I.ĐỌC HIỂU (3,0 điểm)

Đọc văn bản sau và thực hiện các yêu cầu:

Hãy dạy con cái mình sống nhiều hơn với các thế giới có thật xung quanh mình, đang diễn ra hàng ngày…, để chúng đừng đắm mình và chạy theo thế giới ảo trên các trang mạng. Hãy làm sao để chúng nói chuyện, trao đổi, tâm sự… nhiều hơn với người thân trong gia đình chứ đừng suốt ngày đuổi theo những ảo ảnh trên mạng.

Trong tình hình hiện nay các mạng xã hội trên Internet mang lại nhiều nguy hiểm cho con trẻ chúng ta… Xin các vị hãy quan tâm điều này nhiều hơn, đã có rất nhiều trẻ em trở thành hư đốn, thậm chí phạm pháp vì quá mê say với thế giới ảo.

(Trích thư của PGS Văn Như Cương - Hiệu trưởng Trường THPT Lương Thế Vinh, Hà Nội - gửi đến các phụ huynh nhân dịp đầu năm học mới)

Câu 1: Dựa vào đoạn trích hãy chỉ ra những từ nói lên sự gắn bó giữa con cái với cha mẹ? (0,5 điểm)

Câu 2: Trong đoạn trích trên, giáo sư Văn Như Cương muốn cha mẹ dạy con cái điều gì? (0,5điểm)

Câu 3: Theo anh /chị giáo sư Văn Như Cương muốn chỉ ra tác hại của điều gì? (1,0điểm)

Câu 4: Anh/ chị có đồng tình với ý kiến: “ đã có rất nhiều trẻ em trở thành hư đốn, thậm chí phạm pháp vì say mê thế giới ảo” không? vì sao? (1,0điểm)

II. LÀM VĂN (7,0 điểm)

Câu 1 (2,0 điểm)

Viết đoạn văn (khoảng 200 chữ) bày tỏ suy nghĩ của mình về biện pháp khắc phục hiện tượng quá mê say với thế giới ảo của một bộ phận giới trẻ hiện nay.

Câu 2 (5,0 điểm)

Trong tác phẩm “Vợ nhặt” nhà văn Kim Lân đã khắc họa thành công tâm trạng của bà cụ Tứ trước sự việc Tràng “nhặt” được vợ. Trong đó có 2 đoạn trích sau:

            “Bà lão cúi đầu nín lặng. Bà lão hiểu rồi. Lòng người mẹ nghèo khổ ấy còn hiểu ra biết bao nhiêu cơ sự, vừa ai oán vừa sót thương cho số kiếp đứa con mình. Chao ôi, người ta dựng vợ gả chồng cho con lúc trong nhà ăn nên làm nổi, những mong sinh con đẻ cái mở mặt sau này. Còn mình thì… Trong kẽ mắt kèm nhèm của bà rỉ xuống hai dòng nước mắt… Biết rằng chúng nó có nuôi nổi nhau sống qua được cơn đói khát này không”.

            “Bữa cơm ngày đói trông thật thảm hại. Giữa cái mẹt rách có độc một lùm rau chuối thái rồi, và một đĩa muối ăn với chả, nhưng cả nhà đều ăn rất ngon lành. Bà cụ vừa ăn vừa kể chuyện làm ăn, gia cảnh với con dâu. Bà lão nói toàn chuyện vui, toàn chuyện sung sướng về sau này:

- Trạng ạ. Khi nào có tiền ta mua lấy đôi gà. Tao tính rằng cái chỗ đầu bếp kia làm chỗ chuồng gà thì tiện quá. Này ngoảnh đi ngoảnh lại chả mấy mà có ngay đàn gà cho mà xem”…

Anh/chị hãy phân tích hai đoạn trích trên, từ đó rút ra nhận xét về giá trị hiện thực và giá trị nhân đạo của tác phẩm.                                                                                                                                                                                                                                                                                            HƯỚNG DẪN LÀM BÀI

I.ĐỌC HIỂU

Câu 1: (0,5 điểm)

*Nhận biết

*Phương pháp: Đọc tìm kiếm những từ ngữ trong đoạn văn

*Cách giải:

Những từ nói lên sự gắn bó giữa con cái và cha mẹ: nói chuyện, trao đổi, tâm sự, quan tâm

Câu 2: (0,5 điểm)

* Thông hiểu

*Phương pháp: Căn cứ vào nội dung đoạn trích

*Cách giải:

Trong đoạn trích trên giáo sư Văn Như Cương muốn cha mẹ dạy con cái: sống nhiều hơn với các thế giới có thật xung quanh mình, đang diễn ra hàng ngày... Hãy làm sao để chúng nói chuyện, trao đổi, tâm sự… nhiều hơn với người thân trong gia đình chứ đừng suốt ngày đuổi theo những ảo ảnh trên mạng.

 Câu 3: (1,0 điểm)

* Thông hiểu

*Phương pháp: Phân tích, tổng hợp

*Cách giải:

Giáo sư Văn Như Cương muốn chỉ ra tác hại của việc: đắm mình và chạy theo thế giới ảo trên các trang mạng của giới trẻ

Câu 4: (1,0 điểm)

* Thông hiểu

*Phương pháp: Phân tích, tổng hợp

*Cách giải:

Học sinh có thể lí giải theo nhiều cách nhưng cần đảm bảo các ý sau:

- Đồng tình với ý kiến

- Vì: trẻ em sẽ mất nhiều thời gian, bỏ bê việc học hành, chán nản khi đối diện với cuộc sống thực, dễ bị kẻ xấu lợi dụng vv...

- Hãy sống thật, không nên sống ảo

- Cha mẹ phải yêu thương, quan tâm đến con cái nhiều hơn.

-Tình thương là hạnh phúc của mỗi con người, mỗi gia đình…

II.LÀM VĂN

Câu 1: (2,0 điểm)

*Phương pháp: Sử dụng các thao tác lập luận để tạo lập một đoạn văn nghị luận (bàn

luận, so sánh, tổng hợp,…)

*Cách giải:

a. Đảm bảo yêu cầu về hình thức đoạn văn:

-Thí sinh có thể trình bày đoạn văn theo cách diễn dịch, song hành, móc xích, quy

nạp, tổng-phân-hợp.

- Viết không đúng hình thức đoạn văn hoặc viết quá dài trừ 0,25 điểm

b. Xác định đúng vấn đề cần nghị luận:

- Biện pháp khắc phục hiện tượng quá mê say với thế giới ảo

c. Triển khai vấn đề nghị luận

         HS lựa chọn các thao tác lập luận phù hợp để triển khai vấn đề nghị luận theo nhiều cách khác nhau nhưng cần nêu được các nội dung cơ bản sau:

        - Giải thích: mê say với thế giới ảo, tóm lược những  tác hại của việc quá chìm đắm vào thế giới ảo

- Biện pháp khắc phụchiện tượng quá mê say với thế giới ảo”:

         + Tuổi trẻ cần đam mê học tập, sáng tạo; biết đấu tranh với chính mình để không sa ngã, chìm đắm vào thế giới ảo.

         + Nhà trường, gia đình cần quan tâm hơn nữa đến các bạn trẻ. Các tổ chức trong nhà trường cần phải tăng cường thông qua các hoạt động để học sinh nâng cao bản lĩnh trước những luồng thông tin trên mạng xã hội, khước từ những cám dỗ.

        + Xã hội cần phải có những giải pháp hữu hiệu hơn, bởi hiện nay chúng ta     chưa có những biện pháp thực sự hữu dụng và không theo kịp được với trào lưu của giới trẻ…

-Rút ra bài học cho bản thân

d. Sáng tạo

  Có cách diễn đạt sáng tạo, thể hiện suy nghĩ sâu sắc, mới mẻ về vấn đề nghị luận.

e. Chính tả, ngữ pháp

Đảm bảo quy tắc chính tả, dùng từ, đặt câu.

                                                Câu 2 (5,0 điểm)

                                                I. Yêu cầu về kĩ năng:

                                                 - Đảm bảo cấu trúc bài văn nghị luận có đủ mở bài, thân bài, kết bài

                                                - Xác định đúng vấn đề cần nghị luận: Hai đoạn văn thể hiện tâm trạng phức tạp của bà cụ Tứ trước sự việc Tràng có vợ đồng thời qua đó nhà văn gửi gắm giá trị hiện thực và giá trị nhân đạo sâu sắc.

                                                - Triển khai vấn đề nghị luận thành các luận điểm; vận dụng tốt các thao tác lập luận; kết hợp chặt chẽ giữa lí lẽ và dẫn chứng

                                                II. Yêu cầu về kiến thức:

           (Học sinh có thể trình bày theo nhiều cách nhưng phải đảm bảo các ý cơ bản sau)

                                           1. Mở bài: (0,25 điểm)

                                          *  Giới thiệu đầy đủ:

     + Tác giả:

 

           - Kim Lân là 1 trong những cây bút truyện ngắn tài năng của Văn học Việt Nam hiện đại

            - Thế giới nghệ thuật của Kim Lân là khung cảnh nông thôn và người nông dân lam lũ, chịu thương chịu khó, gắn bó thân thiết với quê hương và cách mạng. Kim Lân hiểu sâu sắc cảnh ngộ, nỗi lòng, tâm lý của người dân nghèo, và viết về họ với tất cả  lòng yêu thương.

         + Tác phẩm:

            - “Vợ Nhặt” ra đời năm 1954, dựa trên 1 phần cốt truyện cũ của cuốn tiểu thuyết viết dở “Xóm ngụ cư” (1946). Tác giả mượn bối cảnh nạn đói 1945 làm phông nền để thể hiện bức tranh đời sống nông thôn.
            + Nhân vật:
            - Tác phẩm “Vợ Nhặt” đã khắc họa thành công nhân vật bà cụ Tứ, đặc biệt là diễn biến tâm trạng phức tạp của nhân vật trước sự việc Tràng nhặt được vợ. Đặc biệt là 2 trích đoạn này dưới đây. Qua 2 đoạn trích nhà văn gửi gắm những giá trị hiện thực và nhân đạo sâu sắc.
            + Trích dẫn 2 đoạn văn:

            “Bà lão cúi đầu nín lặng. Bà lão hiểu rồi. Lòng người mẹ nghèo khổ ấy còn hiểu ra biết bao nhiêu cơ sự, vừa ai oán vừa sót thương cho số kiếp đứa con mình. Chao ôi, người ta dựng vợ gả chồng cho con lúc trong nhà ăn nên làm nổi, những mong sinh con đẻ cái mở mặt sau này. Còn mình thì… Trong kẽ mắt kèm nhèm của bà rỉ xuống hai dòng nước mắt… Biết rằng chúng nó có nuôi nổi nhau sống qua được cơn đói khát này không”.

            “Bữa cơm ngày đói trông thật thảm hại. Giữa cái mẹt rách có độc một lùm rau chuối thái rồi, và một đĩa muối ăn với chả, nhưng cả nhà đều ăn rất ngon lành. Bà cụ vừa ăn vừa kể chuyện làm ăn, gia cảnh với con dâu. Bà lão nói toàn chuyện vui, toàn chuyện sung sướng về sau này:

- Trạng ạ. Khi nào có tiền ta mua lấy đôi gà. Tao tính rằng cái chỗ đầu bếp kia làm chỗ chuồng gà thì tiện quá. Này ngoảnh đi ngoảnh lại chả mấy mà có ngay đàn gà cho mà xem”…

            2. Thân bài: (4,5 điểm)
            a. Giới thiệu về nhân vật:
            - Bà cụ Tứ là người mẹ nghèo khổ, từng trải, có cuộc đời trải qua rất nhiều mất mát: Chồng và con gái mất sớm, gia tài chỉ có túp lều tranh rách nát và đứa con trai xấu xí, vô tư, ngờ nghệch có nguy cơ ế vợ, sống bấp bênh bằng nghề đẩy xe thóc thuê.
            - Tâm nguyện lớn nhất của đời bà là cưới được vợ cho con nhưng với tình cảnh của bà và nhất là trong nạn đói thì tâm nguyện đó lại trở nên quá xa vời. Đó là nỗi buồn chất chứa và sâu thẳm nhất trong nỗi lòng người mẹ này.
             -Tuy nhiên ấn tượng nổi bật nhất ở bà cụ Tứ đó là người mẹ bao dung, nhất mực thương con và nhất là luôn lạc quan tin tưởng vào tương lai tốt đẹp.

 

            b. Phân tích tâm trạng bà cụ Tứ :
            * Trước hết, tác giả đặt bà cụ Tứ vào 1 tình huống hết sức bất ngờ và éo le: giữa những ngày đói khủng khiếp, sự sống con người quá đỗi mong manh, người ta bị ám ảnh mạnh mẽ bởi cái chết, không ai nghĩ đến chuyện dựng vợ gả chồng nhất là tình cảnh như mẹ con Tràng. Vậy mà bỗng dưng Tràng nhặt được vợ và dẫn người vợ về nhà. Sự kiện đột ngột đó là đầu mối dẵn dắt câu chuyện và làm thức dậy bao nhiêu tâm trạng khó diễm tả trong cõi lòng bà.

            * Tâm trạng của bà cụ Tứ được nhà văn tập trung khắc họa trong 2 khoảng thời gian: Từ chiều hôm trước lúc Tràng dẫn người vợ nhặt về và sáng hôm sau thức dậy cho đến khi bà cụ đãi cả nhà nồi cháo cám.
            * Tâm trạng bà cụ Tứ ở đoạn văn thứ nhất (buổi chiều hôm trước)
            + Trước sự việc Tràng dẫn người vợ nhặt về nhà, ban đầu bà cụ rất đỗi ngạc nhiên, sau giây phút ngạy nhiêu ban đầu ở đoạn trích này nhà văn Kim Lân làm nổi bật 2 nét tâm trạng của bà cụ Tứ: Buồn tủi cho mình, cho con và lo lắng cho tương lai của con. Đoạn văn có 7 câu thì có 6 câu diễn tả tâm trạng buồn tủi, còn 1 câu diễn tả tâm trạng lo lắng:
            - Tâm trạng buồn tủi cho mình, cho con được khắc họa qua các chi tiết:
            . “Bà lão cúi đầu nín lặng”:   
          ~ Thể hiện sự từng trải, hiểu sự đời và có lẽ bà đã hình dung ra chuỗi ngày tiếp theo sẽ khó khăn, cơ cực đến nhường nào.
            ~ Có lẽ còn vì bà biết chấp nhận nghịch cảnh, dù có thể biết trước sự sống của cả nhà sẽ càng trở nên mong manh nhưng bà không thể ngăn cản hạnh phúc của con.
            => Cái tư thế “cúi đầu nín lặng” chất chứa bao suy tư sâu sắc bên trong cái dáng vẻ già nua, yếu mỏi của bà cụ
            . “Bà lão hiểu rồi. Lòng người mẹ nghèo khổ ấy còn hiểu ra biết bao cơ sự, vừa ai oán vừa xót thương cho số kiếp đứa con trai mình” Hai câu văn diễn tả sâu nỗi lòng buồn tủi cho số kiếp của đứa con, với sự từng trải của người mẹ bà hiểu biết bao nhiêu cơ sự :

            - Ai oán, xót thương vì đứa con trai của xấu xí, nghèo khổ, ngờ nghệch không thể lấy được vợ thế mà lại có vợ trong tình cảnh éo le như thế này. Chừng này con người sẽ phải sống ra sao ?
            -Ai oán, xót thương vì con bà vốn không có khả năng có vợ mà bây giờ lại có vợ dễ dàng, cũng chẳng qua vì cái đói mà người ta mới theo không con bà, mà như thế con bà mới có thể có vợ.
            => Đó là nỗi ai oán, xót thương của người mẹ thương con mà không thể giúp con thay đổi vì số phận, cuộc đời mà buộc phải chứng kiến hạnh phúc trong nghịch cảnh của con.
            .“Chao ôi, người ta dựng vợ gả chồng cho con là lúc trong nhà ăn nên làm nổi những mong sinh con đẻ cái mở mặt sau này. Còn mình thì..... Trong kẽ mắt kèm nhèm của bà rỉ xuống hai dòng nước mắt”. Đó là 3 câu văn diễn tả nỗi lòng buồn tủi cho chính bản thân mình của bà cụ Tứ:
            - Buồn tủi cho số kiếp người mẹ không lo nổi cho con. Dấu 3 chấm trong câu văn Còn mình thì...” khơi ra biết bao nỗi lòng của người mẹ: tự trách bản thân mình không lo nổi cho con, giờ đây giữa lúc người chết đói như ngả dạ, lại có người theo con trai bà về làm vợ. Bà biết lấy gì để cúng tổ tiên, để trình làng
            - Bà tủi phận nên bà khóc :…Trong kẽ mắt kèm nhèm của bà rỉ xuống hai dòng nước mắt” cách viết của tác giả làm khơi lên trong tâm trí người đọc hình ảnh người mẹ bị cái đói, cái nghèo, tuổi gìa làm cho quay quắt, tàn tạ, giờ đây trong phút chốc bị đặt vào nghịch cảnh éo le này giường như bà bị vắt kiệt sức, trong kẽ mắt chỉ đủ sức rỉ xuống 2 dòng nước mắt...
            => Đó là nỗi buồn tủi sâu sắc, thấm thía của người mẹ nghèo bị dồn vào nghịch cảnh éo le.
            - Tâm trạng lo lắng của bà cụ Tứ được thể hiện qua câu văn: “Biết rằng chúng nó có nuôi nổi nhau sống qua được cơn đói khát này không”. Bà lo lắng vì: Bà hiểu chuyện gì sẽ có thể xảy ra với cuộc sống của gia đình mình và các con trong nghịch cảnh này. Bà hiểu được điều đó vì bà là người mẹ từng trải và hiểu đời; Bà lo lắng cũng bởi vì bà quá thương con yêu con.
            * Tâm trạng của bà cụ Tứ ở đoạn văn thứ 2 (vào thời gian sáng hôm sau)
            + Sáng hôm sau ngủ dậy tâm trạng bà cụ khác hẳn chiều hôm trước: nhẹ nhõm, tươi tỉnh, rạng rỡ, hi vọng cuộc đời sẽ khác đi, làm ăn có cơ khấm khá hơn. Đặc biệt tâm trạng này của bà cụ Tứ được nhà văn Kim Lân khắc họa rõ nét trong bữa cơm đầu tiên của mẹ con bà:

            - Bữa cơm chỉ có “1 lùm rau chuối thái rối, 1 đĩa muốn ăn với cháo nhưng cả nhà đều ăn rất ngon lành. Bà cụ vừa ăn vừa kể chuyện làm ăn, gia cảnh với con dâu”: Cách thể hiện cho thấy bà nhiệt tình, hồ hởi để mong các con bà cũng cũng bớt mặc cảm. Bởi bà hiểu bà là chỗ dựa tinh tình cho các con trong nghịch cảnh này.
            - Đặc biệt trong bữa cơm bà cụ toàn nói chuyện vui, dự tính chuyện tương lai: “Khi nào có tiền ta mua lấy đôi gà. Tao tính rằng các chỗ đầu bếp kia mà làm cái chuồng gà thì tiện quá. Này ngoảnh đi ngoảnh lại chẳng mấy mà có ngay đàn gà cho mà xem...” Tâm trạng phấn chấn của bà bắt nguồn từ tâm lý bao đời của người nông dân: Luôn lạc quan tin tưởng vào tương lai tươi sáng. Nhưng có lẽ quan trọng hơn bởi bà hiểu đây là cách duy nhất bà có thể giúp các con có thêm nghị lực để sống để vượt qua nghịch cảnh. Suy cho cùng đó là tấm lòng của người mẹ thương con.
            * Đánh giá chung:
            + Qua 2 đoạn trích nhà văn đã khắc họa thành công nhân vật bà cụ Tứ: Đó là người mẹ nghèo khổ, trải đời nhưng rất mực thương con đặc biệt bà là người luôn lạc quan tin tưởng vào tương lai tươi sáng mặc dù bà ý thức được rất rõ nghịch cảnh, thảm cảnh.

            + Nhà văn cũng thể hiện tài năng nghệ thuật trong việc khắc họa diễn biến tâm lí của bà cụ Tứ. Để thành công, nhà văn đã:

- Đặt nhân vật vào nghịch cảnh éo le để từ đó nhân vật bộc lộ tâm trạng, tình cảm  

            -Diễn tả, phân tích tâm lí nhân vật thành công, đó là tâm lí của 1 người mẹ nông dân trải đời, nhân hậu, thương con
            - Dùng ngôn ngữ nói của người phụ nữ lớn tuổi ở nông thôn sống động, tự nhiên.
            +Bình luận về nhân vật:
             “Ở nhân vật bà cụ Tứ thấp thoáng hình ảnh của nhân vật Lão Hạc, của mẹ Dần, vợ chồng Dần (Nam Cao). Họ là noHoj hững người nông dân nghèo nhưng chỉ sống vì con, hết lòng yêu thương con. Dẫu chỉ là 1 trong số 3 nhân vật trong truyện, lại xuất hiện sau cùng nhưng bằng tài năng và tình cảm trìu mến nhà văn dành cho người mẹ nghèo, Kim Lân đã khắc họa được chân dung nhân vật vừa sinh động, chân thực, vừa cảm động, day dứt.
            c. Nhân xét về giá trị hiện thực và giá trị nhân đạo của tác phẩm qua 2 doạn văn khắc họa tâm trạng bà cụ Tứ
            * Giá trị hiện thực:
            - Biểu hiện : Cái đói tràn đến khắp nơi, và ùa vào gia đình Tràng, bủa vây đe dọa số phận từng con người không trừ 1 ai:
            - Trong gia đình bà cụ Tứ quá già yếu không có kế mưu sinh
            - Tràng làm nghề đẩy xe bò thuê thu nhập bấp bênh
            - Người vợ nhặt vì đói mà chấp nhận bán rẻ nhân phẩm, theo không Tràng làm vợ
            + Cơ sở: Nội dung hiện thực trong tác phẩm “Vợ nhặt” có cơ sở từ chính hiện thực đất nước, hậu quả của chính sách cai trị của TD Pháp trong suốt 80 năm và trực tiếp là chính sách cai trị của Phát xít trong 5 năm từ năm 1941 -> 1945, hơn 2 triệu đồng bào từ Quảng Trị đến Bắc Kì chết vì đói (chiếm 1/10 dân số lúc bấy giờ)
            * Giá trị nhân đạo:
            + Biểu hiện: Những người nông dân nghèo khổ dù bị đặt vào thảm cảnh, thâm chí phải cận kề với cái chết nhưng không bao giờ mất đi những giá trị tinh thần và phẩm chất tốt đẹp. Đó là lòng yêu thương con người và thái độ lạc quan tin vào tương lai tương sáng dù chỉ có 1 tia hy vọng mong manh
            + Cơ sở: Vẻ đẹp của lòng yêu thương và tinh thần lạc quan của bà cụ Tứ bắt nguồn từ triết lý sống của nhân: “Thương người như thể thương thân”, “Không ai giầu 3 họ, không ai khó 3 đời”...
            *Bình luận
            - “ Vợ Nhặt” đã gieo vào lòng người đọc những sự sót xa, đồng cảm giành cho những kiếp người cơ cực. Đồng thời cũng cổ vũ cho họ phát huy những truyền thống tốt đẹp: Biết yêu thương và lạc quan tin tưởng”

            - “Trong tác phẩm “Vợ nhặt” nhà văn đã nhìn thẳng vào hiện thực bằng cái nhìn yêu thương, tin tưởng nên đã thấy được vẻ đẹp tấm lòng của những mảnh đời khốn khổ, thấy được sự sống nảy mầm từ cái chết, thấy được khát vọng hạnh phúc, khát vọng yêu thương”.
            3. Kết luận (0.25điểm)
            Học sinh khái quát ngắn gọn nội dung đã phân tích.

Bài viết gợi ý: