tới cuộc sống. Cuộc đời là trung tâm của văn học. Sự giản dị, gần gũi trong chất liệu hiện thực và hình thức biểu hiện của tác phẩm sẽ tạo sợi dây liên kết bền chắc giữa những tư tưởng trong tác phẩm và hiện thực đời sống. - Ý kiến cũng nêu lên một yêu cầu đối với nhà văn và quá trình sáng tạo. Để tạo nên được tác phẩm hay, có giá trị, có tư tưởng còn phụ thuộc vào sự trải nghiệm cuộc sống của nhà văn, cách nhìn cuộc sống và khả năng khái quát hóa, phản ánh hiện thực vào tác phẩm. Sự giản dị trong chất liệu hiện thực và hình thức nghệ thuật của tác phẩm là hiện thực được tái tạo và sáng tạo theo cái nhìn chủ quan của nhà văn, là sức nén, sự kết tụ, chưng cất qua nhiều chiêm nghiệm nghệ thuật phức tạp. Đó là sự tối giản sau khi đã được gạn lọc, kết tinh. - Sự giản dị cũng tạo tính nghệ thuật – một đặc trưng thẩm mĩ của tác phẩm văn học. Đó cũng là một trong những giá trị muôn đời của nghệ thuật đích thực. - Đối với người tiếp nhận văn học mà nói thì tác phẩm càng gần gũi đời thường, càng giản dị cả về nội dung lẫn hình thức nghệ thuật càng dễ tạo được sự đồng điệu của người đọc, càng tạo cho người đọc cơ hội khám phá, thấu hiểu ý đồ tư tưởng của nhà văn. |
b. Chứng minh bằng thực tế văn học: Học sinh lựa chọn cảm thụ, phân tích các tác phẩm giản dị trong chất liệu hiện thực và hình thức nghệ thuật để làm sáng tỏ vấn đề. Dẫn chứng phải có diện và điểm, bao quát các tác phẩm văn học ở nhiều thể loại văn học, nhiều nền văn học khác nhau. Có thể chọn một số tác phẩm văn học Việt Nam như: Hai đứa trẻ (Thạch Lam), Chí Phèo (Nam Cao), Tràng giang (Huy Cận), Tương tư (Nguyễn Bính)… hoặc một số tác phẩm văn học nước ngoài như Tôi yêu em (Pus-kin), Người trong bao (Sê-khôp)… Không cảm thụ, phân tích chung chung, dàn trải mà phải bám sát vấn đề bàn luận. Phải làm rõ được tính tư tưởng hàm súc của tác phẩm chứa đựng trong hình thức nghệ thuật và chất liệu hiện thực giản dị, gần gũi với đời thường. |
2.3. Bàn bạc, mở rộng vấn đề: - Tp giản dị không có nghĩa là dễ dãi, giản đơn hoặc sao chép y nguyên cuộc sống. - Bên cạnh đó, cũng cần thấy giá trị của những tác phẩm dị biệt, không phủ nhận những tìm tòi mới mẻ, những cách tân có thể xa lạ với kinh nghiệm thẩm mĩ quen thuộc. - Với nhà văn, cần lao động nghệ thuật công phu và tâm huyết để sáng tạo những tác phẩm hàm súc, chứa đựng tư tưởng lớn trong một hình thức giản dị, đời thường. - Người đọc biết khám phá, trân trọng những tác phẩm nghệ thuật giản dị hàm chứa tư tưởng lớn lao. |