1. Tìm hiểu chung
a. Tác giả
- Huy Cận (1919-2005), tên đầy đủ là Cù Huy Cận
- Quê ở tỉnh Hà Tĩnh.
- Cuộc đời
- Là nhà thơ nổi tiếng từ phong trào Thơ mới với tập thơ Lửa thiêng (1940).
- Là nhà thơ tiêu biểu cho nền thơ hiện đại Việt Nam từ sau năm 1945.
- Trước Cách mạng tháng Tám, thơ ông giàu chất triết lí, thấm thía bao nỗi buồn, tràn ngập cái sầu nhân thế.
- Sau Cách mạng, thơ Huy Cận dạt dào niềm vui, là bài ca vui về cuộc đời, là bài thơ yêu thiên nhiên, con người và cuộc sống.
- Năm 1996, ông được Nhà nước trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học-nghệ thuật.
- Tác phẩm tiêu biểu: Lửa thiêng (1940); Vũ trụ ca (1942); Trời mỗi ngày lại sáng (1958); Đất nở hoa (1960); Bài thơ cuộc đời (1963); Hai bàn tay em (1967)…
b. Tác phẩm
- Bài thơ được viết vào giữa năm 1958, khi cuộc kháng chiến chống Pháp đã kết thúc thắng lợi.
-
Bài “Đoàn thuyền đánh cá” được sáng tác trong thời gian ấy và in trong tập thơ “Trời mỗi ngày lại sáng” (1958).
c. Bố cục
Bài thơ được chia làm 3 phần
- Phần 1: Hai khổ đầu: Cảnh đoàn thuyền đánh cá ra khơi lúc hoàng hôn buông xuống.
- Phần 2: Bốn khổ tiếp: Cảnh đoàn thuyền đánh cá trên biển trong một đêm trăng rất đẹp.
- Phần 3: Khổ cuối: Cảnh đoàn thuyền đánh cá trở về khi bình minh đã rạng ngời trên biển.
2. Đọc - hiểu văn bản
Câu 1: Bài thơ được triển khai theo trình tự chuyến ra khơi của đoàn thuyền đánh cá. Dựa vào trình tự ấy, em tìm bố cục của bài thơ. Hãy nêu thời gian và không gian được miêu tả trong bài thơ?
Bài thơ được triển khai theo trình tự chuyến ra khơi của đoàn thuyền đánh cá. Theo trình tự đó, có thể thấy bố cục của bài thơ :
- Đoạn 1 (hai khổ đầu): cảnh lên đường và tâm trạng náo nức của con người.
- Đoạn 2 (bốn khổ tiếp theo): cảnh hoạt động của đoàn thuyền đánh cá.
- Đoạn 3 (khổ cuối): cảnh đoàn thuyền trở về.
Trong bài thơ, thời gian là nhịp tuần hoàn của vũ trụ từ lúc hoàng hôn đến bình minh, không gian bao la rộng lớn (bao gồm cả trời, biển, trăng sao, mây gió).
Câu 2: Hình ảnh người lao động và công việc của họ được miêu tả trong không gian nào? Bằng những biện pháp nghệ thuật gì, tác giả đã làm nổi bật vẻ đẹp và sức mạnh của con người lao động trước thiên nhiên và vũ trụ.
Thủ pháp phóng đại và những liên tưởng sáng tạo, hình ảnh người lao động được đặt vào không gian rộng lớn,... đã làm tăng thêm vị thế của con người:
+ Câu hát căng buồm cùng gió khơi.
+ Thuyền ta lái gió với buồm trăng
Lướt giữa mây cao với biển bằng,
+ Đoàn thuyền chạy đua cùng mặt trời.
- Sự hài hoà giữa con người lao động và thiên nhiên, vũ trụ thể hiện qua nhịp điệu lao động, nhịp điệu thiên nhiên và sự tuần hoàn của vũ trụ.
- Nổi bật trong biện pháp xây dựng hình ảnh của tác giả là người lao động được sáng tạo trong cảm hứng lãng mạn, hoà hợp giữa thiên nhiên và con người.
Câu 3: Bài thơ có nhiều hình ảnh tráng lệ, thể hiện sự hài hòa giữa thiên nhiên và con người lao động. Em hãy chọn, phân tích một số hình ảnh đặc sắc trong các khổ 1, 2, 3 và 7. Bút pháp xây dựng hình ảnh của tác giả trong bài thơ?
Bài thơ thể hiện một bức tranh lộng lẫy.
- Cảnh biển vào đêm vừa rộng lớn vừa gần gũi, thể hiện qua sự so sánh, sự liên tưởng bất ngờ và thú vị:
Mặt trời xuống biển như hòn lửa
Sóng đã cài then, đêm sập cửa
Đây là hình ảnh lạ, sáng tạo và có tính tượng hình.
- Cảnh đoàn thuyền đánh cá trên biển :
Thuyền ta lái gió với buồm trăng
Lướt giữa mây cao với biển bằng,
Ra đậu dặm xa dò bụng biển,
Dàn đan thế trận lưới vây giăng.
Những câu thơ thể hiện bút pháp lãng mạn và sức tưởng tượng phong phú, thể hiện niềm say mê hào hứng của con người trong lao động.
- Hình ảnh các loài cá trên biển :
+ Cá thu biển Đông như đoàn thoi
Đêm ngày dệt biển muôn luồng sáng.
+ Cá song lấp lánh đuốc đen hồng,
+ Vẩy bạc đuôi vàng loé rạng đông,
+ Mắt cá huy hoàng muôn dặm phơi.
Bằng trí tưởng tượng phong phú, nhà thơ đã chắp cánh cho hiện thực trở nên lộng lẫy, kì ảo.
Câu 4: Bài thơ có nhiều từ hát, cả bài thơ cũng như một khúc ca. Đây là khúc ca gì và tác giả làm thay lời ai? Em có nhận xét gì về âm hưởng, giọng điệu của bài thơ? Các yếu tố thể thơ, vần, nhịp đã góp phần tạo nên âm hưởng của bài thơ như thế nào?
Bài thơ có nhiều từ hát, cả bài cũng như một khúc ca. Đây là khúc ca lao động, do tác giả hoá thân vào người lao đông để thể hiện. Âm hưởng, giọng điệu của bài thơ sôi nổi, khoẻ khoắn ; cách gieo vần linh hoạt tạo nên âm hưởng hào hùng của bài thơ.
Câu 5: Qua bức tranh về thiên nhiên và con người lao động trong bài thơ, em có nhận xét gì về cái nhìn và cảm xúc của tác giả trước thiên nhiên đất nước và con người lao động.
Có thể thấy sự biến đổi của nhà thơ rất rõ trong Đoàn thuyền đánh cá, trước thiên nhiên và con người lao động, tác giả có một cái nhìn tươi mới, tràn đầy cảm xúc hào hứng. Mỗi hình ảnh thơ đều mang sức sống, mang niềm vui, cuốn theo tình yêu say đắm, mãnh liệt trước biển khơi bao la, hùng vĩ, giàu có vô tận của nhà thơ. Trên bức tranh ấy, người lao động hăng say làm việc. Đây chính là cái nhìn tin tưởng, phấn khởi của nhà thơ trước cuộc đời mới.