Lý thuyết Sinh10 - Loga.vn: Bài 18:

          Chương IV. Phân Bào

Chu Kì Tế Bào Và Quá Trình Nguyên Phân

I. Chu Kì Tế Bào

 1. Khái niệm chu kì tế bào

          - Chu kì tế bào là trình tự nhất định các sự kiện mà tế bào trải qua và lặp lại giữa các lần nguyên phân liên tiếp mang tính chất chu kì.

          - Chu kì tế bào gồm: Kì trung gian và quá trình nguyên phân. Kì trung gian chiếm phần lớn chu kì tế bào.

          - Kì trung gian gồm ba pha: G1, S, G2.

          - Diễn biến các pha:

           + G1: Tế bào tổng hợp các chất cần thiết cho sự phân bào.

           + S: Pha nhân đôi ADN và nhiễm sắc thể.

           + G2: Tổng hợp tất cả những gì còn lại cần cho quá trình phân bào.

Hình 1. Diễn biến của các pha trong kì trung gian.

          - Thời gian và tốc độ phân chia tế bào ở các bộ phận khác nhau trên cơ thể là rất khác nhau để đảm bảo sự sinh trưởng và phát triển bình thường của cơ thể.

 2. Điều hòa chu kì tế bào

          - Điều hòa chu kì tế bào (R) là điểm kiểm soát mà tại đó sẽ cho phép chu kì tế bào tiếp tục hay dừng lại.

          - Các điểm điều hòa chu kì tế bào sẽ kiểm soát thời gian và tốc độ phân chia của tế bào.

          - Điều hòa chu kì tế bào xuất hiện ở pha G1 và G2 của kì trung gian:

           + Nếu vượt qua điểm kiểm soát R: Thì tế bào tiếp tục chu kì, nếu không vượt qua R thì tế bào sẽ đi vào quá trình biệt hóa.

           + Nếu các cơ chế điều khiển phân bào bị hỏng, trục trặc, cơ thể có thể bị bệnh.

          - Ví dụ: Bệnh ung thư. Là hiện tượng các tế bào phân chia mất kiểm soát, các tế bào này di chuyển khắp cơ thể gọi là di căn.

Hình 2. Di căn khối u hạch bạch huyết ở người.

II. Quá Trình Nguyên Phân

          - Nguyên phân hay còn gọi là phân bào nguyên nhiễm: Nó chính là pha M của chu kì tế bào, tiếp ngay sau pha G2.

          - Nguyên phân diễn ra: Ở tế bào sinh dưỡng  và tế bào sinh dục sơ khai.

          - Diễn biến của nguyên phân có thể tạm thời chia ra thành hai giai đoạn:

           + Phân chia nhân (caryokinesis).

           + Phân chia tế bào chất (cytokinesis).

 1. Phân chia nhân

          Gồm bốn kì: Được thể hiện cụ thể qua bảng sau:

Các kì

Những diễn biến cơ bản

Hình ảnh NST

Kì đầu

- NST kép đóng xoắn và co ngắn có hình thái rõ rệt.

- Mỗi NST có hai nhiễm sắc tử gắn với nhau ở tâm động.

- Thoi phân bào được hình thành, dài ra và đẩy hai trung tử về hai cực của tế bào.

- Hạch nhân dần biến mất.

Kì giữa

- NST đóng xoắn cực đại.

- NST kép xếp thành một hàng ngang trên mặt phẳng xích đạo và dính với thoi phân bào ở hai phía của tâm động.

Kì sau

- Mỗi NST kép tách nhau ra ở tâm động thành hai NST đơn.

- Các nhóm NST đơn phân li hai cực của tế bào.

Kì cuối

- Các NST đơn duỗi xoắn dài ra ở dạng sợi mảnh dần hình thành nhiễm sắc chất.

- Màng nhân và hạch nhân dần được hình thành.

Bảng phân chia nhân ở các kì.

 2. Phân chia tế bào chất

          Sau khi kì sau hoàn tất việc phân chia vật chất di truyền, tế bào chất bắt đầu phân chia thành hai tế bào con.

Hình 3. Sự phân chia tế bào chất ở động vật (a) và ở thực vật (b).

          - Các tế bào động vật: Phân chia tế bào bằng cách thắt màng tế bào ở vị trí mặt phẳng xích đạo.

          - Các tế bào thực vật: Tạo thành tế bào ở mặt phẳng xích đạo.

  Kết quả quá trình nguyên phân: Từ một tế bào mẹ ban đầu tạo ra hai tế bào con giống nhau và giống mẹ.

III. Ý Nghĩa Của Quá Trình Nguyên Phân

          - Ý nghĩa sinh học:

           + Cấp độ tế bào: Là phương thức sinh sản của tế bào.

           + Cấp độ cơ thể: Giúp cơ thể sinh trưởng, phát triển, giúp tái sinh mô, cơ quan tổn thương, là cơ sở của sinh sản vô tính.

          - Ý nghĩa thực tiễn: Là cơ sở khoa học cho công nghệ nuôi cấy mô và nuôi cấy tế bào gốc.

Bài Tập Lý Thuyết

 A. Mức độ thông hiểu

Câu 1: Trình tự các giai đoạn mà tế bào trải qua trong khoảng thời gian giữa hai lần nguyên phân liên tiếp được gọi là:

A. Quá trình phân bào.

B. Phát triển tế bào.

C. Chu kỳ tế bào.

D. Phân chia tế bào.

 * Hướng dẫn giải:

 - Trình tự các giai đoạn mà tế bào trải qua trong khoảng thời gian giữa hai lần nguyên phân liên tiếp được gọi là chu kì tế bào.

 Nên ta chọn đáp án C.

Câu 2: Thời gian của một chu kỳ tế bào được xác định bằng?

A. Thời gian giữa hai lần nguyên phân liên tiếp.

B. Thời gian kì trung gian.

C. Thời gian của quá trình nguyên phân.

D. Thời gian của các quá trình chính thức trong một lần nguyên phân.

 * Hướng dẫn giải:

 - Thời gian của một chu kỳ tế bào được xác định bằng thời gian giữa hai lần nguyên phân liên tiếp.

 Nên ta chọn đáp án A.

Câu 3: Trong một chu kỳ tế bào, thời gian dài nhất là của:

A. Kì cuối.

B. Kì đầu.

C. Kì giữa.

D. Kì trung gian.

 * Hướng dẫn giải:

 - Trong một chu kỳ tế bào, thời gian dài nhất là của kì trung gian.

 Nên ta chọn đáp án D.

Câu 4: Trong một chu kỳ tế bào, kỳ trung gian được chia làm:

A. Một pha.

B. Hai pha.

C. Ba pha.

D. Bốn pha.

 * Hướng dẫn giải:

 - Trong một chu kỳ tế bào, kỳ trung gian được chia làm ba pha.

 Nên ta chọn đáp án C.

Câu 5: Hoạt động xảy ra trong pha G1 của kì trung gian là:

A. Sự tổng hợp thêm tế bào chất và bào quan.

B. Trung thể tự nhân đôi.

C. ADN tự nhân đôi.

D. Nhiễm sắc thể tự nhân đôi.

 * Hướng dẫn giải:

 - Hoạt động xảy ra trong pha G1 của kì trung gian là sự tổng hợp thêm tế bào chất và bào quan.

 Nên ta chọn đáp án A.

Câu 6: Nói về chu kì tế bào, phát biểu nào sau đây không đúng?

A. Chu kì tế bào là khoảng thời gian giữa hai lần phân bào.

B. Chu kì tế bào gồm kì trung gian và quá trình nguyên phân.

C. Kì trung gian chiếm phần lớn chu kì tế bào.

D. Chu kì tế bào của mọi tế bào trong một cơ thể đều bằng nhau.

 * Hướng dẫn giải:

 - Chu kì tế bào của mọi tế bào trong một cơ thể không bằng nhau.

 Nên ta chọn đáp án D.

Câu 7: Có các phát biểu sau về kì trung gian:

(1) Có 3 pha: G1, S và G2.

(2) Ở pha G1, thực vật tổng hợp các chất cần cho sự sinh trưởng.

(3) Ở pha G2, ADN nhân đôi, NST đơn nhân đôi thành NST kép.

(4) Ở pha S, tế bào tổng hợp những gì còn lại cần cho phân bào.

Những phát biểu đúng trong các phát biểu trên là:

A. (1), (2).

B. (3), (4).

C. (1), (2), (3).

D. (1), (2), (3), (4).

 * Hướng dẫn giải:

 - Các phát biểu đúng là:

          + (1) Có 3 pha: G1, S và G2.

          + (2) Ở pha G1, thực vật tổng hợp các chất cần cho sự sinh trưởng.

 Nên ta chọn đáp án A.

Câu 8: Loại tế bào nào sau đây không thực hiện quá trình nguyên phân?

A. Tế bào vi khuẩn.

B. Tế bào thực vật.

C. Tế bào động vật.

D. Tế bào nấm.

 * Hướng dẫn giải:

 - Tế bào vi khuẩn không thể thực hiện quá trình nguyên phân.

 Nên ta chọn đáp án A.

Câu 9: Bệnh ung thư là một ví dụ về:

A. Sự điều khiển chặt chẽ chu kì tế bào của cơ thể.

B. Hiện tượng tế bào thoát khỏi các cơ chế điều hòa phân bào của cơ thể.

C. Chu kì tế bào diễn ra ổn định.

D. Sự phân chia tế bào được điều khiển bằng một hế thống điều hòa rất tinh vi.

 * Hướng dẫn giải:

 - Bệnh ung thư là một ví dụ về hiện tượng tế bào thoát khỏi các cơ chế điều hòa phân bào của cơ thể.

 Nên ta chọn đáp án B.

Câu 10: Trật tự hai giai đoạn chính của nguyên phân là:

A. Tế bào phân chia → nhân phân chia.

B. Nhân phân chia → tế bào chất phân chia.

C. Nhân và tế bào chất phân chia cùng lúc.

D. Chỉ có nhân phân chia, còn tế bào chất thì không phân chia.

 * Hướng dẫn giải:

 - Trật tự hai giai đoạn chính của nguyên phân là: Nhân phân chia → tế bào chất phân chia.

 Nên ta chọn đáp án B.

 B. Bài tập tự luyện

Câu 1: Thứ tự các kì trong giai đoạn phân chia nhân là:

A. Kì đầu → Kì sau → Kì cuối → Kì giữa.

B. Kì đầu → Kì giữa → Kì cuối → Kì sau.

C. Kì đầu → Kì sau→ Kì giữa → Kì cuối.

D. Kì đầu → Kì giữa → Kì sau → Kì cuối.

Câu 2: Cho các ý sau:

(1) Các NST kép dần co xoắn.

(2) Màng nhân và nhân con dần tiêu biến.

(3) Màng nhân và nhân con xuất hiện.

(4) Thoi phân bào dần xuất hiện.

(5) Thoi phân bào đính vào hai phía của NST tại tâm động.

(6) NST dãn xoắn dần.

Các sự kiện diễn ra trong kì đầu của nguyên phân là:

A. (1), (2), (5).

B. (1), (2), (4).

C. (1), (2), (3).

D. (2), (4), (6).

Câu 3: Cho các ý sau:

(1) Các NST kép dần co xoắn.

(2) Màng nhân và nhân con dần tiêu biến.

(3) Màng nhân và nhân con xuất hiện.

(4) Thoi phân bào dần xuất hiện.

(5) Thoi phân bào đính vào hai phía của NST tại tâm động.

(6) Các nhiếm sắc tử tách nhau ra và di chuyển trên thoi phân bào về 2 cực của tế bào

(7) Các NST kép co xoắn cực đại và tập trung thành một hàng ở mặt phẳng xích đạo.

Các sự kiện diễn ra trong kì giữa của nguyên phân là:

A. (4), (5), (7).

B. (1), (2), (4).

C. (5), (7).

D. (2), (6).

Câu 4: Trong những kì nào của nguyên phân, NST ở trạng thái kép?

A. Kì trung gian, kì đầu và kì cuối.

B. Kì đầu, kì giữa, kì cuối.

C. Kì trung gian, kì đầu và kì giữa.

D. Kì đầu, kì giữa, kì sau và kì cuối.

Câu 5: Bào quan nào sau đây tham gia vào việc hình thành thoi phân bào?

A. Trung thể.

B. Không bào.

C. Ti thể .

D. Bộ máy Gôngi.

Câu 6: Trong nguyên phân, hiện tượng các NST kép co xoắn lại có ý nghĩa gì?

A. Thuận lợi cho sự phân li.

B. Thuận lợi cho sự nhân đôi NST.

C. Thuận lợi cho sự tiếp hợp NST.

D. Trao đổi chéo NST dễ xảy ra hơn.

Câu 7: Nói về sự phân chia tế bào chất, điều nào sau đây không đúng?

A. Tế bào động vật phân chia tế bào chất bằng cách thắt màng tế bào ở vị trí mặt phẳng xích đạo.

B. Tế bào thực vật phân chia tế bào từ trung tâm mặt phẳng xích đạo và tiến ra hai bên.

C. Sự phân chia tế bào chất diễn ra rất nhanh ngay sau khi phân chia nhân hoàn thành.

D. Tế bào chất được phân chia đồng đều cho hai tế bào con.

Câu 8: Hiện tượng dãn xoắn của NST trong nguyên phân có ý nghĩa gì?

A. Thuận lợi cho sự phân li, tổ hợp NST.

B. Thuận lợi cho sự nhân đôi ADN, NST.

C. Thuận lợi cho sự tiếp hợp NST.

D. Trao đổi chéo NST dễ xảy ra hơn.

Câu 9: Ở một loài 2n = 24. Một tế bào nguyên phân liên tiếp 5 lần, số crômatit có trong tất cả các tế bào khi đang ở kì giữa của lần phân bào cuối cùng là:

A. 224.

B. 112.

C. 448.

D. 896.

 * Các bạn xem mình giải nha, Ta dựa vào:

 - Ở kì giữa bộ NST tồn tại trạng thái lưỡng bội kép.

 - Ở kì giữa của lần nguyên phân cuối cùng thì tế bào mới chỉ trải qua 4 lần nguyên phân hay 24 = 16 tế bào con.

 Từ đây ta có thể suy ra tổng số crômatit = 16 x 14 x 2 = 448.

 Nên ta chọn đáp án C.

Câu 10: Từ một hợp tử của ruồi giấm nguyên phân 4 lần liên tiếp thì số tâm động có ở kì sau của đợt nguyên phân tiếp theo là bao nhiêu:

A. 256.

B. 160.

C. 128.

D. 64.

 * Bài này hơi khó nên các bạn xem mình giải luôn nha. Ta dựa vào:

 - Số tâm động có ở kì sau sẽ là 4n. Ruồi giấm 2n = 8.

 Từ đây ta suy ra: Số tâm động ở kì sau của một tế bào là 4n = 16.

 - Hợp tử nguyên phân 4 đợt sẽ tạo ra: 24 tế bào.

  Từ đây ta sẽ có tổng số tâm động ở kì sau của đợt nguyên phân tiếp theo: 16 x 16 = 256.

 Nên ta chọn đáp án A.

Câu

1

2

3

4

5

6

7

8

9

10

Đáp án

D

B

C

C

A

A

D

B

C

A

Bài viết gợi ý: