Bài soạn “LẼ GHÉT THƯƠNG

(Trích Truyện Lục Vân Tiên – Nguyễn Đình Chiểu)

 

Câu 1: Đọc chú thích và tìm điểm chung giữa những đời vua mà ông Quán ghét và giữa những con người mà ông Quán thương. Từ đó hãy nhận xét về cơ sở của “Lẽ ghét thương” theo quan điểm đạo đức của Nguyễn Đình Chiểu.

Những đời vua mà ông Quán ghét gồm có:

+ “đời Kiệt, Trụ mê dâm”: vua Kiệt nhà Hạ, vua Trụ nhà Thương là hai ông vua bạo ngược, vô đạo trong lịch sử Trung Quốc.

+ “đời U, Lệ đa đoan”: U Vương và Lệ Vương là hai ông vua khét tiếng tàn bạo, hoang dâm đời nhà Chu, gây ra nhiều chuyện rắc rối.

+ “đời Ngũ bá phân vân”: đời nhà Chu, thời Xuân Thu, năm vua chư hầu kế tiếp nhau nổi lên làm bá chủ (Ngũ bá). Họ dựa trên uy lực, kéo bè kết cánh đánh đấm lẫn nhau, gây nên loạn lạc khiến nhân dân phải điêu đứng.

+ “đời thúc quý phân băng”: nói đến đời suy loạn, sắp bị diệt vong, chia lìa, đổ nát.

Điểm chung của những đời vua này là họ là những ông vua “mê dâm”, “đa đoan”, tất trách, hi sinh lợi ích của nhân dân, bá tánh để mua vui cho bản thân, cho triều đình, gây ra bao nhiêu cảnh tan thương, chia lìa, bạo hành vô nhân đạo, đàn áp, áp bức bóc lột dân thường. Họ còn bày ra những trò mua dâm kinh tởm, ăn chơi xa xỉ ngày này qua ngày nọ. Họ chia bè phái đánh nhau tranh quyền đoạt lợi. Vì vậy, ông Quán bày tỏ sự phẫn nộ, “ghét cay, ghét đắng, ghét vào tận tâm” bọn vương triều chỉ biết đến bản thân, mưu cầu lợi danh mà không màn đến an nguy thiên hạ. Ông là một con người vì nước thương dân, yêu ghét phân minh, bất bình trước những việc làm xấu xa trái với đạo lí.

- Những người mà ông Quán thương là:

+ “đức thánh nhân” là chỉ Khổng Tử, người nước Lỗ thời Xuân Thu, tên Khâu, tự Trọng Ni, ông tổ của Nho giáo, nền tảng tinh thần của xã hội phong kiến thời xưa. Ông đã đi nhiều nước “Tống, Vệ, Trần, Khuông” để tìm cách hành đạo nhưng không thành, sau trở về nước Lỗ mở trường dạy học.

+ “thầy Nhan Tử” là người nước Lỗ, Nhan Hồi, tự là Tử Uyên, học trò đức hạnh nhất của Khổng Tử, rất hiếu học nhưng chết sớm nên ông Quán lại càng “thương” hơn.

+ “ông Gia Cát tài lành” tức là Gia Cát Lượng, tự Khổng Minh, sống thời Tam Quốc, làm quân sư cho Lưu Bị, mong khôi phục cơ nghiệp nhà Hán nhưng không gặp thời vận “gặp cơn Hán mạt đã đành phui pha”. Cho đến lúc ông mất năm 54 tuổi thì chí nguyện vẫn chưa thành.

+ “thầy Đổng Tử” là Đổng Trọng Thư, bậc đại nho thời Hán, học rộng, tài cao, từng ra làm quan nhưng lại không được trọng dụng, không có điều kiện để thi thố tài năng.

+ “người Nguyên Lượng” là người thời Tấn, tên tự của Đào Tiềm, tức Đào Uyên Minh, tính tình cao thượng, không cầu danh lợi và giỏi thơ văn. Nhà nghèo, có cha mẹ già, ông nhận chức quan nhỏ nhưng vì không chịu khom lưng cúi đầu trước quan trên nên ông lui về sống ẩn dật.

+ “ông Hàn Dũ” là nhà văn nổi tiếng thời Đường, đỗ tiến sĩ, làm quan trong triều, vì dâng sớ can ngăn vua không nên quá mê tín đạo Phật mà bị giáng chức và phải đi đày xa.

+ “thầy Liêm, Lạc” là Chu Đôn Di ở Liêm Khê và hai an em Trình Hạo, Trình Di người Lạc Dương. Cả ba đều là những triết gia nổi tiếng thời Tống, có ra làm quan nhưng không được trọng dụng lại lui về dạy học, trở thành những thầy giáo nổi tiếng.

Những người mà ông Quán nói thương đều là những con người có tài năng xuất chúng, có tri thức cao, hiểu biết sâu rộng và lại có đức độ, sống lương thiện, ngay thẳng không vì danh lợi mà bán rẻ nhân phẩm, danh dự. Họ là những con người sống theo đạo lí, có lương tâm, lương tri, sống vì nước vì dân nhưng đều bị triều đình phong kiến tẩy chay, không trọng dụng vì họ sẵn sàng nêu lên ý kiến quan điểm cá nhân để giúp triều đình thoát khỏi cảnh thối nát. Họ không bị đồng hóa bởi bọn quan lại tham túng, xấu xa kia mà sống theo lẽ phải. Cuối cùng những con người chính nghĩa ấy cũng về ở ẩn và gắn bó với dân làng, dạy học tích đức làm đẹp cho đời.

- Nguyễn Đình Chiểu phân biệt rõ ràng giữa ghét và thương, công tư phân minh trong tư tưởng tình cảm, ghét thì ghét cay ghét đắng, thương thì thương vô cùng, tột độ. Cảm xúc cứ tang dần theo mức độ của từ thương hay ghét. Số lượng từ thương có lẽ gấp đôi từ ghét chứng tỏ một điều rằng, Nguyễn Đình Chiểu là người hiểu đạo lí, thấu cảm những vấn đề trong xã hội và luôn bày tỏ lòng khoan dung, nhân đạo trong tư tưởng văn học của mình.

Câu 2: Nhận xét cách dùng phép đối và phép điệp ở cặp từ ghét, thương trong đoạn thơ này. Tìm hiểu giá trị nghệ thuật của biện pháp tu từ đó.

Đoạn trích được tác giả chia làm 2 phần rõ rệt: một phần Ông Quán nói về lẽ ghét và phần còn lại nói về lẽ thương.

Nhà thơ đã sử dụng khéo léo phép đối và phép điệp ở cặp từ ghét, thương.

- Phép đối giữa ý nghĩa trái ngược nhau “ghét” là thái độ không thích, không đồng tình, phản đối với ý kiến, với cách thực hiện của người khác, cụ thể ở đây là những đời vua, những người đứng đầu một nước nhưng lại đánh đổi dân chúng, đánh đổi vương triều để mưu cầu lợi danh. Ngược lại thì “thương” là sự bày tỏ tình cảm yêu thương, thấu hiểu, đồng cảm, nể phục, tôn trọng với những con người tài kiệt, vừa có tài, vừa có đức, luôn hết lòng với nước với dân.

=> Phép đối hợp lí chứng tỏ nhà thơ đã dằn lòng để phân biệt rõ cái đúng sai trái phải trong cuộc sống. Tác giả nói lên lẽ ghét thương của riêng mình, những tình cảm yêu ghét phân minh, mãnh liệt và tấm lòng thương dân sâu sắc.

- Phép lặp hai từ “ghét - thương”, tác giả đã có 12 lần lặp lại từ ghét và từ thương. Chứng tỏ sự phân bố rất hợp tình, hợp lí, xen kẽ, sánh đôi rất linh hoạt. Việc lặp lại nhiều lần như thế làm tăng mức độ của hai trạng thái cảm xúc này. Ghét hay thương đều đạt đến tột độ.

Câu 3: Dựa vào cảm xúc của tác giả, hãy giải thích câu thơ ở phần đầu đoạn trích “Vì chưng hay ghét cũng là hay thương”.

“Hỏi thời ta phải nói ra

Vì chưng hay ghét cũng là hay thương”

Câu thơ nằm ở phần đầu là cuộc trò chuyện giữa Ông Quán và chàng nho sinh Lục Vân Tiên. Ông chia sẻ với Vân Tiên rằng chuyện ghét thương luôn có mối quan hệ mật thiết, gắn bó với nhau. Thương chính vì từ sự ghét, ông trăn trở về cuộc đời con người, về lẽ ghét thương. Chẳng phải tự nhiên mà ông Quán lại ghét cay ghét đắng ghét vào tận tâm bọn quan lại tham nhũng, hoang dâm vô độ, mà là vì ông là con người có lòng thương người, nhân ái, thương yêu nhân chúng, gắn bó với quần chúng như với những người thân ruột thịt, những người vua làm lục đục nội bộ triều đình, tàn bạo, vô đạo, kéo bè kết cánh gây nên loạn lạc khiến dân chúng phải điêu đứng, đẩy nhân dân vào cảnh cơ cực, khốn khổ. Nên đó là lí do lớn nhất khiến ông ghét họ đến như vậy. Cũng chính vì thế mà ông thương những người dân cùng khổ, lầm than, trân trọng những con người nhân nghĩa, có tài năng, có đức độ.

Trong đoạn trích trên, những đời vua mà ông Quán ghét: “đời Kiệt, Trụ mê dâm”, “đời U, Lệ đa đoan”, “đời Ngũ bá phân vân”, “đời thúc quý phân băng”, họ là những ông vua “mê dâm”, “đa đoan”, tất trách, hi sinh lợi ích của nhân dân, bá tánh để mua vui cho bản thân, cho triều đình, gây ra bao nhiêu cảnh tan thương, chia lìa, bạo hành vô nhân đạo, đàn áp, áp bức bóc lột dân thường.

Những người mà ông Quán thương là “đức thánh nhân”, “thầy Nhan Tử”, “ông Gia Cát tài lành”, “thầy Đổng Tử”, “người Nguyên Lượng”, “ông Hàn Dũ”, “thầy Liêm, Lạc”. Họ là những con người có tài năng xuất chúng, có tri thức cao, hiểu biết sâu rộng và lại có đức độ, sống lương thiện, ngay thẳng không vì danh lợi mà bán rẻ nhân phẩm, danh dự. Họ là những con người sống theo đạo lí, có lương tâm, lương tri, sống vì nước vì dân nhưng đều bị triều đình phong kiến tẩy chay, không trọng dụng vì họ sẵn sàng nêu lên ý kiến quan điểm cá nhân để giúp triều đình thoát khỏi cảnh thối nát. Họ không bị đồng hóa bởi bọn quan lại tham túng, xấu xa kia mà sống theo lẽ phải. Cuối cùng những con người chính nghĩa ấy cũng về ở ẩn và gắn bó với dân làng, dạy học tích đức làm đẹp cho đời.

Nguyễn Đình Chiểu là người hiểu đạo lí, thấu cảm những vấn đề trong xã hội và luôn bày tỏ lòng khoan dung, nhân đạo trong tư tưởng văn học của mình.

 

Bài viết gợi ý: