A. Vài nét về tiểu sử:

Tố Hữu, tên thật là Nguyễn Kim Thành (04/10/1920 – 09/12/2002) là một tác gia có vị trí đặc biệt quan trọng, một nhà thơ tiêu biểu của dòng thơ cách mạng Việt Nam. Ông đã từng giữ các chức vụ quan trọng trong hệ thống chính trị của Việt Nam như Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, Phó Chủ tịch thứ Nhất Hội đồng Bộ trưởng nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam.

Ông sinh ngày 04/10/1920, tại làng Phù Lai, nay thuộc xã Quảng Thọ, huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế. Cha ông là một nhà nho nghèo, không đỗ đạt và phải kiếm sống rất chật vật nhưng lại thích thơ, thích sưu tập ca dao tục ngữ. Ông đã dạy Tố Hữu làm thơ cổ. Mẹ ông cũng là con của một nhà nho, thuộc nhiều ca dao dân ca Huế và rất thương con. Cha mẹ đã góp phần nuôi dưỡng tâm hồn thơ Tố Hữu. Mẹ ông mất vào năm ông lên 12 tuổi. Năm 13 tuổi, ông vào trường Quốc học Huế. Tại đây, được trực tiếp tiếp xúc với tư tưởng của Karl Marx, Friedrich Engels, Vladimir Ilyich Lenin, Maxim Gorky,... qua sách báo, kết hợp với sự vận động của các đảng viên của Đảng Cộng sản Việt Nam bấy giờ (Lê Duẩn, Phan Đăng Lưu, Nguyễn Chí Diểu), Nguyễn Kim Thành sớm tiếp cận với lý tưởng cộng sản. Năm 1936 Ông gia nhập Đoàn thanh niên.

Năm 1938, ông được kết nạp vào Đảng Cộng sản. Tháng 4/1939, ông bị bắt, bị tra tấn dã man và đày đi nhiều nhà lao. Cuối 1941, ông vượt ngục (về hoạt động bí mật ở huyện Hậu Lộc và thôn Tâm Quy xã Hà Tân huyện Hà Trung Thanh Hóa). Đến năm 1945, khi Cách mạng tháng Tám bùng nổ ông được bầu làm Chủ tịch Ủy ban Khởi nghĩa Thừa Thiên - Huế. Năm 1946, ông là bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa. Cuối 1947, ông lên Việt Bắc làm công tác văn nghệ, tuyên huấn. Từ đó, ông được giao những chức vụ quan trọng trong công tác văn nghệ, trong bộ máy lãnh đạo Đảng và nhà nước:

-1948: Phó Tổng thư ký Hội Văn nghệ Việt Nam;

-1963: Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp văn học nghệ thuật Việt Nam;

-Tại đại hội Đảng lần II (1951): Ủy viên dự khuyết Trung ương; 1955: Ủy viên chính thức; Tại đại hội Đảng lần III (1960): vào Ban Bí thư;

-Tại đại hội Đảng lần IV (1976): Ủy viên dự khuyết Bộ Chính trị, Bí thư Ban chấp hành Trung ương, Trưởng ban Tuyên truyền Trung ương, Phó Ban Nông nghiệp Trung ương;

-Từ 1980: Ủy viên chính thức Bộ Chính trị;

-1981: Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, rồi Phó Chủ tịch thứ nhất Hội đồng Bộ trưởng cho tới 1986. Ngoài ra ông còn là Bí thư Ban chấp hành Trung ương.

Năm 1996, ông được Nhà nước phong tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học nghệ thuật (đợt 1).

Ông từng đảm nhiệm nhiều chức vụ khác như Hiệu trưởng Trường Nguyễn Ái Quốc, Trưởng Ban Thống

nhất Trung ương, Trưởng Ban Tuyên huấn Trung ương, Trưởng Ban Khoa giáo Trung ương. Ông còn là Đại biểu Quốc hội khoá II và VII.

B. Con đường thơ Tố Hữu qua các tập thơ.

  1. 1. Đặc điểm chung trong con đường thơ của Tố Hữu:

a. Tố Hữu đến với thơ và Cách mạng cùng một lúc. Con đường thơ ca của Tố Hữu bắt đầu gần như đồng thời với con đường hoạt động Cách mạng. Năm 1937, những bài thơ đầu tay của Tố Hữu đã mang đến một tiếng nói mới mẻ cho thơ ca Cách mạng đương thời.

b. Khi bắt gặp lí tưởng Cộng sản cũng là khi nhà thơ tìm thấy nguồn thơ của cuộc đời mình. Cũng từ đó Tố Hữu trở thành nhà thơ của lí tưởng Cộng sản.

c. Khi Tố Hữu bắt đầu sáng tác, phong trào Thơ mới đã hoàn toàn thắng thế, công cuộc hiện đại hoá thơ ca đã được thực hiện thành công. Là người cùng thế hệ lại gần gũi với các nhà Thơ mới, Tố Hữu đã tiếp thu và chịu ảnh hưởng của Thơ mới một cách tự nhiên. Ông đã tiếp nhận những thành tựu của Thơ mới để làm giàu cho thơ ca Cách mạng, đưa thơ trữ tình chính trị Việt Nam lên tới một đỉnh cao nghệ thuật mới. Tuy nhiên, con đường thơ Tố Hữu khác với con đường các nhà Thơ mới vì nó gắn liền với lí tưởng Cộng sản và cuộc đấu tranh Cách mạng.

d. Thơ Tố Hữu gắn bó chặt chẽ với cuộc đấu tranh Cách mạng, nên các chặng đường thơ cũng song hành với các giai đoạn của cuộc đấu tranh ấy, đồng thời thể hiện sự vận động trong tưởng nghệ thuật của nhà thơ.

e. Ở Tố Hữu, con người chính trị và con người nhà thơ thống nhất chặt chẽ, sự nghiệp thơ gắn liền với sự nghiệp Cách mạng, trở thành một bộ phận của sự nghiệp Cách mạng.

g. Con đường thơ của Tố Hữu là con đường tìm sự kết hợp hài hoà hai yếu tố, hai cội nguồn là Cách mạng và dân tộc trong hình thức đẹp đẽ của thơ ca.

2. Con đường thơ của Tố Hữu qua các tập thơ:

Với 3 phần chính: Máu lửa, Xiềng xích, Giải phóng, tập thơ Từ ấy (1937-1946) là chặng đường 10 năm đầu của thơ Tố Hữu, cũng là 10 năm hoạt động sôi nổi say mê từ giác ngộ, qua thử thách đến trưởng thành của người thanh niên Cách mạng trẻ tuổi.

Tập thơ Việt Bắc (1946-1954) là một trong những thành tựu xuất sắc của hồn thơ Tố Hữu nói riêng và thơ ca kháng chiến chống Pháp nói chung. Việt Bắc là bản hùng ca của cuộc kháng chiến chống Pháp, phản ánh những chặng đường gian lao, anh dũng và những bước đi lên của cuộc kháng chiến cho đến ngày thắng lợi. Tập thơ kết tinh những tình cảm lớn của con người Việt nam kháng chiến, mà thống nhất mà bao trùm là tình yêu nước, với nghệ thuật thơ giàu tính dân tộc và đại chúng.

Tập thơ Gió lộng (1955 – 1961) khai thác những nguồn cảm hứng lớn, cũng là những tình cảm bao trùm trong đời sống tinh thần của con người Việt nam đương thời: niềm tin vui trước công cuộc xây dựng cuộc sống mới xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc; tình cảm đối với miền Nam và ý chí thống nhất Tổ quốc…Tập thơ có cảm hứng lãng mạn phơi phới và khuynh hướng sử thi đậm nét, có cái “tôi” trữ tình đa dạng hơn và một nghệ thuật biểu hiện già dặn, nhuần nhị hơn.

Với hai tập Ra trận (1962 – 1971), Máu và Hoa (1972 – 1977), thơ Tố Hữu thời kì kháng chiến chống Mĩ là khúc ca ra trận, mệnh lệnh tiến công, là lời kêu gọi cổ vũ hào hùng đối với cả dân tộc trong cuộc chiến đấu ở hai miền Nam, Bắc.

Các tập Một tiếng đờn (1992) và Ta với Ta (1999) thể hiện những chiêm nghiệm về cuộc sống, về lẽ đời, nên giọng thơ thường trầm lắng, thấm đượm chất suy tư. Dù khuynh hướng trữ tình chính trị và sự nhạy cảm trước các vấn đề thời sự không còn là mạch cảm hứng duy nhất hay nổi trội nhất, nhưng trước sau, Tố Hữu vẫn kiên định niềm tin vào lí tưởng và con đường Cách mạng.

C. Những nét nổi bật trong giá trị nội dung và nghệ thuật của các tập thơ tiêu biểu của Tố Hữu:

1. ​​​​​Tập thơ Từ ấy và tập thơ Việt Bắc:

​​​​​​​1.1. Tập thơ Từ ấy (1937-1946) là chặng đường 10 năm đầu của thơ Tố Hữu, cũng là 10 năm hoạt động sôi nổi say mê từ giác ngộ, qua thử thách đến trưởng thành của người thanh niên Cách mạng trẻ tuổi.

-Từ ấy gồm 3 phần chính: Máu lửa, Xiềng xích, Giải phóng

​​​​​​​a. Máu lửa

- Là tiếng reo vui náo nức của một tâm hồn trẻ băn khoăn đi tìm lẽ sống thì gặp gỡ ánh sáng lí tưởng:

- Nhờ ánh sáng của “mặt trời chân lí” mà nhà thơ nhận ra ách áp bức giai cấp, những bất công xã hội và thân phận của những con người lao khổ (em bé mồ côi, đi ở, hát dạo; lão đầy tớ,chị vú em, cô gái giang hồ…)

- Tố Hữu không chỉ cảm thông mà con khơi dậy ở họ lòng căn hận, ý chí đấu tranh và niềm tin vào tương lai.

-Máu lửa dù còn non nớt khó tránh khỏi nhưng có giọng điệu thiết tha sôi nổi chân thành, có chất lãng mạn trong trẻo, chất men say lí tưởng.

b. Xiềng xích:

- Là tiếng hát chiến đấu, là bản quyết tâm thư của người chiến sĩ cách mạng tự dặn lòng quyết không khuất phục trước uy lực và sự tàn bạo của kẻ thù.

- Ghi lại những cuộc đấu tranh gay go của người chiến sĩ cách mạng trong nhà tù thực dân, cả những lời trăng trối thiết tha và đầy tin tưởng ngay cả khi kề bên cái chết…

- Thể hiện sự trưởng thành vững vàng của người thanh niên cách mạng qua những gian lao, thử thách hiểm nghèo.

- Bộc lộ một tâm hồn tha thiết yêu đời, luôn hướng về cuộc sống và con người ở bên ngoài nhà tù, luôn khát khao tự do, khát khao hành động.

  1.  

c. Giải phóng:

- Gồm nhiều tác phẩm của Tố Hữu được sử dụng như vũ khí tuyên truyền, vận động quần chúng đấu tranh tiến tới giành chính quyền.

- Sau khi Cách mạng thành công, nhà thơ nồng nhiệt say sưa ngợi ca thắng lợi của Cách mạng, nền độc lập tự do của Tổ quốc, cuộc đổi đời vĩ đại của dân tộc trong niềm “vui bất tuyệt” và cảm hứng lãng mạn.

1.2. Là một trong những thành tựu xuất sắc của hồn thơ Tố Hữu nói riêng và thơ ca kháng chiến chống Pháp nói chung, tập thơ Việt Bắc (1946-1954) chứa đựng trong mình những giá trị nội dung tư tưởng và nghệ thuật đặc sắc đồng thời đánh dấu những đổi thay quan trọng của thơ Tố Hữu so với tập thơ Từ ấy (1937- 19460) 

  • Nếu ở Từ ấy, Tố Hữu thể hiện tập trung, nổi bật cái tôi trẻ trung, sôi nổi bồng bột, say mê của người thanh niên cách mạng từ giác ngộ, qua thử thách, đến trưởng thành; thì đến Việt Bắc, nhà thơ lại hướng vào thể hiện con người quần chúng kháng chiến, trước hết là công nông binh với những phẩm chất tốt đẹp mà nhà thơ ngợi ca cảm phục. Cái tôi của nhà thơ ẩn mình đi đằng sau các hình ảnh anh vệ quốc quân, chị nông dân, anh bộ đội, người mẹ nông dân, chị phụ nữ, em bé liên lạc…Trên tất cả, tập trung và tiêu biểu cho mọi phẩm chất của dân tộc, của con người kháng chiến là hình ảnh Bác Hồ.
  • Việt Bắc là bản hùng ca của cuộc kháng chiến chống Pháp, phản ánh những chặng đường gian lao, anh dũng và những bước đi lên của cuộc kháng chiến cho đến ngày thăng lợi. Tập thơ kết tinh những tình cảm lớn của con người Việt nam, kháng chiến, mà thống nhất mà bao trùm là tình yêu nước, một tình cảm thấm sâu vào mọi bình diện và mọi quan hệ đời sống, được biểu hiện trong nhiều trạng thái phong phú đa dạng: tình quân dân "cá nước", tình hậu phương tiền tuyến, miền ngược với miền xuôi, tình nghĩa gắn bó giữa cán bộ và quần chúng, lòng kính yêu của nhân dân với lãnh tụ…
  • Vào những năm cuối của cuộc kháng chiến, những sự kiện lịch sử trọng đại như chiến thắng Điện Biên Phủ, hoà bình lập lại nửa nước được giải phóng…đã chắp cánh cho hồn thơ Tố Hữu bay bổng và rộng mở trong cảm hứng sử thi - trữ tình mang hào khí thời đại (Hoan hô chiến sỹ Điện Biên, Ta đi tới, Việt Bắc).
  • Nếu ở Từ ấy, Tố Hữu tiếp thu nhiều thành tựu nghệ thuật của Thơ mới lãng mạn, thì đến Việt Bắc, ông lại tiếp thu nhiều giá trị văn hoá dân gian như lối đối đáp, lối xưng hô "mình-ta"…và kế thừa những thành tựu thơ ca dân tộc, nhất là lục bát, mang lại cho Việt Bắc một nghệ thuật thơ nhiều tính dân tộc và đại chúng.

2. Các tập thơ Gió lộng, Ra trận, Máu và Hoa:

  1.  

2.1. Tập thơ Gió lộng (1955 – 1961):

  • Vẫn bám sát những bước đi và nhiệm vụ của Cách mạng, của đời sống chính trị trên đất nước ta, khai thác những nguồn cảm hứng lớn, cũng là những tình cảm bao trùm trong đời sống tinh thần của con người Việt nam đương thời: niềm vui, tự hào, tin tưởng ở công cuộc xây dựng cuộc sống mới xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc; tình cảm đối với miền Nam và ý chí thống nhất Tổ quốc; tình cảm quốc tế vô sản.
  • Có cảm hứng lãng mạn phơi phới và khuynh hướng sử thi đậm nét: cuộc sống mới trên miền Bắc được cảm nhận như một mùa xuân lớn, một ngày hội lớn tràn đầy niềm vui sức sống; còn năm đầu của kế hoạch 5 năm lần thứ nhất thì được cảm nhận như một “đỉnh cao muôn trượng”.
  • Thơ Tố Hữu trong thời kì này không tránh khỏi cái nhìn giản đơn một chiều về chủ nghĩa xã hội, ca ngợi một chiều cuộc sống mới ở miền Bắc giống như phầnlớn các sáng tác về đề tài này trong văn học đương thời.
  • Trong niềm vui với cuộc sống hiện tại, Tố Hữu không quên nhớ về quá khứ để thấm thía những khổ đau của cha ông, công lao của những thế hệ đi trước mở đường và từ đó càng thấm thía ân tình của cách mạng. Trong mạch cảm hứng về ân tình cách mạng, Mẹ Tơm là bài thơ đặc sắc hơn cả.
  • Trong những năm tháng đất nước bị chia cắt, thơ Tố Hữu là tình cảm thiết tha sâu đậm với miền Nam ruột thịt được biểu một cách xúc động và nhạy bén, với nhiều trạng thái và cung bậc.
  • Tập thơ Gió lộng tiếp tục phát triển cảm hứng sử thi và khuynh hướng khái quát với một cái “tôi” trữ tình đa dạng hơn và một nghệ thuật biểu hiện già dặn, nhuần nhị hơn.
  1.  

2.2. Với hai tập Ra trận (1962 – 1971), Máu và Hoa (1972 – 1977), thơ Tố Hữu thời kì kháng chiến chống Mĩ là khúc ca ra trận, mệnh lệnh tiến công, là lời kêu gọi cổ vũ hào hùng đối với cả dân tộc trong cuộc chiến đấu ở hai miền Nam, Bắc.

  • Hai tập thơ khẳng định ý nghĩa lớn lao cao cả của cuộc kháng chiến chống Mĩ đối với lịch sử dân tộc và thời đại, Tố Hữu cũng thể hiện những suy nghĩ, phát hiện của nhà thơ về dân tộc và con người Việt nam mà tác giả luôn ngợi ca với niềm tự hào và cảm phục.
  • Hai tập thơ có hai bài thơ rất sâu sắc và xúc động về Chủ tịch Hồ Chí Minh: Bác ơi Theo chân Bác và một bài thơ dài ghi lại chuyến đi dài của nhà thơ từ Bắc vào Nam, dọc theo tuyến đường Trường sơn (Nước non ngàn dặm 1973).
  • Thơ Tố Hữu thời kì kháng chiến chống Mĩ mang đậm tính chính luận và chất sử thi, nhiều chỗ vươn tới âm hưởng hùng ca.
  • Hạn chế của thơ Tố Hữu thời kì kháng chiến chống Mĩ: Do đi theo hướng khái quát – tổng hợp và chú trọng nội dung chính luận, thời sự, nên có khi phải trở thành những lời kêu gọi, hô hào như mệnh lệnh, khẩu hiệu và không phải lúc nào cảm xúc nghệ thuật cũng theo kịp.

D. Những nét chính trong phong cách nghệ thuật của Tố Hữu.

Với hơn nửa thế kỉ cầm bút, Tố Hữu đã tạo cho mình một phong cách nghệ thuật riêng với những biểu hiện tinh tế, đặc sắc.

  1.  

1. Tố Hữu là nhà thơ của lí tưởng Cộng sản:

- Ở Tố Hữu, tư cách thi sĩ và chiến sĩ, nhà thơ và nhà Cộng sản thống nhất làm một. Với ông, làm thơ trước hết là để phục vụ cho lí tưởng Cộng sản của Đảng. Khi chưa giác ngộ lí tưởng Cộng sản, Tố Hữu từng "Băn khoăn đi kiếm lẽ yêu đời", từng "Bâng khuâng đứng giữa đôi dòng nước". Khi giác ngộ lí tưởng, nhà thơ thấy tâm hồn mình như được hồi sinh và nhà thơ toàn tâm, toàn ý hiến dâng cuộc đời, tâm hồn mình cho lí tưởng Cộng sản.

- Khi bắt gặp lí tưởng cộng sản cũng là khi Tố Hữu tìm thấy nguồn thơ của cuộc đời mình. Con đường thơ của Tố Hữu gắn bó chặt chẽ với cuộc đấu tranh Cách mạng, gắn liền với lí tưởng Cộng sản. Ở thơ Tố Hữu, từ trước về sau, dù đề tài nội dung, cảm hứng có đa dạng đến đâu, thì vẫn luôn lấy lí tưởng Cộng sản, lấy quan điểm chính trị làm hệ quy chiếu cho cách nhìn nhận và xúc cảm về mọi phương diện, mọi hiện tượng của đời sống, kể cả đời sống riêng tư.

- Đúng như Chế Lan Viên nhận xét: Với Tố Hữu "tả tình hay tả cảnh, kể chuyện mình hay kể chuyện người, viết về các vấn đề lớn, hay về sự việc nhỏ(…) là để nói cho được cái lí tương Cộng sản ấy thôi"

  1.  

2. Tố Hữu là nhà thơ trữ tình chính trị, thơ Tố Hữu tiêu biểu cho khuynh hướng thơ trữ tình chính trị Việt Nam.

- Mọi sự kiện, mọi vấn đề lớn của đời sống chính trị, những tình cảm chính trị, qua trái tim nhạy cảm của nhà thơ đều có thể trở thành đề tài và cảm hứng nghệ thuật thực sự.

- Là nhà thơ trữ tình chính trị nên thơ Tố Hữu thường đề cập đến lẽ sống lớn, tình cảm lớn, niềm vui lớn của đời sống Cách mạng, con người Cách mạng. Hiện thân tiêu biểu nhất cho những tình cảm lớn, lẽ sống lớn trong thơ Tố Hữu, chính là hình tượng Hồ Chí Minh mà nhà thơ hết lời ca ngợi

- Ở những thời điểm như là bước ngoặt của đời sống Cách mạng, thơ Tố Hữu thường có được những sự đồng cảm và hưởng ứng đông đảo quần chúng. “Tố Hữu đã đưa thơ chính trị lên đến trình độ là thơ rất đỗi trữ tình.” (Xuân Diệu)

 -Trước Tố Hữu, thơ trữ tình chính trị Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu với các sáng tác của Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng, Phạm Tất Đắc... Tố Hữu đã kế tục truyền thống ấy đồng thời đổi mới nó trên cơ sở vận dụng những thành tựu hiện đại hoá của thơ ca đương thời, mở ra một khuynh hướng lớn có vị trí chủ đạo trong mấy chục năm của nền thơ Việt nam hiện đại.

3. Thơ Tố Hữu thường có khuynh hướng sử thi và cảm hứng lãng mạn.

a. Khuynh hướng sử thi

  • Khuynh hướng sử thi nổi bật trong thơ Tố Hữu ở thời kỳ sau kể từ cuối tập Việt Bắc.
  • Cái tôi trữ tình của nhà thơ, ngay từ đầu đã là cái tôi chiến sĩ, càng về sau càng trở thành cái tôi nhân danh cộng đồng, nhân danh Đảng và dân tộc.
  • Con người trong thơ Tố Hữu thể hiện tập trung những phẩm chất của giai cấp, của dân tộc đến thời kì kháng chiến chống Mĩ lại được nâng lên thành hình tượng anh hùng, mang tầm vóc thời đại và lịch sử, nhiều khi được thể hiện bằng bút pháp thần thoại hoá.
    1.  

b. Cảm hứng sáng tác nổi bật trong thơ Tố Hữu là cảm hứng lãng mạn :

  • Cảm hứng lãng mạn trong thơ Tố Hữu thể hiện sâu sắc, nổi bật ở tập Từ ấy và các tập thơ từ Gió lộng trở đi.
  • Đó có thể là niềm vui phơi phới, niềm say mê lí tưởng khiến cho nhà thơ đã lãng mạn hoá thế giới bên ngoài, coi đó là một thế giới tự do vĩnh viễn.
  • Có khi cảm hứng lãng mạn thể hiện ở niềm tin ở tương lai, niềm vui phơi phới vượt lên trên hiện thực:

"Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước

Mà lòng phơi phới dậy tương lai"

    1.  

c. Có thể nói, do khuynh hướng sử thi và cảm hứng lãng mạn, nên thơ Tố Hữu thường tác động mạnh đến tình cảm, cảm xúc của người đọc và thường khai thác giá trị gợi cảm của nhạc điệu thơ.

4. Thơ Tố Hữu có giọng điệu riêng rất đặc sắc

  • Trong nhiều tác phẩm, Tố Hữu thể hiện một giọng điệu quyền uy, nhất là khi nhà thơ nhân danh Đảng, nhân danh đất nước, dân tộc. Vì vậy, những vần thơ của Tố Hữu thường lên giọng hô hào, kêu gọi, cổ động mạnh mẽ hào hùng.
  • Đặc sắc nhất trong thơ Tố Hữu là giọng tâm tình ngọt ngào tha thiết, giọng của tình thưong mến :

+ Giọng điệu này một phần thừa hưởng từ tâm hồn con người xứ Huế, một phần lại xuất phát từ quan niệm của nhà thơ: "Thơ là chuyện đồng điệu"…"Thơ là tiếng nói đồng ý, đồng tình, tiếng nói đồng chí."…"Thơ là một điệu hồn đi tìm những hồn đồng điệu"…

+ Tố Hữu đặc biệt dễ rung động với nghĩa tình Cách mạng, luôn hướng đến đồng bào đồng chí để tâm sự trò chuyện.

  •  

5. Nhờ kế tục truyền thống thơ ca dân tộc thơ Tố Hữu đậm đà tính dân tộc cả trong nội dung và nghệ thuật biểu hiện:

  1. Về nội dung tư tưởng, tính dân tộc của thơ Tố Hữu thể hiện:
  • Thơ Tố Hữu đã thể hiện những truyền thống tinh thần, tình cảm, đạo lý của dân tộc, làm phong phú thêm cho truyền thống ấy, đồng thời gắn kết truyền thống ấy với hiện thực khách quan của đời sống cách mạng.
  • Thơ Tố Hữu thể hiện nhiều phương diện đặc trưng cho cuộc sống thiên nhiên, đời sống xã hội, đời sống tâm hồn của dân tộc Việt Nam, khẳng định đạo lí và cốt cách của con người Việt Nam. Tính dân tộc thể hiện sâu sắc nhất ở việc thể hiện những tình cảm cội nguồn:

"Ngọt bùi nhớ lúc đắng cay

Ra sông nhớ suối có ngày nhớ đêm"

(Ba mươi năm đời ta có Đảng)

    1.  

b. Về hình thức nghệ thuật, tính dân tộc của thơ Tố Hữu thể hiện:

  • Ở việc sử dụng nhuần nhuyễn những thể thơ dân tộc như: lục bát, song thất lục bát, thơ 4-5-7 chữ và có nhiều sáng tạo làm phong phú thêm các hình thức thơ ca này.
  • Tố Hữu sử dụng phổ biến những lối so sánh, các phép chuyển nghĩa, các cách diễn đạt đã trở thành quen thuộc với tâm hồn người Việt trong thơ ca dân gian.
  • Chiều sâu của tính dân tộc trong thơ Tố Hữu là ở nhạc điệu. Thơ Tố Hữu đặc biệt phong phú về vần và những phối câu trầm bổng nhịp nhàng:

                                      "Em ơi Ba Lan mùa tuyết tan

                                        Đường bạch dương sương trắng nắng tràn Anh đi nghe tiếng đàn xưa vọng

                                        Một giọng dân ca, một giọng đàn"

"Nỗi niềm chi rứa Huế ơi

Mà mưa xối xả trắng trời Thừa Thiên"

  • Nhìn chung, nghệ thuật thơ Tố Hữu nghiêng về tính truyền thống hơn là tìm tòi đổi mới theo hướng hiện đại.
  1.  

6. Kết luận:

Với hơn nửa thế kỉ cầm bút, Tố Hữu đã tạo nên trong các sáng tác của mình một phong cách nghệ thuật riêng với nhiều nét đặc sắc cả về nội dung tư tưởng lẫn hình thức nghệ thuật. Phong cách nghệ thuật của nhà thơ không cố định, dĩ thành bất biến… mà bên cạnh những nét ổn định bền vững, có những thay đổi nhất là trong sáng tác trước và sau Cách mạng. Chính phong cách nghệ thuật độc đáo vừa cổ điển vừa hiện đại ấy đã góp phần quan trọng trong việc làm cho các sáng tác của Tố Hữu trở thành nghệ thuật, thành thơ ca thực sự, làm nên vị trí lá cờ đầu của nền thơ ca Cách mạng Việt nam.

E. Tự bạch của nhà thơ Tố Hữu:

Thơ tôi thuộc loại “trần trụi”, nghĩ sao nói thế, không có gì “bay bướm”. Cũng không có gì “bí hiểm”. Tuy vậy cũng không phải là không có gì đằng sau những câu chữ… Tôi muốn thơ phải đọng lại một cái gì, phải thật là gan ruột của mình, thật là một “lời nhắn gửi”.

Thể thơ lục bát truyền thống của Việt Nam ta có nhiều ưu thế về cấu trúc, về âm thanh, vừa có sức gợi cảm, vừa dễ nghe, dễ nhớ, dễ thuộc, lại thích hợp với cả trí thức lẫn người ít học nên tôi hay dùng… Thể lục bát tưởng như dễ làm, thật ra lại dễ rơi vào tầm thường, vô duyên. Phải biết “chuyển hóa” thế nào cho phong phú, luôn luôn mới về mọi mặt giống như dùng hai cánh tay có vẻ đơn giản ấy thế nào để thành những điệu múa đẹp không bao giờ chán. Người làm thơ lại cần biết sử dụng nhiều thể thơ và cần kết hợp hoặc sáng tạo hoàn toàn mới.

Thơ có ưu thế dễ nhớ vì thơ có tiết tấu, có vần điệu. Vần là một sáng tạo tuyệt vời của nghệ thuật thơ… Theo tôi, vần chính là một điểm huyệt nhạy cảm, nếu biết “bấm” đúng thì có hiệu quả lớn cho sự truyền cảm. Cứ đọc Truyện Kiều thì thấy Nguyễn Du gieo vần đắt thế nào.

G. MỘT VÀI NHẬN ĐỊNH VỀ THƠ TỐ HỮU:

- Với Tố Hữu, thơ là vũ khí đấu tranh cách mạng. Đó chính là đặc sắc và cũng là bí quyết độc đáo của Tố Hữu trong thơ ca.

… Thơ, với Tố Hữu, là hình thức tươi đẹp của hoạt động cách mạng của sự sống. Thơ Tố Hữu, trong thời kì đầu này, cốt yếu thuộc về dòng Lãng mạn cách mạng. Danh từ này, theo định nghĩa của Goóc-ki, là “chữ nghĩa lãng mạn tích cực , nó nhằm tăng cường cái ý chí sống của con người, thức tỉnh trong tâm hồn con người cái quyết tâm phản kháng với hiện thực, với mọi áp bức của hiện thực”.

Thơ Tố Hữu là lời tâm huyết của một chiến sĩ đang sống can đảm nêu cao lí tưởng phục vụ nhân dân, phục vụ chính nghĩa.

Thơ Tố Hữu là “bó hoa lửa” lộng lẫy, nồng nàn.

… Sau mười năm đó, khi cách mạng Việt Nam chuyển vào một giai đoạn mới, tập thơ Việt Bắc sẽ đánh dấu một gia đoạn mới trong sự nghiệp thơ ca của thi sĩ. Anh sẽ càng tắm mình vào đời sống chiến đấu lao động hàng ngày của quần chúng, và tiếng nói của anh sẽ càng đượm hơi ấm của quần chúng.

(Đặng Thai Mai)

- Tố Hữu đã làm khá tốt phương tiện làm sử, bằng hồn thơ xúc cảm mãnh liệt và suy nghĩ sâu của mình. Anh cũng đã phản ánh được những mặt chủ yếu của cuộc sống cách mạng chúng ta. Trước cách mạng, đấy là cuộc đời hoạt động và cuộc đời ở tù. Trong kháng chiến: Những cảnh chiến đấu, những cảnh xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, đấu tranh với địch ở miền Nam, mối tình hữu nghị máu thịt của chúng ta với các nước trong phe xã hội chủ nghĩa.

Mỗi đề tài trên đều được ghi lại bằng những bài thơ có giá trị của anh.

… Cũng nên nói rằng: Cái chất chiến đấu thường làm cho thơ anh khoẻ ra, rắn lại, linh hoạt, nhưng có đôi lúc đã làm thơ anh khô đi. Đấy là khi anh diễn đạt nó mà không vùi nó sâu hơn trong cảm xúc, trong tình thương là cái điều chính của tâm hồn anh.

Cái gì làm cho Tố Hữu trong khi có những tìm tòi hiện đại vẫn giữ được màu sắc dân tộc ấy?... Đấy là nhờ nội dung, nhờ cách cảm xúc, nhờ phương pháp tạo hình, nhờ chữ nghĩa. Nhưng đấy cũng là nhờ ở cái man mác, mơ hồ (nhưng rất rõ rệt này), là cái âm nhạc của thơ anh.

Thơ anh là lối thơ lấy cái đường đi toàn đời, lấy cái hơi toàn tập, lấy cái tứ toàn bài làm chính… Anh là con chim vụ ở đường bay hơn là ở bộ lông bộ cánh, tuy vẫn là lông cánh đẹp.

(Chế Lan Viên)

 

Bài viết gợi ý: