Phân tích ý nghĩa cảnh đợi tàu của hai chị em Liên trong truyện ngắn
“ Hai đứa trẻ”
Tác phẩm “Hai đứa trẻ” của Thạch Lam theo như nhận xét của Nguyễn Tuân là “Nó gợi một nỗi niềm thuộc về quá vãng, đồng thời cũng gióng lên một cái gì còn ở trong tương lai”. Điều đó được thể hiện rõ nhất trong cảnh đợi tàu của hai chị em Liên và An. Việc đợi tàu không phải là “chuyện không đâu”. Rõ ràng, nó mang rất nhiều ý nghĩa.
Việc đợi tàu đã giúp An và Liên thoát khỏi sự tẻ nhạt, nghèo khổ trong phút chốc mà hướng tới một nơi khác, một thế giới khác có ánh sáng và náo nhiệt. Giây phút tàu đi qua, cũng là khi An và Liên được thả hồn về quá khứ. Hai chữ “Hà Nội” vang lên đầy trìu mến, tiếc nuối, mong nhớ trong tâm hồn hai đứa trẻ. Việc đợi tàu như vậy không chỉ có ý nghĩa trong qua khứ, tương lai và hiện tại. Đoàn tàu thực sự đã mang đến những giây phút vui vẻ trong phút chốc dẫu chỉ là sự “vui nhờ ngóng theo” đầy tội nghiệp. Và rồi, khi đoàn tàu qua đi, họ ý thức rõ về cái nghèo cái đói, cái tẻ nhạt, quẩn quanh. Sự đối lập giữa đoàn tàu và khung cảnh phố huyện càng tô đậm hơn điều đó. Đoàn tàu thì sáng rực, lấp lánh, xa xỉ trong khi phố huyện quá đỗi nghèo nàn. Đoàn tàu càng sôi động, càng tô đậm thêm cái tẻ nhạt của cuộc sống. và cũng có thể nói rằng việc đợi tàu cũng đã thể hiện được cuộc chiến ngầm giữa Liên và An để chống lại sự đơn điệu, không màu sắc của cuộc sống. Chúng đang cố chống lại một cuộc đời vô nghĩa. Qua đó, ta có thể cảm nhận được niềm trân trọng đối với những ước mơ dù là nhỏ nhặt nhất của mỗi người. Đồng thời, với chi tiết đợi tàu, Thạch Lam đã gửi tới người đọc một thông điệp: “Hãy thức tỉnh và thay đổi để có một cuộc đời đầy ý nghĩa”.
Như vậy, bằng cách viết truyện nhẹ nhàng, tinh tế, Thạch Lam đã gửi gắm thành công nhiều thông điệp đến với người đọc. Truyện ngắn “Hai đứa trẻ” sẽ mãi mãi là tác phẩm tiêu biểu của phong cách Thạch Lam cũng như sẽ mãi mãi sâu đậm trong tiềm thức mỗi người dân Việt.
Người viết: Nguyễn Minh Hòa