A. KIẾN THỨC CƠ BẢN
I. TÁC GIẢ
1. Tiểu sử cuộc đời
- Nguyễn Khải (1930 – 2008), tên khai sinh là Nguyễn Mạnh Khải, quê gốc ở thành phố Nam Định.
- Nguyễn Khải tham gia cách mạng từ khi đang đi học. Năm 1947, ống gia nhập đội Tự vệ chiến đấu ở Hưng Yên, sau đó vào bộ đội, làm y tá rồi làm báo.
- Năm 1951, ông làm công tác tuyên huấn ở phòng chính trị Quân khu III. Năm sau, ông làm thư kí toà soạn báo Chiến sĩ của Quân khu III. Từ năm 1956, ông công tác tại toà soạn Tạp chí Văn nghệ Quân đội.
- Sau 1975, Nguyễn Khải chuyển vào sống và làm việc ở Thành phố Hồ Chí Minh. Ông tập trung bám sát đời sống, theo sát những vấn đề chính trị - xã hội và những vấn đề trong đời sống tư tưởng, tinh thần của con người.
- Năm 1988, ông rời quân đội với quân hàm đại tá để về làm việc tại Hội Nhà văn Việt Nam. Ông từng là Uỷ viên Ban chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam các khoá II, III và là Phó Tổng thư kí khoá III. Ông còn là Đại biểu Quốc hội khoá VII.
- Năm 2000, ông được nhận Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học và nghệ thuật.
2. Sự nghiệp văn học
Nguyễn Khải được đông đảo độc giả biết đến từ tiểu thuyết Xung đột (phần 1, 1959). Ông được dư luận đánh giá cao với hàng loạt tác phẩm, như: Mùa lạc (truyện, 1960), Tầm nhìn xa (truyện, 1963), Đường trong máy (tiểu thuyết, 1970), Ra đảo (tiểu thuyết, 1970), Chủ tịch huyện (truyện, 1972), Chiến sĩ (tiểu thuyết, 1973), Một người Hà Nội (1990),...
3. Phong cách nghệ thuật
- Ngòi bút của Nguyễn Khải thể hiện một nghệ sĩ đa tài, văn phong thâm trầm, tinh tế, giàu chất triết lí, có lúc cũng hóm hỉnh, giễu cợt sâu cay.
- Nguyễn Khải viết về nhiều chủ đề khác nhau: về nông thôn trong thời xây dựng cuộc sống mới, về bộ đội trong những năn: chống Mĩ, về những vấn đề xã hội - chính trị và những vấn đề về tư tưởng, tinh thần của con người trong thời xây dựng đất nước.
- Tác phẩm của ông thể hiện sự nhạy bén và cách khám phá riêng về những vấn đề xã hội, năng lực phân tích tâm lí sắc sảo, sức mạnh của lí trí tỉnh táo.
II. TÁC PHẨM MỘT NGƯỜI HÀ NỘI
1. Hoàn cảnh ra đời
Một người Hà Nội là tác phẩm tiêu biểu của Nguyễn Khải trong giai đoạn đổi mới của đất nước. Tác phẩm được viết năm 1990, in trong tập truyện Hà Nội trong mắt tôi (1995).
2. Tóm tắt
Câu chuyện được kể bởi nhân vật tôi, tên Khải. Tôi giới thiệu về nhân vật cô Hiền là “chị em đội con dì ruột với mẹ già tôi”.
Cô Hiền là một người Hà Nội có phong cách sống của một người Hà Thành. Trong thời chống Pháp, cô cùng gia đình mình ở lại thủ đô. Chồng cô là giáo viên cấp tiểu học. Theo suy nghĩ của tôi, cô Hiền là tư sản. Cô sinh ra trong một gia đình lương thiện, giàu lên bằng nghề kinh doanh. Cô vốn xinh đẹp, nết na, hiền hậu, sống theo lối hiện đại mà gia đình đã dạy bảo. Cô mở xa lông văn học và thân với văn nghệ sĩ. Khi hoà bình, tôi đến thăm cô. Cô bảo mọi người trong nhà gọi tôi là “anh Khải”. Cô nói nhiều về những chuyện vui cũng như những cái có phần máy móc, cực đoan của cuộc sống xung quanh.
Trong thời xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, cô theo chủ trương chính sách mới làm việc phù hợp là làm hoa giấy và bán hoa giấy. Cô quyết định bán bớt một ngôi nhà vì sợ gọi là tư sản. Lối sống của cô rất kiên quyết và chủ động, cả đời “chưa từng bị ai cám dỗ, kể cả chế độ”. Cô và các con sống theo chuẩn mực của người Hà Nội, cô đồng tình cao với việc con trai đầu, Dũng tham gia bộ đội vì cô nghĩ “Nó dám đi cũng là biết tự trọng”. Đến thời đổi mới, trong khi xã hội biến động rất nhiều, cô Hiền vẫn là “một người Hà Nội”, “thuần tuý Hà Nội, không pha trộn”. Cô không bình luận gì về việc một số thanh niên có cách cư xử thiếu văn hoá mà chỉ bàn luận nhiều về chuyện cây si ở đền Ngọc Sơn bị bão làm nghiêng, được cứu sống và đâm chồi. Cô tin nhiều vào sự trường tồn của Hà Nội.
Tôi ca ngợi cô Hiền nhiều, xem cô là “hạt bụi vàng”, thật tiếc nuối nếu mất cô. Tôi kết thúc câu chuyện bằng một câu nói với cả một niềm tin: “Những hạt bụi vàng lấp lánh đâu đó ở mỗi góc phố Hà Nội hãy mượn gió mà bay lên cho đất kinh kì chói sáng những ánh vàng”.
3. Những giá trị nội dung, nghệ thuật
a. Nội dung
* Nhân vật cô Hiền - Một người Hà Nội
- Cô Hiền là nhân vật trung tâm của truyện. Cô xuất thân trong một gia đình lương thiện và giàu có nhờ kinh doanh. Cô vốn xinh đẹp, thông minh. Người bạn trăm năm của cô là “một ông giáo tiểu học hiền lành chăm chỉ”. Cô có mối quan hệ thân thiết với giới văn nghệ sĩ. Theo như nhận xét của nhân vật tôi, cô “đích thị là tư sản rồi”.
- Cách sống của cô Hiền thể hiện bản tính chân thành, thẳng thắn, bộc lộ quan điểm, thái độ rất sâu sắc với những việc xảy ra xung quanh. Cô từng nhận xét: “chính phủ can thiệp vào nhiều việc của dân quá”.
Dù mang một “bộ mặt rất tư sản, một cách sống rất tư sản” nhưng cô không bị cải tạo vì cô không bóc lột. Hơn thế nữa, cô dạy con cái rất cẩn thận từ cách cư xử sao cho “phải có chuẩn, không được sống tuỳ tiện, buông tuồng”, đến lối sống “biết tự trọng, biết xấu hổ”. Qua những chặng đường lịch sử của dân tộc, cô luôn có ý thức gắn trách nhiệm cá nhân của mình với Tổ quốc. Cô luôn tìm việc phù hợp với chủ trương của Nhà nước.
- Xã hội ngày một thay đổi, có cả những đổi thay xấu đi nhưng cô Hiền vẫn xứng đáng là “hạt bụi vàng” làm nên đất kinh kì “chói sáng những ánh vàng”. Cô vẫn giữ nếp sống văn hoá của người Hà Nội, “thuần tuý Hà Nội, không pha trộn”. Chính vì thế, xung quanh cô cũng có những tâm hồn đẹp có lẽ ảnh hưởng bởi “những ánh vàng” chiếu ra từ cô. Đó là Dũng, Tuất và mẹ Tuất. Họ là những con người cùng cô Hiền làm nên vẻ đẹp “chói sáng những ánh vàng” cho đất trời Hà Nội,
Cái nhìn của nhân vật tôi: Cái nhìn nghệ thuật mới của nhân vật tôi – tác giả - về cuộc sống và con người thể hiện rất rõ trong Một người Hà Nội.
- Trước thời đất nước đổi mới, Nguyễn Khải có điểm nhìn hiện thực cuộc sống tỉnh táo nhưng đơn chiều. Thời ấy, nhà văn nhìn cuộc sống trong thế xung đột giữa tốt và xấu, mới và cũ, tiến bộ và lạc hậu,... đồng thời khẳng định sự thắng thế của cái mới, cải tiến bộ, cái tốt.
- Đến thời đổi mới, cái nhìn của ông có sự khác hơn. Đó là cái nhìn đa chiều, thể hiện sự chiêm nghiệm, trăn trở. Con người được nhìn nhận và đánh giá trong mối quan hệ lịch sử, cộng đồng...
- Nguyễn Khải ngợi ca con người Hà Nội như cô Hiền, Dũng, Tuất và mẹ của Tuất. Tuy nhiên, nhà văn còn thẳng thắn tỏ thái độ phê phán về quan niệm ấu trĩ của những người trong một thời đối với những người “sang trọng" như cô Hiền.
- Tác giả ca ngợi và quý Hà Nội nhưng cũng đã mạnh dạn nêu ra những nét chưa đẹp của Hà Nội so với thành phố Sài Gòn: “thành phố Sài Gòn rộng hơn, đông hơn, đẹp hơn cái Hà Nội của mình, về người dân Sài Gòn cũng lịch thiệp, nhã nhặn hơn người dân Hà Nội”. Cụ thể như chuyện anh bạn trẻ Hà Nội chửi bậy và thái độ của người dân khi người khác hỏi thăm đường.
b. Nghệ thuật
- Truyện có cốt truyện và tình huống đơn giản nhưng mở ra một chiều sâu về tư tưởng. Sự việc được đặt đưới nhiều khía cạnh góc độ, người đọc sẽ tự rút ra những suy luận và nhận xét, nhờ vậy tạo được tính khách quan trong lời kể.
- Nhân vật được tác giả xây dựng bằng những nét rất thực, khách quan từ cuộc sống. Thông qua những sự việc diễn ra, nhân vật càng bộc lộ rõ vẻ đẹp văn hoá và bản lĩnh của mình.
- Tác giả khai thác triệt để thủ pháp so sánh từ đó làm nổi bật lên nét đẹp và chưa đẹp.
- Tác giả kể chuyện thông qua đối thoại, kết hợp với phân tích, bình luận,... thể hiện là một người từng trải với những nhận xét tinh tế, xác đáng, những suy ngẫm sâu sắc.
3. Chủ đề
Thông qua nhân vật trung tâm, cô Hiền, tác giả ca ngợi bản lĩnh cũng như vẻ đẹp cốt cách của người Hà Nội với lối sống văn hoá rất “thuần tuý Hà Nội, không pha trộn” và thể hiện một niềm tin vào sự trường tồn, tiếp tục vươn lên của Hà Nội với những ánh vàng” trong thời kì mới.
B. BÀI TẬP VẬN DỤNG
I. ĐỀ BÀI
1. Đề số 1
Cảm nhận về nhân vật cô Hiền trong Một người Hà Nội của Nguyễn Khải.
2. Đề số 2
Cảm nhận về nhân vật tôi trong Một người Hà Nội của Nguyễn Khải.
II. GỢI Ý BÀI LÀM
1. Đề số 1
Bài viết cần nêu được những nội dung sau:
- Cô Hiền là một người Hà Nội có bản lĩnh của một con người sống đúng chính mình, luôn quyết định trước những công việc hệ trọng của bản thân, như việc lấy chồng, sinh và dạy con cái,..
- Cô Hiền là hiện thân tiêu biểu của những nét văn hoá truyền thống của đất “kinh kì ngàn năm văn hiến”.
- Cảm nhận khái quát về nhân vật.
- Nhân vật được xây dựng bằng bút pháp hiện thực, với những nét sống động, phù hợp với thực tế cuộc sống.
2. Đề số 2
Bài viết cần nêu được những nội dung sau:
- Cũng như cô Hiền của mình, nhân vật tôi là người tiêu biểu cho nét đẹp văn hoá như người Hà Thành, có tầm hiểu biết, có tầm nhìn xa trông rộng.
- Tôi có lối sống theo mẫu lịch thiệp, tinh tế của giới văn nhân nghệ sĩ.
- Khi thấy Hà Nội giàu lên, tôi cảm thấy hoài nghi lo âu.
- Từ sự hoài nghi, tôi cũng không tin lớp người đang hăm hở làm giàu kia biết giữ nét hào hoa, thanh lịch của chốn kinh kì.
- Tôi tỏ ra bức xúc và buồn khi gặp những người Hà Nội thiếu văn hoá.
- Tuy nhiên, tôi cũng tỏ ra tin tưởng vào giá trị văn hoá vững bền được lưu giữ.
- Lối kể chuyện linh hoạt, đa giọng điệu, giàu chất triết lí.