Câu 1: (4điểm)

          Trong bài thơ “Lượm” (Ngữ văn 6, tập II) Tố Hữu viết:

“ …Cháu nằm trên lúa

Tay nắm chặt bông

Lúa thơm mùi sữa

Hồn bay giữa đồng …

Lượm ơi, còn không?”

   Nêu cảm nhận của em về đoạn thơ trên.

Câu 2: (6điểm)

         Đọc mẩu chuyện sau:
    “Chuyện kể, một danh tướng có lần đi ngang qua trường học cũ của mình, liền ghé vào thăm. Ông gặp lại người thầy từng dạy mình hồi nhỏ và kính cẩn thưa:
   - Thưa thầy, thầy còn nhớ con không ? Con là...
Người thầy giáo già hốt hoảng:
   - Thưa ngài, ngài là...
   - Thưa thầy, với thầy con vẫn là người học trò cũ. Con có được những thành công ngày hôm nay là nhờ sự giáo dục của thầy ngày nào....”
   Bằng một bài văn ngắn hãy nêu suy nghĩ của em về những điều tác giả muốn gửi gắm qua câu chuyện trên.

Câu 3: (10 điểm)
      Trong  thiên  nhiên, có những sự biến đổi thật kỳ diệu: mùa đông, lá bàng chuyển sang màu đỏ rồi rụng hết; sang xuân, chi chít những mầm non nhú lên, tràn trề nhựa sống. Em hãy tưởng tượng và viết thành một câu chuyện có các nhân vật: Cây Bàng, Đất Mẹ, Lão già Mùa Đông, Nàng tiên Mùa Xuân để gợi tả điều kỳ diệu ấy của thiên nhiên.

HƯỚNG DẪN CHI TIẾT


*HƯỚNG DẪN CHUNG:
    - Hướng dẫn chấm chỉ nêu những ý cơ bản, học sinh có thể có nhiều cách trình bày nên giám khảo cần vận dụng linh hoạt để xác định điểm một cách khoa học, chính xác, khách quan.
    - Bài làm được đánh giá trên cả hai phương diện: kiến thức và kỹ năng. Đặc biệt đánh giá cao những bài làm thể hiện rõ tố chất: sáng tạo, phong cách, giọng điệu riêng...
Câu 1. (4 điểm )
*Yêu cầu:
a/ Kĩ năng: (1điểm )
  - Viết thành một đoạn văn hoàn chỉnh.
  - Câu văn mạch lạc, giàu cảm xúc.
  - Không sai lỗi chính tả.
b/ Kiến thức: (3 điểm )

    * Học sinh nêu được các ý sau:

  -Tác giả sử dụng các động từ, tính từ gợi tả để khắc họa đậm nét tư thế hi sinh của Lượm .( 0,5điểm)

  - Lượm ngã xuống trên đồng lúa quê hương, tay nắm chặt bông lúa như muốn níu lấy quê hương, níu lấy tuổi trẻ và sự sống của mình. ( 0,5điểm)

  - Đất quê hương, “lúa thơm mùi sữa” như ôm ấp, ru giấc ngủ dài cho Lượm. Linh hồn bé nhỏ và anh hùng ấy đã hóa thân vào quê hương, đất nước. (0,5điểm)

  - Câu hỏi tu từ:  “Lượm ơi, còn không?” được tách thành một khổ thơ riêng: (0,5điểm)

   + Diễn tả cảm xúc ngạc nhiên, bất ngờ, bàng hoàng, đau đớn trước cái chết của Lượm, như không tin đó là sự thật. ( 0,5 điểm)

   + Sự hi sinh của chú bé liên lạc đã trở thành bất tử trong lòng tác giả và mỗi chúng ta. ( 0,5điểm)
Câu 2. (6 điểm )

   1.Về kĩ năng: (1 điểm)
    - Viết đúng hình thức của một bài văn ngắn, đúng kiểu bài nghị luận xã hội.
    - Bài viết có lập luận chặt chẽ.
    - Bố cục rõ ràng, cân đối, diễn đạt trôi chảy, liên hệ mở rộng.
    - Trình bày sạch đẹp, ít sai lỗi về câu, từ, chính tả.
 2.Về kiến thức:(5 điểm )
    - Học sinh có thể trình bày theo nhiều kiểu nhưng cần làm rõ được yêu cầu sau:
    * Ý nghĩa câu chuyện: (2 điểm)
    - Câu chuyện ngắn gọn hấp dẫn, nhưng chứa đựng ý nghĩa triết lí lớn lao: lòng biết ơn và cách đối nhân xử thế, thấu tình đạt lí giữa con người với con người.

( 0,5đ )
    - Người học trò tuy đã trở thành một người nổi tiếng, có quyền cao chức trọng

( một danh tướng) nhưng vẫn nhớ tới người thầy dạy dỗ, giáo dục mình nên người.Việc người học trò về thăm thầy giáo cũ và có cách ứng xử khiêm tốn đúng mực, thể hiện sự kính trọng lòng biết ơn đối với thầy giáo của mình.

Ngay cả khi thầy giáo coi vị tướng là ngài thì ông không thay đổi cách xưng hô

( con –thầy) ( 1đ )
   - Ngược lại thầy giáo cũ rất tôn trọng cương vị hiện tại của người học trò cũ nên gọi vị tướng là ngài, đây là cách xưng hô lịch sự, cách đối nhân xử thế thấu tình đạt lí. (0,5đ )
* Bình luận rút ra bài học:( 3 điểm )
   - Trong cuộc sống phải thể hiện lòng biết ơn đối với những người có công dạy dỗ hay giúp đỡ mình. Lòng biết ơn đó thể hiện qua lời nói, việc làm, hành động cụ thể…

Câu 3: (10 điểm)

*Yêu cầu chung:

    -Đề bài yêu cầu học sinh kể câu chuyện tưởng tượng về sự biến đổi kì diệu của thiên nhiên.

    - Đây là đề mở nên chỉ gợi ý về các nhân vật, về tình huống, còn người kể tự xác định nội dung. Dù chọn nội dung nào thì câu chuyện cũng phải có một ý nghĩa nhất định (ca ngợi Đất Mẹ, ca ngợi Mùa Xuân, ca ngợi sức sống của cỏ cây, hoa lá, ...)

    - Học sinh có thể chọn cách kể chuyện ở ngôi thứ nhất  hoặc kể ở ngôi thứ ba.

*Yêu cầu cụ thể:

    a) Mở bài:

     - Giới thiệu hoàn cảnh xảy ra câu chuyện.

     - Giới thiệu (khái quát) các nhân vật trong câu chuyện.

    b)Thân bài:

     + Các nhân vật phải được đặt trong tình huống cụ thể với sự dẫn dắt câu chuyện: từ mùa đông chuyển sang mùa xuân, cây cối như được tiếp thêm sức sống mới...

     + Kết hợp vừa kể chuyện, vừa miêu tả các nhân vật, khung cảnh: Cây Bàng về mùa đông: trơ trụi, … cầu cứu Đất Mẹ. Đất Mẹ điềm đạm, dịu dàng động viên Cây Bàng dũng cảm chờ đợi Mùa Xuân và dồn chất cho cây. Lão già Mùa Đông: già nua,... .Nàng tiên MùaXuân: trẻ trung, tươi đẹp, dịu dàng ....

     +Thông qua câu chuyệnlàm rõ sự tương phản giữa một bên là sự biến đổi kì diệu của thiên nhiên, của sự sống (Cây Bàng, Đất Mẹ, MùaXuân) và một bên là sự khắc nghiệt, lạnh lẽo (Mùa Đông)...

HS có thể kết hợp kể chuyện với miêu tả và phát biểu cảm nghĩ...

   (Lưu ý: Đây chỉ là những gợi ý, trong bài làm học sinh có thể trình bày gộp các ý hoặc kết hợp giữa miêu tả các nhân vật với kể chuyện và có cách kể sáng tạo hơn–giáo viên cần khuyến khích sự sáng tạo và cách trình bày khác của hs, không vận dụng thang điểm một cách máy móc)

  c) Kết bài:

    - Khẳng định lại sự biến đổi kì diệu của thiên nhiên ...

    - Có thể phát biểu cảm xúc, suy nghĩ của em về mùa xuân, về thiên nhiên..

Bài viết gợi ý: