Bộ đề luyện thi THPT Quốc gia môn văn soạn theo cấu trúc mới, có đáp án và bài văn tham khảo.
Đề thi thử THPT Quốc gia môn văn, đề số 81
Năm học 2016-2017 , thời gian 120 phút
Phần I: Đọc hiểu: (3.0 điểm)
Đọc văn bản sau và trả lời câu hỏi:
Khi học lớp 2, tôi thường nghe các bác khen anh nào thi đỗ Đại học bằng một câu rất đặc biệt: Thằng A, thằng B là cái “trán” của xóm tôi đấy. Tôi nhớ năm đó cả làng mới có một người thi đỗ Đại học Y, tổng điểm ba môn Toán, Hóa, Sinh lại rất cao và được sang Hungary du học. Anh ấy trở thành cái trán được nhắc đến nhiều nhất của cả làng. Như một huyền thoại. Mấy năm liền đi đâu cũng nghe nhắc, nghe kể.
Rồi làng dần dần có nhiều người đỗ Đại học. Có năm truyền hình còn về làm cả một phóng sự về một làng quê có số học sinh thi đỗ Đại học với tỉ lệ rất cao. Nói theo cách của các bác là làng tôi giờ đi đâu cũng toàn thấy những trán là trán.
Ước vọng nhiều nên học vấn và tri thức thửa xưa đã thường xuyên được đánh đồng với đỗ đạt. Cũng như các bác của tôi cứ quy tất cả về “cái trán”, xem nó là biểu tượng của sự thông minh sáng láng, của học hành đỗ đạt. Lớn lên tôi nhận ra đó là ước mong khi thầm kín, khi bộc lộ, nhưng luôn mãnh liệt của thế hệ những người như bác tôi. Đi học và đỗ đạt là cơ hội đổi đời, là phẩm giá, là mục tiêu của nhiều thế hệ, của dòng họ, xóm, của làng, của huyện,…
Điều đó vô tình gây sức ép ngày càng nặng nề lên nhiều thế hệ học trò làng tôi.
Lớn lên đi xa, đến nhiều nơi, gặp nhiều người, tôi nhận ra có rất nhiều người chưa từng được vinh danh là “cái trán” của khu phố, của xóm làng, của cộng đồng nhưng họ sống vô cùng hạnh phúc. Họ đóng góp rất nhiều cho cuộc sống bằng sự giàu có và rất yêu lao động. Một người trồng cây cảnh mỗi năm bán ra thị trường thu về hàng trăm tỉ đồng. Một người chơi …thả diều đến đẳng cấp nghệ nhân, cũng ngược Á xuôi Âu đi trình diễn nhiều kỳ lễ hội với những lời mời kèm tài trợ. Một anh thợ mộc ven con sông Phổ Lợi làm những chiếc lồng chim và bán được với giá ngang một chiếc xe hơi tầm trung. Hơn hết họ làm những điều đó bằng đam mê, và rồi đam mê bù đắp lại cho chính họ, cho cuộc sống của cả những người xung quanh.
Lại một mùa thi Đại học đã về. Đường phố sáng sớm cuồn cuộn người và xe. Thí sinh và người nhà hộ tống. Rồi sau mỗi kỳ thi, lại có những bạn nhảy lầu, nhảy cầu thương tâm. Cuộc sống không chỉ có đỗ đạt mới là hạnh phúc. Cũng như thành đạt không chỉ có một con đường là đi học và đi thi. Trường thi chỉ là nơi ganh đua chốc lát chứ không thể đủ chỗ cho tận cùng đam mê của mỗi người. Chính vì thế mà báo Hoa Học Trò vẫn luôn khuyên bạn đọc “Hãy giữ cho mình niềm đam mê khác biệt”.
(Đủ chỗ cho đam mê khác biệt, Bay xuyên những tầng mây, Hà Nhân, NXB Văn học, tr.188)
Câu 1: (0.5 điểm) Nêu phương thức biểu đạt chính của văn bản.
Câu 2: (0.5 điểm) Theo tác giả văn bản, điều gì đã “gây sức ép ngày càng nặng nề lên nhiều thế hệ học trò”?
Câu 3: (1.0 điểm) Hãy giải thích ý nghĩa của câu nói: “Trường thi chỉ là nơi ganh đua chốc lát chứ không thể đủ chỗ cho tận cùng đam mê của mỗi người”?
Câu 4:(1.0 điểm) Theo anh (chị), tâm lý coi “Đi học và đỗ đạt là cơ hội đổi đời, là phẩm giá, là mục tiêu của nhiều thế hệ, của dòng họ, xóm, của làng, của huyện,…” có ảnh hưởng như thế nào đến mỗi cá nhân và toàn xã hội?
Phần II: Làm văn: (7.0 điểm)
Câu 1: (2.0 điểm)
Hãy viết một đoạn văn (khoảng 200 chữ) bày tỏ ý kiến của em về thông điệp trong văn bản: “Hãy giữ cho mình niềm đam mê khác biệt”.
Câu 2: (5.0 điểm)
Khi ta lớn lên Đất Nước đã có rồi
Đất Nước có trong những cái “ngày xửa ngày xưa…” mẹ thường hay kể
Đất Nước bắt đầu với miếng trầu bây giờ bà ăn
Đất Nước lớn lên khi dân mình biết trồng tre mà đánh giặc
Tóc mẹ thì bới sau đầu
Cha mẹ thương nhau bằng gừng cay muối mặn
Cái kèo, cái cột thành tên
Hạt gạo phải một nắng hai sương xay, giã, giần, sàng
Đất Nước có từ ngày đó…
Đất là nơi anh đến trường
Nước là nơi em tắm
Đất Nước là nơi ta hò hẹn
Đất Nước là nơi em đánh rơi chiếc khăn trong nỗi nhớ thầm
Đất là nơi “con chim phượng hoàng bay về hòn núi bạc”
Nước là nơi “con cá ngư ông móng nước biển khơi”
Thời gian đằng đẵng
Không gian mênh mông
Đất Nước là nơi dân mình đoàn tụ….”
(Đất Nước, trích Trường ca Mặt đường khát vọng, SGK Ngữ văn 12, tập I, NXB Giáo dục, năm 2008, trang 118)
Hãy trình bày cảm nhận của anh (chị) về đoạn thơ trên. Qua đó, hãy lý giải vì sao khi nhận xét về Nguyễn Khoa Điềm có ý kiến cho rằng: “Thơ ông hấp dẫn bởi sự kết hợp giữa xúc cảm nồng nàn và suy tư sâu lắng…”. (Sách giáo khoa Ngữ văn 12, tập I, NXB Giáo dục, năm 2008, trang 118)
Đáp án
Phần I: Đọc hiểu: (3.0 điểm)
Câu 1:(0.5 điểm) Phương thức biểu đạt chính của văn bản: nghị luận.
Câu 2: (0.5 điểm) Theo tác giả văn bản, điều đã “gây sức ép ngày càng nặng nề lên nhiều thế hệ học trò”:
– Nhiều thế hệ trước đã học hành xuất sắc, đỗ đạt cao, có nhiều cơ hội, thành đạt trong cuộc sống.
– Quan niệm đi học và đỗ đạt là cơ hội đổi đời, là phẩm giá, là mục tiêu của nhiều thế hệ, của dòng họ, xóm, của làng, của huyện,…
Câu 3: (1.0 điểm) Học sinh cần giải thích ý nghĩa của câu nói: (1.0 điểm)
+ “trường thi chỉ là nơi ganh đua trong chốc lát”: các cuộc thi chỉ mang giá trị nhất thời, gắn với một thời điểm, một nội dung học tập nào đó trong cả quãng đời rất dài của con người.
+ “đam mê tận cùng”: niềm yêu thích thật sự sâu sắc, mãnh liệt đối với một lĩnh vực nào đó.
+ Ý nghĩa chung: trường thi là nơi con người thể hiện khả năng của mình trong một thời điểm nhất định. Nhưng một cuộc thi không phải là nơi con người có thể sống với tận cùng đam mê của mình, bộc lộ hết niềm yêu thích và khả năng của mình, không nên coi thi cử là mục đích cuối cùng.
Câu 4:(1.0 điểm) Tâm lý coi “Đi học và đỗ đạt là cơ hội đổi đời, là phẩm giá, là mục tiêu của nhiều thế hệ, của dòng họ, xóm, của làng, của huyện,…” có ảnh hưởng rất lớn đến mỗi cá nhân và toàn xã hội:
– Tích cực:
+ Suy nghĩ này tạo nên động lực mạnh mẽ để mỗi cá nhân phấn đấu học hành, đỗ đạt.
+ Suy nghĩ này khiến xã hội càng coi trọng tri thức, quan tâm và sẵn sàng đầu tư cho việc học.
– Tiêu cực:
+ Làm nảy sinh tư tưởng coi trọng bằng cấp, danh tiếng, chạy theo những giá trị hình thức, không coi trọng học vấn đích thực.
+ Nảy sinh những hiện tượng tiêu cực: làm bằng giả, tìm mọi cách gian lận trong thi cử để đỗ đạt,…
+ Khi không thể đáp ứng sự kỳ vọng của gia đình về sự đỗ đạt, nhiều người trẻ tuổi đã tìm đến cái chết,…
Phần II: Làm văn: (7.0 điểm)
Câu 1: (2.0 điểm)
* Về hình thức: Học sinh viết thành một đoạn văn khoảng 200 chữ , diễn đạt mạch lạc, rõ ràng, không mắc lỗi chính tả, ngữ pháp,…
* Về nội dung:Học sinh có thể tham khảo một số ý sau đây:
Giải thích: “đam mê khác biệt” là niềm đam mê riêng, độc đáo, không trùng lặp với người khác. -> Câu nói khuyên những người trẻ tuổi cần phải tìm kiếm niềm đam mê riêng của bản thân mình.
Bình luận:“Hãy giữ cho mình niềm đam mê khác biệt” vì:
+ Niềm đam mê đó sẽ mang lại cảm hứng cho cuộc sống, tạo nên động lực mạnh mẽ để chúng ta vượt qua mọi khó khăn, thách thức, biến ước mơ thành hiện thực.
+ Khi giữ được niềm đam mê khác biệt, con người sẽ tập trung toàn bộ trí lực, không ngừng sáng tạo, mở ra những con đường mới mẻ, đạt đến đỉnh cao của nghề nghiệp.
+ Đam mê khác biệt sẽ giúp bạn khẳng định khả năng của mình, cống hiến cho cuộc đời, tạo nên dấu ấn riêng và truyền cảm hứng cho mọi người.
Mở rộng vấn đề:
– Trong thực tế, nhiều người vẫn đang sống một cách phù phiếm, hời hợt, không biết mình đam mê điều gì, hoặc có đam mê nhưng không đủ can đảm và kiên trì để theo đuổi.
– Tìm kiếm và sống với đam mê không phải là dễ dàng, đòi hỏi mỗi cá nhân phải quyết tâm cao độ, tập trung tất cả trí tuệ, công sức, dũng cảm vượt qua chính mình và thử thách của hoàn cảnh.
Bài học:
– Cần phải tìm kiếm cho mình một niềm đam mê thật ý nghĩa trong cuộc sống.
– Nếu đã tìm thấy phải có quyết tâm theo đổi điều mình đam mê.
Câu 2: (5.0 điểm)

Mở bài: Giới thiệu về nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm, tác phẩm Trường ca Mặt đường khát vọng và ý nghĩa của đoạn trích.
Thân bài:
– Cảm nhận về đoạn thơ: Hình tượng Đất Nước được cảm nhận trên nhiều bình diện: văn hóa, địa lý, lịch sử.
+ Ở phương diện văn hóa, Đất Nước hiện diện trong những giá trị văn hóa dân gian bình dị, gần gũi với mỗi cá nhân từ lúc ấu thơ (trong ca dao, cổ tích, truyền thuyết, trong những hình ảnh rất đời thường,…).
+ Ở phương diện địa lý, Đất Nước là không gian gắn bó với mỗi con người từ lúc ấu thơ cho đến tuổi trưởng thành, là không gian của những kỷ niệm của tuổi thơ, của tình yêu đôi lứa,… Rộng hơn, Đất Nước là không gian bao la với núi, sông, rừng biển tươi đẹp, phong phú,…
+ Ở góc nhìn lịch sử, đất nước trưởng thành trong thời gian đằng đẵng, gắn với những huyền thoại, truyền thuyết về sự hình thành của dân tộc Việt,…
-> Đoạn trích thể hiện những suy ngẫm mới mẻ, sâu sắc của Nguyễn Khoa Điềm về Đất Nước. Hình tượng Đất Nước được thể hiện bằng thể thơ tự do, linh hoạt với chất liệu thi ca được lấy từ kho tàng văn hóa, văn học dân gian, góp phần khẳng định tư tưởng Đất Nước của Nhân dân, Đất Nước của Ca dao thần thoại,….
– Giải thích nhận xét về Nguyễn Khoa Điềm: Sức hấp dẫn của thơ Nguyễn Khoa Điềm được tạo nên bởi hai yếu tố: xúc cảm nồng nàn và suy tư sâu lắng.
+ Đoạn thơ trước hết xuất phát từ tình cảm nồng nàn, tình yêu đất nước sâu đậm trong tâm hồn nhà thơ: Tình yêu đó thể hiện trong sự gắn bó tha thiết với những giá trị văn hóa, khung cảnh thiên nhiên cũng như lịch sử dân tộc.
+ Đoạn thơ là kết tinh tâm huyết, những suy nghĩ, tìm tòi khám phá mới mẻ của nhà thơ: hình tượng Đất Nước trong thơ Nguyễn Khoa Điềm rất giản dị, đời thường, gắn bó với mỗi con người từ lúc sinh ra đến tuổi trưởng thành.
+ Từ những suy ngẫm về hình tượng Đất Nước, tác giả giúp người đọc cảm nhận rõ ràng, sâu sắc rằng Đất Nước không phải là khái niệm cao siêu, xa vời mà Đất Nước vô cùng gần gũi, Đất Nước hiện diện trong cuộc sống đời thường của mỗi cá nhân. Từ suy ngẫm đó, nhận thức về trách nhiệm của cá nhân với Đất Nước đến một cách tự nhiên.
(Đề sưu tầm, có chỉnh sửa và bổ sung)
Xem thêm :Bộ đề luyện thi THPT Quốc gia môn văn soạn theo cấu trúc mới, có đáp án và bài văn tham khảo:

Bài viết gợi ý: