A. KIẾN THỨC CƠ BẢN
I. ĐỀ TÀI
1. Về tư tưởng, đạo lí
Nghị luận về tư tưởng đạo lí là kiểu bài nghị luận bao gồm các vấn đề về nhận thức (lí tưởng, mục đích sống); về tâm hồn, tính cách (lòng yêu nước, lòng nhân ái, vị tha, bao dung, độ lượng, tính trung thực, chăm chỉ, cần cù, hòa nhã, khiêm tốn, thói ích kỉ, ba hoa, vụ lợi...); về quan hệ gia đình (tình mẫu tử, anh em...); về quan hệ xã hội (tình đồng bào, tình thầy trò, tình bạn...); về cách ứng xử, hành động mỗi người trong cuộc sống.
2. Về hiện tượng đời sống
Kiểu bài nghị luận về một hiện tượng đời sống là lấy một hiện tượng xảy ra trong đời sống để bàn bạc như: vấn đề tai nạn giao thông, hiện tượng môi trường bị ô nhiễm, những tiêu cực trong thi cử, nạn bạo hành trong gia đình, phong trào thanh niên tiếp sức mùa thi, cuộc vận động giúp đỡ đồng bào hoạn nạn, những tấm gương người tốt việc tốt... Từ những hiện tượng đó người viết tìm ra ý nghĩa xã hội về tư tưởng đạo đức mà bàn bạc đánh giá.
II. CÁC THAO TÁC THƯỜNG ĐƯỢC SỬ DỤNG
Văn nghị luận xã hội thường sử dụng các thao tác lập luận cơ bản như: giải thích, phân tích, chứng minh, so sánh, bác bỏ, bình luận
- Thao tác lập luận giải thích dùng để làm rõ ý nghĩa vấn đề, các nghĩa tường minh, nghĩa hàm ẩn.
- Thao tác lập luận phân tích dùng để chia vấn đề thành nhiều góc độ, phương diện, chỉ ra các biểu hiện cụ thể của từng vấn đề nhỏ.
- Thao tác lập luận chứng minh dùng để làm sáng tỏ vấn đề trên cơ sở dẫn những bằng chứng thực tế.
- Thao tác lập luận so sánh, bình luận, bác bỏ dùng để đối chiếu vấn đề nghị luận với các vấn đề khác cùng hướng hoặc nghịch hướng, phủ định những cách hiểu sai trái, bàn bạc mở rộng và tìm ra phương hướng,...
III. CÁCH LÀM BÀI
1. Về tư tưởng, đạo lí
Bài văn nghị luận về một tư tưởng, đạo lí thường được tiến hành theo các bước sau:
- Giới thiệu, giải thích tư tưởng, đạo lí cần bàn luận.
- Phân tích những mặt đúng, bác bỏ những biểu hiện sai lệch có liên quan đến vấn đề bàn luận.
- Nêu ý nghĩa, rút ra bài học nhận thức và hành động về tư tưởng đạo lí.
2. Về hiện tượng đời sống
- Bài văn nghị luận về một hiện tượng đời sống thường được tiến hành theo các bước sau:
- Nêu rõ hiện tượng, phân tích các mặt đúng - sai, tốt – xấu, lợi – hại.
- Chỉ ra nguyên nhân và bày tỏ thái độ, ý kiến của người viết về hiện tượng xã hội đó.
- Rút ra bài học ý nghĩa, liên hệ bản thân.
IV. YÊU CẦU CHUNG VỀ HÀNH VĂN
- Diễn đạt chuẩn xác, mạch lạc, bố cục rõ ràng.
- Có thể dùng biện pháp tu từ và yếu tố biểu cảm nhưng cần phải phù hợp.
B. BÀI TẬP VẬN DỤNG
I. ĐỀ BÀI
1. Nghị luận về tư tưởng, đạo lí.
a. Đề số 1
Nhiều người nói rằng: “Việc hôm nay chở để ngày mai”. Hãy viết một bài văn ngắn (không quá 400 từ) bàn luận về câu nói trên.
b. Đề số 2
Hãy viết một bài văn ngắn (khoảng 400 chữ) để trả lời câu hỏi của nhà thơ Tố Hữu: “Ôi! Sống đẹp là thế nào hỡi bạn?”
c. Đề số 3
Trong một lần nói chuyện với học sinh, Hồ Chủ Tịch đã dạy: “Có tài mà không có đức là người vô dụng, có đức mà không có tài thì làm việc gì cũng khó”. Hãy viết một bài văn ngắn (khoảng 400 chữ) để bàn luận về bài học đó.
d. Đề số 4
Hãy viết một bài văn ngắn (khoảng 400 chữ) bàn về câu nói của Bailey: “Khi bạn sinh ra, bạn khóc còn mọi người xung quanh cười. Hãy sống sao cho khi bạn qua đời, mọi người khác, còn bạn, bạn cười”.
e. Đề số 5
“Học vấn không chỉ là việc đọc sách, nhưng đọc sách vẫn là con đường quan trọng của học vấn” (Chu Quang Tiềm – Bàn về đọc sách). Anh (chị) hãy viết một bài văn ngắn (khoảng 400 chữ) bàn về câu nói trên.
f. Đề số 6
Nhà khoa học Đacuyn nói về kinh nghiệm thành công của mình như sau: “Tôi nghĩ rằng tất cả những gì có giá trị một chút, tôi đều đã thu nhận được bằng cách tự học”.
Nếu suy nghĩ của anh chị về câu nói trên.
2. Nghị luận về hiện tượng đời sống
a. Đề số 1
Viết một bài văn ngắn (khoảng 400 chữ) nêu ý kiến của anh chị về hiện tượng “nghiện” ka-ra-ô-kê và in-tơ-nét trong nhiều bạn trẻ hiện nay.
b. Đề số 2
Nêu suy nghĩ của anh chỉ bằng một bài văn (khoảng 400 chữ) về vấn đề tai nạn giao thông hiện nay ở Việt Nam.
c. Đề số 3
Nêu suy nghĩ của anh/chị (không quá 400 từ) về vấn đề “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” hiện nay.
d. Đề số 4
Hiện nay ở nước ta có nhiều cá nhân, gia đình, tổ chức thu nhận trẻ em cơ nhỡ, lang thang kiếm sống trong các thành phố, thị trấn về những mái ấm tình thương để nuôi dạy, giúp các em học tập, rèn luyện vươn lên sống lành mạnh, tốt đẹp.
Anh (chị) hãy bày tỏ suy nghĩ về hiện tượng đó.
e. Đề số 5
Viết một bài văn ngắn (khoảng 400 chữ) bàn về vấn đề ô nhiễm môi trường hiện nay ở Việt Nam.
f. Đề số 6
Viết một bài văn ngắn (khoảng 400 chữ) bàn về tình hình bạo lực học đường hiện nay.
II. GỢI Ý BÀI LÀM
1. Nghị luận về tư tưởng, đạo lí
a. Đề số 1
Bài viết cần nêu một số nội dung cơ bản sau:
- Câu nói thể hiện tác phong lao động, tính khẩn trương và tinh thần hăng say trong lao động.
- Câu nói thể hiện một quan niệm đúng đắn, hiện đại phù hợp với lí tưởng sống trong thời đại ngày nay.
- Câu nói là bài học cho tất cả mọi người để sống và lao động, đồng thời bắt kịp với bước tiến của thời đại.
b. Đề số 2
Bài viết cần nêu được những nội dung sau:
- Các mặt biểu hiện của sống đẹp:
+ Sống phải có lí tưởng đúng đắn, cao đẹp. Lí tưởng đó không chỉ vì bản thân mà còn phải vì lợi ích chung của cộng đồng và hướng tới những giá trị Chân, Thiện, Mĩ.
+ Sống phải có tâm hồn lành mạnh, nhân hậu. Tâm hồn phải quy tụ ở cái đẹp, cái thiện,... và tránh xa cái ác, cái xấu,...
+ Sống phải có trí tuệ sáng suốt. Phải thường xuyên trau dồi tri thức và vận dụng những tri thức một cách thiết thực vào cuộc sống.
+ Sống phải có hành động tích cực, lương thiện. Hành động tích cực sẽ giúp ta thực tiễn hoá lí tưởng, tâm hồn, trí tuệ vốn có.
- Phê phán những quan niệm và lối sống không đẹp trong đời sống.
- Xác định phương hướng và biện pháp phấn đấu để có thể sống đẹp.
c. Đề số 3
Bài viết cần nêu được những nội dung sau:
- Có tài nghĩa là có kiến thức, kinh nghiệm năng lực,... Người có tài thì lao động có hiệu quả.
- Có đức nghĩa là có đạo đức tác phong chuẩn mực và được mọi người quý trọng.
- “Có tài mà không có đức là người vô dụng”: dù có tài nhưng hành động trái lẽ đạo đời thì càng nguy hại cho xã hội.
- “Có đức mà không có tài thì làm việc gì cũng khó”: nếu chỉ có đức mà không có tài thì việc sẽ không thành thậm chí còn gây tai hại cho nhiều người.
- Phải có tài và đức mới trở thành con người toàn diện. Phải thường xuyên rèn đức luyện tài.
d. Đề số 4
Bài viết cần nêu được những nội dung sau:
- “Khi bạn sinh ra, bạn khóc còn mọi người xung quanh bạn cười”. Bạn được sinh ra nghĩa là bắt đầu cuộc đời của một con người. Bạn khóc, đó là tiếng khóc báo hiệu sự chào đời của một cá nhân. Mọi người cười, đó là tiếng cười của niềm vui, của sự hân hoan chào đón.
- “Hãy sống são cho khi qua đời, mọi người khác còn bạn, bạn cười”. Khi bạn qua đời nghĩa là sự kết thúc cuộc đời của một con người. Mọi người khác, đó là tiếng khóc của niềm xót thương, tiếc nuối. Bạn cười, đó là tiếng cười mãn nguyện, thanh thản.
- Đây là một quan niệm sống đúng đắn và hữu ích. Khi bắt đầu một cuộc đời, mọi người chào đón bạn một cách trân trọng. Vậy, bạn hãy trân trọng họ bằng cách sống sao cho khi bạn ra đi, mọi người cũng quý trọng và tiếc thương bạn. Còn bạn, bạn cũng thấy lòng thanh thản và thấy cuộc sống thật ý nghĩa.
- Câu nói là một bài học hữu ích cho tất cả mọi người. Mọi người hãy sống theo quan niệm ấy.
e. Đề số 5
Bài viết cần nêu được những nội dung sau:
- Học vấn là những vốn kiến thức được mỗi cá nhân thu nhận được qua quá trình học tập. Quá trình học tập để tiếp thu tri thức được tiến hành bằng nhiều cách thức khác nhau, trong đó có việc đọc sách. Nghĩa là học thông qua sách vở.
- Đọc sách không phải là con đường duy nhất của học vấn. Tuy nhiên, đọc sách vẫn là một con đường quan trọng của học vấn. Đó là vì, sách là kho tàng tri thức của nhân loại về kiến thức khoa học tự nhiên và khoa học xã hội.
- Sách có một vai trò rất quan trọng trong việc học tập.
+ Sách cung cấp tri thức cho mọi người, giúp mọi người tích luỹ tri thức bằng con đường ngắn nhất. Sách vượt không gian và thời gian để gìn giữ những thành tựu khoa học cho con người,...
+ Sách còn là người bạn của mọi người, giúp mọi người tự hoàn thiện nhân cách.
- Nên có phương pháp đọc sách thật tốt. Cần phải chọn lựa sách hữu ích, phù hợp với bản thân. Hình thành thói quen đọc sách thường xuyên. Học là làm theo những sách tốt.
- Phê phán hành động thờ ơ với sách.
6, Đề số 6
Bài viết cần nêu được những nội dung sau:
- Đành rằng trong việc học, người thầy đóng một vai trò quan trọng không thể thiếu. Nhưng xét về vai trò chủ thể của con người trong mọi hoạt động học thì tự học lại đóng một vai trò rất quan trọng.
- Câu nói của nhà khoa học Đacuyn nêu lên một quan niệm đúng đắn: tự học sẽ giúp con người làm nên những gì mới hơn, thật có ý nghĩa và hữu ích hơn.
- Để trở thành một con người có khả năng tự học, con người ấy phải có hoài bão, có lí tưởng chỉ đường.
- Để có kiến thức nhất định, tất phải học và tự học. Tốt nhất là tự học ngay từ khi ngồi trên ghế nhà trường. Và học mãi.
- Phê phán những cá nhân lười học và không tự học.
2. Nghị luận về hiện tượng đời sống
a. Đề số 1
Cách 1: Bài viết cần nêu được những nội dung sau:
- Nghiện Ka-ra-ô-kê và in-tơ-nét là gì.
- Hiện trạng nghiện Ka-ra-ô-kế và in-tơ-nét trong giới trẻ hiện nay.
- Nguyên nhân nghiện ka-ra-ô-ke và in-tơ-nét của giới trẻ.
- Ka-ra-ô-kê và in-tơ-nét có nhiều công dụng hữu ích. Nhưng nghiện (hay lạm dụng) ka-ra-ô-kê và in-tơ-nét thì công dụng của chúng được khai thác theo hướng tiêu cực.
- Nghiện ka-ra-ô-kê và in-tơ-nét là thói xấu, cần phải tránh xa, lên án nó và có biện pháp phòng chống.
Cách 2: - Thế nào là “nghiện"?
+ Ham hố, say mê, điên cuồng, không có không chịu được.
+ Quên thời gian, công việc, học tập.
+ Bằng mọi giá thỏa mãn được nhu cầu.
+ Sẵn sàng vứt bỏ tất cả, hủy hoại nhân cách...
- Mặt tích cực của việc sử dụng ha-ra-ô-kê và in-tơ-nét?
+ Giải trí, giao lưu, gần gũi, thân thiện.
+ Khai thác thông tin, phục vụ học tập, công tác.
- Mặt tiêu cực của việc "nghiện" ka-ra-ô-kế và in-tơ-nét?
+ Dùng vào mục đích xấu, dễ dẫn đến các tệ nạn xã hội, vi phạm đạo đức, nhân cách pháp luật: nghiện hút, trộm cắp, cướp của, giết người, ...
+ Hủy hoại nhân cách, xa lánh mọi người, sống ích kỉ
+ Tốn kém tiền của, ảnh hưởng lớn đến người thân trong gia đình...
- Làm thế nào để dùng ba-ra-ô-kê và in-tơ-nét bổ ích và thiết thực?
+ Biết giới hạn, điểm dừng, dùng vào mục đích chính đáng: học tập, nghiên cứu,...
+ Thời đại công nghệ thông tin phát triển, mỗi chúng ta phải biết tiếp cận có mục đích, có văn hóa, đúng việc, đúng lúc, đúng chỗ...
- Tuổi trẻ hiện nay nên sử dụng ka-ra-ô-kê và in-tơ-nét như thế nào cho đúng và phù hợp với lứa tuổi, tâm lí, trình độ...
- Suy nghĩ và hành động, bài học liên hệ bản thân.
b. Đề số 2
Bài viết cần nêu được những nội dung sau:
- Thực trạng tai nạn giao thông ở Việt Nam hiện này.
- Nguyên nhân của thực trạng.
- Vấn đề tai nạn giao thông có tác động nhiều mặt trong đời sống của con người.
- Biện pháp khắc phục tình hình tai nạn giao thông hiện nay.
c. Đề số 3
Bài viết cần nêu được một số nội dung cơ bản sau:
- Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” là cuộc vận động lớn theo chủ trương của toàn Đảng, toàn dân mang nhiều ý nghĩa và tối cần thiết.
- Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh giúp mỗi người trong chúng ta hoàn thiện tài - đức, giúp cho Đảng và Nhà nước càng thêm trong sạch, vững mạnh.
- Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh bao gồm việc tiếp thu những tư tưởng đạo đức của Người và hành động cụ thể.
- Cần phải quán triệt cuộc vận động trong toàn Đảng, toàn dân. Phê phán những thái độ, hành động đi ngược lại tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh.
d. Đề số 4
- Thu nhận trẻ em cơ nhỡ, lang thang kiến sống trong các thành phố, thị trấn về những mái ấm tình thương để nuôi dạy, giúp các em ? rèn luyện vươn lên sống lành mạnh, tốt đẹp là một việc làm cao đẹp của những tấm lòng nhân ái.
- Để làm được việc đó đòi hỏi có lòng kiên nhẫn, vị tha, đức hi sinh của những tấm lòng vàng.
- Những đứa trẻ cơ nhỡ, lang thang có hoàn cảnh éo le, bất hạnh, thường có tâm trạng mặc cảm. Vì vậy, thu nhận trẻ em cơ nhỡ, lang thang kiến sống trong các thành phố, thị trấn về những mái ấm tình thương để nuôi dạy, giúp các em học tập, rèn luyện vươn lên sống lành mạnh, tốt đẹp là một việc làm đòi hỏi sự khéo léo, tế nhị, có tình yêu thương và sự hi sinh rất lớn.
- Cần phê phán thái độ ngược đãi trẻ em, thói thờ ơ ghẻ lạnh, vô cảm, vô trách nhiệm đối với những trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt trong xã hội.
- Khẳng định đây là một nghĩa cử cao đẹp, truyền thống đạo lí “thương người như thể thương thân”, “lá lành đùm lá rách”... của người Việt Nam. Mọi người hãy mở rộng vòng tay với trẻ em.
e. Đề số 5
Bài viết cần nêu được những nội dung sau:
- Ô nhiễm môi trường và thực trạng ô nhiễm môi trường.
- Nguyên nhân của tình trạng ô nhiễm môi trường ở nước ta hiện nay.
- Môi trường bị ô nhiễm có tác động xấu đến nhiều mặt đời sống của con người.
- Biện pháp góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường.
f. Đề số 6
Bài viết cần nêu được những nội dung sau:
- Bạo lực học đường và thực trạng bạo lực học đường.
- Nguyên nhân của bạo lực học đường hiện nay.
- Bạo lực học đường gây ảnh hưởng tiêu cực đến trật tự xã hội và nhất là đối với đạo đức học đường.
- Biện pháp góp phần giảm thiểu tệ nạn bạo lực học đường.