Đi tàu Thống Nhất khoái cực kì! Đêm trước lên tàu ở ga Hàng Cỏ Hà Nội, rồi ngủ. Chẳng nhớ là mấy giấc, năm, mười, mười lăm, hai mươi... mở mắt ra đã thấy Thành phố Hồ Chí Minh sáng bách! Đi tàu Thống Nhất, những lúc ngủ thì được lắc như đưa võng, những lúc thức thì lại được nằm võng mà coi phim bộ. Khung cửa sổ toa tàu mở ra như màn hình tivi. Màn hình hiện lên khi thì núi cao, khi thì biển rộng. Lại có khi phim đang chiếu, màn hình bỗng phụt tắt, tối mò! Đây là lúc tàu chạy xuyên qua núi, thôi chiếu phim, chuyển qua diễn trò ảo thuật, biến ngày thành đêm! Rồi phim tàu Thống Nhất lại chiếu, màn hình cửa sổ nối rừng xanh với cát trắng, cát trắng với rừng xanh. Có những lúc phim chiếu chậm dần rồi dừng hẳn, màn hình cửa sổ tàu Thống Nhất hiện ra, cùng với những lời mời ngọt ngào, khi thì kẹo mè xửng Huế, khi thì nho Mường Mán, khi thì củ đậu Tháp Chàm... thứ gì cũng ngon, lại rẻ nữa! Những lúc cái loa trên sân ga nhắc đoàn tàu sắp sửa chuyển bánh lại càng rẻ! Đi tàu Thống Nhất, đã ngon miệng, lại vui mắt!
Hè này, bé Quậy đi những ba tàu Thống Nhất! Một tàu vào thành phố Hồ Chí Minh, một tàu ra Hà Nội. Trên đường vào, Quậy còn được xuống ga Quảng Ngãi để ghé thăm ông nội, vì thế mà nhà tàu dành cho Quây chuyền Thống Nhất thứ ba, chờ nó thăm viếng xong tiếp tục cuộc rong chơi...
Từ cửa ga Quảng Ngãi, cuộc viếng thăm bắt đầu bằng xe ôm. Cả nhà ba người chất lên một cái xe “Min Khờ” hai bánh. Bố ôm bác tài, mẹ đeo ba lô ôm bố, nó ngồi bình xăng ôm cái làn mây đựng quà. Nhìn trong làn quà thấy chai rượu chanh Hà Nội, xe chưa nổ máy, bác xế ôm đã nổ chuyện:
- Cô chú với cháu bé vào thăm ông Bảo phải không?
Mẹ Quậy như bị điện giật, đã ngồi ôm lưng bố, lại bước xuống tròn mắt hỏi:
- Ô hay! Sao bác biết?
- Đóng quân ở trên ấy chỉ có mình ông Bảo người Hà Nội. Năm ngoái tôi chở người nhà ta lên Nghĩa Hành thăm ông ấy đấy. Với lại, nhìn mặt bố con nhà này thì biết chứ gì. Một khuôn!
Thế là gặp may rồi, đường xa, đất lạ, mới trên tàu bước xuống đã có người quen. Cái xe vui chuyện cứ đi băng băng qua hết các ổ gà, ổ vịt nối nhau như chuỗi hạt trên đường núi. Thỉnh thoảng bác tài xe ôm lại nhắc Quậy: “Cô bé bình xăng, ngồi cho vững nghe cháu”. Chỉ vài lần nhắc đã tới chỗ đóng quân của ông nội. Bác tài căn dặn:
- Hơn ba tiếng nữa mới đến giờ tàu. Cứ thăm viếng thoải mái, tôi chờ ngoài này. Chẳng mấy khi từ Hà Nội vào đây với ông
Bố thuộc đường tìm ngay ra chỗ ông nội đóng quân. Bé Quậy thì đã biết đọc, nó tìm ra số nhà mình trên mộ chí, nhìn thấy hình ông nội và xướng lên như đọc bài tập đọc “Liệt sĩ Trần Quốc Bảo, một chín bốn hai, chín mươi chín A Đại Cồ Việt, Hà Nội”. Mẹ cũng đọc thành tiếng như Quậy, hai tay chắp trước ngực, nước mắt lưng tròng:
- Con là Lan, con dâu của bố, mãi hôm nay mới tới được, thật là có lỗi. Đường xa chỉ có nhang thơm, rượu nồng, chút lễ thảo...
Vào đúng lúc lễ thảo thì bác xe ôm bước vào, dắt theo lũ trẻ đang chăn trâu quanh chỗ ông nội đóng quân, mỗi đứa đặt thêm vào món lễ thảo kia chút hoa tươi: Bông trang đỏ, bông điệp vàng, bông lau trắng. Thấy thế, mẹ nói:
- Bác tài chu đáo quá!
Đông đội mà cháu - Rổi đứng nghiêm, ưỡn ngực – Tổi, cựu chiến binh, kính viếng đồng chí Trần Quốc Bảo một tiểu đội hoa!
Trong lúc bố mẹ ngồi đợi hết tuần nhang cúng ông nội thì bác xe ôm đã dẫn Quậy ra chơi với tiểu đội hoa của bác. Chị hoa bông lau đặt Quậy lên lưng trâu của mình, cho nó diễu binh một vòng quanh chỗ ông nội đóng quân, một vòng quanh cái tháp có chữ Tổ quốc ghi công... Từ nơi Tổ quốc ghi công, Quậy lại lên xe ôm, rồi lên tàu Thống Nhất. Con tàu xuyên Việt lại lắc võng và chiếu phim...